Thanh Hóa được xem như miền đất “Địa linh nhân kiệt”, thiên nhiên hào phóng và khéo sắp đặt đã tạo cho miền đất này hội tụ đủ các địa hình sinh thái: Núi, trung du, đồng bằng và biển cả. Vùng đất thanh bình đẹp đẽ, những con người chịu thương chịu khó, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng lâu đời, phong phú và đa dạng, là khu vực chuyển tiếp, giao thoa của văn hóa Việt giữa hai vùng Bắc bộ và Trung bộ đồng hành với lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Tất cả đã hun đúc nên con người Thanh Hóa vừa mang trong mình bản sắc cội nguồn người Việt, vừa thể hiện đặc trưng riêng.
Đồng thầy Phạm Thị Nhi sinh ngày 5 tháng 3 năm 1964 tại xã Hà Châu, hiện bà là Chủ tịch Chi hội Bảo tồn và Phát huy đạo Mẫu huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Chia sẻ về cuộc đời mình cũng là một đôi dòng hoài niệm về những gì bà đã trải qua cũng như sự truân chuyên của hết thảy những thủ đền thủ điện, thanh đồng đạo quan trên cả nước. Sinh ra tại một vùng quê nghèo, tuổi thơ thầy đầy ắp kỷ niệm về những trận lũ lụt, đói kém và mất mùa. Bà đã chứng kiến biết bao cảnh đau thương, những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, những gia đình khó khăn túng thiếu, ốm đau bệnh tật mà không có tiền chạy chữa. Xuất phát từ “Tâm” và “Tấm lòng từ thiện không biết sự giàu có hay nghèo khó. Nó chỉ biết từ tình yêu và sự chia sẻ”. Với tâm nguyện ấp ủ từ lâu, ngày 27 tháng 5 bà đã hỗ trợ trên 20 suất quà và một số suất học bổng dành cho những học sinh nghèo từ mầm non tới trung học phổ thông. Bà mong muốn những việc làm của mình sẽ là nguồn động viên cho các thanh đồng trẻ và những người hành đạo khác, để họ cùng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại chính nơi họ sinh sống, tạo nên một cộng đồng bác ái, hòa thuận yêu thương, giữ tốt đời đẹp Đạo.
Bà bộc bạch: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, mình phải góp gió mới thành bão được và công tác chăm lo cho người nghèo cũng vậy, nó cần sự đồng lòng trách nhiệm của toàn xã hội. Nếu mỗi người góp một ít công sức sẽ tạo nên sức mạnh, nguồn lực to lớn, khi ấy làm việc gì cũng thành công. Tôi sẽ tiếp tục noi theo gương Bác để làm thật nhiều việc tốt giúp ích cho người, cho đời; cầu cho quốc thái dân an, ai cũng được ấm no, hạnh phúc”.
Ngoài ra bà Phạm Thị Nhi còn đồng hành cùng với nhiều cơ quan ban nghành khác chung tay góp sức giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp cơ nhỡ, cùng các em nghèo vượt khó tiêu biểu tham gia ủng hộ từ thiện và đi trao quà cùng Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam/Dioxin Việt Nam, tích cực giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh những con nhang đệ tử khó khăn.
Từ những việc làm thiết thực của mình, đồng thầy Phạm Thị Nhi đã “góp gió thành bão” trong công tác chăm lo cho người nghèo, được các cấp chính quyền biểu dương, khen thưởng; phật tử, người dân quý trọng bởi tấm lòng hữu thiện của bà.
Trên con đường làm việc thiện giúp người, dùng lòng nhân ái để tô điểm thêm trong cuộc đời, đồng thầy Phạm Thị Nhi luôn có chỗ dựa vững chắc là gia đình. Mọi người trong nhà luôn động viên tinh thần và hỗ trợ hết sức dù nhiều lúc vô cùng lo lắng cho thầy, nhất là giữa thời điểm dịch bệnh, thiên tai tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Chắc chắn rằng, trong thời gian tới, hoạt động thiện nguyện của bà sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ ủng hộ của các nhà hảo tâm và nhân rộng ra cộng đồng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống vươn lên. Đồng thầy Phạm Thị Nhi tâm sự, điều bà mong muốn nhận lại khi thực hiện các hoạt động thiện nguyện chính là nụ cười hạnh phúc của mọi người. Bà luôn cố gắng cân đối giữa công việc và thiện nguyện và công việc đạo Mẫu, sắp xếp thời gian để hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều bà tâm niệm khi làm thiện nguyện là “Sống là phải cho đi”. Đây cũng là cách để bà giáo dục con cái của mình. Bà tin, điều gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim.