Tuyên Quang - thành phố với những tán bàng đã qua mùa lá đỏ đang nhú mầm xanh từng làm nao lòng người, sao ta thấy trong lòng không khỏi bâng khuâng, lưu luyến. Thế mới hay cái sự quyến rũ, hấp dẫn đến khó tả của đất đá, sông suối, mây trời và con người của mảnh đất xứ Tuyên.
Là tỉnh nằm trên vùng Đông Bắc của tổ quốc, xứ Tuyên (Tuyên Quang) ở vào vị trí trung tâm của lưu vực sông Lô và sông Gâm. Thời Hùng Vương miền đất này từng thuộc Bộ Vũ Định của nhà nước Văn Lang. Sau này vùng đất ấy được thay đổi với nhiều tên gọi cùng những cách phân cấp hành chính khác nhau của các triều đại phong kiến Việt Nam, khi thì thuộc xứ Thái lúc lại thành lộ Quốc Oai hay châu Tuyên Quang hoặc phủ/ trấn Tuyên Hoá ... Tuy nhiên dù có thay đổi tên gọi hay phân cấp như thế nào thì trong suốt trường kỳ lịch sử vùng đất này vẫn luôn được xác định là một địa bàn chiến lược quan trọng (vùng phên dậu) để bảo vệ đất nước ở mạn biên cương phía Bắc. Đặc biệt, ở thời hiện đại, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mảnh đất Tuyên Quang còn là chứng nhân biết bao sự kiện lịch sử quan trọng quyết định sinh mệnh của công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Có thời, cùng với Thái Nguyên, Tuyên Quang được gọi là thủ đô gió ngàn với trọng trách nuôi dưỡng và bảo vệ đầu não của nhà nước cách mạng non trẻ. Năm tháng trôi qua, vùng đất của những huyền thoại nay đã phôi pha ít nhiều nhưng những dấu tích về đất và người xứ ấy vẫn vương gợi lên trong lòng người đến biết bao điều liên tưởng với các cung bậc cảm xúc khác nhau khó nói.
1. Miền cổ tích Na Hang
Cách trung tâm thành phố Tuyên Quang khoảng hơn 100 km về phía Bắc, vùng đất Na Hang hiện lên như một miền cổ tích với muôn trùng cảnh đẹp của núi rừng sông nước vừa kỳ vĩ vừa hoang sơ tựa như bức tranh thủy mạc của tạo hóa ban tặng cho cõi nhân gian. Mỗi dòng sông, ngọn thác, trái núi nơi đây đều thẫm đẫm những sắc màu huyền thoại. Thác Pắc Ban (còn gọi là thác Mơ) thơ mộng năm tầng mềm mại với dòng nước ngày đêm tung bọt trắng xóa như áng tóc trữ tình buông hờ của người thiếu nữ đổ dài trên những vách núi đá vôi trập trùng cùng muôn ngàn hoa cỏ phất phơ trong nắng mới thướt tha, kiều diễm gợi ta nhớ về chuyện tình cảm động của nàng Mơ thủa nọ băng rừng vượt núi tìm chồng đến hóa thác mới thôi. Giữa trời nước mông mênh cùng nhau hoà quện trong một màu thăm thẳm biếc xanh, chín mươi chín ngọn núi điệp điệp trùng trùng của vùng gái đẹp Thượng Lâm quần tụ với muôn hình muôn dáng in trên nền trời lồng lộng vấn vương mây trắng lại làm ta nhớ lại câu chuyện của đàn chim phượng hoàng tìm đất dựng đô năm xưa. Hay sừng sững giữa bao la sóng nước của dòng sông Gâm, bên nhà máy thuỷ điện Na Hang là núi Pắc Tạ như con chú voi khổng lồ đứng bên nậm rượu thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn sương sớm. Tương truyền trái núi chính là thân xác của con voi nghiện rượu có công lao to lớn trong việc đánh giặc. Trái núi ấy cũng đã từng được nhà vua ban phong là “Voi quận công hoá đá”. Phía dưới chân núi là đền Pắc Tạ (thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật) linh thiêng ngày đêm toả ngát khói hương. Trái núi ấy cũng đã đi vào thi ca nhạc hoạ và trở thành nguồn cảm hứng không cùng cho biết bao thế hệ văn nhân… Tất cả hư hư thực thực cứ đan cài thẩm thấu vào nhau cùng dòng nước xanh màu ngọc bích ngày đêm soi bóng những đại ngàn nguyên sinh kỳ bí khiến người xem mê mẩn như thể lạc vào chốn tiên cảnh bông lai.
Hồ Na Hang từng được mệnh danh là vịnh Hạ Long trên núi, đẹp như một bức tranh khổng lồ giữa miền sơn cước. Nghe nói, mặt nước lòng hồ rộng khoảng 8000 hétta với cao trình mực nước ước tính trên 120 mét và là nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy thủy điện Na Hang, nhà máy thủy điện có công xuất lớn thứ hai ở miền Bắc, sau nhà máy thủy điện Hòa Bình. Lòng hồ ấy chính là nơi hội tụ của sông Gâm và sông Năng, được bao quanh bởi chín mươi chín ngọn núi huyền thoại. Mặt hồ quanh năm sóng gợn lăn tăn với làn nước trong xanh như ngọc, đêm ngày soi bóng đại ngàn làm say lòng lữ khách muôn phương.
Đến Na Hang, dạo thuyền trên lòng hồ, ta sẽ được thưởng ngoạn sự khoáng đạt, thơ mộng, trong lành của non nước mênh mang, sơn thủy hữu tình, kỳ tú tinh khôi. Cảnh sắc thiên nhiên trên hồ Na Hang lúc nào cũng đẹp, mùa nào cũng đáng yêu. Nếu buổi sáng, khi ánh bình minh xua tan lớp sương mù giang mắc huyền ảo trên mặt nước bao la thì đến ban trưa, khi mặt trời đứng bóng, mặt hồ khổng lồ như một tấm gương soi phản chiếu những tia nắng rực rỡ lấp lánh, in hình vách núi cùng mây trời, cây cỏ. Và khi hoàng hôn dần buông, mặt nước màu ngọc bích như thể đang được dát vàng, dát bạc. Giữa không gian huyền ảo bao la khi ấy thi thoảng lại thấy điểm xuyết bởi dăm ba chiếc thuyền độc mộc của ngư phủ xuôi ngược hay đang lặng lẽ buông câu càng làm cho du khách không khỏi nao lòng mê mẩn. Chưa hết, dạo chơi trên lòng hồ chúng ta còn được thỏa thích ngắm nhìn muôn trùng vách núi đá vôi với các vỉa đá tầng tầng lớp lớp dưới các chân núi bị nước xâm thực hàng ngàn năm tạo thành các ngấn nước trầm mặc theo thời gian dọc bên đôi bờ một cách hoang sơ, kỳ bí xen lẫn những sắc màu xanh, trắng, vàng, cam, đỏ … của muôn loài hoa cỏ trên các vách núi đang thi nhau dâng hương thoang thoảng khắp mặt hồ.
Có lẽ, dạo chơi trên lòng hồ Na Hang chẳng ai mà lại không đến Cọc Vài, theo tiếng Tày bản địa thì Cọc Vài có nghĩa là cọc buộc trâu. Núi Cọc Vài sừng sừng như một một cột trống trời cao hàng trăm mét dựng đứng giữa hồ nước bao la. Núi ấy cũng mang trong mình huyền thoại của chàng Tài Ngao đắp đập ngăn nước giúp dân. Tương truyền núi Cọc Vài chính là cây cột mà ngày đó Tài Ngao dùng để buộc trâu mỗi khi cào đá để đắp đập. Núi Cọc Vài xanh biếc rêu phong trồi lên giữa lòng hồ, bao quanh là mặt nước trong xanh thăm thẳm nên ngày đêm soi bóng xuống mặt hồ một cách lung linh huyền ảo chẳng khác gì non xanh in trên bóng nước tựa như trên vịnh Hạ Long trên núi khiến tàu, thuyền đã đến thì phải chầm chậm khoan thai chạy vòng quanh núi không biết chán để cho du khách mặc sức ngắm nhìn, chụp hình lưu giữ những khoảnh khắc thần tiên ở chốn bồng lai nơi mảnh ruộng cuối trời.
Đến Na Hang không ít kẻ đã mê mẩn mà quên lối về, có lẽ vậy mà Bác tôi, nhạc sỹ Lê Việt Hòa, gần nửa thế kỷ trước, khi đến xứ này đã tức cảnh sinh tình mà cất lên hát rằng: “ … Ai lên Tuyên Quang vượt vòng cung Lô Gâm tới Na Hang quê em. Ai bay trên không tới miền Thượng Lâm thấy chín chín ngọn núi, đấy chính là Na Hang quê em. Na Hang quê em, rừng cây xanh xanh cảnh đẹp thần tiên Phượng Hoàng đã về đây. Em mong anh về đây anh ơi. Thương anh như chín mươi chín ngọn núi nhớ anh như núi Pác Tạ anh ơi. Anh từ miền xuôi tới đây. Cùng em xây dựng tương lai. Anh từ miền xuôi tới đây cùng em xây dựng Na Hang đẹp tươi…Na Hang quê em ….Na Hang quê ta….!”
2. “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”
Mỗi lần ngang qua thủ phủ của “miền gái đẹp”, ngắm nhìn Tây Môn của thành nhà Mạc đứng trơ trụi giữa ngã tư đường phố như một lò gạch làm nhiệm vụ của một vòng xuyến giao thông, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ đến câu thơ buồn tủi, luyến tiếc của Bà Huyện Thanh Quan về một thời vàng son rực rỡ của vương triều nhà Lê: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Dẫu biết, mình chẳng hoài cổ với nhà Mạc nhưng nhìn những đổi thay của những dấu tích lịch sử vốn từng một thời vang bóng mà không khỏi chạnh lòng. Nghe kể, thành nhà Mạc ở Tuyên Quang được xây vào cuối thế kỉ XVI và được trùng tu vào thế kỷ XIX từng được mệnh danh là một “pháo đài thép” bên bờ Lô giang (con sông từng là mồ chôn tàu chiến Pháp và là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Văn Cao sáng tác bài “Trường ca sông Lô” nổi tiếng). Theo sử sách còn lưu, thành nhà Mạc được làm theo hình vuông, mỗi cạnh dài 275m, cao 3,5m và dày 0,8m. Ở giữa mỗi mặt thành có một vành bán nguyệt, giữa vành bán nguyệt đó là cửa, trên cửa xây tháp, mái ngói. Trong tường có một con đường nhỏ xung quanh dùng làm đường tiếp đạn lên thành. Bao bọc tường thành là một lớp hào sâu ngập nước. Thành được xây dựng với mục đích vừa làm nơi chỉ huy vừa làm đài quan sát, xung quanh thành còn có một số đồn ngoại vi. Đến khi trùng tu, triều đình nhà Nguyễn đã cho thiết kế lại cho phù hợp với chức năng vừa quân sự vừa hành chính nhưng vẫn kế thừa triệt để các đặc điểm về hình dáng, vị trí, cấu tạo của thành cũ. Nhà Nguyễn rất coi trọng thành này. Coi nó như một toà thành trấn giữ mạn Bắc, che chắn cho kinh thành Thăng Long. Bằng chứng là tấm bia đá của thành còn lưu lại câu thơ: “An biên viễn ưu kim ngọc/ Tuyên thành vạn cổ án Thăng Long” Tạm dịch là: “An biên xa xôi nhiều vàng ngọc/ Thành Tuyên vạn thuở chắn Thăng Long”. Toà thành cũng là chứng nhân của không ít những trận binh lửa hay các sự kiện lịch sử hào hùng của mảnh đất Tuyên Quang. Đó là những trận giao tranh ác liệt của hai vương triều Lê – Mạc; năm 1884, tại đây, đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Cao Lan, Dao ... đã anh dũng đứng lên chiếu đấu với bọn xâm lược Pháp; hồi tháng 8 năm 1945, đây cũng là nơi diễn ra những ngày khởi nghĩa sục sôi với khí thế vũ bão lịch sử buộc phát xít Nhật phải đầu hàng; sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đây cũng là nơi đặt làm trạm trao trả tù binh Pháp; và đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang khi Người trở lại sau sáu năm rời thủ đô gió ngàn về tiếp quản Hà Nội.
Thành Tuyên Quang ấy cũng là một trong số ít toà thành còn lại trong cả nước, một di tích thành luỹ giai đoạn nửa cuối thế kỷ thứ XVI được xác định là di tích kiến trúc nghệ thuật và cũng đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia, năm 1991. Chớp nhoáng, theo dòng thời gian, cổng thành gạch đỏ rêu phong; tường thành nứt toác; cây dại và rễ si bao quanh, uốn lượn cùng những dấu tích của binh lửa một thời xen lẫn gió vùi mưa dập của dâu bể trần ai nay đã không còn nữa. Bây giờ cổng thành mới đã được dựng lên nhưng cô đơn giữa ngã tư đường phố. Chỗ ấy đâu còn là nơi tìm đến của những cặp đôi trong những tấm ảnh cưới hay là nguồn cảm hứng bất tận cho những người mê vẽ. Đứng lặng bên đường, ngắm nhìn cái cổng thành mới kia đã có không ít người luyến tiếc mà kêu lên rằng: cái “pháo đài thép” của cha ông một thủa bên bờ sông Lô đã không còn nữa, nó “thất thủ” vĩnh viễn mất rồi…
3. “Chè Thái gái Tuyên”.
Ngoài vẻ đẹp trang nhã, đài các, quí phái của con gái Tràng An (Hà Nội) đất nước ta còn có một số nơi nổi tiếng là có nhiều con gái đẹp. Ở phương Nam có con gái Nha Mân (Đồng Tháp), Tây Bắc có con gái Mường So (Lai Châu) , Đông Bắc có thôn nữ Năm Mẫu (Quảng Ninh) và đặc biệt là con gái xứ Tuyên. Con gái Tuyên Quang đẹp nổi tiếng thiên hạ, đến mức trong dân gian thường rỉ tai nhau “chè Thái gái Tuyên” (chè Thái Nguyên ngon và con gái Tuyên Quang đẹp).
Nghe kể, con gái xứ Tuyên rất đẹp, nhất là con gái Thượng Lâm (dân gian có câu “mậm Hồng Thái, gái Thượng Lâm”). Có lẽ, tôi chẳng cần phải thống kê những mỹ nữ của xứ Tuyên vốn đã nổi tiếng trên màn ảnh và các cuộc thi nhan sắc, chỉ cần ngắm nhìn những sơn nữ qua lại trên đường và trong các bản làng trên miền thượng du này cũng đủ thấy tính xác thực của nhận xét mà thiên hạ từng đồn thổi về con gái của miền đất này. Phải nói, ở đâu cũng vậy thôi. Đất nào ít nhiều chẳng có người đẹp nhưng cái đẹp xuất hiện với tần suất phổ biến, đại trà thì không phải chỗ nào cũng có và cũng không có nhiều. Với đất Tuyên Quang thì cái tần suất ấy quả là phổ biến thật. Chẳng tin, mọi người cứ thử một lần đến đất này mà ngắm. Sơn nữ trên đường đi và trong các bản có khá nhiều người thuộc vào diện “mắt sáng, chân dài, da trắng, mũi cao”. Chẳng thế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đến đây và từng ví von Tuyên Quang giống như Venezuela của Nam Mỹ, nhiệm vụ chính là sinh ra những người đẹp làm rạng rỡ thế giới...
Nói về cái đẹp của con gái xứ Tuyên tôi thấy người ta còn kể nhiều về những phẩm chất (tức là cái đẹp bên trong) như thể: dịu dàng, tinh tế, thùy mỵ, nết na … Những thứ này nhiều người đã nói, chắc đúng, nhưng cũng cần phải tiếp xúc nhiều thì mới hiểu rõ hơn và nói chính xác được. Tôi chưa có cái điều kiện ấy nên chỉ thưa thốt lại những lời người trước còn thì chủ yếu là cảm nhận cái đẹp hiển lộ của con gái đất này mỗi khi có dịp ngang qua. Thấp thoáng trên đường đi, bên bờ suối hay lấp ló bên những nương chè những sơn nữ Tuyên Quang vóc dáng cân đối, thắt đáy lưng ong, mắt đen lay láy, chân dài miên man, cổ cao ba ngấn, đôi môi hồng đỏ cùng nét cười rạng ngời tươi sáng hồn nhiên, tiếng nói trong trẻo … đặc biệt là làn da nõn nà, trắng bóc không tì vết đã hút hồn, mê mẩn khiến bao người qua không lỡ rời mắt nhìn.
Sơn nữ Tuyên Quang đẹp như vậy là do đâu? Người ta cũng đã đưa ra khá nhiều lý do để giải thích về nguồn gốc của cái đẹp đó. Có người dựa trên yếu tố nhân chủng thì bảo, Tuyên Quang là nơi cộng cư của hơn hai mươi dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người Kinh, Tày, Cao Lan, Mông, Thái...; đặc biệt ở đây còn có nhóm người Thủy, thuộc cư dân Bách Việt cổ xưa. Các tộc người này sống đan xen với nhau, có sự giao thoa về lối sống, văn hóa và hôn nhân đa tộc nên đã sinh ra nhiều thiếu nữ xinh đẹp cả về hình thể lẫn trí tuệ. Có thuyết bảo rằng, xứ Tuyên là nơi định cư của không ít tầng lớp quí tộc nên theo đó có không ít cung tần mỹ nữ khắp nơi được đưa về. Rồi theo thời gian hậu nhân của họ sinh ra, được kế thừa những gien đẹp của cha mẹ và lan tỏa khắp mọi nơi trên vùng đất này. Ngược dòng lịch sử, ta được biết Tuyên Quang từng là vùng phên dậu ở phía Bắc của đất nước. Để giữ chắc vùng phên dậu này nhằm che chắn cho kinh thành Thăng Long nên các triều đình phong kiến Việt Nam đã không ít người phải gả những công chúa, quận chúa cho các tù trưởng, tộc trưởng ở đây nhằm gây dựng lòng tin, kết giao quan hệ, giữ gìn ổn định miền biên viễn dài lâu. Không những thế, Tuyên Quang còn có một thời là thành trì của nhà Mạc nên có không ít con gái thuộc diện “sắc nước hương trời” khắp nơi được tuyển chọn đưa về rèn giũa, dạy bảo gia phong, lễ nghĩa, phép tắc. Bởi thế con cháu của họ sinh ra có xinh đẹp thông minh thì cũng không có gì để lấy làm lạ. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tuyên Quang còn là vùng sơ tán của rất nhiều cán bộ, trí thức, kiều nữ Hà Nội đến kháng chiến. Nhiều người trong số ấy đã xây dựng gia đình trên đất này với người bản địa nên con cháu họ sinh ra vừa được thừa hưởng nét ưu việt của hôn nhân đa tộc vừa có sự kế thừa những gien tốt của cha, mẹ để lại. Những nét đẹp đó thẩm thấu qua nhiều thế hệ và sản sinh ra rất nhiều con gái đẹp. Ngoài ra còn phải kể đến thuyết môi trường. Những người theo thuyết này cho rằng, Tuyên Quang là miền thượng du phía Bắc. Địa hình có nhiều rừng sâu núi cao đồi đất và khoảng 500 con sông, con suối lớn nhỏ dày đặc, bao quanh cùng tiết trời quanh năm trong lành, khoáng đạt, mát mẻ... Thiên nhiên và địa hình như vậy nên ở đây hội tụ đầy đủ linh khí hiền hòa lẫn hoang sơ, dữ dội của trời và đất. Do vậy những sơn nữ ở đây lọt lòng là đã được thừa hưởng nhưng ưu đãi của tự nhiên cho nên có những làn da trắng nõn trắng nà với những mái tóc mượt đen óng ả cùng nụ cười trong sáng, hồn nhiên, vô tư ...
Tôi nghĩ, con gái xứ Tuyên đẹp, có lẽ do con người nơi đây được thừa hưởng những ưu đãi cộng hưởng của cả ba yếu tố nêu trên. Đó là những yếu tố tự nhiên kết hợp với các yếu tố văn hóa - lich sử . Và chính cái sự ưu ái của đất trời và sự đưa đẩy của hoàn cảnh xã hội ấy đã để lại một thương hiệu “miền gái đẹp” cho xứ Tuyên. Hàng trăm năm qua con gái xứ ấy đã mê hoặc, lôi cuốn, hút hồn và làm ngẩn ngơ biết bao khách tình si.
4. “Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”
An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang) đã một thời là thủ đô kháng chiến, nhà thơ Tố Hữu đã gọi nơi đây là “thủ đô gió ngàn”. Trong đó, đặc biệt là xã Tân Trào (Sơn Dương), nơi có núi Hồng và dòng sông Phó Đáy che chắn nên hội tụ được đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà để Bác Hồ và Trung ương xây dựng thành trung tâm của thủ đô kháng chiến. Bác đã chọn Tân Trào để đặt trụ sở làm việc của mình và của Trung ương Ðảng, Chính phủ, Quốc hội cùng nhiều bộ, ban, ngành (theo thống kê có tất cả 65 cơ quan Trung ương, 13 bộ, ngành đóng đặt trụ sở làm việc tại đây, trừ Bộ Quốc phòng ở Ðịnh Hoá). Chẳng thế mà bây giờ Tân Trào đã trở thành khu di tích văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt và trở thành tâm điểm của những chuyến hành trình về nguồn với những điểm nhấn như lán Nà Nưa, đình Hồng Thái, đình và cây đa Tân Trào …
Ngược dòng lịch sử, hơn bảy mươi năm về trước, sau một thời gian làm việc ở Pắc Bó (Cao Bằng), cụ Hồ đã di chuyển đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp về ở nơi đây để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945. Và sau ngày toàn quốc kháng chiến, một lần nữa Bác và Trung ương lại chọn Tân Trào làm căn cứ địa cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Theo đó mảnh đất này cũng đã vinh dự trở thành nơi nuôi dưỡng, chở che cho cách mạng; là nơi ra đời nhiều quyết sách quan trọng của Trung ương và cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác văn chương của Bác.
Về thủ đô kháng chiến năm xưa, chúng tôi chọn lán Nà Nưa là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình về nguồn, thăm quê hương cách mạng. Đường lên lán có phong cảnh rất hữu tình với một vùng trời nước non xanh thơ mộng. Có chiếc cầu nho nhỏ bắc qua con suối trong vắt, róc rách ngày đêm nước chảy. Bên trái đường đi là một hồ nước trong xanh soi bóng rừng phách xanh biếc. Đi hết hồ nước chúng tôi leo qua hơn trăm bậc đá thì lên tới lán. Lán Nà Nưa làm bằng tranh tre nứa lá rộng chừng chục mét vuông tựa lưng vào vách đá theo kiểu nhà nửa sàn nửa đất của đồng bào bản địa nằm ẩn mình giữa một rừng tre trúc um tùm. Đây chính là nơi “ông Ké” đã ở và làm việc hơn chín mươi ngày đêm để chuẩn bị cho việc Chính phủ lâm thời ra mắt Quốc dân đồng bào và tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Phía bên dưới lán, xung quanh có một vài lán khác tương tự như lán Nà Nưa là nơi ở và làm việc của tổ bảo về và đài thông tin phục vụ cho Bác. Tại lán Nà Nưa này, ngày 4 tháng 6 năm 1945, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị Hội nghị Toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.
Rời lán Nà Nưa, chúng tôi vào thăm đình Tân Trào. Đình nằm trên một bãi đất rộng, địa thế rất đẹp như thể được bao bọc bởi núi Hồng và con suối Khuôn Pén. Xung quanh đình là cây cối xanh biếc, trong đó có rất nhiều cây duối cổ thụ. Đây là một đình nhỏ làm theo kiểu nhà sàn cột gỗ, ba gian hai chái, sàn lát ván, mái lợp lá cọ và phía trước có hòn đá thể. Chính tại ngôi đình này ngày 17, 18 tháng 8 năm 1945 Quốc dân Ðại hội (Quốc hội) đã được tổ chức trọng thể tại đây. Tại hòn đá thề trước đình Bác và mọi người đã hô vang “Lời thề quyết tâm giành độc lập”. Mái đình này cũng chính là chứng nhân lịch sử. Là nơi Quốc dân Ðại hội đã biểu quyết nhất trí quyết tâm Tổng khởi nghĩa cùng những chính sách lớn của Việt Minh và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (Chính phủ cách mạng lâm thời) gồm 15 người do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, mở đầu cho việc thành lập một nước Việt Nam mới. Tại đây quốc kỳ và quốc ca của Việt Nam đã ra đời và giữ nguyên đến ngày nay.
Từ đình Tân Trào chúng tôi đến khu vực cây đa vốn đã nổi tiếng và được nhiều người thuộc lòng qua câu thơ của Tố Hữu “Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào”. Cây đa ngày ấy bây giờ đã trở thành biểu tượng của chiến khu cách mạng. Và quảng trường Nguyễn Tất Thành giữa thành Tuyên cũng đã lấy hình ảnh cây đa cùng núi đồi xứ Tuyên làm nền cho tượng đài Bác Hồ đứng nói chuyện với đồng bào chiến sĩ các dân tộc ở đây. Dưới bóng cây đa ấy, chiều 16 tháng 8 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân và các vị đại biểu Quốc dân. Tại đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và tiến quân về giải phóng Hà Nội. Theo thời gian cây đa Tân Trào cũng không tránh khỏi cái qui luật của sinh lão bệnh tử. Người ta kể, ở đây trước đây có hai cây đa mọc cách nhau khoảng chừng 10m. Người trong vùng vẫn thường gọi là cây đa ông và cây đa bà. Năm 2008 mỗi cây chỉ còn lại một nhánh nhỏ, các rễ chính hầu như đã hỏng. Trước nguy cơ bị tuyệt vong này UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức “Hội thảo khoa học phục hồi cây đa Tân Trào” để duy trì và giữ gìn cái cây biểu tượng ấy. Theo đó cây đa đã được bảo vệ, chăm sóc và chữa bệnh theo tiêu chuẩn đặc biệt. Và rồi, dần dần nó cũng đã được hồi sinh.
Trên đường trở ra chúng tôi tìm đến mái đình Hồng Thái. Đình này trước cách mạng tháng 8 năm 1945 có tên là đình Kim Trận. Hồi tháng 3 năm 1945, sau khi giành được chính quyền nhân dân Kim Trận đã lấy tên của liệt sĩ Phạm Hồng Thái để đổi lại tên cho ngôi đình. Từ đó đình có tên là Hồng Thái. Theo phong thủy, đình nhìn về hướng Nam lấy núi Thìa làm án, phía trước có dòng sông Phó Đáy xung quanh đình có nhiều bóng đa bóng gạo cổ cụ. Cảnh quan ấy làm cho người ta thấy đình ở đúng nơi có “đất tụ thuỷ, nước tụ hội”. Đình có kiến trúc đơn giản, chủ yếu làm bằng gỗ và lợp lá cọ theo kiểu nhà sàn ở miền núi. Tổng thể đình có ba gian hai chái. Phía trên gian giữa có một sàn lửng, chia làm hai phần: phần thượng cung dùng để đồ cúng tế, phần vọng cung (phía trong) là nơi để đồ tế khí. Ở trung tâm phần dưới đất giữa đình có đặt một bàn thờ thờ Bác. Nghe kể, hồi năm 1945, trên đường đến Tân Trào đình này chính là nơi Bác Hồ dừng chân đầu tiên. Và khi Quốc dân Đại hội, đình Hồng Thái đã trở thành nơi đón tiếp các đại biểu về dự. Trong kháng chiến chín năm, đình này được sử dụng làm trụ sở của Ban bảo về an toàn khu, được coi là văn phòng thường trực của Trung ương.
Ngót một thế kỉ đang dần đi qua, Tuyên Quang cũng đã và đang có biết bao đổi thay nhưng những dấu xưa vẫn còn đó. Và hôm nay ngắm nhìn những dấu xưa ấy trong ta vẫn thấy vọng về một quá khứ gian khó nhưng biết bao hào hùng một thủa. Có lẽ, trân trọng và yêu quí Bác nhân dân Tuyên Quang đã xây dựng một đền thờ và quảng trường hoành tráng, bề thế mang tên Người ở ngay giữa trung tâm thành phố để ngày ngày con cháu được đến đây vui chơi, quây quần bên Người. Nơi ấy hàng năm cứ mỗi vào dịp tết Trung thu lại được chọn làm địa điểm tổ chức lễ hội đêm rằm to nhất cả nước. Phải chăng cái lễ hội ấy được tổ chức tại đây cũng chính là để nhắc nhở và nhớ đến tình cảm yêu thương con cháu của Bác như một lời thơ Người đã từng viết cho thiếu nhi ở tại đất này trong những năm tháng chiến tranh gian khó: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.
Chia tay Tuyên Quang, tạm biệt thành phố với những tán bàng đã qua mùa lá đỏ đang nhú mầm xanh từng làm nao lòng người qua sao ta thấy trong lòng không khỏi bâng khuâng, lưu luyến. Thế mới hay cái sự quyến rũ, hấp dẫn đến khó tả của đất đá, sông suối, mây trời và con người của mảnh đất xứ Tuyên.