Bắc Giang: Đồng thầy Lương Thị Nguyệt góp phần giữ hồn văn hóa thờ Mẫu gắn với công tác từ thiện

Đồng thầy Lương Thị Nguyệt - Thủ nhang Quang Minh Điện, một người con mảnh đất Bắc Giang có tâm, có tài, bén duyên với tín ngưỡng thờ Mẫu.

z4574010833610-11b1ab271fff4071fd43242b3fe42bea-1691123005.jpg

Đồng thầy Lương Thị Nguyệt tham gia chương trình giao lưu văn hóa tại Hà Nội

 Văn hóa thờ Mẫu là một tín ngưỡng có từ lâu đời trong đời sống tinh thần của người dân ở Bắc Giang. Trong một lần nhân duyên, chúng tôi được trò chuyện với đồng thầy Lương Thị Nguyệt - Thủ nhang Quang Minh Điện được nghe chia sẻ về công việc đời sống hàng ngày và cái duyên đến với tín ngưỡng thờ Mẫu.

z4574009648730-b3bdc2498854e844c88d0cf5a080875b-1691123005.jpg

Đồng thầy Lương Thị Nguyệt.

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở một vùng quê nghèo, ngay từ còn nhỏ cô đã được bố mẹ rèn luyện cho đạo lý nhà Phật “Sống tốt đời, đẹp đạo, chan hòa yêu thương”. Cuộc sống nơi vùng đất thanh bình ấy đã nuôi dưỡng cô bằng tình làng nghĩa xóm, bằng hương lúa ngào ngạt. Đạo Mẫu đến với cô rất đỗi tự nhiên, cô đã biết đến văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu từ lâu nhưng khi đó chưa hiểu rõ mình là người có căn duyên với cửa Cha, cửa Mẹ. Trong suốt tuổi trẻ, ngoài khoảng thời gian phải đi học và làm việc thì cô luôn tới nghe kinh Phật, nghe hát Chầu văn và giúp các công việc trong chùa. Cô luôn tâm niệm rằng tín ngưỡng văn hóa Đạo Mẫu không phải là một nghề nghiệp để tạo thu nhập, mà là một trách nhiệm giống với việc người con giữ tròn chữ “Hiếu” với cha mẹ mình. Cô hết mực yêu quý và tin tưởng những điều mình đang hướng tới và thực hiện hàng ngày, từ đó đã giúp cô từng bước vượt qua những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.

z4574015539457-135a8b43d8cf576c9e0f37dd7d870b30-1691123083.jpg
Đồng thầy Lương Thị Nguyệt được trao Bằng chứng nhận trong lĩnh vực văn hóa thờ Mẫu

Biết ơn đấng sinh thành, cô luôn tích cực thực hành việc thiện giúp người, cô luôn mong mỏi sao mọi người hiểu và biết về đạo thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (như: trời, đất, sông nước, rừng núi..), thờ những người tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. Phật thánh tạo nên vẻ đẹp cho mình, người trần mượn bóng thánh để hầu đồng, muốn đưa nét đẹp hầu đồng thì trong lòng mình phải duy tâm. Đến với thánh Mẫu thì bản thân cần phải thật tâm. Phật ở trong tâm, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và làm việc thiện cứu dân, cứu người qua khỏi bể ải. Mẫu dạy con người phải sống hướng thiện, làm việc thiện có cái tâm trong sáng. Cô luôn hết mình để giữ gìn những nét tinh hoa của đạo Mẫu, tránh những hành vi, lối suy nghĩ làm biến chất, mai một đạo Mẫu của một số người. Có một bộ phận không nhỏ vẫn chưa thể hiểu hết được về nghi lễ này nên cô luôn mong muốn giúp cho mọi người cùng hiểu đầy đủ, hiểu đúng về đạo Mẫu. Các thanh đồng, đồng thầy cần phải “như con một nhà”, đoàn kết lại, bảo vệ và phát triển, làm sao để những nét đẹp của văn hóa thờ Mẫu được đi đúng hướng. Cô cũng mong rằng những cô đồng, cậu đồng phải sống đúng tâm đức của mình để xứng danh con của Tứ phủ. Điều mà cô luôn mong muốn là thế hệ đời sau có thể quan tâm hơn đến đạo Mẫu, để biết cội nguồn thánh thần, những con người hàng ngàn năm lịch sử đã có công gìn giữ đất nước.

z4573939697348-564d2c6f03a8d65e6687036f84e27f12-1691122758.jpg
Đồng thầy Lương Thị Nguyệt tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện

Xuất phát từ tâm hướng thiện, tín ngưỡng tâm linh đạo Mẫu, cô luôn phát huy làm tròn trách nhiệm của mình trong mọi hoạt động tốt đời, đẹp đạo. Là một đồng thầy có tâm sáng từ thiện nên bất cứ ai gặp khó khăn, cô đều giúp đỡ hết mình. Từ cuộc sống khó khăn, nhờ ơn đức Phật, nhờ ơn đạo Mẫu ban cho, đồng thầy Lương Thị Nguyệt luôn luôn tâm niệm, lấy tâm làm phúc, lấy đức làm trọng. Cố gắng giúp những người nghèo khổ, luôn luôn làm từ thiện. Mặc dù công việc bận rộn nhưng cô vẫn luôn dành một quỹ thời gian để tham gia công tác từ thiện ở quê hương và mọi miền tổ quốc. Cô Nguyệt cũng có nhiều đóng góp, ủng hộ trong các phong trào nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội, đơn giản chỉ bằng cái tâm, chia sẻ cho những người còn khó khăn hơn mình. Mọi người nhắc đến cô bằng tấm lòng cảm mến, khâm phục bởi những nghĩa cử cao đẹp, việc làm nhân ái thiết thực giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó, cùng bà con đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Với phương châm “Sống cho đi không cần nhận lại, giúp đời, giúp người là giúp chính mình".

Đó cũng chính là việc làm hành thiện mà cô luôn muốn nhắc nhở và răn dạy con cháu của mình hướng về nguồn cội, hướng về quê hương. Hơn hết là bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc, luôn tuân theo đúng chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Mong rằng những con người như đồng thầy Lương Thị Nguyệt sẽ mãi giữ ngọn lửa nhiệt huyết trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, phát huy truyền thống văn hóa vốn có, góp phần vào đa dạng bản sắc văn hóa Việt Nam.