Ghét gã hàng xóm mới phiền nhiễu

Xóm này thực chất vẫn là nông thôn, chẳng qua thành phố quyết “một nhát” cả huyện thành quận thì mọi người ở đây cũng qua một đêm bỗng là dân thành phố thôi. Bản chất mọi hoạt động ở đây vẫn là làng quê, chỉ đường xá có phong quang một chút, ngày càng nhiều người tới đinh cư, vậy thôi. Vì xa trung tâm thành phố nên giá đất dù lên cao thì vẫn quá thấp so với mặt bằng chung của thành phố.
chuy-qu1v-1636427035.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm. Nguổn: Internet.

 

Cụ Khả xẻ đất vườn ra bán, thế là ngõ bỗng nhiên đông vui hơn hẳn. Người mới đến, mang theo lối sống đa dạng ít nhiều làm mai một truyền thống một vùng quê. Vợ chồng Phu cũng mới đến được hơn hai năm, nhưng lối sống cặp gia đình này khác người, không hề thích giao lưu gần gũi hàng xóm.

Đó là đức tính riêng của Phu và vợ, chẳng ai can thiệp được, tuy là nhiều người cũng khó chịu. Điều ấy dễ hiểu vì ở đây ai cũng thân tình, gần gụi mọi người. Nguyên nhân có thể là cả hai vợ chồng đều học ở Anh về, người ta bảo “phớt Ăng-lê” mà. Phải chăng có phần khác nữa, là đa số mọi người ở đây đều chỉ tốt nghiệp đại học, cả hai vợ chồng này lại đều là tiến sĩ. Nhà bác học thì chắc sống khác, nghĩ khác bình dân cũng là lẽ thường.

Cái đặc điểm ấy cộng thêm quan điểm của Phu là người chuộng sự tự do cá nhân, anh cho đó là tinh hoa văn minh mà anh học được từ nước Anh. Chính thế, anh rất ghét bị người khác can thiệp vào cuộc sống riêng của mình. Mọi sự gây phiền đều bị Phu thẳng tay gạt đi, nên hàng xóm của anh chẳng bao giờ trò chuyện hay chia sẻ gì. Đến mức một tháng sau khi vợ chồng anh dọn đến người ta mới biết tên Phu, còn vợ thì không ai biết tên là gì, toàn gọi là “cái chị đeo kính đen”.

Nhà Phu chỉ mở cửa lúc cần ra vào chứ gần như không tiếp khách, kể cả hàng xóm cũng không thể đến chúc Tết được. Anh bảo:

- Công nghệ hiện đại rồi, có việc gì, quý vị cứ nhắn vào nhóm Zalo hoặc nhóm Facebook của khu dân cư, tôi trả lời và đáp ứng đầy đủ ạ.

Đến các quỹ của địa phương, Phu nộp luôn mấy triệu đồng cho tổ trưởng dân phố, bảo:

- Nhờ chị trừ dần đi, hết tiền thì báo để tôi đưa tiếp, vừa đỡ vất vả cho chị, vừa không phiền tôi.

- Vâng, nhưng gia đình cũng nên hoà đồng với xóm phố cho vui ạ.

- Vâng, mọi hoạt động tập thể tôi vẫn tham gia, nhưng ngồi lê đôi mách không có trong quy ước hoạt động của tổ dân phố, thì gia đình tôi xin phép không tham dự ạ.

- Đành thế.

Họp tổ dân phố, anh hỏi trước nội dung, nói:

- Tôi xin nhất trí hết, chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng xin phép vắng, không họp.

Hôm Tết vừa rồi, ngõ phố tổ chức tất niên chung, anh nộp tiền và tài trợ thêm hai hộp bia cao cấp, nhưng xin phép không dự vì “bận việc cơ quan”, mọi người ngao ngán nhưng đành chịu.

Hôm nay, căn nhà đối diện nhà Phu đổi chủ. Anh chàng mới dọn đến mỉm cười với mọi người hàng xóm để làm thân. Riêng Phu, chỉ đáp lễ lấy lệ rồi đóng kín cửa nhà mình, dứt khoát không “buôn dưa lê” với hàng xóm mới. Vậy mà cậu ta vẫn gây phiền khi bấm chuông hỏi mượn cái kìm, Phu cáu tiết đưa luôn 100 nghìn đồng, bảo:

- Anh chạy ra góc ngã tư kia mua kìm dùng nhé, đừng làm phiền tôi nữa.

Dĩ nhiên cậu khách láng giềng mới từ chối nhận tiền, sợ một vành không dám làm phiền thêm nữa.

Thế nhưng, tay hàng xóm mới hoá ra vẫn không biết điều, vốn suốt ngày đã dọn, sửa lịch kịch gây phiền quá đáng rồi, thế mà 7 giờ tối lại sang trước nhà Phu bấm chuông. Mà cái kiểu bấm chuông mới ghét chứ, hắn bấm - nhả bấm - nhả liên hồi kỳ trận năm sáu nhát liền, khiến con chó nhà Phu sủa ông ổng mãi.

Qua camera, Phu nằm đọc tài liệu ở tầng 2 thấy hết, nhưng anh quyết không xuống mở cửa. Một chốc, gọi mãi không được, gã hàng xóm mới đành bỏ đi. Qua mấy camera khác, Phu thấy gã ta đứng chỉ chỏ sang nhà mình, nói phân bua điều gì đó với các láng giềng khác mãi. Cả mấy người hàng xóm cũng nhốn nháo lên chỉ chỏ theo.

Đến 5 phút sau, gã hàng xóm lại tới bấm chuông, dồn dập. Cáu tiết, Phu quyết định chạy xuống thả chó ra và mắng cho tên không biết điều một trận, vì cứ gây phiền, không buông tha mình.

Nhưng tới cầu thang, Phu đã ngửi thấy mùi khét lẹt của khói, rồi ngọn lửa xanh lét cháy theo đường dây điện, đứt xuống, gặp cái gì đó bắt lửa cháy bùng lên, chắn ngay lối xuống cầu thang.

Dù điện chưa ngắt nên chuông vẫn reo được một chốc nữa, mà Phu không kịp mở cửa để chửi gã hàng xóm mới đang làm phiền mình. Đơn giản vì anh không thể vượt qua được đám khói lửa mịt mùng. Đành chạy ngược lên, ra mở cửa phía lan can tầng 2, tìm cách thoát thân, lửa đã cháy khắp nhà, những nơi nào có dây điện.

Lúc này, vợ con Phu cũng thấy mùi khói khét, đang í ới gọi nhau. Khốn nỗi, khi cửa ra lan can mở, thì khói lửa bị hút theo ra cùng. Trong cơn khốn quẫn, Phu ôm từng đứa con ném xuống cho mấy người hàng xóm đang nhốn nháo ở dưới đỡ giúp. Cô vợ tiến sỹ hình như đang tắm, nên vẫn tồng ngồng không quần áo, Phu quyết đoán kéo cô ta ra rồi đẩy luôn vợ rơi xuống.

Cuối cùng, khi Phu liều nhảy xuống đất từ lan can tầng 2, thì phía sau anh, ngôi nhà đã như một bó đuốc khổng lồ rồi, mọi người vẫn nghe tiếng con chó rống lên thảm thiết.

Thật may mắn, hai đứa con mà Phu ném xuống, chính gã hàng xóm mới đỡ được một đứa, nên chỉ bị thương nhẹ, đứa kia người hàng xóm khác đỡ trượt nên bị gãy cổ, chết ít phút sau đó. Còn khi vợ Phu được đẩy xuống, sau đó Phu nhảy xuống, thì cũng chính gã hàng xóm kịp tổ chức cùng mấy người khác, đã dùng nệm trải dưới đất, nên chỉ bị thương.

Oái oăm, một ông kịp soi đèn pin để mọi người cấp cứu, nên cô vợ Phu trần truồng trước mắt tất cả mọi người. Vợ “gã hàng xóm gây phiền”, còn phải chạy về lấy quần áo của mình cho vợ Phu mặc, để không bị phơi các “máy móc” trắng ởn và đen nhánh ra trước bàn dân thiên hạ. Chính Phu bị thương nặng, gãy tay cùng xương quai sanh.

Ít Phút sau, lực lượng cứu hoả đến, nhưng chỉ để bảo vệ các ngôi nhà xung quanh khỏi cháy theo thôi, còn nhà Phu không thể khống chế được ngọn lửa nữa.

Hoá ra, khi dọn nhà, anh hàng xóm mới, nhìn thấy có hiện tượng chập điện toé lửa ở phía trong tầng 3 nhà Phu, nên vội sang bấm chuông để thông báo. Phu khinh bỉ gã hàng xóm mới, quyết không chịu mở cửa, nên anh ta vội huy động hàng xóm bằng mọi cách thông báo cho Phu.

Hàng xóm cũng cuống lên, nhưng sợ Phu mắng như những lần trước, chỉ thông báo trên nhóm Zalo và nhóm Facebook của tổ dân phố. Khổ nỗi khi ấy Phu chưa đến giờ xem “những tin nhắn nhăng nhít”, vẫn ung dung xem tường thuật thi hoa hậu trên mạng. Phu không cho ai số điện thoại của vợ chồng mình, chặn không nhận cuộc gọi Zalo, Messenger của tất cả hàng xóm và tổ dân phố, để họ không thể gây phiền.

Mọi người làm ầm ỹ lên khi thấy rõ đám cháy bắt đầu lan ra. Đáng tiếc là do quan điểm không muốn bị quấy rầy, nên Phu quyết không mở cửa, thậm chí còn muốn thả chó cho cắn “bọn thiếu văn minh”, rồi xồng sộc chạy xuống định mắng cho lũ hàng xóm vô học một trận.

Cái giá của sự kênh kiệu không hề rẻ, vì căn nhà đó là toàn bộ tích luỹ của hai người mang từ Anh về cộng thêm sự giúp đỡ của hai bên bố mẹ. Đáng ra, con nhà Phu không chết, họ sẽ không bị thương, những thiệt hại về vật chất cũng không lớn thế nếu Phu chịu nhún nhường, thân thiện với hàng xóm hơn, thì sẽ kịp ngắt điện cầu dao, đám cháy không sảy ra.

Kinh khủng nhất là con chó giống Becgie của Đức nặng đến 70 kilogam bị thiêu cháy gây ra mùi khét lẹt cho cả lối phố đến mấy ngày, dù đã khử mùi mà vẫn không hết.

Bây giờ, Phu không thể “độc lập tự do” được nữa, cả nhà phải tạm đi thuê nơi ở, căn nhà mới xây xong hết hơn 2 tỷ đồng cùng toàn bộ nội thất trị giá một tỷ đồng nữa đã bị phá huỷ hoàn toàn, phải đập đi làm lại.

Người ta dự đoán chắc cả năm nữa vợ chồng này vẫn chưa ở được, nên họ không sợ bị hàng xóm gây phiền.

Độc lập tự do cũng có mặt trái của nó, nhể?

Theo Chuyện quê