Đường ra trận

CCB Kiều Vĩnh Lộc

29/05/2021 16:06

Theo dõi trên

Tháng 1/1973, đơn vị tôi: d74.f304b. QKVB nhận lệnh đi B. Trong buổi họp mặt nhân kỷ niệm 48 năm ngày nhập ngũ vừa qua, anh em cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời đã qua. Đường ra trận luôn sâu đậm trong ký ức CCB chúng tôi.

duong-ra-tran-1622279028.jpg
 

Sau 3 tháng luyện quân tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên), 10 giờ sáng ngày 16/1/1973 trên một đồi thông thuộc huyện Phú Bình, Bộ tư lệnh sư đoàn 304b làm lễ xuất quân và giao nhiệm vụ hành quân chiến đấu cho tiểu đoàn 74. Thượng tá Tạ Doãn Địch – Tư lệnh sư đoàn đọc mệnh lệnh hành quân, trao cờ giải phóng cho tiểu đoàn. Đoàn đi B của tiểu đoàn 74 mang ký hiệu: 2013 với 4 đại đội (C1; C2; C3; C4).  Trung úy Hoan - đoàn trưởng, thay mặt đơn vị tiếp nhận cờ và mệnh lệnh hành quân. Từ đây, chúng tôi đã là ANH GIẢI PHÓNG QUÂN.

Bốn giờ sáng ngày 17/1 đoàn tàu đưa chúng tôi từ ga Lương Sơn về đến Yên Viên Hà Nội. Hành quân bộ qua thị trấn Yên Viên, chứng kiến cảnh đổ nát, tan hoang do máy bay b52 của giặc Mỹ ném xuống cuối tháng 12 vừa qua mà trong lòng  chúng tôi sục sôi căm thù quân giặc. Vượt cầu phao Chương Dương tới ga Hà Nội, lên tàu về tập kết tại một xã cách ga Thường Tín 3 km. 15 giờ ngày 18/1 chúng tôi tiếp tục lên tàu đi về phía nam. Tại sân ga Thường Tín này, cảnh tiễn đưa rất lưu luyến: Mẹ tiễn con, Vợ tiễn chồng, anh em, bè bạn tiễn người thân…cảm động vô cùng. Đoàn tàu chuyển bánh, vẫy tay chào tạm biệt những người thân yêu, tạm biệt Hà Nội…Chúng tôi vào chiến trường.

Gần sáng ngày 19/1 tàu mới về tới ga Ninh Bình, trời mưa rét quá, đơn vị vào trú quân tại một làng cách ga chừng 5 km. Từ đây xe vận tải quân sự tiếp tục chuyển quân đi. Có các điểm dừng nghỉ tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Hưng Nguyên (Nghệ An). Trên quốc lộ 1, các đoàn quân nối đuôi nhau hối hả ra mặt trận. Buổi tối, khi vượt đèo ngang: đèn xe sáng rực bầu trời, tầng tầng, lớp lớp…một giờ sáng ngày 24/1 ô tô mới đổ quân xuống xã Quảng Liêm, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). 6 giờ sáng ngày 26/1 đi xà lan, ngược dòng sông Danh, 16 giờ thì dừng chân trong một khu rừng thuộc huyện Bố Trạch. Từ ngày 27/1, bắt đầu hành quân bộ.

Từ đây, Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình là trạm số 1, trạm đầu tiên của đường giây 559. Ngày hành quân bộ đầu tiên này khá căng, mỗi người mang trên vai gần 30 kg. Từ trạm 1 đến trạm 2 toàn đi đường rừng mới phát, phải leo qua mấy dốc khá cao. Tới trạm 2 đã 13 giờ, trạm này mới bị ném bom, giao liên cho biết: quanh đây còn có bom nổ chậm.

Mắc võng nghỉ xong, chúng tôi nhận được tin vui: Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Chúng tôi hiểu, hiệp định đã ký nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Các đoàn quân vẫn nối đuôi nhau ra mặt trận…hành quân đi với niềm vui lớn, hy vọng về ngày toàn thắng đã đến gần.

Ngày 30/1 hành quân qua khu vực hang đá có 12 cô gái TNXP đã hy sinh, do bom Mỹ đánh sập cửa hang cuối tháng 12/1972. Chúng tôi lặng lẽ cúi đầu vĩnh biệt những người con gái dũng cảm, anh hùng!

Ngày 31/1 tới biên giới Việt-Lào. Ngày 1/2/1973, đơn vị được dừng nghỉ ăn tết trước, tết nguyên đán Quý Sửu trên sườn núi cao, thuộc tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào …

Qua sông Sê Kông bằng xuồng máy (con sông này đổ ra sông Mê Kông). Đây là trạm 78, bên này sông có đường rẽ sang B3-Tây Nguyên. Ngày 16/3, hành quân đi từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa thì đến trạm 79. Trạm  nằm gần sông Sê Kông, hiện ở khu vực này đã có 13 đoàn (hơn 6.000 người) đang phải phân tán nằm chờ thông đường và chờ xuồng máy chở quân đi vào mặt trận phía trong, qua đất Căm Pu Chia.

Thế là, tròn 2 tháng hành quân bộ (từ 16/1 đến 16/3/1973) đi dọc theo dải Trường Sơn hùng vĩ, chúng tôi đã đi qua 5 tỉnh của nước bạn Lào: Khăm Muộn; Sa Va Na Khẹt; Sa Na Van; Tà Pẹc Nọoc và A Tô Pư.

Bom Mỹ đã rải khắp các tuyến đường, chủ yếu hành quân vào ban đêm. Luồn rừng mà đi, qua các khu rừng rậm, núi cao, hết núi này lại đến núi khác. Có những dốc núi dài dựng đứng phải leo gần 3 tiếng đồng hồ mới leo tới đỉnh. Khi thì vượt những vực sâu phải chạy nhanh qua cây cầu độc mộc (bằng cây rừng to, do bộ đội công binh cưa đổ, gác qua từ sườn núi bên này sang sườn núi bên kia, lầm cầu). Lúc thì lội suối hay vượt sông bằng cầu ngầm. Trời tối đen như mực, nếu không có miếng lân tinh gắn trên mũ và ba lô của người đi ngay phía trước thì không biết đường đâu mà đi. Qua những khu đồi le đang cháy dưới cái nắng chói chang. Có những ngày đi suốt 14 tiếng, những hôm đi hết đêm thâu. Những nơi mà đêm mằm vắt bò vào tận bụng, ve rúc tận đỉnh đầu. Những muỗi rừng, rắn độc, bò cạp, nước tù…Nhiều người đã lả đi vì đói cơm, thiếu nước, sốt rét li bì…!!! Một số đồng chí đã phải nằm lại trong các bệnh xá của đường dây 559.

Tổn thất đầu tiên của đoàn 2013 là sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Văn Độ, bị tai nạn trên đường hành quân. Độ 24 tuổi, là sinh viên năm thứ 4 của đại học Xây Dựng. Đơn vị đã làm lễ truy điệu và an táng anh trong khu vực trạm giao liên 79. Chính trị viên đoàn giao cho tôi viết điếu văn đọc trong tang lễ. Tôi nghĩ tới cha mẹ, vợ con anh mà lòng đau thắt. Con gái anh Độ mới sinh được 4 tháng trước ngày anh đi B!

Hành quân đi có nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhưng anh em vẫn vàng bên nhau, chia sẻ cho nhau từ miếng cơm, bát cháo, mang vác ba lô, khiêng cáng dìu nhau đi khi có người lâm bệnh, luôn sát cánh bên nhau. Mệt nhọc, thiếu thốn, gian khổ đó nhưng tinh thần vẫn rất hăng hái, quyết tâm cao, vẫn cảm nhận được cảnh đẹp của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Qua những khu rừng có nhiều cây cổ thụ ba, bốn người ôm, những khóm trúc xanh xanh bên bờ suối nhỏ…ở đây nhiều chim, lắm sóc…Có những tiếng chim kêu như là tiếng nói, thật đáng yêu: “cố lên, cố lên”; “hết dốc, hết dốc”; “khó khăn khắc phục, khó khăn khắc phục”…mà cũng có con chim tinh quái còn trêu lính: “còn khổ, còn khổ!”…

Tối 11/4 đơn vị di chuyển xuống khu vực sát bờ sông, lên xuồng máy, đi suốt hơn 7 tiếng đồng hồ thì đến trạm 83. Các ngày tiếp theo hành quân liên tục, chặng đường này rất khan nước, phải cử người đi xa hơn một tiếng mới lấy được nước về nấu ăn. Máy bay thám báo OV10 của địch cứ oo suốt ngày đêm, tiếng máy bay F4 gầm rú đinh tai, nhức óc, bom ném tứ tung. Tình hình rất căng thẳng, sức khỏe của bộ đội giảm sút rất nhiều. Ngày 15/4 đến trạm 86, thuộc tỉnh Stung Cheng (Căm Pu Chia). Vùng này địch hoạt động cả trên không và dưới mặt đất . Đến điểm dừng nghỉ phải đào hầm và công sự chiến đấu ngay…Ngày 29/4 vượt song Mê Kông bắng xuồng máy, tới trạm 97 thì trời vừa tối. Tại bãi khách này, cách đây 2 ngày có đơn vị để lộ ánh lửa ban đêm, đã bị máy bay của địch phóng đạn pháo xuống, gây tổn thất lớn. Ngày 30/4 tới trạm 97b, đây là trạm cuối cùng của đường dây 559.

Ngày 1/5 hành quân tới trạm 1 của đường dây giải phóng. Mùa mưa đã đến, đường lầy lội, trơn trượt, hành quân mang vác nặng cũng rất khó khăn…Ngày 24/5 đến trạm cuối cùng, các đoàn đều tập trung ở đây, chờ giao quân về các chiến trường. Đây là Mi Mốt, thuộc tỉnh Công Pông Chàm (CPC).

Đoàn 2013 của chúng tôi đã hành quân đi, qua 5 tỉnh của Lào, 4 tỉnh của Căm Pu Chia, chúng tôi đã sát cánh bên nhau 4 tháng 8 ngày, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ trên suốt chặng đường. Ngày 20/6, cấp trên phổ biến nhiệm vụ: Quân số của đại đội 2 và đại đội 4, lấy chẵn 200 đồng chí, bổ xung quân cho trung đoàn 207 thuộc quân khu 8 ở miền Tây nam bộ, số còn lại nhập vào đại đội 1 và đại đội 3, bổ xung quân cho trung đoàn 4 (trung đoàn Đồng Nai) của quân khu miền đông nam bộ.

7 giờ sáng ngày 22/6/1973, hai đại đội về miền Tây đi trước. Chúng tôi chia tay những người đồng đội thân yêu, đã gắn bó với nhau qua 3 tháng luyện quân, hơn 4 tháng vượt Trường Sơn. Đói no, gian khổ, vui buồn có nhau…nay lại phải đi về hai mặt trận cách xa nhau. Quyến luyến, bịn rịn…nhiều người đã không cầm nổi nước mắt. Chúng tôi chúc cho nhau sức khỏe và may mắn trên đường làm nhiệm vụ. Mong sao, đến ngày chiến thắng trở về vẫn gặp được nhau đủ đầy tất cả. Để kể cho nhau nghe câu chuyện của những ngày đã qua. Để 30 năm, 40 năm sau, 50 năm chúng tôi vẫn còn sống, còn được cùng nhau hội ngộ, cùng nhau cụng ly vui vẻ.

48 năm đã trôi qua, hơn 148 chiến sĩ của đại đội 2 nay chỉ còn lại hơn 30 người. Nhiều đồng đội đã hy sinh trên chiến trường miền Tây và miền Đông nam bộ. Một số đ/c đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Một số anh em bị thương nặng…Hôm nay, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ, chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ những đồng đội đã hy sinh, những anh em đã sớm ra đi về cõi vĩnh hằng vì thương tật, bệnh tật do chiến tranh. Mỗi năm, những người may mắn còn sống sót, chúng tôi vẫn thường tổ chức mấy lần họp mặt nhân kỷ niệm ngày nhập ngũ, những ngày lễ, tết.

CÒN SỐNG, VỀ ĐƯỢC GẶP MẶT NHAU LÀ HẠNH PHÚC LẮM RỒI, ĐỒNG ĐỘI ƠI!

Tháng 01 năm 2021  - CCB KVL

Theo trái tim người lính

 

Bạn đang đọc bài viết "Đường ra trận" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn