Thực tế giã gạo, giã cốm thì như thế nào?
Thời bao cấp ở nông thôn gia đình nào cũng có cối xay lúa, cối giã gạo. Thóc xay xong được sàng sẩy để loại bỏ vỏ trấu, sau đó mới cho vào cối giã thành gạo.
Thường cứ 20 cân thóc xay ra thì được một cối giã. Một cối giã khoảng 1200 đến 1300 chày thì được, sau đó mới giần để loại bỏ cám và bổi trấu mới được gạo ăn thành phẩm.
Nhà tôi bảy miệng ăn, ngoài Thầy U thì tôi lớn nhất (thanh niên choai); dưới còn bốn em, cứ một tuần lại phải xay lúa, giã gạo.
Nhà nông nhiều việc, nhất là vào ngày mùa lại phải tranh thủ giã gạo buổi trưa, buổi tối. Thử hỏi có mệt không?
U tôi còn tranh thủ làm thêm hàng xáo để lấy cám nuôi lợn, có hôm xay hàng tạ thóc; giã năm, sáu cối gạo, chân mỏi nhừ. Mệt muốn ốm luôn!
Khổ nhất là đã hẹn bạn gái đi xem phim tối nay. Vừa chuẩn bị cơm tối Thầy đã giao “cơm xong hai anh em giã hai cối gạo, để sáng mai U mày còn đi chợ bán sớm”. Thế là bỏ cả cơm, hai anh em giã thật nhanh “thình thịch…thình thịch”; mong xong sớm, để kịp đi xem phim với bạn gái.
Giã xong đến nơi phim đã chiếu được một nửa, bạn gái cũng chẳng tìm thấy. Đúng là buồn phát ốm luôn!
Đấy là giã gạo! Vậy còn giã cốm thì sao?
Ngày xưa chỉ cấy lúa nếp vào vụ mùa. Hợp tác xã có hẳn một khu ruộng chuyên cấy lúa nếp, muốn có thóc nếp để giã cốm thì phải đi mót; thậm chí phải đi tuốt trộm lúa của Hợp tác xã. Mà có nhiều đâu, chỉ 1-2 cân thóc thôi.
Thóc nếp đem về luộc lên, rồi cho vào chảo rang vừa lửa; thấy nổ lách tách thì cho vào cối giã ngay.
Giã khoảng hơn chục chày; mùi cốm đã tỏa thơm nức mũi…mấy đứa em quây quanh cối giã, háo hức chờ đợi mẻ cốm ra lò. Tôi cũng háo hức kém gì; chả thế mà cứ đội sản xuất chuẩn bị gặt lúa nếp, tôi đã chỉ thị ngay cho mấy đứa em “Chúng mày nhớ đi mót thóc nếp về anh giã cốm cho mà ăn”.
Cốm vừa giã xong, mấy anh em mỗi đứa một nắm, nhai lấy nhai để. Vị ngọt bùi, ngầy ngậy đậm đà trong miệng không thể nào quên. Mấy đứa nhỏ vừa ăn cốm, vừa nhìn anh nó đầy ngưỡng mộ…tôi rất phấn chấn, thấy người khỏe ra như vừa uống thuốc tăng lực ấy.
Bây giờ chẳng còn ai phải giã gạo nữa. Muốn ăn cốm thì ra chợ là có ngay và luôn, đủ loại “cốm vòng”, “cốm thạc”… thích mua bao nhiêu thì mua.
Riêng tôi vẫn thích ăn cốm tự làm; bởi vì khi ta giã cốm sẽ tìm lại được ký ức tuổi thơ.
Chẳng thế mà sáng nay về quê, trên đường về làng thấy thằng em con ông chú đang gặt lúa nếp; vừa dừng xe hạ kính lái, thằng em đã ôm ngay một bó lên xe “anh mang về giã cốm ăn cho đỡ nhớ quê”.
HD14/11/21NH
Theo Chuyện làng quê