Nhà văn Bùi Minh Vũ sau khi trở lại Buôn Ma Thuật đã nhắn tin vào Nhóm zalo Trại sáng tác truyện ngắn Đường văn năm 2024: “Nhớ nhiều, chưa có lần nào tuyệt vời như lần này. Chúc nhà ta an bình và sáng tạo mới”. Nhà văn Đinh Ngọc Lâm (Ninh Bình), nhà văn Đoàn Hữu Nam (Lào Cai) sau khi về đến nhà đều nhắn tin với những cảm xúc tương tự.
Ngày chia tay Trại viết, trời đất cũng bịn rịn. Tam Đảo mù sương, lạnh giá. Miền Bắc đang vào cữ mưa rét mới, kéo dài. Tam Đảo giữa trập trùng núi, trập trùng mây, càng lạnh. Thế nhưng, các nhà văn tham gia Trại viết cảm thấy ấm lòng, dẫu bịn rịn chia tay.
Công ty cổ phần truyền thông Thi Nhân các (sau đây gọi tắt là Thi Nhân các) đã đi tiên phong, khơi mở một con đường. Trong lễ bế mạc Trại viết Đường văn 2024, Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Thắng xúc động: “Khởi đầu bằng cái tên “Đường văn”, chúng tôi quyết định sẽ dấn thân trên một con đường chông chênh giữa một bên là bồng bềnh mây trắng của sự lãng mạn, một bên là những gai góc, khô cằn đầy toan tính của xã hội kim tiền. Dù biết rằng, xét về góc độ kinh tế, con đường ấy thực sự là một sự dâng hiến nhưng niềm tin và lòng đam mê đã tạo động lực cho chúng tôi tiếp bước trên con đường đã chọn”.
“Đường văn” theo nghĩa hẹp là một sản phẩm chuyên đề văn học của Thi Nhân các; về nghĩa rộng, đó là con đường văn chương. Với những người am tường lịch sử văn học Việt Nam, đều biết, việc mở các trại sáng tác, trại viết về văn học nghệ thuật lâu nay vẫn là việc của các tổ chức chuyên về văn học nghệ thuật của nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Thi Nhân các là tổ chức tư nhân đầu tiên mở ra sự khác biệt.
Đó là tình yêu đối với văn học nghệ thuật, là sự dấn thân. Điều này chỉ có thể cắt nghĩa bằng tình yêu đối với văn học, bởi Thi Nhân các chưa phải là một doanh nghiệp “to tát” và hoàn toàn không phải “bấu víu” vào các sản phẩm văn học để PR cho hoạt động truyền thông. Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Thắng là nhà thơ, bút danh văn học là Linh Chi.
Trại sáng tác truyện ngắn Đường văn 2024, được tổ chức tại Nhà sáng tác Tam Đảo (từ 4/1 đến 11/1/2024) đã bế mạc. Tham gia Trại viết có 10 nhà văn: Hà Phạm Phú, Đinh Ngọc Lâm, Văn Giá, Lê Ngọc Minh, Đoàn Hữu Nam, Phạm Thanh Khương, Bùi Minh Vũ, Phạm Giai Quỳnh, Phan Mai Hương. Trại viết là hoạt động hướng đến Cuộc thi truyện ngắn hay Đường văn 2024, sẽ kết thúc vào tháng 10/2024.
Thời gian mở Trại chỉ có 1 tuần, nhưng Ban Tổ chức đã nhận được hơn 12 tác phẩm. “Tất cả các tác phẩm đều được viết ở Trại, có thể nói rằng trại sáng tác đã rất thành công”, nhà văn Hà Phạm Phú cho biết.
Đó là các truyện ngắn: Mặt nạ hai chiều và Tượng đài của nhà văn Đinh Ngọc Lâm; Đẻ rơi và Vạ vướng quyền uy của nhà văn Lê Ngọc Minh; Dây mài lụi giữa sương mù của nhà văn Đoàn Hữu Nam; Khúc ca vĩnh cửu của nhà văn Phạm Giai Quỳnh; Quán ông già của nhà văn Văn Giá; Thợ câu sông của nhà văn Phạm Thanh Khương; Hạt cà phê nặng như một lâu đài và Anh bay như một tiếng chuông ngân của nhà văn Bùi Minh Vũ; Lính mới và Vua cờ của nhà văn Hà Phạm Phú; Mùa cam ra trái của nhà văn Phan Mai Hương. Nhà văn Phạm Thanh Khương cho biết, ông sẽ còn tiếp tục hoàn thiện thêm 2 truyện ngắn nữa và sẽ gửi sau.
Nhà văn Hà Phạm Phú, người được Ban Tổ chức giao “sứ mệnh” tổng kết Trại viết cho biết, về đề tài, phần lớn các truyện ngắn đều lấy đề tài cuộc sống đương đại, phản ánh muôn mặt cuộc sống đời thường của những người bình thường (như trong truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm, Văn Giá, Phạm Thanh Khương, Bùi Minh Vũ, Hà Phạm Phú; Phan Mai Hương).
Chủ đề miền núi, gắn với đời sống các dân tộc ít người có trong truyện của Đoàn Hữu Nam và Phan Mai Hương, Bùi Phạm Minh vũ. Chủ đề đời sống của giới trí thức tinh hoa có truyện ngắn của nhà văn Lê Ngọc Minh. Chủ đề lịch sử có trong truyện ngắn của Lê Ngọc Minh, Phạm Giai Quỳnh, Hà Phạm Phú.
“Đọc kĩ hơn những truyện ngắn mà các nhà văn vừa hoàn thành ở Trại viết, người đọc có thể thấy rõ mối quan tâm chính yếu của các nhà văn: đó là đời sống hiện tại và trạng thái tinh thần của các nhân vật thuộc tầng lớp dân nghèo, tầng lớp thị dân, của những người có chút ít tư liệu sản xuất và lớp cán bộ cơ sở...thông qua đó mà bắt mạch sức khỏe xã hội, đo lường sự bền vững của nền tảng văn hóa dân tộc, nền văn hóa truyền thống”, nhà văn Hà Phạm Phú chia sẻ.
Với vốn sống và sự từng trải của mình, ngòi bút của nhà văn Đinh Ngọc Lâm mạnh mẽ và sắc sảo, luồn lách để khai mở, lật ra khuyết tật, ung nhọt của đời sống quan trường và đời sống xã hội thị dân. Đinh Ngọc Lâm đã rất tài tình, khi chỉ bằng đôi nét chấm phá mà dựng lên được một sinh thái sống động điển hình của đời sống chính trị, tinh thần của một địa phương, một vùng đất. Tương tự như vậy, cũng với bút pháp già dặn như thế, nhà văn đã thành công trong việc khám phá và phơi bày quá trình tha hóa của những cán bộ nhân viên có xuất phát tương đối trong sạch, qua đó phơi bày sự giằng co giữa cái thiện và và cái ác.
“Đối với tầng lớp trí thức, Lê Ngọc Minh tỏ ra hiểu biết khá sâu về đời sống tinh thần của tầng lớp được coi là tinh hoa của xã hội. Cái nhìn của nhà văn đầy nhân ái, cảm thông, nụ cười hài hước nhẹ nhàng. Với Đẻ rơi, tôi cho rằng đây là một truyện ngắn được viết ra bởi một ngòi bút lão luyện”, nhà văn Hà Phạm Phú đánh giá.
Truyện ngắn về miền núi của Đoàn Hữu Nam thành công nhờ ở sự thâm nhập cuộc sống lâu dài và sâu rộng cùng với cách khai thác và vận dụng vốn văn hóa dân gian nhuần nhuyễn, vốn ngôn ngữ bản địa phong phú khiến không khí truyện có sức cuốn hút mạnh mẽ, nhờ đó mà vẽ nên thế giới tinh thần của người Mông rất sinh động.
Phan Mai Hương là người con dân tộc Mường, với truyện ngắn Mùa cam ra trái hoàn thành ở Trại viết, chị là “phát ngôn” của dân tộc mình bằng ngôn ngữ trau chuốt, duyên dáng, linh hoạt và giàu hình ảnh.
Văn Giá nổi tiếng là nhà phê bình văn chương, với bút danh Ngô Văn giá, nhưng với truyện ngắn Quán ông già anh không phải là người xa lạ. Truyện ngắn gọn ghẽ, như một tiếng thở dài thương cảm. Rất ám ảnh. Nhưng không chỉ có thế. Với số lượng chữ không nhiều, nhưng truyện ngắn Quán ông già như một “khối thuốc nổ” được nén chặt, cảnh báo một tương lai chông chênh bất định.
Còn rất nhiều thân phận, nhân vật và xung đột đời sống được các nhà văn tham gia Trại viết xây dựng thành công trong các truyện ngắn khác.
Sẽ là thiếu sót, nếu không nói đến nhà văn trẻ Phạm Giai Quỳnh, qua truyện ngắn Khúc ca vĩnh cửu của mình chị đã thể hiện tác phẩm có sức nặng với câu văn hàm chứa độ dày của tri thức văn hóa. Giai Quỳnh đã chứng tỏ thuyết phục là ngòi bút có năng lực tạo ra trường cảm thức đa chiều.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú và Nguyễn Xuân Thủy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) là cố vấn văn học của Đường văn có mặt trong buổi lễ bế mạc đều đánh giá cao nỗ lực của Thi Nhân các, và ấn tượng bởi các gương mặt nhà văn cũng như các tác phẩm của họ hoàn thành trong thời giant ham gia Trại.
Đáp từ phát biểu của các nhà văn, Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Thắng bày tỏ bằng cảm xúc chân thành: “Thông qua các cuộc thi và trại viết, một mặt chúng tôi mong muốn tìm được những tác phẩm văn học thực sự có giá trị, giúp công chúng được tiếp xúc với văn chương đích thực, góp phần bồi đắp tinh thần của họ, giúp họ tự tin vào giá trị và sự cao đẹp của văn hóa truyền thống”.
Đường đời đã dài, đường văn – với tư cách là con đường của những giá trị nhân bản, con đường của vẻ đẹp văn chương chắc chắn còn dài hơn. Nó là sự tiếp nối của thời gian, không gian, đi từ quá khứ đến hiện tại và vào tương lai. Nói cách khác đó là con đường kỳ vĩ, vì nó mà các thế hệ nhà văn từ cổ chí kim dấn thân.
Góp phần vào hành trình đó, Thi Nhân các đã khơi mở một con đường riêng, “Đường văn” khác biệt. Chắc chắn họ sẽ nhận được sự cỗ vũ, tham gia, không riêng các nhà văn, mà cả bạn đọc yêu mến và mong đợi ở văn chương Việt./.
Ngày 12/1/2024
NĐH
.