Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những giá trị văn hóa có sức sống trường tồn, bền vững, có sức hút và đi vào đời sống văn hóa của người Việt. Những giá trị nhân văn trong đạo Mẫu được bảo tồn và truyền lại cho đến ngày nay. Trong đạo Mẫu luôn đề cao tính giáo dục, tính hướng thiện, luôn hướng con người biết về nguồn gốc lịch sử và hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp, no ấm, hòa bình. Giáo dục con người đến những điều thiện, điều tốt đẹp. Và một người đặc biệt mà trong hơn 40 năm qua luôn bảo vệ, gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc, luôn nhất tâm lễ bái, luôn hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mĩ đó chính là đồng thầy Phùng Văn Thành – Chi hội trưởng Chi hội Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu huyện Giao Thủy – Tỉnh Nam Định.
Nam Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, là nơi phát tích và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trên tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam. Tháng 12.2016 thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của người Việt, được UNESCO ghi danh vào danh mục “ Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Việc ghi danh lần này khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và những cá nhân, đồng thầy đã góp công bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Nghệ nhân, đồng thầy Phùng Văn Thành chia sẻ với chúng tôi về con đường đến với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu những khó khăn, vất vả của ông đã trải qua trong những năm tháng của tuổi trẻ. Những khó khăn vất vả ấy chỉ ông mới cảm nhận được rõ ràng và sâu sắc nhất. Cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó, buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi để nuôi dưỡng 05 người con ăn học. Rồi những khó khăn khi phụng sự phật Thánh, khi mà lúc đó Nhà nước chống “mê tín, dị đoan” thì đồng thầy Phùng Văn Thành làm các nghi thức rất kín đáo, tôn nghiêm tránh rình rang. Chính vì như vậy mà đến hôm nay, ông luôn tự hào về những bảo tồn di sản của bản thân ông. Chính những con người âm thầm bảo vệ giữ gìn và phát huy di sản mà ngày nay di sản vẫn được bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nhân văn, tính giáo dục truyền thống lịch sử anh hùng của dân tộc và khơi gợi tinh thần hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong giới trẻ. Theo ông thì tính giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước trong đạo Mẫu cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, để lớp trẻ để những lớp trẻ ý thức được truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, vô cùng hào hùng góp phần giúp thế hệ trẻ thể hiện bản lĩnh, sức mạnh tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Với sự thành tâm và khát vọng hướng tới cái đẹp cao cả trong tín ngưỡng đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn để vươn lên. Mọi công việc ông đều lấy chữ “Tâm” làm đầu là kim chỉ nam cho mọi việc làm, mọi hoạt động của ông. Có tâm ắt có tầm, bằng cái tâm ông đã gắn kết được mọi người, mọi miền với đời sống văn hóa tâm linh. Tâm niệm, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là một truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta gìn giữ và lưu truyền lại. Chính vì thế, ông luôn cố gắng học hỏi từ các tài liệu cổ, từ đồng anh, lính chị để cùng nhau phát huy, gìn giữ, trao truyền tín ngưỡng thờ Mẫu cho thế hệ mai sau. Qua đó, ông giúp người dân hiểu hơn, nhận thức đúng đắn về truyền thống văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc. Ông đã trao truyền cho rất nhiều con nhang, đệ tử trên khắp mọi miền Tổ Quốc về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Với phương châm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, ông đã cùng một vài thành viên ưu tú như: Trần Văn Hải, Lê Thị Hà, Trần Văn Hậu, Đỗ Văn Thanh, Nguyễn Văn Trưởng lên kế hoạch thành lập Chi hội Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu huyện Giao Thủy. Tháng 5.2021, Chi hội Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu huyện Giao Thủy được thành lập với 147 hội viên, Chi hội có nhiệm vụ tập hợp, giúp các hội viên nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Thông qua Chi hội tuyên truyền đến từng hội viên về việc chấp hành tốt đường lối, chủ chương của Đảng và Nhà nước, chung tay bảo vệ di sản, tránh các hiện tượng biến tướng của di sản, làm sao giữ gìn bảo tồn phát huy được nét đẹp của di sản. Trong 2 năm qua dưới sự lãnh đạo dẫn dắt của đồng thầy Phùng Văn Thành Chi hội đã thu được rất nhiều kết quả trong cả hoạt động bảo tồn và hoạt động an sinh xã hội. Trong năm 2021, Chi hội đã ủng hộ quỹ phòng chống Covid của tỉnh tổng số tiền 30 triệu đồng, ủng hộ các chốt chống dịch trên địa bàn tỉnh 40 triệu đồng và trao 200 xuất quà trong chương trình Tết vì người nghèo tại địa phương… Đây là chi hội di sản đầu tiên của Nam Định được thành lập và có những hoạt động đáng được ghi nhận, định hướng trong những năm tiếp theo như đồng thấy Phùng Văn Thành chia sẻ là phát triển hội viên, tập hợp đoàn kết, phổ biến đến các hội viên trong việc gìn giữ bảo tồn nét đẹp trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, hiện nay ông và gia đình đã có cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt. 05 nguời con của ông đều được học hành đầy đủ, đỗ đạt và có công ăn việc làm ổn định. Nhận thức được cuộc sống tốt đẹp hôm nay là nhờ lộc Thánh, nên ông luôn một lòng gìn giữ bảo tồn đạo Mẫu.
Suốt những năm tháng hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ông luôn gương mẫu về việc chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, là tấm gương sáng để cho các bạn đồng, đệ tử học hỏi, tu dưỡng. Ở ông luôn sẵn tinh thần thương yêu, giúp đỡ những hoàn cảnh, những gia đình khó khăn bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Đúng với tinh thần của những con người là con của Mẫu luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Luôn hướng con cháu, con nhang đệ tử làm điều thiện, điều lành. Với trái tim nhân hậu, tấm lòng nhân ái cùng những đóng góp trong việc bảo tồn phát huy di sản ông đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen ghi nhận những cống hiến của ông và nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam và Hội chữ thập đỏ tỉnh Nam Định, UBND tỉnh Nam Định trong các phong trào an sinh xã hội.