“Em có về vùng quê câu hát…”

Nhạc sĩ Đỗ Phương (hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam) là người con Bắc Ninh sống xa quê nhưng trong anh lúc nào hình ảnh quê hương cũng hiện hữu, thôi thúc phải làm điều gì đó cho nơi “chôn rau cắt rốn”.
nhac-si-1628031486.jpg
Nhạc sĩ Đỗ Phương và MC Mỹ Lan trong chương trình giới thiệu tác phẩm mới “Nhớ mùa xuân quê hương”

Gần đây, khi quê nhà là tâm dịch COVID - 19, anh đã sáng tác ca khúc “Về Kinh Bắc quê anh” như lời cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà vượt qua đại dịch với cách vào bài cuốn hút: “Em có về vùng quê câu hát/ Như dòng sông uốn quanh làng Quan họ/ Chỉ qua dòng Đuống xanh man mát/ Là cả trời quê hương thân thương…”.

MV “Về Kinh Bắc quê anh” của nhạc sĩ Đỗ Phương là một trong những MV ra đời sớm nhất khi đại dịch tràn vào huyện Thuận Thành - địa phương đầu tiên của tỉnh có ca mắc COVID - 19. Với giai điệu mang âm hưởng của dân ca đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt là dân ca Quan họ, ca khúc cuốn hút người nghe bởi những lời ca mềm mại, uyển chuyển, thướt tha như lời mời gọi thân tình của một chàng trai quê Bắc Ninh với cô gái ở miền quê khác.
Nói về ca khúc đặc biệt này, nhạc sĩ Đỗ Phương chia sẻ: “Những ngày vừa qua trên các ngôi làng và những con phố vắng bóng người; nhiều trường học, doanh trại và một số công trình khác được trưng dụng làm nơi ở cho những người cách ly tập trung, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bao trùm lên đó là không khí ảm đạm, lo lắng. Là người con của quê hương Bắc Ninh ai mà không đau xót trước hình ảnh đó. Bởi thế tôi nghĩ rằng bên cạnh những chuyến hàng cứu trợ thì việc ra đời của một ca khúc sẽ có sức mạnh tinh thần to lớn để cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu và niềm tin vào chiến thắng đại dịch trên quê hương miền Quan họ thân yêu”.
Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Phương thì sự độc đáo, thú vị của ca khúc này là đã đưa được hầu hết các địa danh, những nét văn hóa mang đặc trưng của Bắc Ninh, như: Đền Đô, Văn Miếu, chùa Cô Tấm, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Hội Lim… nhưng giai điệu lại không bị khô cứng, trái lại rất ngọt ngào, sâu lắng, tình cảm. Mặc dù cổ vũ tinh thần chống dịch nhưng trong bài hát không có một từ nào nhắc đến đại dịch; khiến người nghe cảm thấy tin tưởng, hy vọng và tự hào với truyền thống văn hóa cách mạng hào hùng, “địa linh nhân kiệt” ngàn năm của vùng đất này. “Tôi chủ ý nhấn mạnh lòng tự hào, truyền thống ngàn năm và những địa danh hùng vĩ sẽ là sức mạnh tinh thần để người dân đồng lòng tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc chống dịch, sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường”, nhạc sĩ Đỗ Phương nhấn mạnh.
Đặc biệt với cảm nhận của nhiều người thì trong ca khúc ngoài nhắc đến những địa danh mang đặc trưng của vùng đất Bắc Ninh, tác giả còn có những câu hát với hình ảnh rất đẹp, như: “Em có về quê anh không em/ Nhà máy vươn lên từ cánh đồng/ Em không còn ngô khoai cây lúa/ Ngập tràn nụ cười như áo tứ thân”. Đó chính là sự khẳng định quê hương Bắc Ninh đang ngày càng giàu đẹp, với một nền công nghiệp hiện đại đang hừng hực tiến lên với niềm tin sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào thời gian sớm nhất.
Nhạc sĩ Đỗ Phương đặt tên “đứa con tinh thần” của mình là “Về Kinh Bắc quê anh”. Khi viết ca khúc này anh hướng đến giọng baritone truyền cảm của ca sĩ Minh Dũng - Solist chính của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và cũng là một người con Bắc Ninh. Anh nghĩ rằng các địa danh, hình ảnh trong bài hát gợi lại cho Minh Dũng những cảm xúc thật đặc biệt để có thể làm lay động trái tim người nghe qua tiếng hát của mình. Và quả thực ca khúc với sự kết hợp của những người con Bắc Ninh là Đỗ Phương và Minh Dũng được không chỉ nhân dân Kinh Bắc mà nhân dân cả nước đón nhận nồng nhiệt và đánh giá là một ca khúc hay về miền Quan họ.
Trước đó nhạc sĩ Đỗ Phương cũng đã có những sáng tác về Bắc Ninh được nhiều người đón nhận, như “Nhớ mùa xuân quê hương” được giới thiệu trong chuyên mục “Tác phẩm mới” trên sóng VTV1. Ca khúc với lời ca đẹp, sáng trong: “Mùa xuân trên quê hương/ Nụ hoa long lanh sương/ Hương xuân bay ngào ngạt/ Về đây ru hồn thơ/ Ngày xuân đi trong mơ/ Đường xuân ai buông tơ/ Mưa xuân giăng mờ mịt/ Người xuân sao hững hờ…” như lời thúc giục những người con xa xứ trở về quê hương.
Qua giọng nữ âm vực cao soprano xuất sắc của ca sĩ Trần Trang, giải Ba dòng nhạc thính phòng Sao Mai điểm hẹn 2013, bài hát dành được sự yêu mến của người nghe. Ca khúc chính là nỗi lòng của nhạc sĩ Đỗ Phương - người con xa xứ nhớ về quê nhà với đồng ruộng mênh mông, với canh cà trong những buổi trưa hè mẹ nấu, với tiếng võng kẽo kẹt khi bà nằm và ngân nga câu hát xưa, với miền kí ức tuổi thơ mơ mộng với hình ảnh con đò, bến sông, sáo diều... Và không khó khăn để nhận ra hình ảnh của làng quê Bắc Ninh - nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng và khởi nguồn cảm hứng sáng tạo trong nhạc sĩ Đỗ Phương. Nhạc sĩ Đỗ Phương chia sẻ: “Tôi viết ca khúc này với cảm xúc đong đầy của một người con xa quê hương. Bài hát như một lời tâm sự về nỗi nhớ quê nhà da diết và những ký ức tuổi thơ không thể quên được trong mỗi chúng ta”.
Một ca khúc khác của nhạc sĩ Đỗ Phương viết về quê hương cũng được nhiều người biết đến là “Phố thị đèn dầu” qua tiếng hát của Nghệ sĩ Ưu tú Đức Long. Đó là mong mỏi, trăn trở, suy nghĩ của tác giả khi nhớ về thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh), “thị xã đèn dầu” vào thập niên 70-80 khi hoàng hôn xuống chỉ có những ánh đèn dầu. Nhớ về những ký ức cũ không phải là “kể nghèo, kể khổ” mà chính là những lắng đọng trong trái tim mỗi người, là động lực thôi thúc chúng ta vươn lên... Với nhạc sĩ Đỗ Phương thì đó còn là niềm tự hào khi quê hương Bắc Ninh hôm nay đang từng ngày đổi mới, vươn lên.

Ngô Khiêm