Em đẹp như hoa Pơlang

Dì Pig

05/05/2022 06:44

Theo dõi trên

Miền Bắc gọi là hoa gạo.

Tôi đến Tây nguyên cuối mùa hoa gạo, những thân cây đỏ rực trên nền trời là nơi ấy có bản làng người Thượng.

Hành quân qua Kontum tôi lần đầu gặp dân, đều ở trần. Đàn ông mặc khố, phụ nữ váy dài. Những bông hoa PơLang đây sao? Tóc vàng cháy, bù xù, làn da đen kì lạ.

em-dep-1651707807.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Trạm cuối cuộc hành quân. Sau đêm leo dốc Kontum là trận mưa đầu mùa dữ dội. Chúng tôi đã phải đau đớn tiễn đưa thằng Hùng, người chiến sỹ ấy vừa hoàn thành nhiệm vụ vượt Trường Sơn. Cành cây săng lẻ to rơi trúng võng nó nằm. Có những mất mát thật vô nghĩa. Cũng như trận bom B52 trên đường Trường Sơn đã cướp đi hơn trăm sinh mạng đoàn Tân binh. Khó chấp nhận nhưng không làm chùn bước, yên nghỉ nhé, chúng tôi sẽ chiến đấu thay các anh.

Nhận quyết định về đoàn Đồng Bằng. Một tháng đi bộ nữa sao? Tôi đã quen với quân lệnh như sơn, không hỏi. Và niềm vui vô kể khi chỉ một giờ đi bộ là chúng tôi đến Sở chỉ huy Sư Đoàn. Thì ra cái tên đoàn Đồng Bằng có từ thời chống Pháp, Quả đấm thép- F320 Anh hùng. Từ nay sẽ là F320 của tôi, thấy mình lớn hẳn, Tây Nguyên là nhà tôi rồi.

Đi cùng anh Chính trị viên về Đại đội. Men theo con suối cạn mà xa xa vọng tiếng ùm oàng không ngớt, chút lãng mạn tự hào làm tôi mạnh mẽ lắm, bỗng nghe "véo" ngay trên đầu, nhanh như cắt tôi nép mình vào bạnh cây săng lẻ và đỏ mặt trước sự bình thản của người anh sạm màu nắng gió. Anh quay lại cười hồn hậu: "Nhanh nhẹn thế là tốt". Tôi mơ ngày mình cũng dày dạn như anh, lũ bạn ở quê nhà chắc ngưỡng mộ mình lắm.

Gia đình mới của tôi, trung đội mười lăm người.  Quá khác với bộ quân phục còn màu xanh và nước da chưa màu sốt rét, các anh cưng tôi như thú cưng vậy, mà trêu chọc đủ kiểu. Nhẹ nhất là đang ngủ: "Dậy dậy... dậy ngủ lại đi", cười méo mặt.

Đêm gác đầu tiên vô cùng đáng nhớ, gặp con hươu đáng ghét đi tìm bạn sột soạt mà tưởng là thám báo. Đến khi nghe nó hoác mới thấy như mình sống lại, tôi bèn làm nó giật mình đâm đầu lao đi mà thấy hả hê vô cùng, mới biết mình... ướt quần. Im thít, các anh mà biết thì không biết trêu sao nữa.

Tôi nhận khẩu M79 chiến lợi phẩm của Mĩ và cùng nó gắn bó đến ngày Giải phóng với nỗi lòng: cứ sau trận đánh là đi thu nhặt đạn của phía bên kia và ra về nặng trĩu, nhìn các anh nhẹ nhõm mà thèm. Vậy thôi chứ hãnh diện lắm khi anh Thanh trung đội trưởng bảo: "Hoả lực mạnh anh tin tưởng giao cho em đấy. Bắn vài quả là quen thôi". Thế là xong bài huấn luyện.

Sau trận đầu nghe đạn nổ quanh mình, lại một lần "ướt quần" nữa. Tôi thành lính chiến rồi. Đồng đội là anh em, cũng máu thịt của mình, người này che cho người khác, thoáng nghĩ tới mẹ gửi lời con xin lỗi nếu không về, thế thôi.

Qua rồi mùa khô, mùa mà con suối cạn chỉ còn thỉnh thoảng là vực nước nhỏ, tìm nước là công việc khó khăn, nguy hiểm, vì lính ta cùng thám báo địch, hổ báo cáo chồn chung cả. Những cơn mưa như đầu tiên báo hiệu mùa mưa đến.

Mùa mưa Tây nguyên lạ lắm, giờ thì nhiều nước quá, mưa xối xả đêm ngày. Muỗi vắt sinh sôi nhanh kì lạ. "Cao nguyên lộng gió" không đẹp như trong câu hát.

Những con ngầm con suối sống lại, đất bazan thành bùn lầy, đường vận tải tắc nghẽn. Chiến lợi phẩm thu được đã cạn, giờ mỗi bữa hai lưng cơm, cái đói cồn cào ngày càng tra tấn cậu lính mới là tôi, bụng lúc nào cũng sôi như nồi bánh chưng. Nhiều đêm nhớ mẹ, nước mắt cứ ở đâu tràn về, ước nồi sắn luộc của mẹ, ước bàn tay mẹ vỗ về, xa lắm rồi mẹ ơi. Chắc giờ này mẹ cũng đang lo lắng cho con, nghĩ tới đó lại thấy mình thêm cứng cỏi: đừng lo mẹ nhé.

Lần theo con suối hôm anh chính trị viên đón tôi về, tôi đi khám phá núi rừng Tây nguyên. Anh Thanh đưa tôi khẩu AK và dặn đường cùng mới được bắn. Có câu "giặc Gia Lai", nơi đây gần địch lắm, còn nguy hiểm thú dữ nữa. Anh bảo hướng Tây là vùng Giải phóng, bao giờ Giải phóng toàn bộ đất nước tôi sẽ về kể cho bọn bạn nghe về Tây Nguyên. Những chùm Phong lan đung đưa khoe sắc, tôi sẽ đem về cho tụi con gái trong lớp, chúng nó phải thích và khâm phục tôi lắm. Đang vui chân bỗng nghe mùi hôi lạ, anh dặn mùi măng chua là Hổ và phải trèo lên cây, mùi này chắc không phải rồi, tôi nép vào gốc cây quan sát, có cả khói nữa, thì ra là một bác người Thượng, trên mình chỉ có một cái khố, da đen bóng, miệng ngậm cái tẩu tự chế nhả khói khét lẹt, vai vác con dao to, sau này mới biết gọi là dao gá. Trông như một vị thần núi rừng. Tôi lễ phép: "Cháu chào bác ạ". Chả đáp lại, bác đi sát qua tôi mà con dao sáng loáng làm tôi ớn lạnh nghĩ chỉ cần bác vung tay một phát là cái đầu chẳng còn. Thở phào khi bác đi qua với con dao vẫn trên vai khi về thật thà kể về nỗi sợ ấy, tôi bị các anh trêu đến phát khóc. Thì ra đồng bào đâu biết tiếng Kinh.

Mùa mưa ít đánh trận. Lính toả đi vào rừng "cải thiện", ngoài măng lồ ô chấm mắm kem thì ngon hơn là củ cọc rào, giống củ mài nơi đất Bắc, mỗi dây chỉ một củ cắm thẳng sâu hơn mét. Vừa ốm dậy cố gượng đi cải thiện, tối qua anh Huy đã không về. Một đêm không ngủ, sớm hôm sau chúng tôi tìm thấy anh nằm bên hố cọc rào đào dở, nâng anh lên thì ôi thôi, mối "phóng lựu" (các anh gọi thế), loại mối to bằng đầu đũa đã ăn hết phần thịt anh nằm giáp đất... ôm anh khóc nghẹn.

Hôm nay tiểu đoàn cho phép vào dân xin rau. Nghĩ tới rau xanh mà thèm nhỏ dãi, lại còn được gặp dân nữa. Thế là lần đầu tôi vào bản có tên là Làng Gà. Hi vọng tắt ngấm vì các cô gái ở đây cũng giống như tôi đã gặp trên đường hành quân. Bù xù và đen nhẻm. Chẳng giống trong phim ảnh và chẳng hiểu sao ông nhạc sỹ nào có thể ví như hoa PơLang. Nhưng tấm lòng với bộ đội là có thật, vô cùng quý mến. Sau này tôi còn được tham dự nhiều ngày vui ngày lễ của buôn làng và lần nào cũng hưởng tình thương mến ấy.

"Bộ đội đi theo nó". Già làng nói với tôi và "nó" là cô gái rất trẻ, qua làn da đen thì đó là một cô gái đẹp, dân quý bộ đội thế đấy. Hơi ngượng vì cô để ngực trần. Nói chuyện thì dùng cử chỉ, cô chỉ cho tôi tránh những cái bẫy "thò" bắt thú, cho tôi xem nhà nương, nơi để lương thực chung của cả làng. Rồi chỉ ra vạt rau lang cuối rẫy. Hái được nửa gùi, tôi trao em gói muối nhỏ dù em cố từ chối. Về đến đơn vị mới biết các anh về lâu rồi và ai cũng chặt cứng một gùi. Họ bứt cả dây khoai dài về nhặt lá ăn còn tôi chỉ ngắt ngọn. Lại trận cười trêu thằng lính mới chắc mải ngắm hoa khôi buôn làng, tức mà phải chịu.

Mùa mưa ấy chúng tôi còn trồng lúa nương. Đi xa để giữ bí mật nơi đóng quân, chúng tôi mượn dân làng dao phát rẫy, giống lúa đồng bào san sẻ cho, phụ nữ buôn làng còn giúp tra lúa, những bộ ngực trần héo hắt đung đưa nhìn thương không tả. Sau ba tháng thành quả là những bông lúa trĩu hạt, thế mới biết đất bazan màu mỡ. Tuốt lúa bằng tay đến chảy máu, người Thượng cũng làm bằng tay mà, rồi dân lại sấy khô giúp, rồi vào buôn nhờ giã gạo. Khỏi nói sự háo hức của chúng tôi và thật tuyệt vời nồi cơm ấm tình đồng bào ấy. No cơm, anh em rủ nhau làm bún. Lính mà, các anh tôi gì cũng giỏi. Ngâm gạo rồi giã bằng mũ sắt của Mỹ, màn tuyn là rây, ống đồ hộp đục lỗ là khuôn bún và khi mẻ bún trắng muốt ra lò là tôi chỉ ăn bằng mắt, tôi sốt rét ba ngày rồi. Thèm bàn tay chăm sóc của mẹ mà dâng đầy nước mắt. "Mày trụ được mấy tháng mới bị là giỏi đấy", anh Tính nói khi dìu tôi đi viện, gần một ngày mới đến. Sau hai mươi ngày nằm viện với những mũi Quy nín đau điếng người. Bỏ được nạng, đi tập tễnh, tôi trở về đơn vị, tôi nhớ lắm các anh tôi, nhớ cả lúc trêu chọc, nhớ bữa ăn măng rừng. Cặp môi khô bong da và tôi đã có màu tái xanh sốt rét, tôi thành lính cựu rồi. Chẳng giống cái tên "cô gái yêu" các anh đặt cho nữa. Gạo nương tăng gia đã hết rồi nhưng anh nuôi vẫn phần và nấu riêng cho tôi mấy bữa, cảm động đến nghẹt thở.

Ba ngày khi tôi từ viện về là đơn vị có chuyện lớn. Anh Thanh lên đại đội về kéo tôi xuống hầm gặng hỏi: "Hôm vào buôn xin rau, em có làm gì cô gái ấy không"? Làm gì là làm gì? Tôi còn ngớ ngẩn mãi mới hiểu. "Trời em còn không dám đến gần cô ấy mà". Mặt anh giãn ra, chắc anh lo cho thằng em là tôi lắm. Trung đội vừa tập hợp dưới tán cây săng nẻ thì cũng là lúc Đại đội trưởng cùng già làng và một cô gái trẻ, cái bụng lùm lùm đi ngó nghiêng từng người. Không biết các anh tôi thì sao chứ tôi sợ đến tái người, cô ấy nhận nhầm thì sao?

Đột ngột, cô gái đứng lại trước anh Chung với giọng ngọng líu lô: "Cái bộ đội này đó. Nó đổ nác mình". Và e thẹn cúi đầu: "nác nhìu lắm". Không nói nửa lời anh Chung được đưa ngay về Sư đoàn. Hết lo và buồn cười không nhịn được, tôi bị anh Thanh đá cho suýt khuỵu chân. Án phạt của làng là một tạ muối.

Ngay chiều hôm đó,chúng tôi bị Chính ủy trung đoàn xuống mắng cho một trận tơi bời. Lúc nào cũng thấy chúng mày kêu đồng bào xấu, đen, hôi mùi thuốc, thế mà còn... rúc đầu vào. Không ai dám ho he. "Giờ cho chúng mày nhịn muối một tháng cho nhớ đời". Lát sau qua cơn thịnh nộ, Chính ủy cho chúng tôi ngồi xuống: "Tao cũng thương chúng mày lắm chứ. Có đứa năm năm trong rừng rồi. Nhưng tình cảm của dân không phải tự nhiên mà có". Ông kể về những Tiền bối gian khổ được đồng bào người Thượng tin yêu, được uống máu ăn thề, được theo phong tục cưa răng (dùng thanh lồ ô cưa cụt bốn răng cửa- chứng minh lòng dũng cảm, sự trưởng thành), họ sống trọn vẹn với mảnh đất Tây Nguyên, nhen lên ngọn lửa Cách Mạng, niềm tin Đảng Bác và ngày chiến thắng. Ngoài kia các ấp chiến lược của Mỹ với đầy đủ gạo muối, chúng mở các trận càn đốt sạch làng bản dụ dỗ dân vào, mà người Tây Nguyên chạy càn thứ đem theo đầu tiên là ảnh Bác rồi lại về treo lên chỗ trang trọng nhất nơi mái nhà dựng tạm bợ, bám trụ cùng bộ đội, chia sẻ hạt muối hạt gạo ít ỏi, làm rẫy vót chông bảo vệ buôn làng, nơi có cây hoa PơLang là nơi đất lành thần linh che chở.

"Từ nay chúng mày nhớ, đứa nào léng phéng, tao bắn bỏ đó nghe". Ông về rồi, chúng tôi mới dám tếu: Gì cũng mang tiếng rồi, mai vào buôn thực hiện luân xem Chính ủy bắn được mấy thằng? Ôm nhau cười rũ, tếu thế thôi, chúng con xin vái cả nón bố ơi.

Nghe nói anh Chung sau đó nhận làm rể buôn làng và bộ đội không bị phạt muối nữa. Phạt là lệ làng thôi chứ nhìn tôi cũng thấy cô gái quý anh. Và sau đó chắc anh vẫn cầm súng chiến đấu trên đất Tây Nguyên. Đối với người lính chúng tôi, ra đi với lời thề, thì không được chiến đấu bên đồng đội là hình phạt lớn nhất. Bên nhau bao gian khổ cũng vượt qua, niềm vui nhỏ bé cũng là kỉ niệm. Nhớ lúc hì hục chặt những cây bứa có đường kính hơn chục cm bằng con dao găm Liên xô bé xíu, chặt cả ngày mới đổ rồi xúm xít vặt lá như lũ vượn sau cái thèm của chua của những trận sốt rừng, bất chợt tôi cao hứng diễn đoạn chèo: "Thầy như táo rụng sân đình, em như gái dở đi tìm của chua đấy các bộ đội ơi". Các anh ôm bụng cười, cái tên "cô gái yêu" có từ đấy, gọi vậy thôi mà không kém các anh chút nào.

Mùa mưa không đánh trận, tôi cùng mấy anh được tăng cường cho d18 thông tin, trên lưng mỗi người là bẩy cuộn dây hữu tuyến mỗi cuộn 9kg. Nặng đến chảy nước mắt, mới thấy bộ đội thông tin gian khổ hi sinh không kém. Rải dây hữu tuyến trong rừng sâu chia ra từng trạm, trách nhiệm truyền lệnh kịp thời chính xác từ Bộ tư lệnh xuống các đơn vị chiến đấu và ngược lại. Khi pháo địch nổ đứt dây bất kể ngày đêm phải tìm nối kịp thời. Nguy hiểm nhất là bị lũ thám báo cắt dây rồi gài mìn hoặc phục kích, đã không ít các anh hy sinh khi đi làm nhiệm vụ.

Tây Nguyên những ngày cuối năm 72 sục sôi khí thế tất cả cho mặt trận, các loại pháo mặt đất cỡ lớn được tháo rời từng bộ phận rồi trên vai người lính vận tải cùng chị em TNXP khiêng vác, bộ đội đường ống xăng dầu cũng hối hả lắp đặt ống kéo dài.

Dưới trời mưa như đổ nước "đoàn ngựa thồ" chẳng thể đi thẳng lưng, lầm lũi đi, tôi liên tục đưa tay vuốt nước mưa và cả dòng nước mắt. Cũng chính vì những ngày này, tôi mới hiểu và thương lính vận tải, nhất là chị em TNXP, dù không phải nghe tiếng đạn lúc nào cũng veo véo trên đầu, nhưng cái gian khổ có phần hơn cánh lính chiến. Bước chân cùng đoàn "ngựa thồ" ấy, lũ "tham mưu con" chúng tôi biết sắp có chiến dịch rất lớn. Cuối mùa mưa trở về đơn vị rồi những trận chiến đấu vô cùng ác liệt lại đến, đánh nhanh, đánh mạnh, mở rộng vùng giải phóng, chúng tôi cũng không biết gì đến ngày tháng và ôm nhau nhảy cẫng, vui mừng tột độ khi được thông báo Hiệp định Paris đã được ký kết- 27/1/73. Không nghĩ ngày Thống nhất đất nước còn kéo dài thêm hai năm nữa.

Chỉ là một quả pháo địch bắn vu vơ trúng hầm, hai anh tôi đã nằm xuống. Rồi sau mỗi trận đánh không bao giờ tôi quên những gương mặt các anh lần lượt không về, nhưng với người anh trung đội trưởng thì sự ra đi của anh là cả một phần hồn tôi ở lại. Nằm cùng hầm bao nỗi niềm chia sẻ, ôm nhau khóc đón giao thừa, phút cuối bên tôi che chở. Trận Bản Đôn anh nằm xuống, tôi thay anh nhận trách nhiệm với hơn chục bà mẹ gửi gắm đứa con yêu dấu của mình.

Một năm trong Tây Nguyên, tôi mười tám. Đơn vị di chuyển đến hậu cứ Gia Lai. Lại một mùa mưa. Quân số đơn vị đã được bổ xung đầy đủ đón mùa khô đỏ lửa, có cả anh hơn tuổi vẫn gọi tôi là anh. Trong bao đồng đội anh em, ta vẫn có một tri kỉ- thằng Tiến kém tôi một tuổi, đi đâu làm gì cũng có nhau.

Tiếng cồng chiêng rộn rã từ Làng Bò vọng đến, Tiến bắt tôi dẫn đến xem. Sân nhà rông hôm nay đông nghịt, một đám bắt chồng. Người Ê Đê theo thuyết Mẫu hệ, nhà gái trao lễ vật cho nhà trai rồi đón chồng về. Trai gái đua nhau nhảy múa, có mấy cô mặc những chiếc áo cộc tay có hoa văn rất đẹp, đầu thắt mảnh vải nhỏ đỏ tươi, còn phần lớn vẫn ở trần nhìn bộ ngực lắc lư thú thật rất buồn cười. Thấy bộ đội các cô mời vào cùng nhảy múa. Lại được mời uống rượu cần. Từ giã khi cuộc vui còn dở, trên đường về cu cậu cứ làu bàu, sao anh không cho em ở lại ăn cơm với đồng bào? Trời, mày có biết ăn bốc không? Nó nhoẻn miệng cười: Rượu cần nhạt toẹt anh nhỉ. Nhìn nó thấy thằng tôi một năm trước.

Hai anh em đi lấy măng. Mùa mưa đây là thực phẩm chính, tôi phải lòng cái sự hâm mộ Tiến dành cho mình, chỉ là lấy măng nó cũng phục. Nhặm nhuội rủ xuống sông Pô Cô tắm, mắt cu cậu sáng lên, giống tôi ngày mới đến đây mà, nghe tên Pô Cô trong câu hát.

Dưới sông có người, hai cái lưng con gái lấp loáng. Lanh lảnh "nhìn là mù mắt đấy", đúng giọng đanh đá của các cô Thanh niên xung phong binh trạm 5 gần đó rồi. Lát sau quay lại vừa đi vừa nghêu ngao hát, không các cô tưởng là thám báo bắn cho bỏ mẹ. Và tôi có tình yêu đầu. Phương mới đến với Tây Nguyên hai tháng, đẹp rạng rỡ. Tôi đã biết yêu. Trước đây, thương lắm thân gái trong rừng môi thâm mắt trắng, thương các cô gái buôn làng trần trụi, hoang dại. Tình thương cùng kỉ luật quân đội khiến tôi đôi lúc cũng nghi ngờ... giới tính của mình.

Sau hiệp định Paris lính tây Nguyên cũng dễ thở hơn. Vùng giải phóng được mở rộng, đơn vị cho phép chúng tôi tự cải thiện để thỉnh thoảng có thêm nữa thịt tươi tăng cường sức khỏe- lính gọi là "ca cóng".

Lần đầu là con voi rừng bị bắn hạ bên bờ suối. Hai năm rồi đây là lần đầu có thịt tươi. Chúng tôi gọi thanh niên trong buôn đến mổ thịt chia nhau. Mấy cậu lính mới người mường Thanh Hóa đua nhau trổ tài "ca cóng", gia vị chẳng có gì ngoài muối và chút mỳ chính, anh em quây quần háo hức và thất vọng thật nhiều, miếng thịt khô khốc, chỉ hơn món măng rừng chút xíu, đúng là "trăm voi không được bát nước sáo". Cũng từ bữa đó chẳng con voi nào bị bắn nữa.

Tôi cùng thằng Tiến ra sông Pô Kô. Nó lau tau đòi quả US của tôi để tự mình ném cá, đứng trên bờ sông, hướng dẫn cho cu cậu cách sử dụng. Nó tháo chốt an toàn rồi vung tay ra sau. Nghe tiếng "bụp" thật gần, quay lại thì quả US nằm trong bụi cỏ ngay cạnh chân, vội ôm nó lăn tùm xuống sông lặn một hơi nhô lên khỏi mặt nước nhìn đất đá bay bụi mù trên bờ mà hú vía. Rồi cũng cá gánh lặc lè về nhưng chẳng thấy nó cười nữa. Nó biết đâu tôi cũng có kỉ niệm muốn quên đi là trong một trận đầu đời lính chiến có lần tôi đã lắp nhầm quả đạn hoá học M79 và suýt chặn mũi tiến công của chính trung đội mình.

Một lần hai anh em gặp con lợn rừng hơn tạ. Dứt tiếng súng, con lợn quay phắt lại, lao thẳng chỗ tôi vừa đứng, bản năng lính chiến mới giúp tôi kịp nhảy sang bên cạnh, quay lại thấy thằng Tiến đã kịp đu người lên cành cây, còn nhe răng ra cười, dân Cao Bằng nhanh nhẹn thật. Con lợn húc đầu mắc kẹt vào bạnh cây săng nẻ, chân đạp đạp, nhìn cú húc mà ghê đến nghẹt thở. Bù lại cả đơn vị được mấy bữa ăn tươi.

Lôi cái đèn pin "cổ nghéo" chiến lợi phẩm, tôi kéo thằng Tiến đi rình bắn hươu, nai ra ăn cỏ ban đêm. Hai anh em lần theo khe nước nhỏ, cách nơi đóng quân chừng 1km, tôi đi trước. Bước chân khựng lại trước cái gì đó vằn vằn... ôi trời, là con rắn to cỡ bắp chân nằm vắt ngang khe, ngóc đầu, nghe rõ tiếng phì phì. Rắn Tây Nguyên to và độc, vùng quay lại xô vào Tiến ngã chúi, cùng chạy bán sống bán chết. Về nơi đóng quân, ướt như chuột lột, thằng Tiến vừa kể vừa run.

Tôi nhớ cái cười hồn nhiên của nó, cái lúc mặt xịu trẻ con, lúc gan lì đánh trận, lúc vun vén cho tình yêu của tôi như hạnh phúc của mình. Chỉ còn nhớ thôi, bởi trận đánh giải phóng thị xã Cheo Reo, tôi mất nó rồi.

Tình yêu tôi với Phương không đơm hoa kết trái. Vào chiến dịch xuân 75, để giữ bí mật tôi chia tay em không nói lời và mãi xa.

Đón Xuân 1975 đơn vị ăn Tết trước bốn ngày. Bước chân như thác lũ, chúng tôi tiến về đồng bằng.

Những bông hoa gạo đầu tiên mở mắt vẫy chào. Tạm biệt nhé đất lành hoa PơLang.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Em đẹp như hoa Pơlang" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn