Gã nhà quê và kho truyện quê

Thương tiếc nhà văn Lưu Quốc Hoà - Hà Nam vừa mất ngày 25/4/2022, tôi đăng lên đây bài ký chân dung này viết về ông
lu-quoc-hoa1-1651111500.jpg

Gã tự nhận rằng mình là một gã nhà quê nghèo kiết xác, quê một cục. Rằng gã có cái mặt trông cứ đểu đểu và gàn gàn, cứ luôn phớt lờ thiên hạ mà sống nhưng quan trọng là chưa từng lừa ai. Gã nhà quê ấy tưởng như cứ suốt đời chỉ quẩn quanh và gắn bó máu thịt với cái làng quê nghèo khó của mình. Ấy thế mà gã đã dâng tặng thiên hạ biết bao nhiêu là truyện trên trời dưới bể. Nào là tiểu thuyết “Vĩnh biệt làng ô hợp”, rồi đến câu chuyện “Câu đồng dao làng Vòi” từ năm 2009. Gần đây gã lại còn tí tởn in hẳn một tập bút ký và tản văn, một tuyển tập truyện nữa với cái tên cúng cơm rất ngô: “Truyện ngắn Gã nhà quê ”. Thỉnh thoảng gã lại còn viết cả báo chí, thế mới kinh hồn.

Nhiều người khen, rằng gã này quê mùa và thật thà nhưng đôi khi hơi gàn gàn. Mà cái sự gàn gàn thì ông nhà văn nào chả có một tý. Tôi thì thấy hắn khôn như chấy, chẳng gàn một tý tẹo nào, thậm chí còn quá ư là thông minh và sắc sảo. Giọng văn thì ngoa ngoắt đến các bà lắm điều nhất cũng phải chào thua. Còn cái chuyện hắn nói có lừa thiên hạ hay không thì còn phải để hồi sau xem xét đã. Việc gã mê đắm suốt đời với văn chương thì khỏi cần bàn nữa. Đó cũng là cái số giời hành của cái bọn theo nghiệp văn chương, kể cả thứ văn chương nửa mùa thì cũng vậy ráo. Nhà văn mà không mê đắm thì làm sao mà viết được nhiều, lại còn viết hay, hay đến tưng tửng như thế.

Đúng vậy, gã như bị giời hành khi cắm cúi viết văn mải miết đêm ngày. Viết đủ thứ trên giời dưới bể. Toàn những câu chuyện đặc sệt mùi bùn đất làng quê với những mẹ Đốp, gã thuyền chài, con mụ chửa hoang, ông lão mê gái, nào là bãi sông nghèo nàn cùng với lũ gà lợn ỉ ôi, cho đến phân gio và thuốc trừ sâu…thôi thì tuốt tuồn tuột. Thế mà đọc lên nghe cũng vui tai ra phết. Đằng sau cái sự vui ấy là nỗi xót xa về thân phận của bao con người thấp cổ bé họng ở thôn quê. Phục thật, hắn rất chịu khó quan sát và quan sát một cách kỹ càng và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, kể cả những hình ảnh không mấy văn hoa và gã bịa đặt cũng rất tài. Đến khi ngồi lia bút gã lại có thêm tí tố chất nghệ sỹ và máu lại đa tình nên truyện nào đọc lên cũng hay hay, rồi thêm tý tình tiết gái gú, tình tang... nhưng hình như cứ phải có tý gì tưng tửng, đêu đểu, bậy bậy thì mới đúng giọng văn của gã nhà quê.

Cả làng, cả xã, rồi đến cả cái huyện ấy nữa, ai cũng biết lão viết văn hay đấy nhưng chả mấy ai chịu đọc tác phẩm của gã cho đến nơi đến chốn. Thì họ còn bận trăm thứ việc đồng áng và phân gio. “Chán chết cho cái làng này”. Gã nói vậy nhưng vẫn say sưa và miệt mài viết về họ, viết một cách máu lửa, hài hước và chân thực đến kinh người. Cũng có một số người đọc được một vài chuyện rồi đem ra khoe, thế là gã còn bị chỉ trích thêm vì cái tội đã bêu xấu họ, rằng gã đã bới lông tìm vết, mặc dù gã đã cố tình “thay tên đổi chủ” và bịa đặt thêm nhiều chi tiết hấp dẫn. Chỉ có vài cô gái già trong làng là sướng, vì họ bỗng dưng trở thành những nhân vật quan trọng, khả ái và đáng kính. Đó là những phụ nữ chịu thương chịu khó, rất biết hy sinh, trầm ngâm, dịu dàng và đoan trang mặc cho dòng đời xô đẩy.

Hình ảnh người nông dân vất vả một nắng hai sương nơi làng quê luôn là hình tượng điển hình trong các câu chuyện của gã. Nhiều người thích đọc truyện của gã nhà quê có lẽ vì thích cái giọng văn đùa cợt, cứ tưng tửng mà gợi nhớ về chút hơi hướng của Chí Phèo và Thị Nở thuở nào. Cũng không nhiều lắm những người ra đi từ cái làng quê ấy,nay đã lên sống ở thành phố với đầy đủ tiện nghi những vẫn trăn trở, còn nhớ về quê hương của mình. Bởi từ đứa trẻ con chăn trâu cho đến các ông lão, bà lão nay đã thành các chư vị cao niên trong làng đều trở thành những nhân vật điển hình trong các câu chuyện của gã.

Vui có, buồn có, giở khóc giở cười, yêu đương tình tang với các ả chân dài, chân ngắn, mắt xanh mỏ đỏ, chân đất mắt toét…thôi thì tạp phế lù, đủ các chủng loại. Gã còn hồn nhiên tuyên bố: “Thằng nhà văn nào mà chả yêu, có yêu như điên thì mới viết hay được chứ . Đấy, đến như ông nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nổi tiếng khắp thế giới cũng phải trải qua bao nhiêu mối tình mà mối tình nào cũng sương khói, cũng đắm say và lãng đãng với nỗi buồn nhân thế. Có vậy mới cho thiên hạ được thưởng thức nhiều bản tình ca hay đến muôn đời”.

lu-quoc-hoa2-1651111500.jpg

Viết là để kiếm sống, đúng như lời gã nói, để thỏa máu đam mê văn chương và để cho mụ vợ già kia nó khỏi coi thường. Tất cả lũ bạn bè của gã có dính dáng đến chút văn chương là lũ chúng tôi đã cười ầm lên vì sự ngoa ngoắt mà dễ thương ấy. Mà thực tế thì vợ gã đâu có xấu xí, nàng thậm chí còn thuộc vào loại gái đẹp trong làng nữa cơ. Lão cứ mồm loa mép giải thế thôi nhưng cưa gái có nghề. Lũ bạn chơi blog chúng tôi và những độc giả yêu mến gã cứ phải nhăm nhăm chờ đọc truyện mới của gã và đọc lên đến đâu là lại phì cười đến đấy, có khi cười ra nước mắt chứ chả sung sướng gì.

Gã thành công vì đã làm cho độc giả khóc cười. Cười thật chua xót, cười đến thỏa thuê và cười ra nước mắt. Nước mắt của sự hả hê sung sướng, nước mắt của cả sự thương xót và nước mắt của cả nỗi chua chát, cảm thông và ngậm ngùi cho những thân phận thấp cổ bé họng. Nơi cái làng quê nghèo khó, nơi mà gã đã gắn bó suốt đời, đã gắn bó bao năm qua và sẽ còn tiếp tục sống và viết đến chết mòn ở nơi đó. Đúng là một gã nhà văn quê mùa và những nỗi khổ muôn đời mà chẳng chịu cũ. Đã thế, đi tới đâu gã cũng cắp theo cây sáo trúc để gạ thổi tại chỗ những bài dân ca và rất máu lửa khi được thổi sáo phụ họa cho các em xinh xinh lên ngâm thơ và chen đứng cạnh nếu có cơ hội.

Trong thâm tâm, tôi rất nể phục gã. Bởi thời nay các nhà văn có mấy ai sống được bằng nghề viết đâu, nghề văn chương vốn bạc bẽo lắm. Nghe nói gã đã có trên 100 truyện ngắn được đăng trên các báo và Tạp chí, từ trung ương đến địa phương. Đó là một con số thật đáng nể. Gã tự nhận mình là thằng nhà quê viết văn để lấy tiền “đong gạo” và nuôi con. Bạn bè chúng tôi thường thích đọc truyện ngắn của gã chính bởi cái sự tưng tửng phớt đời và chất thôn quê rất dễ mến. Nhiều độc giả khác cũng vậy. Họ thấy hấp dẫn bởi cái chất nhà quê ấy, đôi khi gã hơi ngoa ngoắt và hơi thô tục một tý nhưng truyện ngắn của gã vẫn tràn đầy tinh thần nhân văn và tình thương yêu con người.

Thỉnh thoảng tôi có đọc những câu chuyện của gã viết trên một số tờ báo và trên blog cá nhân. Đôi lần gặp gã dạo trước kia, tôi đã định mạo muội và mạnh dạn góp ý rằng:” anh viết truyện ngắn thì hấp dẫn thật đấy nhưng đôi khi vẫn còn sai nhiều chính tả. Ví như sờ nặng và sờ nhẹ, nờ ngắn và lờ dài…nhạy cảm lắm đấy, he he... và nhất là anh đừng cố dùng những từ ngữ tục tĩu và thô thiển quá, em sợ dễ làm mất vẻ đẹp của văn chương anh…” Nhưng thôi, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ, nhỡ gã tự ái thì chết. Bởi tôi biết các nhà văn mà cơn tự ái lên thì kinh khủng lắm. Khi gặp, tôi thấy gã tươi cười, tay cầm sáo trúc, lăng xăng vui vẻ quanh bạn bè, tôi lại thôi. Ừ, có thể đó chính là một phần con người gã, chúng góp phần làm nên bản sắc riêng của gã nhà quê thêm đáng mến, để gã không giống với bất cứ ai. Thế cũng hay. Bởi văn chương ai mà không có chút cá tính. Nếu viết truyện không có bản sắc riêng, không có cái riêng dị biệt một tí thì cũng chán.

Có lẽ cũng nhờ cái làng quê bé nhỏ và gian nan ấy đã cho gã nhà quê nhiều vốn sống và cảm xúc để viết. Tôi tự hỏi nếu gã sống ở thành phố chắc gì khẩu khí văn chương đã hay, đã hợp và chắc gì lão đã viết được nhiều và viết được hay như thế. Cái tạng của gã là cứ phải ở làng quê và chỉ viết về làng quê thì mới hay. Thỉnh thoảng gã cũng ra thành phố đổi gió cùng bạn bè và tham gia một vài sự kiện văn chương này nọ kia cùng chúng tôi.

Tôi thì biết thừa với cái tính ham vui của gã, khi ra nơi thành phố lại mắt la mày lém là cái chắc. Khi ấy, gã còn mải ngắm các nàng ở Thủ Đô, lão bảo váy họ quá ngắn do nạn thiếu vải ngày càng trầm trọng hay váy quá dài đến mức đến vướng cả chân, thậm chí có loại sập xòe rất chi vướng víu, nhất là lúc phải “lên xe xuống ngựa”. Rồi thể nào gã cũng thừ mặt ra mà ngắm các em cho mà xem. Từ trẻ măng tuổi tin cho đến loại bánh tẻ với mặt hoa da phấn, với lung linh ánh điện và xe cộ tấp nập. Từ phố xá sầm uất, nơi đông đúc những người là người như nêm cối trên đường…Khi ấy, đôi lần tôi đã từng chứng kiến gã nhà quê này bỗng dưng trở nên hiền khô, cứ ngơ ngơ ra phố và trông gã rất buốn cười.

Đúng, gã vẫn chỉ là một anh nhà quê. Nói một cách văn hoa là một nhà văn của làng và lớn lên từ cánh đồng chiêm trũng nơi làng quê nghèo khó. Nơi ấy có lũ vịt bầu trắng phau phau và béo mườn mượt đang ưỡn ẹo sải cánh bên bờ ao và những cơn gió lang thang cứ vật vờ rất giống với tâm hồn gã. Những vườn cây ăn quả và hoa lá tốt tươi, những cành lá sung la đà vẫn tỏa rợp bóng mát ven bờ ao nhà gã. Quê gã đẹp thật, nên thơ thật, mà món ốc luộc béo ngậy ngon ơi là ngon cũng rất thật!

 Hôm nay, gã phởn chí làm một chuyến du ngoạn ra Thủ đô. Gã ra Hà Nội để dự một buổi ra mắt tác phẩm của một anh bạn văn nhưng chủ yếu là có cơ hội để giao lưu với bạn bè văn chương. Được đi chơi và gặp gỡ đám bạn bè ham vui như lũ chúng tôi. Không biết có phải cái gã trai làng này cảm thấy hơi ngại ngùng khi từ làng quê đi lên đất thủ đô hay vì gặp phải “cái đám bạn bè nặc nô hay quậy phá như lũ giặc cái…” như lời của lão từng nói, mà hôm nay gã bỗng dưng trở nên hiền ơi là hiền, dễ thương ơi là dễ thương !

Sau buổi ra mắt sách đã thành công tốt đẹp, (à, bây giờ thì buổi ra mắt sách nào mà chả thành công như thế), chúng tôi quây lấy gã để chuyện phiếm. Sau mấy li bia tràn trề và sóng sánh cùng những ánh mắt và nụ cười lúng liếng, không khí văn chương, thi ca trở nên tưng bừng hơn. Khi câu chuyện của lũ chúng tôi đang vào hồi cao trào, tôi thấy gã phấn chấn hẳn lên và bắt đầu cao hứng. “Chả cần văn hoa gì sất, các vị chỉ hay rách việc, đã đói dã họng ra còn lắm chuyện…”. Trông gã cười cười và tếu táo đến hay, nụ cười rất chi thật thà mà ánh mắt cũng rất chi ma mãnh. Hắn còn nói như một triết gia rằng : “Này các em xinh đẹp kia ơi ! Nghề văn cũng rất dễ trở thành lưu manh đấy và cũng bất lương giống như mọi thứ nghề khác trên đời này thôi” !

Rồi gã cũng chém gió tưng bừng và lên giọng phân tích một cách chí lý rằng: “Ông bác sĩ bất lương cẩu thả có khi chỉ làm hại một vài bệnh nhân rồi bị sa thải là cùng . Ông Kỹ sư non tay có thể chỉ làm lún sụt một cây cầu, hay một tòa nhà…Tất cả hiện thực ấy đều bị kỷ luật hành chính và pháp luật cai trị. Chỉ có ông viết văn hay làm thơ mà tác động xấu đến xã hội là sẽ thành thứ bệnh dịch lây lan trong tư tưởng con người về lối sống, về cái thiện ác, cái đúng sai. Đã gây hại đến như thế nhưng họ vẫn cứ nhởn nhơ, tay chân sạch sẽ, và vẫn tỏ ra rằng ta là “trí thức” đây...

Hãi quá, có thể vì lũ chúng tôi cũng dại dột mà dính vào chút thơ phú văn chương ở cấp độ làng nhàng, còn hầu hết đều là những bloger vui vẻ hay thích quậy phá. Lũ chúng tôi đến đây vui là chính, lại đến từ đủ mọi nghề, mọi nơi. Một vài người có tài năng trội hơn tý chút, đã có nhiều tác phẩm. Thậm chí cũng được in ấn ở những nhà xuất bản lớn có tên tuổi và hàng năm cũng phát hành rầm rầm như ai. Năm nào lũ chúng tôi cũng tìm cách đàn đùm tụ tập vài lần để mạn đàm văn chương và vui chơi, ăn uống, hát hò, thậm chí chỉ đến để cười nói với nhau cho đỡ nhớ. Với cái đám xồn xồn và ham vui này thì điều ấy cũng chả quan trọng gì. Trong lúc mọi người mải chém gió tưng bừng, tôi cũng hùa theo các giọng “triết gia” đang tuôn trào kia và ghé thầm vào tai gã:

- Này ông anh kính mến ơi, em nghĩ rằng anh là ai không quan trọng gì, anh làm đến chức gì cũng không quan trọng nốt. Bởi những điều ấy rốt cục rồi sẽ hết ! Sẽ chị còn lại tac phẩm thôi ! Nếu nhà văn không có tài, thì sẽ chẳng có gì! Còn nếu như ai có được chút tài trời cho mà tự cao tự đại, coi giời bằng vung, lại không chịu khó học hỏi, cứ tưởng mình là bố thiên hạ thì rồi cũng vứt. Khối người khi đã khoác được cái mác ấy lên người là coi như thắng lợi rồi và chẳng chịu sáng tác hay phấn đấu gì nữa, hoặc sẽ viết đi viết lại những cái đã sáo mòn, hoặc là cảm hứng họ đã cạn. Hay là họ lười biếng cứ dẫm chân tại chỗ mà ham vui bạn bè như chúng ta thì cũng chẳng chết ai, he he !

- Em ơi, hiện nay chả có ai rỗi hơi để đánh giá cho đúng mức về cấp độ “Lều” hay “Nhà” cả đâu. Hơn nữa bây giờ người ta còn trăm công ngàn việc, họ chịu đọc của mình đã là tốt lắm rồi, thế nên cứ cân đo đong đếm và rạch ròi quá mà làm gì . Ai mà không thích cái mác “trí thức” và luôn được “nhởn nhơ tay chân sạch sẽ” cơ chứ ! Nghe gã nói róng riết mà lũ chúng tôi bỗng có dịp tự xem xét lại bản thân mình.

Gã vẫn hay nói như một triết gia, còn tôi thì đần mặt ra ngẫm nghĩ. Ừ, phải rồi, gã, hắn, một tay triết gia thông minh đến cự phách nhưng vẫn rất chi là nửa mùa. Ấy là kiểu nửa trí thức nửa nông dân thời @ ngày nay. Hay nói cách khác là nhà văn nông dân quê một cục. “Có khi em cũng thích viết về gã rồi đấy, he he..”. Tôi nói thầm vào tai gã trong cái lần gần đây nhất khi nhóm chúng tôi cùng đi chơi về một vùng nông thôn Bắc Bộ để thăm một số trang trại nông dân làm ăn giỏi. Tôi nghĩ: Ừ, ít nhất nhìn gã cũng đẹp giai và hấp dẫn, lại giỏi món đàn ca sáo nhị, có vẻ hợp với mình. Lại nhớ câu gã nói từ hôm trước, rằng “Không say mê, lại không hợp gu thì làm sao mà viết được văn chương cho ra hồn”.

Điểm thú vị này cho tới hôm nay tôi mới dám tiết lộ. Điều thường tình thôi, cái điều rất dễ hấp dẫn đám đàn bà con gái thơ thẩn vẩn vơ như lũ chúng tôi hóa ra rất chi đơn giản, đơn giản như đan rổ ấy mà. Vả lại thời buổi này, sao cứ phải cố đạo mạo quá mà làm gì? Thì chính cái sự kém đạo mạo và ít khi trịnh trọng của gã nhà quê này lại làm nên một sự chân thật rất đáng yêu, đáng quý. Thú thật, lũ đàn bà như chúng tôi còn thấy thích gã bởi khi nghe hắn hát dân ca, tay gã luôn cầm cây sáo bên mình (Gã luôn mang theo cây sáo trúc trong những chuyến đi) và nâng niu chúng trên tay rồi say sưa thổi lên những làn điệu da diết đồng quê. Đến con kiến trong lỗ cũng muốn bò ra. Những điệu dân ca bay bổng “hự ối hự” …từ chất Quan họ Bắc Ninh cho đến cả những điệu chèo lúng liếng “ í…a ì.. a” nơi đồng lúa “Năm tấn Thái Bình” là gã chơi tuốt tuột. Thế mà nghe điệu nào cũng xao xuyến cả cõi lòng, hay ra phết.

Dù có khoác lên người bộ cánh mới toe, gã nom vẫn đặc quê, chả giống như tác phong của các vị lãnh đạo ưa trịnh trọng tí nào. Cho dù gã thuộc lớp đàn anh của lũ chúng tôi nhưng nhìn vẫn còn trẻ trung lắm. Gã có nụ cười tươi và hình như cũng là tay sát gái lắm. Mà khi nào gã có muốn tỏ ra trịnh trọng một tý thì y như rằng trông rất buồn cười, nhìn nó cứ giả giả thế nào ấy. Không biết có phải sống trên đất Hà Nam mà gã luôn học mót và biết cách học lỏm từ nhà văn Nam Cao hay không. Bởi gã tả cái gì nghe cũng tưng tửng. Đôi khi đám ngôn ngữ thô tục làng quê gã vung ra tóe loe cứ như gieo mạ ! Nó mang theo hơi thở, giọng điệu và chút dáng dấp của nhân vật … Chí Phèo xưa . Nhất là khi gã tả phụ nữ nghe mới kinh hồn. Cô nào mà được lọt vào mắt xanh của gã nhà quê này thì sẽ rất sướng tai. Còn những cô khác ở mức độ gã thích vừa vừa thì được gã miêu tả rất chân thật. Còn những bà nhà quê chính thống, gã thường gọi âu yếm là các bà “Chân đất mắt toét”, khi gã miêu tả về họ thì cái sự bình dị và sống động hiện lên rõ mồn một, đến mức ai đọc lên cũng phải thấy xót thương và đôi khi có những phụ nữ đọc xong cũng đỏ mặt mà có thêm chút ngượng ngùng. Nhìn chung thì phụ nữ đọc xong vẫn cứ là thấy… sướng.

Rất nhiều các câu chuyện tưởng như ba láp của gã đã làm đám bạn bè chúng tôi vừa thấy hấp dẫn vừa buồn cười, vừa thấy thương lại vừa thấy sợ. Đôi khi, nhiều tình tiết làm cho bạn đọc và cánh đàn ông cũng phải …khiếp đảm vì…thích và gatoghen tức với gã chứ chả chơi !

Trăn trở và chua xót. Đau đớn và tủi hờn.

Muốn làm nhiều việc cho quê hương mình mà khó thế nhưng “trong cái khó nó ló cái khôn”. Lão cũng ủ mưu và ngẫm nghĩ ra được khối kế sách để giúp đỡ cho quê hương mình . Từ các bà mẹ, các chị và những gia đình thương binh liệt sỹ cùng những thân phận cô đơn, nghèo khó cho đến những cháu nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa. Đặc biệt gã đã có công lớn trong việc sưu tầm tài liệu và tôn tạo Đền thờ “Mười cô gái Lam Hạ” - Đó là những người đã hy sinh anh dũng trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt vừa qua. Đền thờ mười cô gái thật đẹp và trang trọng ấy ở sát ngay cạnh nhà gã . Bây giờ đền thờ này đã trở thành một địa danh rất đẹp , là nơi đi về của nhiều bạn bè văn chương và cũng là một điểm du lịch tâm linh của quê hương Hà Nam dành cho du khách đến từ bốn phương.

Viết đến đây tôi lại nhớ tới ngôi làng thân thương của gã. Chợt tưởng tượng ra những ngọn gió phất phơ trên những bụi chuối ven làng đang giãy lên đành đạch trong đêm trăng năm nào của Chí Phèo. Vẫn còn thoang thoảng đâu đây hương lúa chín ngào ngạt lan tỏa khắp không gian từ nơi cánh đồng làng. Đó là dịp chúng tôi về thăm viếng “ Mười cô gái Lam Hạ” . Những thứ hương quê đẹp đẽ đặc biệt ấy đã được chưng cất và được kết tinh trong tâm hồn gã nhà quê và kho truyện quê . Cũng không loai trừ hình ảnh của những chiếc máng lợn từ thuở xa xưa đầy gian khó và thân thương. Chúng len lỏi vào từng trang viết và ám ảnh nơi góc căn nhà ngang mà gã hay ngồi viết. Có lẽ chúng vẫn tỏa ra thứ hương quê chua chua và nồng nàn mùi bùn đất. Nơi ấy, có những người dân quê mộc mạc và có những người đàn bà từ bao đời với tâm hồn mong manh, thấm đẫm thứ hương bưởi , hương chanh và cả mùi tép rang thơm phức. Có lẽ thế mà những tiếng sáo trúc của gã cứ ngày ngày lại ngân lên, nghe vi vu trong gió…