Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023

Tối 9.11, tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên VTV1, sẽ kết thúc ngày 12/11.

Tham dự có hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương; đại diện một số tổ chức quốc tế; các nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tiêu biểu toàn quốc cùng đông đảo nhân dân. 

b1-langtnghe1-1699544638.jpeg

Các đại biểu nhấn nút chính thức khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Ảnh: Internet

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cùng các đại biểu dâng hương tại Điện Kính Thiên và thực hiện nghi thức khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu khai mạc nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam tại Hoàng thành Thăng Long - quần thể di tích lưu dấu vàng son với nhiều tuyệt tác, chạm khắc tinh xảo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, của Trung ương và các địa phương đã thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước dành cho sự phát triển bền vững của làng nghề, gắn với kinh tế nông thôn.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, "tài hoa kết tinh thành giá trị", làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam đã trải qua lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Bàn tay khéo léo, trí óc sáng tạo của bao thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi đã dày công thổi hồn cho từng tác phẩm độc đáo, tinh tế, chuyển tải di sản văn hóa, nét đẹp truyền thống của cộng đồng, của dân tộc, vừa có tính ứng dụng gần gũi, vừa có tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao.

b2langnghe2-1699544987.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh trải nghiệm không gian thực hành nghề tại Festival. Ảnh: Internet.

 

Dẫn câu nói của cha ông: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh và Chỉ có người phụ nghề chứ không có nghề phụ người, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng thời nhấn mạnh: Chúng ta nhất quyết sẽ không phụ nghề mà ngược lại phải có trách nhiệm và bổn phận làm cho nghề Việt, tinh hoa Việt bay cao, bay xa đi khắp muôn nơi. Cùng nhau nâng lưu giá trị Việt, cùng nhau nâng tầm làng nghề Việt, cùng nhau kết nối tinh hoa Việt.

Theo thống kê, ngành nghề nông thôn đang thu hút khoảng 817.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nghề sản xuất, góp phần giải quyết công ăn việc làm 3,7 triệu lao động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng/người/năm. Kim ngạch xuất khẩu riêng nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ năm 2022 đạt trên 3,3 tỷ USD. Nhiều làng nghề đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn tin rằng, đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ Việt Nam và mỗi người, nhất là thế hệ trẻ, vẫn luôn tự tin và tự hào tìm kiếm, chăm chút, tạo dựng những giá trị vô tận từ tài nguyên bản địa đa dạng, bản sắc văn hoá – xã hội độc đáo, với đôi bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo, sự cảm nhận tinh tế để mỗi sản phẩm làng nghề càng ngày bay cao, vươn xa.

Với thông điệp “Cùng nhau, chúng ta nâng niu giá trị Việt – Cùng nhau, chúng ta nâng tầm làng nghề Việt – Cùng nhau, chúng ta kết nối tinh hoa Việt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tuyên bố khai mạc Festival. 

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu cho biết, Hà Nội rất vui mừng cùng Bộ NN&PTNT tổ chức lễ khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội với lịch sử ngàn năm văn hiến, là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hoá đồ sộ, phong phú, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Trong đó, làng nghề truyền thống là một trong những nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hoá của vùng đất Thăng Long - Hà Nội địa linh nhân kiệt và sự giao thoa văn hoá của nhiều vùng đất.

Nhận thức giá trị sâu sắc của làng nghề và nghề truyền thống, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Hà Nội đã ban hành quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến 2025 và định hướng đến năm 2030; đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh... đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho các tác giả, nhóm tác giả. 

Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu cũng đã tham qua các gian hàng tại Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Trong khuôn khổ hội chợ có hơn 300 gian hàng trưng bày đến từ 42 tỉnh, thành phố trong cả nước và các gian hàng quốc tế đến từ Lào, Indonesia, Thái Lan, Nga… 

Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 được tổ chức nhằm gìn giữ, bảo tồn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của TP. Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa cho các địa phương khác trên cả nước.

Thông qua Festival lần này cũng tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề, tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và trên cả nước.

Festival cũng nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của làng nghề Việt Nam tới bạn bè quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch, thể hiện dòng chảy văn hóa Việt Nam thông qua sự phát triển của các làng nghề. Trong khuôn khổ Festival còn diễn ra chuỗi các hoạt động văn hóa, lễ hội, triển lãm, hội thảo. Các sự kiện hưởng ứng của Hà Nội diễn ra liên tục trong suốt tháng 10 và tháng 11.

Cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận.