Ghé thăm thủ phủ hoa đồng tiền giữa lòng Thủ đô

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, huyện Đan Phượng không chỉ được biết đến là nơi có nhiều làng nghề truyền thống, được cha ông để lại gìn giữ và phát huy. Nơi đây, còn được biết đến với mô hình trồng hoa đồng tiền rộng lớn tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Từng bước khẳng định thương hiệu

anh-1-hang-chuc-hecta-dong-tien-1712665745.jpg

Hàng chục hecta đồng tiền với đủ loại màu sắc trên đất lúa xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng (Hà Nội)

Chiều Hà Nội mát mẻ, chúng tôi chạy xe từ nội thành tới xã Đồng Tháp  - nơi được mệnh danh là “Thủ phủ hoa đồng tiền”. Trước mắt chúng tôi là khu nhà màng rộng hàng chục hecta của anh Bùi Văn Khá - Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp. Những luống hoa đồng tiền đủ các loại màu sắc như vàng, đỏ, hồng, cam… đua nhau khoe sắc. Anh Khá là người đầu tiên đưa hoa đồng tiền về trồng trên đất lúa xã Đồng Tháp, đến thời điểm hiện tại anh là hộ gia đình có diện tích trồng hoa đồng tiền lớn nhất xã.

Lấy vợ quê gốc đất hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), nhận thấy nông dân ở đây có thu nhập cao nhờ trồng hoa, anh Khá cũng thích thú tìm hiểu. Từ năm 2000, anh Bùi Văn Khá bắt đầu bén duyên với nghề trồng hoa. Thuở đầu, anh trồng nhiều loại khác nhau như hoa hồng, cúc, đồng tiền… nhưng sau đó nhận thấy cây hoa đồng tiền đặc biệt phù hợp với đất ruộng tại xã Đồng Tháp cũng như cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại hoa khác. Từ năm 2003, anh Khá chuyển sang chuyên canh giống hoa này.

anh-2-cong-viec-hang-ngay-cua-anh-kha-1712665745.jpg

Công việc hằng ngày của anh Khá là chăm sóc vườn hoa để hoa ra năng suất tốt hơn

Với vốn kinh nghiệm rút ra từ những năm đầu, việc trồng hoa ngoài trời có nhiều rủi ro, “năm được năm mất”, những năm thời tiết xấu, mưa gió nhiều khiến cây ngập lụt, thối gốc rễ và chết dần. Từ năm 2010, anh Khá quyết định đầu tư nhà màng phủ nilon để trồng hoa đồng tiền. “Nông nghiệp phải làm dần, làm một lúc không ăn ngay được. Khi làm nhà màng mỗi sào bình quân mất khoảng 60 triệu đồng, mỗi bộ khung tre dùng được từ 10 -15 năm. Và đầu tư 1 lần chăm sóc hoa tốt, hoa ra liên tục thu hoạch 4 đến 5 năm mới phải trồng lại”,  Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp Bùi Văn Khá cho biết.

Do ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, nên hoa cho ra năng suất hơn, từ đó nhiều hộ dân trong xã cũng chuyển từ đất trồng lúa qua trồng hoa đồng tiền.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Cường cho biết: “Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã Đồng Tháp là 134ha, từ năm 2019 xã đã chuyển hết từ đất trồng lúa sang trồng hoa. Hoa đồng tiền chiếm diện tích lớn nhất là hơn 25ha, bưởi 10ha, hoa đào 7ha, còn lại là cây rau màu. So với cấy lúa truyền thống, mô hình trồng hoa đồng tiền mang lại lợi nhuận cao hơn”.

Đẩy mạnh , khai thác tối đa lợi thế

Nhằm chuyên nghiệp trong sản xuất, năm 2020, anh Khá đã liên kết các hộ nông dân thành lập Hợp tác xã hoa Đồng Tháp ở xã Đồng Tháp với diện tích canh tác hơn 20ha, hỗ trợ nhau cùng sản xuất, tiêu thụ. Đến thời điểm hiện tại, hội có 8 thành viên trong đó anh Bùi Văn Khá là Giám đốc Hợp tác xã hoa Đồng Tháp, một trong những vùng chuyên canh mô hình hoa đồng tiền lớn nhất Thủ đô.

Điều đáng mừng là trong quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Đầu năm 2023, sản phẩm hoa đồng tiền của hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. “Cứ 3 ngày chúng tôi đi cắt một lần, mỗi một sào thu hoạch được khoảng 400 bông đủ các loại màu. Thời điểm hiện tại, giá hoa đồng tiền dao động từ 1.000 - 1.500 đồng/bông, vào các dịp lễ tết thì giá hoa đắt hơn ngày thường. Tham gia chương trình OCOP, Hợp tác xã mong muốn được quảng bá sản phẩm để có thêm thị trường tiêu thụ tốt hơn”, anh Khá cho hay.

anh-3-hoa-dong-tien-1712665745.jpg

Hoa đồng tiền khoe sắc màu rực rỡ

Từ đất trồng lúa 100%, đến thời điểm hiện tại xã Đồng Tháp chủ yếu trồng hoa đồng tiền, cùng với đó là cây bưởi, cây hoa đào…. Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp Bùi Lê Huy cho biết, xã Đồng Tháp có 4 hợp tác xã gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp, Hợp tác xã Thủy sản, Hợp tác xã hoa Đồng Tháp và Hợp tác xã Cơ khí Đồng Tháp. Các hợp tác thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nhân dân.

Năm nay, ngoài việc đặt mục tiêu giữ chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao với hoa đồng tiền, đồng thời xã tiếp tục nâng cấp lên sản phẩm OCOP 4 sao. Tuy nhiên, để mở rộng mô hình trồng hoa đồng tiền hiện nay cũng gặp khó khăn không nhỏ, dù thuận lợi về giao thông đi lại, thương lái bao tiêu đầu ra song giá cả phụ thuộc vào thị trường, thời tiết, và chưa tiếp cận được các đầu mối lớn cũng như chưa tương xứng với tiềm năng sản phẩm OCOP.

“Các thành viên của hợp tác xã chủ yếu là các hộ nông dân có trình độ quản lý còn hạn chế. Đặc biệt, trong việc tiếp cận các kênh mạng xã hội, khâu marketing, quảng bá sản phẩm chưa thông thạo. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ, tiếp cận đến công tác quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm”, anh Khá chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cường Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tháp, ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho các thành viên trong Hợp tác xã, đẩy mạnh chuyển đổi số thì cũng còn một số khó khăn nữa là khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phải nằm trong vùng quy hoạch thì mới được hỗ trợ. Và việc phát triển sản xuất gắn với du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đấy, do trồng hoa trên đất nông nghiệp, nên hợp tác xã không được phép xây dựng các công trình trên đồng ruộng. Chính vì thế mà các nhà màng cũng được dựng đơn giản bằng cọc tre khá là thấp, chưa tạo được không gian, cảnh quan đẹp để các khách tham quan có để đến trải nghiệm và chụp ảnh. Ngoài ra, Hợp tác xã cũng chưa bố trí được nơi đón tiếp, địa điểm nghỉ chân tránh nắng nóng, mưa gió; chưa có công trình vệ sinh,…. như mong muốn.

Thời gian tới, UBND xã Đồng Tháp cùng với Hợp tác xã hoa Đồng Tháp từng bước phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch. “Đợt tới, UBND xã cũng sẽ mời Tiktoker về để hướng dẫn người dân cách sử dụng các sàn thương mại điện tử, Tiktok, qua đó UBND xã cũng như Hợp tác xã hoa Đồng Tháp cũng muốn sửa đổi mô hình trồng hoa để tiếp cận khách du lịch mọi nơi về check- in cũng như trải nghiệm”, Ông Bùi Lê Huy cho hay.

Đến nay, vườn hoa nhà anh Bùi Văn Khá đã tiếp đón các đoàn khách du lịch về tham quan, chủ yếu là các đoàn học sinh trường Tiểu học và THCS về trải nghiệm thực tế.