Sông Hồng đi dọc đường đê
Mình về Đan Phượng miền quê đất lành
Bon bon đường đẹp xe nhanh
Qua Chèm- Vẽ - Kẻ hướng thành Ô Diên
Dọc sông nhiều bãi lộ thiên
Ngô khoai xanh ngắt thành miền đặc trưng
Thuyền bè xuôi ngược trong vùng
Nhà ai khói tỏa tiệc mừng ven sông
Cánh Diều vi vút tầng không
Bá Dương Nội đó xuống trông Diều thần:
“Bồng bềnh lướt sóng trời mây
Dây trường công đức sáo say thiên thần
Ơn sâu nghĩa nặng tình dân
Bốn phương hội tụ sắc xuân hội diều”.
Rồi đi một đoạn không xa
Là vào làng cổ bao la đền thờ
Hạ Mỗ cổ, đất thuần nông
Ẩn nhiều dấu tích nằm trong đất trồng
Vạn Xuân, Chính khí, Hàm Rồng
Dòng sông Nhuệ cổ nước trong mơ màng
Triều Lý dấu tích rõ ràng
Triệu Việt Vương, Lý Bát Lang dân thờ
Vào Văn Hiến bái ông Tô
Qua chùa Hải Giác thăm ô cửa thiền
Xuôi dòng mương chảy tự nhiên
Qua khu trang trại bưởi tên Tôm Vàng
Chèo tàu Tân Hội ngỡ ngàng
Ca trù Thượng Mỗ vẻ vang của miền:
“Tay cầm bán nguyệt thênh thang
Hàng trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta...”
Qua trung tâm thị trấn Vùng
Tham quan đập đáy cầu Phùng bắc ngang
Tượng đài phụ nữ đam đang
Ngã ba sừng sững hiên ngang đón chào
Đường đi rộng mở nhà cao
Bong ke thời Pháp năm nào vẫn đây
Đình Đại Phùng, truyện xưa kia
Nói vui có lý thành bia truyện cười
“Đại Phùng nói khoác đổng đời
Phượng Trì nối khố ăn chơi đủ vành
Đoài Khê là đất hiền lành
Đông Khê lớn bé tập tành xay đâm…”
Qua trường Quang Dũng vái người
Thơ ca ông mãi đời đời sử xanh
***
Xứ Đoài thi quán điểm dừng
Quà quê, thư pháp, thơ vùng giao lưu
Nem Phùng gói với lá sung
Kẹo làng Song Phượng, rượu vùng Bá Giang
“Giò Chèm, rượu Bá , nem Phùng
Ai chưa thưởng thức xin đừng khoe sang”
Chuối tiêu, ngô nếp, thơm vàng
Bánh gio làng Hạ tên hàng tiến vua
Cháo xe, Bánh đúc, thuở xưa
Bánh gai, Bánh khúc có mùa đông xuân
Chao ôi! bao thứ tần ngần
Đậu làng Trúng Đích thêm phần vị quê
Bánh hòn, bánh tẻ, cùng tương
Chuột đồng đặc sản quê hương Phượng Trì
Quà quê chẳng thiếu thứ chi
Đi xa lại nhớ những gì rưng rưng!
Xưa bà xưa mẹ đã từng
Dùng khoai lang với trà gừng dưỡng sinh
Vối tươi xưa ủ văn minh
Bao năm vẫn khỏe chờ mong con về
Cuộc đời người lắm bến mê
Mà điều cần biết bồn bề mông lung
Đuổi theo vật chất muôn trùng
Chi bằng đồng ruộng vui cùng thiên nhiên
Làm thơ, sáng tác tự biên
Bàn văn xét nghĩa thêm niềm vui tươi
Hương trà thơm, chuyện vui cười
Tao nhân mặc khách cất lời thơ ca.
***
Đến khu sinh thái Phượng Hoàng
Ngắm hàng hoa trắng ở ngang lưng đồi
Dọc theo đường trúc xanh dài
Khu chùa thấp thoáng với hai tầng lầu
Tam Quan mười thú phục chầu
Cảnh quan bốn hướng nhuộm mầu huyền vi
Cờ lau thấp thoáng lối đi
Hàng dâm bụt đỏ đang thì nở xuân
Vườn thiền chùa Đại Từ Ân
Tâm kinh Bát Nhã ngay chân lối vào
Chùa làm bằng gỗ lim Lào
Rất nhiều phật tử danh cao cúng dường
Tam Bảo, nhà Tổ, giảng đường
Nhà Tăng, ký túc, hội trường văn minh
Vu Lan, Phật Đản hàng năm
Thập phương du khách viếng thăm rất nhiều
Chuông ngân vang vọng trong chiều
Bồ đề giác ngộ bao nhiêu mảnh đời
Từ bi hỷ xả của người
Chắp tay niệm phật xin lời bình an
A di đà giữa không trung
Lòng tư bi bỗng dưng dưng ập về
Ngẩn ngơ cảnh sắc bốn bề
Cảnh quan Đà Lạt như về nơi đây
Hương trầm lan tỏa cùng mây
Tinh thần an lạc, lòng đầy niềm vui
Qua khu giải trí hồ bơi
Khuôn viên bãi giữa thảnh thơi hội hè
Dạo quanh ra bãi đạp xe
Hưởng bầu không khí miền quê xa thành
Hồ bán nguyệt, rừng cây xanh
Điều hòa không khí trong lành tạo nên
Quanh hồ đá cảnh điểm xen
Những câu thơ phật hiện lên bất ngờ
Vịt trời bơi lội lượn lờ
Dưới hồ koi Nhật như cờ tung bay
Trên cao chim hót suốt ngày
Vi vu kèn gió thông cây thổi về
Khu vườn tượng với chợ quê
Khiến bao du khách mải mê hàng giờ
Kênh đào, cầu đá, cột thơ
Tượng Trần Hưng Đạo đầu bờ hiên ngang
Cỏ xanh cùng với cải vàng
Làm bao du khách mơ màng bước đi
Hướng dương, Cánh bướm, Hồng ri
Thêm đồi hoa Cúc Họa mi tuyệt vời
Dã Quỳ vàng rực khắp nơi
Hoa Tam giác mạch rộ phơi tím hồng
Ruộng bậc thang, những đường thông
Quay phim chụp ảnh mà không muốn về
Check in hoa đẹp bốn bề
Một ngày sảng khoái khi về nơi đây.
Tóm tắt nội dung và ý nghĩa bài thơ :
Tác giả bài thơ đã dùng thể thơ lục bát truyền thống hướng dẫn du khách tham gia một chuyến tham quan ngoại ô hướng Tây, đi về trong ngày khi đặt lịch tour Du lịch Đan Phượng. Bắt đầu khoảng 9h sáng đoàn xuất phát từ Nội thành Hà Nội theo hướng Tây, nhưng không đi theo Quốc lộ 32 mà đi dọc đê sông Hồng, tham quan các điểm Du lịch tiêu biểu của huyện Đan Phượng : Miếu diều, Cụm di tích tâm linh Đền - Đình - Chùa của làng cổ Hạ Mỗ ;Đập Đáy, Cầu Phùng, bong ke thời pháp,Tượng đài phụ nữ quê hương người gái đảm, xưởng làm thú nhồi bông…
Khoảng 11h hơn sẽ ghé dừng chân nghỉ thưởng trà tại Xứ Đoài Thi Quán (Quán thơ xứ Đoài) tham quan tìm hiểu VHNT vùng xứ Đoài Tây Thăng Long xưa qua các bộ sách, tranh ảnh và hiện vật, ẩm thực chay hay quà quê (nếu có nhu cầu).
Sang chiều đoàn có thể di chuyển qua Khu đô thị sinh thái Phượng Hoàng rộng ở gần đó với nhiều nội dung và góc chụp ảnh đẹp…khoảng 16h đoàn về Hà Nội theo QL32.
Trên đường đi Quý khách sẽ được thưởng ngoạn ngắm nhìn sông nước mênh mông, xóm làng trù phú, hoa màu xanh mướt tại các bãi nổi ven sông, thăm di tích Miếu Diều của làng diều Bá Dương Nội (địa chỉ nổi tiếng của huyện Đan Phượng), rồi qua làng cổ Hạ Mỗ tham quan cụm các di tích tâm linh: Điện Vạn Xuân, Đền Tô Hiến Thành, Chùa Hải Giác…
“ Sông Hồng đi dọc đường đê
Mình về Đan Phượng miền quê đất lành
Bon bon đường đẹp xe nhanh
Qua Chèm- Vẽ - Kẻ hướng thành Ô Diên… ”
Các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể: chèo tàu Tân Hội, Ca trù thượng Mỗ, những sự đổi về hạ tầng nông thôn mới của huyện Đan Phượng, những ẩm thực đặc sản địa phương: Nem Phùng, kẹo lạc Song Phượng, Thịt chuột Phượng Trì, Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ, Bánh gio làng Hạ Mỗ…đã được tác giả giới thiệu tới du khách trong bài thơ.
Bài thơ cũng giới thiệu tới du khách điểm dừng nghỉ, tham quan uống trà, ẩm thực quà quê, ăn chay cho bữa trưa (nếu cần) tại một địa chỉ đỏ mang tên Xứ Đoài Thi Quán (Quán thơ xứ Đoài ) ở thị trấn Phùng.Đây là địa chỉ của một CCB tên Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập cách đây vài năm với tấm lòng yêu VHNT vùng xứ Đoài và đã được nhiều bài báo, truyền hình trung ương (báo truyền hình nhân dân, QĐND, Hà Nội 1, VTV1, VTV3, truyền hình lao động)… đưa tin phim, bài giới thiệu.
Tại quán thơ xứ Đoài có khá nhiều nội dung hấp dẫn:
Đầu tiên đó là các bộ sưu tập sách về đất và người vùng xứ Đoài, nhiều nhất là các tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng vùng xứ Đoài từ thế kỷ 13 đến nay. Thời kỳ cận hiện đại có Tản Đà, Quang Dũng, Phùng Cung, Ngân Giang, Tào Mạt, Xuân Quỳnh, Hồ Phương…
Các bức tranh, ảnh và thư pháp đẹp của vùng xứ Đoài xưa và nay mà tiêu biểu là thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm tại quán cũng góp phần tạo nên hương vị phong phú và nét đặc sắc cho quán.
Khách tham quan cũng có thể tìm hiểu xứ Đoài qua bộ sưu tập về các di tích tâm linhđình đền chùa, lễ hội nổi tiếng của vùng xứ Đoài: Chùa Thầy, chùa Mía, chùa Tây Phương, Đền Và, đền Hai Bà Trưng, đền Tô Hiến Thành, Đình Hạ Hiệp, Đình Tường Phiêu…
Vùng xứ Đoài còn một đặc sản món ăn tinh thần mà các quý khách có thể thưởng ngoạn qua bộ sưu tập về âm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng vùng xứ Đoài như: Lê Lôi, Phú Quang, Trần Tiến, Hoàng Long Hoàng Lân, Đoàn Bổng, Ngọc Khuê, Sĩ Thắng, Lê Mây,…đều có tại quán.
Hiện bài thơ Du lịch Đan Phượng được in trên kính cường lực dày 12mm, khổ rộng hơn 2mét, cao hơn 1m và trưng bày tại quán. Một điểm khá thú vị, độc đáo và cho thấy sự công phu tâm huyết của tác giả là việc tìm và chọn lọc các bức ảnh phong cảnh đẹp, di tích tiêu biểu của huyện Đan Phượng đưa vào để minh hoạ cho bài thơ thêm sinh động….
Âm nhạc nhẹ nhàng du dương phát ra từ dàn âm thanh cổ cùng các bộ kỳ thư xứ Đoài, tranh ảnh, gỗ lũa, hoa dại ven hồ mang tới cho du khách những giây phút bâng khuâng, nắm bắt tổng quan văn hóa học Xứ Đoài xưa nay và thêm yêu du lịch Đan Phượng nói riêng và vùng xứ Đoài xưa nói chung.
N.M.H