Đưa nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ

Nhằm lan tỏa tình yêu cải lương đến với thế hệ trẻ, nhóm sinh viên Trường Đại học FPT đã thực hiện dự án truyền thông mang tên “Song Lang Song Loan”. Dự án mang đến những diện mạo mới lạ nhưng lại vô cùng gần gũi, thân thuộc, thu hút đông đảo sự quan tâm của những người trẻ.
dua-nghe-thuat2-1670320076.jpg
 

Nơi lưu giữ những tiếng vàng

Với mục đích đưa cải lương đến với thế hệ trẻ ở Hà Nội, lấy cảm hứng từ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, miêu tả đời sống sinh hoạt của cha ông làm đề tài, dự án “Song Lang Song Loan” đã thu hút rất nhiều sự quan tâm. Chia sẻ về lý do xây dựng dự án bạn trẻ Mai Ly (trưởng dự án Song Lang Song Loan) cho biết: “Tôi đã không hề do dự khi lựa chọn đề tài này. Tôi nhớ rất rõ năm 2020, Google đã thay đổi biểu tượng trên trang chủ Google Tiếng Việt là hình ảnh trình diễn sân khấu cải lương để tôn vinh loại hình nghệ thuật này. Tôi đã thầm nghĩ sẽ có một ngày nhất định phải đưa cải lương tới với những người trẻ để nó không bị mai một theo thời gian.” Từ đó, Mai Ly cùng các thành viên của dự án tìm hiểu và nhận thấy cải lương là bộ môn nghệ thuật quý giá, rất hấp dẫn, đa dạng và nhân văn.

Dự án “Song Lang Song Loan” được tạo ra bởi 3 thành viên trẻ của Đại học FPT nhằm tìm hiểu và lan tỏa tình yêu cải lương trên một không gian mới – mạng xã hội. Thông qua hai kênh thông tin chính là Facebook và Tiktok, các thành viên của dự án đã đưa vào đó những bản nhạc trẻ kết hợp cùng cải lương. Khán giả sẽ thấy được sự đổi mới và “thích nghi” của cải lương với rất nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Từ đó thay đổi dần cách nhìn, cách đánh giá của các bạn trẻ về cải lương. Định hướng chủ đạo của dự án mà nhóm bạn trẻ xây dựng và hướng tới là: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.”

Dự án đã tạo nên một “thư viện số” với những thông tin thú vị về cải lương: Từ lịch sử hình thành đến sự phát triển và đổi mới không ngừng của cải lương đối với người Việt. Theo tìm hiểu, các thành viên trong nhóm đã đưa những video clip, những câu chuyện về cải lương rất gần gũi. Cách truyền tải nội dung cũng rất đa dạng như: Hát cải lương kết hợp với nhạc trẻ hoặc rap, câu chuyện cải lương của những influencer nổi tiếng như MC Đại Nghĩa, diễn viên – đạo diễn sân khấu kịch nói, Phó Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf - NSƯT Thành Lộc, ca sĩ Thanh Duy, cô Lê Giang… Không chỉ vậy, các bạn còn tích cực sưu tầm các bài viết, tự quay và lấy thêm các thông tin khi gặp gỡ các nghệ sĩ cải lương. Dự án nhận được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo cộng đồng những người trẻ trên nền tảng Tik Tok. Nhiều người trẻ không hề quay lưng lại với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Với họ, nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ cháy, và nếu được khơi thông sẽ được phát triển không ngừng, lan tỏa trong cộng đồng.

Ngoài các bài viết, hình ảnh hấp dẫn, sinh động thì gần đây “Song Lang Song Loan” kết hợp cùng Vietart tổ chức “Ngôi sao Phương Nam số 10” diễn vở cải lương kinh điển “Tiếng trống Mê Linh”  tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây được xem là tác phẩm kinh điển của loại hình nghệ thuật cải lương, “Tiếng trống Mê Linh” đã từng được nhiều nghệ sĩ biểu diễn cải lương hàng đầu của Việt Nam dàn dựng kể từ lần đầu ra mắt năm 1977. Trong vở cải lương đổi mới này có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như nghệ sĩ Kim Tử Long…Có thể nói nó là một trong những dự án đầu tiên làm cho cải lương gần hơn với giới trẻ khi có sự tham gia tổ chức sản xuất của chính những người trẻ.

Theo Mai Ly: “Song Lang Song Loan là dự án chúng mình đặt rất nhiều tâm huyết, bỏ rất nhiều công sức và cũng tìm hiểu rất kĩ các tài liệu từ trước tới nay.  Điều mà chúng mình cảm thấy thú vị nhất đó là trong khi đi tìm sự sống cho Cải lương bằng chính đam mê của bản thân, thì chúng mình nhận ra, người được hưởng lợi nhiều nhất trong dự án này đó chính là các bạn trẻ Việt Nam.”

dua-nghe-thuat-1670320176.jpg
 

Vừa được học vừa được xem

Có thể thấy rất rõ rằng dự án này đã biết cách truyền thông trên không gian mạng để giới trẻ không chỉ được học mà còn có thể xem và biết về cải lương ngay tại nhà. Xác định yếu tố tiên quyết là phải tạo sự gần gũi với giới trẻ nên từ nội dung đến hình thức thể hiện dự án đều cung cấp kiến thức, giới thiệu rõ hơn về giá trị nhân văn và kĩ thuật chuyên môn. Điều đó tạo ra sự đồng cảm, đạt được mục đích cùng giữ gìn nét đẹp của nghệ thuật truyền thống.

Các thành viên của “Song Lang Song Loan” đã nghiên cứu, tổng hợp, tìm hiểu nhiều tư liệu liên quan đến cải lương. Hiện tại, đông đảo lượt truy cập fanpage để nắm bắt thêm sự mới lạ trong cách truyền tải về cải lương. Các vở diễn đã cung cấp cho khán giả những hình ảnh – video trực quan, cuốn hút. Các minievent nhỏ trên Facebook, Tiktok đã được tổ chức để mọi người có cơ hội  tham gia tìm hiểu về cải lương. Các buổi phỏng vấn sinh viên một số trường Đại học ở Hà Nội như: Đại học Ngoại thương, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã giúp nhóm có thêm nhận định và hướng truyền thông mới cho dự án. Trong thời gian tới, “Song Lang Song Loan” dự định sẽ tổ chức các chương trình nhỏ kết hợp cùng các trường Đại học trong khu vực Hà Nội với sự góp mặt của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng để nâng cao chiến lược truyền thông và lan rộng tình yêu cải lương tới với mọi người.

Dự án của nhóm bạn trẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn: “Khó khăn nhất là tìm ra cách nào đó thật dễ hiểu nhưng đạt hiệu quả cao để mang cải lương đến với mọi người. Bởi lẽ đây là loại hình khó tiếp cận, có rất nhiều thể loại nhạc mới và được đầu tư kĩ lưỡng nên lại càng khó hơn” – Mai Ly nói thêm với chúng tôi.

Nhờ  sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ cộng đồng những người yêu cải lương, sự giúp đỡ từ công ty Vietart nên ảnh hưởng của dự án đến với mọi người cũng rất nhanh. Hi vọng trong tương lai loại hình nghệ thuật được làm mới này sẽ thu hút nhiều hơn các bạn trẻ.

Cải lương là một viên ngọc quý, đầy sáng tạo, luôn biến đổi không ngừng theo thời gian. Nó phản ánh giá trị văn hóa, nhân sinh quan của con người Việt Nam qua từng thời đại khác nhau. Để làm “sống lại” một kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc đặc biệt là cải lương thì hơn bao giờ hết cả cộng đồng – nhất là thế hệ trẻ chúng ta hãy cùng chung tay để thực hiện.