Trở lại với cao nguyên Đồng Văn lần này chúng tôi vẫn không khỏi như những đứa trẻ bị lạc vào miền cổ tích cùng những choáng ngợp thú vị về đá và những vẻ đẹp thơ mộng mang theo bao sắc màu huyền thoại trên đá. Hà Giang ơi sao mà yêu đến thế!
Đi dọc sơn nguyên với hơn 2350 km², ở trên độ cao trung bình từ 1000 m đến 1600 m so với mực nước biển, qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, chúng ta thật khó tin và cũng không thể hình dung được nơi tột cùng cực Bắc lại mênh mông, lởm chởm những đá tai mèo này trước đây lại là đáy của đại dương. Nhưng đó là sự thực. Những minh chứng Tay cuộn, San hô vách, Bọ ba thuỷ, Cá cổ, Trùng lỗ, Động vật dạng rêu, Giáp xác cổ, Thực vật thuỷ sinh, Tảo cổ, Răng nón, Chân rìu, Vỏ nón, Chân bụng … hoá thạch ẩn mình trong các lớp trầm tích của di sản đá ở nơi đây mà các nhà khoa học địa chất và các nhà khảo cổ tìm thấy đã nói lên tất cả điều đó. Không còn nghi ngờ được nữa, hoá ra cách đây khoảng 600 triệu năm, cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và khu vực Đông Bắc nước ta cùng vùng nam Trung Quốc nói chung từng là một phần của đại dương mênh mông. Phần đại dương ấy từng trải qua những hoạt động kiến tạo địa chất của vỏ trái đất ở các giai đoạn phát triển từ Đại cổ sinh qua Đại trung Sinh và cuối cùng là Đại tân sinh. Người ta bảo, những chuyển động phân dị mạnh mẽ của vỏ trái đất trong quá trình kiến tạo địa chất đã chia cắt cao nguyên đá Hà Giang thành các khối tảng, thậm chí có chỗ còn tạo thành các hẻm vực chênh lệch nhau đến cả ngàn mét, chẳng hạn như hẻm Tu Sản và dòng sông Nho Quế. Quá trình tạo hóa như thế đã vô tình để lại cho chúng ta không chỉ có một cao nguyên kỳ vĩ toàn đá với đá mà còn có cả những kỳ quan tuyệt đẹp khiến người đến khắp nơi từ trong đến ngoài nước đều nắc nỏm không ngớt: Đẹp quá Hà Giang ơi!
1. Những con dốc người qua phải “nín thở”.
Nếu coi cao nguyên đá Đồng Văn là một “thiên đường đá” thì cổng trời Quản Bạ chính là cánh cửa đầu tiên đưa bàn chân của du khách bước vào chốn thiên đường này. Cổng trời Quản Bạ nằm trên độ cao 1500 m so với mực nước biển và cách thanh phố Hà Giang khoảng chừng hơn 40 km về phía Bắc. Trước đây, nhà văn Ngôn Vĩnh có kể đường lên cổng trời “rộng chỉ đủ một hàng ngựa đi, ngoằn nghèo như con rắn, trườn dần từ đỉnh núi xuống hõm Cắn Tỷ. Một bên đường là vách đá dựng thành vại, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Những con ngựa đi qua trượt chân ngã, chết còn để lại những bộ xương khô khốc” (Ngôn Vĩnh, “Bên kia cổng trời”). Quả là nghe đã thấy sợ. Còn bây giờ đường lên cổng trời từ thành phố Hà Giang đã dễ dàng hơn và rất trữ tình. Xe chúng tôi bon bon trên con đường thảm nhựa êm như ru để rời khỏi thành phố trong sự háo hức của tất cả mọi người. Song hành với con đường của chúng tôi có chỗ là dòng sông Nậm Điêng với dòng nước trong xanh hiền hòa nhìn rất dễ chịu; có chỗ lại cắt ngang thung lũng với những bản làng bình yên, thơ mộng; có chỗ lại uốn lượn quanh co giữa hai sườn núi sừng sững. Đường lên cổng trời Quản Bạ có những hôm mây mù tạo cho ta những cảm giác rất thú vị. Dọc đường xe chạy, nhìn xuống sườn núi có chỗ mây trắng bồng bềnh tựa như dòng sông; có chỗ thấp thoáng trong mây bên những sườn núi hay vạt đồi là những mái nhà đơn sơ nhìn rất mộng mơ. Càng lên cao con đường càng dốc, càng khúc khuỷu. Núi càng cao thì vực càng thẳm. Lên cao bao nhiêu thì cổng trời gần bấy nhiêu. Cũng bởi độ cao chênh lệch, áp xuất không khí thay đổi đột ngột mà ai đấy đều bắt đầu ù tai. Nhưng có lẽ lên càng cao thì những cảnh đẹp ngoạn mục của vùng cao cực Bắc với lởm chởm núi đá tai mèo nhọn hoắt như lưỡi lê, lưỡi mác tua tủa đâm lên trời xanh như một bữa tiệc thị giác đang bày ra trước mắt chúng tôi với những “thực đơn” rất mới khiến mọi người đều háo hức đợi chờ mà quên đi những mỏi mệt của dặm đường chinh phục núi cao rừng thẳm.
Mở đầu hành trình cao nguyên đá là vượt dốc Bắc Sum. Tôi đã từng nghe người ta nói “Dốc Bắc Sum, hùm Cắn Tỷ, phỉ Đồng Văn”. Nhưng đó là xưa thôi. Bây giờ cao nguyên đá đã khác. Con đường Bắc Sum trước kia nay đã được mở rộng và thảm nhựa rộng ra gấp nhiều lần thời thổ phỉ. Và con dốc Bắc Sum dài 7 km, được coi là “cây cầu” nối xã Minh Tân (Vị Xuyên) với xã Quyết Tiến (Quản Bạ). Do phải vượt núi cao nên đoạn đường Bắc Sum được kiến tạo tựa như con mãng xà đang khe khẽ trườn mình bên những triền núi tai mèo để làm thành một đường cong uốn lượn mềm mại nhìn rất bắt mắt. Tuy thế trên con dốc ấy không phải lúc nào cũng là đường cong mềm mại một cách hoàn hảo để cho người ta phiêu. Có những chỗ dốc Bắc Sum đổ liên liếp với những khúc cua, nhất là khúc cua hình chữ M. Đây là khúc cua rất hiểm trở trên vách núi sừng sững tựa như một thử thách thứ nhất để thăm dò bản lĩnh của người qua trên hành trình chinh phục Mã Pí Lèng. Dường như tạo hóa chẳng để cho chúng ta thưởng thức những vẻ đẹp thơ mộng, hùng vĩ một cách dễ dàng. Du khách muốn được thưởng thức cái tiết trời se lạnh giữa mùa hè; muốn ngắm đôi gò bồng đảo của cô tiên hay đến thăm được cổng trời thì không còn cách nào khác là phải lên dốc rồi lại đổ đèo qua chín khúc cua quanh co, vòng vèo, liên tiếp giống như cảnh tả vượt đèo trong một bài thơ xưa: “Một đèo một đèo lại một đèo/ Khen ai khéo tạo cảnh cheo leo”. Có lẽ cũng bởi cái sự ngoằn ngoèo, vòng vo, hiểm trở ấy mà người ta hay ví dốc Bắc Sum với dốc Pha Đin (Sơn La), một trong tứ đại đỉnh đèo ở miền Bắc. Ngẫm ra, cái gì cũng có giá của nó. Vượt qua được thử thách đầu tiên, quên đi những sợ hãi, chúng ta sẽ được mãn nhãn với những sắc màu của cây lá và cảnh vật kỳ tú nên thơ của núi non dọc hai bên đường. Càng lên cao tầm mắt càng được mở rộng. Những ngọn đồi tròn vo rải rác với những nếp nhà cùng những thửa ruộng bậc thang hay những lối mòn đất đỏ dẫn nẻo vào trong bản xa xen lẫn những triền núi đá đen xám thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây trời lãng đãng hoặc giữa màn khói sương mờ mờ ảo ảo khiến lòng người không khỏi nao nao thương nhớ.
Thứ hai là dốc Chín Khoanh. Thực chất con dốc này vẫn là một phần của dốc Bắc Sum, nằm cheo leo giữa sườn núi, nối Phố Cáo với Sủng Là. Có thể nói, trong ba con dốc trên quốc lộ 4C có lẽ dốc Chín Khoanh là đẹp nhất nhưng cũng hiểm trở nhất. Đi qua Chín Khoanh đã có không ít tay lái phải “thót tim”, “nín thở” bởi những khúc cua tay áo, những khúc cua hình chữ U gần nhau, liên tiếp như chính tên gọi của nó. Bởi thế nên dân phượt còn gọi dốc Chín Khoanh là dốc “Thẩm Xế” (thẩm định tài năng và bản lính của các tay lái). Trên hành trình của đoạn đường Chín Khoanh ta sẽ nhìn thấy vẻ đẹp không phải chỉ của các bản làng vùng cao mà còn thấy được sự hùng vĩ của núi rùng trùng trùng điệp điệp; đặc biệt là vẻ đẹp của những thửa rộng bậc thang buông mình trên các triền núi cao, của những cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn, mênh mông dưới thung, trên đồi. Khi xưa khi giao thông chưa phát triển, đường xá núi đồi đi lại vô cùng khó khăn, nhất là năm khúc cua tay áo rất nguy hiểm ấy nên đối với người dân có việc phải đi qua đây thì khổ ngang một cực hình. Chẳng thế người trên cao nguyên đá gọi con dốc này là nơi ngựa đi chùn bước, người qua nhức chân. Đặc biệt là người ta còn rỉ tai nhau rằng, nếu cặp đôi nào đi chợ phố Cáo về mà leo hết chín khoanh dốc thì tình yêu sẽ kết trái, nên vợ nên chồng, sống cùng nhau đến đầu bạc răng long. Chẳng biết thực hư của tin đồn đó ra sao nhưng bây giờ có khá nhiều cặp đôi đưa nhau đến con dốc này để chụp ảnh cưới. Có lẽ các cặp uyên ương đó đến chụp ảnh ở con dốc này một phần vì cảnh vật núi non hùng vĩ thơ mộng nhưng phần khác, quan trọng hơn, hẳn là phải có một niềm tin tâm linh mãnh liệt, núi cao vực thẳm chứng giám, linh khí đất trời phù hộ, trợ giúp như câu chuyện lưu truyền bao đời để lại.
Cuối cùng là dốc Thẩm Mã. Đây là đoạn đường cong tuyệt đẹp kéo dài từ xã Vần Chải đến xã Lũng Thầu. Cung đường dốc này cũng khá nguy hiểm bởi có nhiều khúc cua tay áo và cheo leo, chênh vênh bên vách núi. Trên hành trình vượt dốc người ta dễ có cái cảm giác núi cao có thể ụp xuống bất kỳ lúc nào bởi chín khúc cua quanh co như thể uốn lượn giữa hai bức tường đá (dấu tích của một đứt gãy trong quá trình kiến tạo địa chất) hoặc không dám ra gần phần mép đường phía bên ngoài vì sợ rơi xuống vực sâu thăm thẳm hàng ngàn thước. So với Bắc Sum và Chín Khoanh, dốc Thẩm Mã ngắn hơn, dài khoảng 5 km nhưng độ gian lan, nguy hiểm thì có thể xếp vào hàng thứ hai (sau dốc Chín Khoanh) do ở trên độ cao 1500 m so với mực nước biển nên độ dốc khá cao. Người ta bảo rằng đây là con dốc thử ngựa. Xưa, người vùng cao nguyên đá cho ngựa thồ hàng từ chân dốc lên đỉnh dốc, nếu lên đến đỉnh con nào vẫn khỏe thì giữ lại nuôi, còn con nào yếu, thở không ra hơi thì đem làm thịt. Tuy khó đi nhưng khám phá con dốc này ta sẽ có rất nhiều cảm xúc thú vị bởi thị giác bị đánh lừa do những vách đá ảo, tưởng gần nhưng lại rất xa. Đặc biệt, khi lên đến đỉnh dốc, du khách được chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh của một vùng cao nguyên đá vô cùng hấp dẫn và quyến rũ với hình ảnh một con đường độc đạo mềm mại, quanh co uốn lượn như dải lụa vắt ngang lưng núi giữa bao la cỏ cây xanh biếc; những đỉnh núi trập trùng, tua tủa những đá tai mèo nhọn hoắt như hàng ngàn mũi chông, mũi mác giương lên trời cao, ẩn hiện trong màn sương mờ trắng đục tựa chiếc khăn voan lững lỡ quấn quanh; những ngôi nhà trình tường thấp thoáng phía đằng xa bên bờ rào đá cùng những hốc đá thổ canh độc đáo chỉ thấy ở vùng núi cao - những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào H’Mông trên cao nguyên đá: cho đất vào các hốc đá tai mèo để trồng ngô, đậu, rau …
Có thể nói hành trình trên con đường 4C, từ thành phố Hà Giang lên đến phố cổ Đồng Văn có thể coi là một trong những cung đường có nhiều dốc núi quanh co hiểm trở vào loại bậc nhất ở Việt Nam. Mỗi khi vượt dốc, đứng từ trên cao nhìn xuống, chúng ta thấy những đoạn đường đã qua hiện lên giống như một dải lụa mềm mại vắt giữa mây trời tạo nên những khung hình tuyệt đẹp, khéo dễ đốn tim người qua. Và đó cũng là thiên đường của những phượt thủ, của những người thích xê dịch hay đam mê du lịch. Nhưng đấy cũng là cung đường không dành cho những người nhút nhát, yếu “tim”, sợ mạo hiểm.
2. Quản Bạ, một vẻ đẹp thơ mộng nơi cổng trời
Chúng tôi trở lại cao nguyên đá khi trời đương vãn xuân, đang trong tiết tháng Ba, cây trên núi khắp nơi đang phủ một màu xanh rợp. Ở trên độ cao khoảng chừng 1500 m, cổng trời Quản Bạ hiện lên trong màn sương như một bức tranh thủy mặc đẹp đến sững sờ. Khi mặt trời lên, màn sương mờ ảo dần tan, từ đài vọng cảnh nhìn ngược về hướng Minh Tân, đoạn đường vừa qua như một dải lụa mặc sức phiêu bồng trong gió, quấn vòng vo trên sườn núi một cách rất tự nhiên chứ không phải là nét vẽ theo những quy luật nào đó. Nhìn về hướng Tam Sơn, một thị trấn vùng cao khá hiện đại, xinh đẹp, bình yên với những ngôi nhà cao tầng san sát trông có vẻ khá sầm uất cùng đôi gò bồng đảo (Núi Đôi) căng tràn nhựa sống mà tạo hóa tặng riêng cho vùng đất này hiện lên trong tầm mắt đẹp đến mê hồn. Cổng trời bây giờ không còn là “bức thành đá dày chắn ngang đường, hai bên tựa vào vách núi đá, chỉ để chừa một khuôn cửa đủ người ngựa lọt qua. Cánh cửa gỗ lim dầy chằn chặn, đen bóng, đóng kín. Hai bên là những lỗ châu mai, như những con mắt đen bí hiểm nhìn ra phía trước” (Ngôn Vĩnh, “Bên kia cổng trời”) của người Pháp dựng lên để lập thành một thế giới riêng biệt của người H’Mông (khu tự trị của người Mèo). Cổng trời bây giờ đã trở thành một điểm dừng chân cho các đoàn du lịch, cho các tay phượt nghỉ ngơi ngắm cảnh thiên đường nơi mặt đất sau một hành trình vượt con dốc Bắc Sum đầy hiểm trở bởi những khúc cua đứng tim. Người ta gọi điểm dừng chân này là cổng trời vì đến nơi đây ta có cảm giác đầu đã chạm trời và chân đang bước đi trên mây. Và kể từ đây chúng ta thực sự bước vào một thiên đường khác: thiên đường của đá.
Ngắm nhìn đất trời Quản Bạ từ cổng trời có lẽ không bao giờ chán và cũng chẳng thấy mỏi mắt. Từ điểm quan sát trên vọng sơn đài, trừ khi trời mưa và trong đêm đen mịt mùng, cảnh vật của cả vùng núi đồi bát ngát xanh tươi lúc nào cũng hiện lên trong khuôn hình rất đẹp. Xa xa, thấp thoáng trong mây bảng lảng hiện ra những rừng lá kim với những hàng thông hay sa mộc thẳng tắp, cành lá vươn thẳng lên trời xanh. Những chiếc lá hình cây kim tựa như những mũi tên của Hậu Nghệ bắn rụng lớp sương bay mờ ảo để đón những tia nắng ấm áp; xua đi bao giá lạnh, u ám trên vùng núi cao. Hàng hàng sa mộc cao vút lưng trời, nhấp nhô như sóng lượn theo những triền đồi cũng có khi được bồng bềnh trong mây, thoắt ẩn thoắt hiện tựa như những con sóng xô bờ bên những đồi thông vi vu trong gió. Sa Mộc ở Quản Bạ xanh rợp quanh năm. Cái sắc màu xanh ấy như thể đang trang điểm cho vùng viễn xứ cực Bắc để thêm phần thơ mộng; tạo thành một sức hút mãnh liệt khiến bao người phải rạo rực, thổn thức mà thôi thúc những bàn chân nhất định phải tìm về chiêm ngưỡng.
Vẻ đẹp thơ mộng mang bản sắc vùng cao cực Bắc ở Quản Bạ không thể không kể đến kỳ quan ruộng bậc thang. Dường như núi càng trồng núi, đồi càng tiếp đồi thì những thửa ruộng bậc thang càng thêm thơ mộng. Nhìn xuống Tam Sơn, Thái An, Quyết Tiến, Cán Tỷ, Bát Đại Sơn … mênh mông một màu xanh mướt của mùa lúa mới hoặc vàng rực óng ả khi mùa lúa chín về trên những thửa ruộng bậc thang xếp thành từng tầng từng lớp trên sườn đồi sườn núi như những bậc cầu thang vươn lên trời cao hoặc uốn lượn xoáy hình trôn ốc khiến người xem mê mẩn quên cả lối về. Cái đẹp của ruộng bậc thang cũng thay đổi theo mùa. Mỗi mùa mang một vẻ đẹp khác nhau. Mùa lúa thì đã vậy. Khi lúa gặt xong rồi, không có màu xanh của lúa thì con gái, chẳng còn rực rỡ, óng ả của màu lúa chín vàng, ruộng bậc thang lại óng ánh trong mùa nước đổ. Khió ấy, mặt ruộng như những tấm gương soi, long lanh phản chiếu ánh mặt trời. Có lẽ trời phú cho Quản Bạ cái khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm cho nên cảnh vật lúc nào cũng xanh tươi mơn mởn và mộng mơ chẳng khác nào một nàng công chúa giữa độ xuân thì còn đang ngái ngủ trong buổi sớm mai, khi đất trời còn chưa thức giấc. Quản Bạ là thế. Có lên cổng trời ngắm cảnh ta mới hiểu hết câu nói của người vùng cao cực Bắc: lên Hà Giang mà chưa đến cổng trời Quản Bạ thì coi như chưa đến Hà Giang.
3. Yên Minh, “Đà Lạt” nơi cực Bắc hay trời Âu
Lần trước lên Lũng Cú, khi qua Yên Minh tôi đã từng ngỡ ngàng như bị lạc vào cung đèo Prenn ở cửa ngõ của thành phố Đà Lạt bởi những rừng thông ở Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải. Hà Giang thật tuyệt! Quốc lộ 4C đi qua nơi nào thì nơi ấy đều làm cho du khách không khỏi vấn vương về một điều gì đó. Với Yên Minh đó là rừng thông bao la và những thảm cỏ tựa như thảo nguyên xanh tươi trải khắp núi đồi.
Hình như tạo hóa ưu ái riêng cho Yên Minh về thổ nhưỡng và khí hậu ôn đới nên rừng thông và những thảm cỏ ở đây rất phát triển và làm thành một tiểu vùng thiên nhiên vừa hoang sơ, bình dị vừa lãng mạn, diệu kỳ. Rừng thông Yên Minh bạt ngàn, mênh mông mọc giữa lưng trời, tràn trong khắp thung sâu, chạy dài hàng vài chục cây số. Lạc bước vào rừng thông Yên Minh ta cứ ngỡ như mình đang ở trên cao nguyên Langbiang hay như được ngắm nhìn một bức tranh sơn dầu về rừng thông ở giữa trời Âu. Cũng không khí trong lành, mát mẻ khiến tâm hồn thư thái; cũng yên tĩnh, mơ màng, không ồn ào, khói bụi làm cho khó chịu.
Thông Yên Minh ngút ngàn, ngửa mặt nhìn mỏi cổ chưa hết ngọn. Dưới những gốc thông cỏ non xanh rợn, trải rộng mênh mang, nghiêng nghiêng theo sườn núi hoặc triền đồi và thấp thoáng bên trong rừng sâu ẩn hiện những nếp nhà trình tường đơn sơ của đồng bào bản địa. Cảnh vật cứ hư hư ảo ảo huyền diệu như thế bảo sao không gợi lên cái chất hoang dã và du mục. Chẳng hiểu sao, đi trong rừng thông và ngắm nhìn khung cảnh huyền ảo cổ tích như vậy tôi lại nhớ đến tên gọi của một bộ phim đã từng được xem trên màn ảnh nhỏ của một thời xa lắc - “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của đạo diễn Michael Landon.
Dạo bước dưới rừng thông theo những lối mòn đất đỏ hay trên những thảm cỏ xanh tươi vào buổi sớm mai, khi màn sương hãy còn giăng giăng chắn lối hoặc buổi chiều hôm trong ánh hoàng hôn óng ả, êm đềm; trong cái lạnh se se, bất giác ta chợt nhớ tới những khúc ca của Minh Kỳ - Dạ Cầm hoặc Lam Phương. Khi ấy sao bỗng thèm nghe đến vậy để rồi không khỏi phải nhấn nhá mấy câu ca “Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông/ Hàng cây thẫm màu đèn lên phố phường/ Giờ đây hơi sương giá buốt biết ai thương bước cô liêu/ Một người đi trong sương rơi…” (Đà Lạt hoàng hôn); “Thông reo vi vu than thở như ngậm ngùi/ Lữ khách bâng khuâng thương nhớ vô vàn …” (Thương về miền đất lạnh) hay “Thành phố nào vừa đi đã mỏi/ Đường quanh co quyện gốc thông già/ Chiều đan tay nghe nắng chan hoà/ Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em/ Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn…” (Thành phố buồn). Phải chăng tiết trời mát lạnh, rừng thông mộng mơ và hương thơm dịu nhẹ của núi đồi, thảo nguyên đã gọi về trong ta cái ngọt ngào của một bàn tay ấm. Cứ thế đi giữa ngàn cây, thỏa sức hít thở bầu khí trong lành, thoáng đãng; đôi tai mặc sức lắng nghe vi vu trong gió những tiếng nhạc thông reo mà cứ ngỡ mình đang ở chốn bồng lai. Chưa hết, khi mặt trời lên cao, muôn ngàn tia nắng chiếu xiên qua các tán lá, thân cành của rừng thông tạo nên những đường ray ánh sáng vàng ươm ong ả khiến khung cảnh trở nên vô vùng kỳ diệu. Hoặc lúc chiều buông, ánh hoàng hôn như thể còn vương trên những tán lá làm cảnh rừng trở nên thanh bình, nhẹ nhàng đến lạ kỳ, đẹp đến mê hồn.
Đến với rừng thông ở Yên Minh ta bắt gặp một bầu trời sắc hương. Đó là một màu xanh ngút ngàn với nhiều cung bậc sắc thái khác nhau của trời đất cỏ cây: có màu xanh thẫm của lá thông, có màu xanh mượt của thảo nguyên, có màu xanh ngắt của da trời, có màu xanh biếc của cây dại, có màu xanh xám của núi đá tai mèo … hòa cùng hương thơm dịu dàng của nhựa thông non và hoa dại thoang thoảng loang theo trong gió. Đất trời lúc nào cũng vậy bảo sao Yên Minh không quyến rũ đến điên đảo.
Yên Minh như thế thì chẳng thể nào ngăn cản được người ta đến đây để sống ảo.
4. Phó Bảng, nét xưa còn lại chốn này
Phó Bảng có thời khá sôi động bởi nơi đây là trung tâm hành chính của huyện Đồng Văn. Sau này người ta chuyển trung tâm hành chính của huyện về thị trấn Đồng Văn nên mọi hoạt động ở Phó Bảng không còn sôi động mà trở nên chậm rãi. Người ta ít đến Phó Bảng hơn. Thị trấn phồn hoa một thời gần như bị chìm vào quên lãng và dần trở thành cổ trấn heo hút nơi biên ải. Nhưng rồi một ngày tam giác mạch bung hoa, tiềm năng du lịch của cả một vùng cao nguyên đá được đánh thức thì cái vẻ đìu hiu, chậm chạp và có phần buồn tẻ của cổ trấn lại làm nao lòng những người thích hoài cổ.
Phó Bảng, một thị trấn bé nhỏ, xinh xắn, nép mình sau những rặng núi đá cao chót vót, nằm sâu trong thung lũng đá tai mèo lởm chởm của cao nguyên Đồng Văn. Nơi đây có khoảng dăm chục nóc nhà, chủ yếu với những ngôi nhà giản dị, cổ kính của người bản địa xen lẫn với những ngôi nhà mới xây bằng gạch phủ mái tôn hoặc ngói Fibro xi măng theo kiểu hiện đại. Sinh sống ở thị trấn biên viễn này chủ yếu là người H’Mông và người Hoa. Bởi thế kiến trúc nhà cửa ở đây có sự pha trộn kiểu nhà truyền thống của các tộc người.
Người ta bảo cổ trấn Phó Bảng là nơi thời gian ngừng trôi, thị trấn bị lãng quên hoặc nàng công chúa ngủ quên trên cao nguyên đá … Có lẽ đúng. Có đến Phó Bảng ta mới cảm nhận hết được cái trầm buồn, lặng lẽ bởi nhịp sống đều đều, chậm rãi của đất và người ở đây. Những ngôi nhà lợp ngói âm dương rêu phong cùng những bức tường giản dị trình bằng đất đã xanh rêu, nứt nẻ hoặc ố vàng, nâu đỏ ngả màu năm tháng. Tất cả những dáng nét ấy hiện lên và cứ thế gọi về trong ta biết bao cảm xúc hoài niệm về một thời xưa cũ đã qua.
Khác với Đồng Văn, cổ trấn Phó Bảng chưa bị “phố hóa” nhiều (đến mức làm thay đổi diện mạo) mà vẫn còn lưu giữ được trong mình rất nhiều thứ xưa cũ. Những ngôi nhà cổ kính thấp bé treo đèn lồng đỏ với cái cổng gỗ cũ kỹ, giàn ngô treo hiên nhà, giàn gỗ gác trước cửa, tường dán câu đối đỏ chữ Hán treo hai bên lối cửa ra vào … cùng hình ảnh cụ ông ngồi lặng lẽ bên ấm trà hay cảnh cô gái đang cần mẫn bên chiếc khung dệt, se lanh, thêu thùa … đâu chỉ gợi nên cái hưu quạnh, tĩnh tại, buồn tẻ mà còn gợi lên trong lòng người qua về một cuộc sống yên tĩnh, bình dị, đơn sơ của con người nơi đây từ hàng trăm năm trước.
Đến Phó Bảng ta như gặp lại cái nét xưa của nơi này ở cả trong những hành động và tâm tính của con người nơi đây. Dường như hành động, tâm tính của con người Phó Bảng không bị cuốn theo những trào lưu phát triển của xã hội thời hiện đại. Họ vẫn giữa nguyên cái lối sống chất phác, hiền lành, lặng lẽ, ít nói, có vẻ thu mình nhưng rất tốt bụng và hiếu khách. Nếu chẳng tin thì ai đó cứ thử lán lại ở cổ trấn để trò chuyện với những người bản địa mà xem. Tôi tin rằng những người đồng bào sẽ mời bạn vào nhà dùng trà, thậm chí còn được mời rượu hoặc cho ngủ qua đêm mà không mất phí.
Phó Bảng là vậy. Cái sắc màu cổ kính, giản dị, chất phác, hồn hậu chưa bị mai một, đổi thay ấy đã tạo nên sự quyến rũ và níu bước chân người. Hình như những điều ấy đã làm cho cổ trấn vùng biên thùy viễn xứ này trở thành một nơi ước đến, chốn mong về của không ít người ở chốn phồn hoa nơi thị thành trước cảnh cả xã hội đang quay cuồng trong nhịp sống hối hả, gấp gáp, xô bồ, bon chen, thực dụng và cả lừa lọc.
5. Sủng Là, thung lũng gây thương nhớ
Thung lũng Sủng Là nằm dưới những vách đá tai mèo, ngay bên đường quốc lộ 4C, nối thị trấn Yên Minh với trung tâm cao nguyên đá Đồng Văn. Sủng Là mang trong mình cái đẹp của một miền cổ tích ở nơi địa đầu Tổ quốc. Ở đó không chỉ có cái đẹp của núi non hùng vĩ bao quanh với mây bay quấn quện đêm ngày mà còn có vẻ đẹp thô mộc, không tuổi bởi những nóc nhà trình tường của người H’Mông lặng yên sau những bờ rào đá với những thiếu nữ bên những khung cửi sặc sỡ sắc màu và cả những tiếng khèn, tiếng đàn môi vang vọng vi vu vào vách núi như tiếng chim hót trong rừng vắng khi trầm lúc bổng như thể đang thủ thỉ, rủ rỉ tâm tình đầy yêu thương, da diết, trìu mến…
Người ta bảo Sủng Là mùa nào cũng đẹp, lúc nào cũng gây thương nhớ cho người ghé qua bởi màu màu xanh của cây lá, màu hồng tím biếc của hoa tam giác mạch, màu vàng của hoa cải; đặc biệt là sắc màu óng ánh như tơ của nắng sớm tràn từ núi xuống, vượt qua rào đá dệt thành tấm lưới lung linh bên những khung cửa sổ sơn xanh, sơn vàng ma mị đẹp đến nao lòng. Không hiểu thiên nhiên có biệt đãi cho Sủng La hay không mà mỗi mùa ở đây mỗi hoa, quanh năm khoe sắc. Mùa xuân có cánh đồng cải vàng miên man; có hoa đào hồng phai rực rỡ; có hoa lê, hoa mận tươi tắn, tinh khôi, trắng muốt thi nhau khoe sắc bên những bờ rào, xòa xuống hiên nhà, tưng bừng giữa vườn cây khiến những mái ngói âm dương trở nên thấp thoáng, ẩn hiện trong những sắc hoa. Mùa hè ở Sủng Là như bị bỏ quên, nhiệt độ xuống thấp hàng chục độ so với các nơi khác nên không có cái nóng oi ả. Cũng bởi cái khí hậu như vùng ôn đới ấy mà khắp núi đồi, ruộng nương nơi đây ngập tràn một màu xanh của lá ngô, đặc biệt là phảng phất hương thơm của những “vựa” hoa hồng theo gió thoảng về làm cho đất trời nơi đây tràn trề nhựa sống, đượm đà sắc hương. Không những vậy trên những thửa rộng bậc thang treo giữa lưng trời cũng lấp loáng mùa nước đổ như tấm gương phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Thu sang, Sủng Là như thiếu nữ bước vào xuân. Cả miền đá xám bắt đầu lác đác trong sắc hồng tím nhạt của muôn cánh hoa tam giác mạch bé li ti. Cứ thế, mê mải với những ruộng hoa vừa như phóng khoáng, man dại vừa rất mơ mộng, trữ tình đang trải ra bát ngát trong khắp thung sâu làm người muôn nơi rầm rập đổ về chiêm ngưỡng; khiến không ít người quên đi cái cằn cỗi của một thung lũng đá nhiều hơn đất. Khi mùa đông về những ruộng tam giác mạch thực sự bung nở rộn ràng. Thung lũng Sủng Là như một biển hoa uốn lượn mềm mại bên sườn núi. Hoa tam giác mạch mùa đông đằm thắm, hừng hực, nồng nàn như người đàn bà vừa bước vào độ mãn khai. Cùng với biển hoa tam giác mạch những ruộng cải cũng bắt đầu trổ nụ đơm hoa. Hoa cải vàng tươi cũng ngút ngát tầm mắt trong các vườn nhà, trên các triền đồi; đung đưa trong những quẩy tấu trên lưng các em bé thấp thoáng trên dọc đương đi.
Nhắc đến Sủng Là tôi lại nghĩ đến bộ phim “Chuyện của Pao”. Bộ phim từng đạt giải Cánh diều vàng năm 2006. Thành công của bộ phim có lẽ có công không nhỏ của phim trường Sủng Là. Và cũng chính thành công của bộ phim mà rất nhiều người biết đến Sủng Là, kéo nhau về với Sủng Là nhiều hơn. Nhà Pao bây giờ đã trở thành điểm du lịch thu hút hàng ngàn người vào mỗi dịp nghỉ lễ. Nói cách khác bộ phim đã làm cho Sủng Là bước ra khỏi bờ rào đá. “Chuyện của Pao” đã làm người ta yêu hơn cái vẻ đẹp thầm kín với những khung cảnh bình yên, trầm tư và vô cùng lãng mạn của Lũng Cẩm bên những nếp nhà mộc mạc, xưa cũ bằng móng đá tường đất cùng cả những bờ rào xám đen không cần chất kết dính, chằng chịt dây leo của cao nguyên đá (hàng rào đá); yêu những mùa hoa cải vàng óng ả và những khóm ngô xanh mướt ngoi lên từ những hốc đá; yêu thanh âm réo rắt, dậu dìu của tiếng sáo, tiếng đàn môi và cả những bộ xiêm y khó lẫn của những cô gái H’Mông có ánh mắt trong veo, ít nói, lầm lụi. Và trên tất cả, người ta đã thấu hiểu và mến yêu cái tâm hồn trong sáng, nhân ái, nhẫn nhịn, chịu khó chịu thương của những con người nơi đây dù cuộc sống còn đầy nhọc nhằn, gian khổ trên cao nguyên đá Hà Giang.
Có người đã ví Sủng Là giống như một người đàn bà đang cúi mặt lầm lụi bước trên con đường dưới nắng vàng và cơn gió hanh khô với gùi cỏ nặng trĩu đôi vai cùng hai đứa con đi sau lưng bén gót ngước những đôi mắt trong veo im lìm nhìn lữ khách. Cái sự so sánh ấy bất giác làm tôi chạnh lòng nghĩ về những phận người ở Sủng Là. Dường như nó có cái vẻ như dụt dè, quẩn quanh, nhẫn nhịn, chấp nhận và cả những bí ẩn xen lẫn cùng những bản năng tiềm tàng, chất chứa ... Phải chăng đó là những phận người quanh năm bán mặt cho đá bán lưng cho trời, sinh ra trên đá chết vùi trong đá nhưng nội tâm cũng rất dữ dội, sẵn sàng bùng lên phá cách mà đi theo tiếng gọi của con tim. Chẳng hiểu sao nhìn những con người ấy tôi lại nghĩ đến Pao, đến mẹ già của Pao.
Đúng là cảnh và người miền đá nở hoa. Sủng Là như vậy đấy. Bảo sao nơi đây cứ níu chân người đến. Bảo sao Đồng Văn mãi gây những thương nhớ khôn nguôi cho tất cả mọi người.
Cao nguyên đá Đồng Văn quả thực là đẹp. Một cái đẹp hùng vĩ của đá. Trên là trời xanh dưới là núi đá xám xanh. Đá nhiều lắm, miên man đá. Nhớ lại lần đầu đặt chân lên xứ biên ải xa xôi này, nhìn thấy đá, chúng tôi đã từng sửng sốt, ngạc nhiên và thốt lên rằng: “Đá. Cơ man nào đá. Trập trùng đá. Mênh mông đá. Muôn hình đá. Vạn dạng đá. Ngửa mặt lên, núi đá cao ngất. Nhìn trước mặt, núi đá chình ình. Ngoái lại sau lưng, vách đá chênh vênh. Ngó xuống bên dưới, vực đá thăm thẳm. Quay bên trái thấy đá. Quay bên phải cũng lại thấy đá. Đá trên đường đi. Đá ở chợ. Đá nổi giữa dòng sông. Đá dải khắp lòng suối. Rồi lại còn hang đá, động đá. Đá làm thành cánh đồng. Đá hóa thành "rừng" (rừng đá). Đá tạo thành "vườn" (vườn đá). Đá được làm tường nhà. Đá kê thành chân cột. Đá kè nên bờ rào. Chỗ nào cũng thấy đá. Ở đâu cũng thấy đá”. Dẫu đã biết thế rồi nhưng trở lại với cao nguyên Đồng Văn lần này chúng tôi vẫn không khỏi như những đứa trẻ bị lạc vào miền cổ tích cùng những choáng ngợp thú vị về đá và những vẻ đẹp thơ mộng mang theo bao sắc màu huyền thoại trên đá. Hà Giang ơi sao mà yêu đến thế!
Đồng Văn, ngày 01 tháng 5 năm 2023