Gặp nhà văn nga Anton Paplovich Chekhov

Truyện giả tưởng của Vĩnh Nguyên Nguyễn

24/11/2023 06:33

Theo dõi trên

Đã có duyên phận, thì thử vào xem sao? Tôi bước vào nhà và không quên chuẩn bị sẵn lời chào các bậc tiền bối vĩ đại của nền văn học Nga. Trong gian phòng khá rộng, lò sưởi theo truyền thống đang cháy rừng rực. Hơn 10 văn sĩ, mỗi người một ghế xôfa và đang thả hồn theo những ý tưởng của họ. Tôi nhã nhặn cúi chào: Dobryy vecher!

nha-van-viet3-1700781805.jfif
 

   Sáng nay, giật mình tỉnh dậy, tôi thấy người đẫm mồ hôi. Tự cấu vào tay, đau điếng; mới biết vừa trải qua một giấc mơ. Thở phào nhẹ nhõm: phúc tổ nhà mình còn lớn, chứ không thì chết ở nước Nga xa xôi (vì bị cụ Anton Paplovich Chekhov đòm cho 1 phát) mất rồi.

   Số là đêm qua, trong lúc mơ màng, mình đến nước Nga của ngài Putin (có lẽ do được tiếp nhận nhiều những tác phẩm văn chương, những trào lưu phê bình từ thế kỷ XIX hết sức ấn tượng). Điều kỳ lạ là, ngôi nhà trước mắt mình, lại là một ngôi nhà gỗ sồi giản dị rất đặc trưng cho phong cách dân tộc Xlavơ xứ lạnh.

   Chiếc cổng gỗ đơn sơ, một bên cánh được gắn tấm biển với dòng chữ: Dom Russkoy Kul'tury. Tôi sững sờ: ô hay, sao mình lại lạc đến "Ngôi nhà văn hóa Nga" thế nhỉ? Duyên phận chăng?

   Đã có duyên phận, thì thử vào xem sao? Tôi bước vào nhà và không quên chuẩn bị sẵn lời chào các bậc tiền bối vĩ đại của nền văn học Nga. Trong gian phòng khá rộng, lò sưởi theo truyền thống đang cháy rừng rực. Hơn 10 văn sĩ, mỗi người một ghế xôfa và đang thả hồn theo những ý tưởng của họ. Tôi nhã nhặn cúi chào: Dobryy vecher!

   Nghe tiếng chào của tôi, mọi người ngẩng đầu, cùng đáp: Dobryy! Một ông râu rậm, trắng xóa trông giống như nhà truyền đạo hỏi: kak vac zovut? Iz kakoy strany? Tôi kính cẩn đáp lại, giới thiệu đầy đủ tên và quốc tịch. Nghe tôi đáp, cụ phá lên cười: À, tay này người Việt - cái xứ mà chính dân nhà chúng tự giễu là xứ Đông Lào đây! Thôi, ta nói bằng tiếng Việt của cậu đi, để tớ rèn luyện vốn ngoại ngữ tí! Tôi nhìn kỹ cụ, nhớ ra: ồ đây là cụ Tolstoi - sư tử nền văn học Nga cuối thế kỷ XIX. Nhưng chưa kịp nói thêm, cụ đã tiếp tục: Ta nhớ ra rồi, tay này hồi học Đại học, khi thi hết học phần về nhân vật Andrei Nicolaevich Bolconsky trong tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của mình hắn cho anh ta chết trong trận đánh Austerlitz - mà đúng ra anh ta chỉ bị thương nặng. Thôi, chả chơi với tay ngố này nữa. Tôi giật mình - chết chửa! Hồi ấy, khi ra khỏi phòng thi, phát hiện nhầm lẫn ấy; mình chỉ phàn nàn về sự ngớ ngẩn ấy, rồi khấn thầm cầu cứu cụ, thế mà...Biết nói gì đây? Đành cười gượng, rồi xin lỗi. Cụ khà khà, đùa tí cho vui; vấn đề của cậu không đáng trách. Hôm nay, cậu nên nói chuyện với cụ Puskin và cụ Chekhov. Tác phẩm của hai cụ này được chọn in trong sách các cậu đang dạy! Truyện của tớ, bên cậu không chọn đưa vào chương trình cấp 3 nữa; chả nên bàn thêm. Rồi cụ quay sang ông tóc xoăn: Mặt trời thi ca Nga nói chuyện thơ tình với cậu ấy đi? Ông tóc xoăn vểnh mắt lên bảo: thơ của mình, cậu Thúy Toàn dịch cũng hay, nhưng còn cần bàn lại. Tuy vậy, cậu cũng làm thơ; cũng từng...lyublyu bol'noy (nói đến đây, ông nháy mắt với tôi), nên có lẽ đi sâu khám phá theo kiểu đó. Rồi, ông chỉ sang một ông có bộ râu tua tủa, mang cặp kính cận như cái đít chai: Chú Chekhov, chú nói chuyện với anh chàng này đi. Hắn có vẻ thích chú đấy. Tôi cười khổ: mình thành quả bóng cho các bậc tiền nhân đá đây. Đành thế chứ biết làm sao? Mình chỉ thuộc hạng palatki (lều văn), lại là hàng hậu sinh hàng thế kỷ; đứng trước các bậc vĩ nhân thì họ nói gì cũng phải ngoan ngoãn mà nghe thôi!

Thấy tôi quay sang, cụ Chekhov bảo:

- Lày chú mày, chú thấy cái anh chàng Bê ni cốp của anh có được không? Anh thấy chú có vẻ xót xa cho anh giáo ấy đấy nhể?

- Dạ thưa, nhà cháu thương cho anh giáo ấy lắm! Biết mà chả dám lên tiếng vì sợ. Nói ra, mất việc như chơi; có phải thế không hả Cụ?

- Tất nhiên rồi. Nhưng hình như mấy cái cậu định hướng cho việc nghiên cứu truyện của anh nó ấm đầu khi để đồng nghiệp gọi xách mé nhau : hắn? Rồi nên án tới tấp nữa kia? Chả thấy thương xót, đồng cảm gì cả?

Lúc này tôi mới để ý đến cách phát âm của Cụ. Chao ôi, Cụ nói ngọng mới chết chứ? Tôi rụt rè thưa:

- Ấy chết, Cụ ơi, Cụ nói ngọng ạ! Nhầm lẫn chữ "n" với "l" rồi!

- Ơ hay nhỉ? Nẫn nộn nà thế lào? Anh nghe Thượng thư Bộ Học nhà chú lói đấy! Mà, anh ta lói, phải chuẫn hơn chú! Anh ta được đào tạo bài bản, trải qua giới thiệu nguồn từ thấp đến cao. Chú đừng có mà ra vẻ: cả nàng em lói ngọng, mỗi mình em lói thõi đấy nhá!

nha-van-nga-1700782099.jpg
 

Đến nước này thì mình đành chào thua rồi! Cụ nói thế, chí phải! Ông Thượng thư Bộ Học nhà mình đã phát ngôn thì phải là khuôn vàng thước ngọc rồi! Nhưng, tôi cũng cố thuyết phục Cụ, đấy là do đặc điểm vùng miền Việt Nam; giống như kiểu phát âm: chỗ thì gze, chỗ thì gđe ấy. Sau khi nghe tôi, Cụ gật gù: ừ thì nghe cậu! Chúng tôi trở lại với đề tài Bêlicôp.

Tôi hỏi Cụ:

- Dạ, thưa Cụ, nhà cháu từng viết bài: Đọc lại "Người trong bao" của Cụ, Cụ thấy có được không ạ?

Cụ khà khà cười:

- Được, chú mày viết được đấy. Tao thương cho cái ông giáo Bêlicôp của tao ghê. Là cái anh trí thức, Bêlicôp biết tất cả những bất công dưới triều Aleksandr III đấy, nhưng ông ta không dám nói, không dám bày tỏ chính kiến của mình. Nói ra, nặng thì bọn mật thám của Hoàng đế tóm gọn đày đi Siberi hoặc thủ tiêu ngay! Nhẹ thì mất việc, sức vóc lẻo khoẻo của anh Bêlicôp làm gì mà có cái bánh mỳ để ăn? Cho nên, anh ta ra đường cứ nút chặt lỗ tai, để khỏi phải nghe; đeo kính đen, để khỏi phải nhìn. Ca ngợi tiếng Hy lạp cổ thì vô thưởng, vô phạt. Bởi thứ tiếng ấy là nguồn gốc của văn minh châu Âu mà.

- Dạ. Vâng, thưa Cụ con cũng đã trình bày như thế. Con xin hỏi: thế thì Cụ để ông giáo ấy đến nhà đồng nghiệp mà không nói gì, nghĩa là sao?

- Ơ hay, đần thế? Ngày ấy, cuối năm, các công chức Nhà nước đều phải có bản tự kiểm điểm dài dằng dặc. Nào là thực hiện nhiệm vụ, nào là quan hệ với đồng nghiệp, hàng xóm...vvv trăm thứ nhận xét, đánh giá. Không giao tiếp với mọi người là không ổn rồi! Tớ cũng phải học thuộc lòng cả tạ văn bản đấy. Đành phải bỏ nghề bác sĩ đi viết văn, chứ ôm cả đống những luật lệ hành chính mà thuộc lòng thì quên bố cái nghề thuốc, có khi cho bệnh nhân xơi tái cả xyanua.

Tôi khà khà cười:

- Ha ha... vì thế mà cuối thế kỷ XIX nước Nga có một nhà văn vĩ đại!

Tôi tiếp tục: - Thưa Cụ, Cụ để ông giáo Bêlicôp nhắc nhở cô giáo Varenka mặc váy đi xe đạp là không ổn rồi! Phải thoáng chứ ạ? Bên con, năm 2018 người ta đưa ra Dự thảo quy định sẽ đuổi học tất cả các nữ sinh sư phạm mà bị bắt nếu bán dâm 4 lần!

- Ô, có chuyện đó ư? Lạy Chúa tôi! Rình mò thế nào để bắt đủ tới 4 lần nhỉ? Một quy định tuyệt vời đấy, chú mày ạ! Thoáng toang hoác cả ra. Như thế, các chú cũng thoải mái đấy!

- Ấy, dưng mờ bọn con cũng phải học, phải nghiên cứu cả núi văn bản ạ! Chúng con được đào tạo bài bản ở các trường ĐHSP nhưng vẫn được yêu cầu phải có đến cả tá văn bằng chứng chỉ này nọ; mà những loại đó chẳng giúp ích gì cho chuyên môn. Nếu không có, thì phải thi và đương nhiên là phải chi - chi đậm. Rồi nạn bằng giả, học giả đầy rẫy, có cả lò ấp tiến sĩ, còn đậu hơn cả ấp trứng vịt nữa Cụ ơi. Chúng con cũng chả dám phê lãnh đạo đâu, bởi như thế là nói xấu cấp trên. Chết toi luôn!

- Anh nghe nói, bên chú giáo viên được trân trọng lắm?

Tôi cười méo xẹo: Cụ nghe thôi ạ! Phụ huynh học sinh sẵn sàng đến trường hành hung giáo viên khi thầy cô đụng tới con họ. Khi ra pháp luật, có khi thầy cô còn bị kỷ luật; thậm chí mất việc đấy ạ! Người ta còn cấm thầy cô phê bình học sinh trước lớp, trước trường nếu như học sinh vi phạm kỷ luật. Tức là trói tay giáo viên lại, giống như ở nhà, con cái hư, bố mẹ cũng phải chấp nhận. Có lẽ, trò hư, thầy cô phải xin lỗi trò.

- Ơ, các chú có được tự do phát biểu mà? Sao không ai ý kiến phản bác? Chẳng lẽ không biết tự bảo vệ mình hay sao? Nước chú có Độc lập, tự do, hạnh phúc, hơn hẳn cái nước Nga của anh ngày xưa và cả bi giờ!

- Ấy, con chịu thôi! Cụ dạy thế, con xin kiếu. Con cần nồi cơm ạ!

- Thế, chú mày dạy "Người trong bao" của tao làm khỉ gì? Mất thời gian của tao! Đồ bứcki (con bò đực)! Xéo!

Rồi ông rút súng: Đòm.

  Tôi hốt hoảng chạy. Lúc vấp ngã, còn nghe văng vẳng tiếng cười sảng khoái của ông: cũng là thằng hèn, các cụ ợ!

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Gặp nhà văn nga Anton Paplovich Chekhov" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn