Gia đình danh giá

Ở thị xã ấy ai cũng biết gia đình danh giá của Nhung là vì hầu hết mọi người đều đã học hoặc có con cháu học ở trường Trung học phổ thông thị xã, bố cô đã từng là hiệu trưởng trường này, bản thân cô cả đời gắn với ngôi trường này.

Đó là lý do mọi hành động của Nhung đều phải chuẩn mực, nhỏ như mua một cọng hành của người bán bên đường, đến thuê một anh xe ôm đều phải ăn nói mềm mỏng, mỉm cười tươi. Nếu làm khác đi sẽ ảnh hưởng danh dự gia đình.

Chồng Nhung là người đẹp trai, phong độ, là cán bộ lớn của thị xã. Anh còn là niềm tự hào của họ tộc vì là trưởng tộc thành đạt nhất.

Ai cũng bảo gia đình này tuyệt vời và Nhung là người hạnh phúc nhất trần gian. Nhưng từ hôm qua đến giờ Nhung không ra khỏi cửa vì mắt sưng húp và mặt bầm tím cùng đau đớn ở nhiều bộ phận cơ thể. Sau một ngày suy nghĩ, cô đeo kính đen to, chùm khăn rồi gọi đứa học trò cũ là lái xe taxi đến chở ra bến xe để “đi viện”. Thế mà người ta vẫn nhận ra, thăm hỏi, cô phải giải thích “đi chữa bệnh” mà chẳng thể nói rõ hơn.

gia-dinh-danh-gia-1644464322.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm từ internet, người và cảnh trong ảnh không liên quan nội dung bài

Hạnh cùng Hòa là hai đứa bạn thân đã ra tận bến xe đón cô đi ăn rồi đến nhà cô bác sỹ Hòa, chồng nó đi công tác nước ngoài hai tuần nữa mới về, con đứa đi làm, đứa đi học nên nó giữ Nhung ở đó hỏi han, rúc rích trò chuyện. Nhung kể hết mọi chuyện để khóc cho hết nước mắt, cho xả hết nỗi cay đắng. Đã mấy chục năm rồi chưa được khóc to, cười rõ, phải giữ ý giữ tứ, giữ cái gia phong sư phạm, vì cái gia tộc danh giá.

Chuyện bắt đầu từ khi Kiên chồng Nhung trở thành trưởng ban quản lý dự án thị xã, tiền anh mang về ngày càng nhiều, tỷ lệ thuận với tiền là những bữa không ăn cơm nhà, những lần say khướt, những lần mắng thậm chí hành hung vợ. Còn tỷ lệ nghịch với tiền anh mang về là những đêm ân ái mặn nồng, những lần đi xem phim, xem kịch hay cùng đi uống cafe. Tiền thực sự đã lấy đi hạnh phúc của Nhung, nhưng là cô giáo nên mọi nỗi uất ức cứ phải nén xuống để tránh thiên hạ chê cười. Càng nén xuống sự đau đớn càng khủng khiếp, vì phải âm thầm chịu đựng một mình.

Đỉnh điểm của xung đột là hôm qua hai con từ Hà Nội về tổ chức bữa sinh nhật cho mẹ, đúng ra Kiên phải là người đứng ra tổ chức nhưng anh đã lờ đi, khi con tổ chức thì không thể vắng. Vừa vào bữa 5 phút, mới là món đầu, điện thoại Kiên reo, anh liếc tên người gọi rồi chạy vội ra ngoài nói mấy câu, lúc quay lại anh bảo “bận việc cơ quan phải đi”.

Nỗi chán chường về chồng đã bão hòa nên Nhung chẳng còn cảm xúc gì nữa, ba mẹ con vẫn vui.

Xong tiệc, hai đứa sợ mẹ buồn đã đưa mẹ lên tầng 24 một khách sạn ăn kem. Nào ngờ cái xe Camry của Kiên cũng ở đó, Nhung ngại ngùng muốn về hay đổi địa điểm nhưng hai đứa con không chịu thay đổi. Quán cafe trên tầng 24 không có Kiên, ba mẹ con vẫn ăn kem, nhưng thằng con trai ấm ức gọi điện cho bố nói “con và mẹ đang ở tầng 24 khách sạn A, con biết bố cũng ở đây”.

Chỉ thế thôi mà nửa đêm Kiên về đóng kín cửa, lôi Nhung khỏi giường xé toạc quần áo vừa chửi rủa việc cô theo dõi chồng vừa đấm, tát rồi dùng những dụng cụ quái đản tra tấn các bộ phận sinh dục của cô. Đau đớn, tủi nhục ê chề mà Nhung cắn răng chịu đựng vì sợ các con nghe thấy, đến lúc cô ngất xỉu thì Kiên mới bỏ đi.

Sáng hôm sau Nhung ở trong phòng, sợ các con biết, phải giả vội đến trường do có học sinh đón, không tạm biệt các con được, chỉ gọi điện thoại.

Cô tự giam mình trong phòng, đau đớn thể xác, nhục nhã tủi hổ tâm hồn đến hết chịu đựng nổi, Nhung đã mặc áo chùm kín đầu đi mua vỉ thuốc ngủ mạnh seduxen, định sẽ tự kết liễu cuộc đời. Thế nhưng hình ảnh hai đứa con ngoan ngoãn vô tội sẽ đau đớn, nhục nhã thế nào, vậy là vì thương các con quá mà Nhung từ bỏ ý định không mua thuốc ngủ nữa. Ngay sau đó Nhung gọi điện cho Thu, Hòa để trốn tới với họ.

Cái mặt nạ “nhà giáo”, “sư phạm”, “gia đình danh giá” đã không che kín được nỗi đau ê chề này nữa. Hòa tư vấn Nhung đến bệnh viện khám để vừa chữa trị vừa xác định thương tật sau đó là nộp đơn tố cáo hành vi bạo hành đồng thời nộp đơn ly dị.

Một cuộc sống mới sẽ bắt đầu dù đau đớn.

Theo Chuyện làng quê