Thành phố Pleiku hiện là trung tâm chính trị, kinh tế, dịch vụ và đầu mối giao thông của tỉnh Gia Lai, đồng thời cũng là cửa ngõ giao thông quan trọng liên thông giữa các nước Đông Dương với vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ (đường xuyên Á) và nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Do vậy, Đảng bộ và chính quyền thành phố xác định công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị theo hướng vừa hiện đại, vừa tạo nên những đặc trưng riêng mang bản sắc văn hóa là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Dự án đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ Trường Chinh - đường Lê Thánh Tôn) sau khi hoàn thành, sẽ tạo ra một số khu đô thị mới hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điểm nhấn kiến trúc đẹp làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của thành phố; Giảm tải lưu lượng phương tiện cho trục đường Hùng Vương, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố Pleiku nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung.
Những khó khăn đã có cách tháo gỡ
Dự án được quyết định đầu tư tại Quyết định số 1136/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh Gia Lai. Tổng mức đầu tư 260.000 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2024. Kế hoạch vốn năm 2023 là 95.000 triệu đồng, lũy kế vốn bố trí là: 152.240 triệu đồng. Giá trị giải ngân đến hiện tại là 82.478 triệu đồng (trong đó năm 2022 là 52.240 triệu đồng và năm 2023 là 30.238 triệu đồng). Tiến độ gói cầu: Thi công dầm bê tông cốt thép, đổ bê tông lót bệ mố A1, gia công thép bệ trụ, đổ bê tông bệ mố A1, gia công thép thân trụ, bê tông thân trụ. Khối lượng: 32,5%; Gói đường: Thảm BTN đoạn 210m, bê tông bó vỉa, đan rãnh, dải phân cách. Khối lượng đạt 5,255%.
Qua tìm hiểu, Dự án đường Nguyễn Văn Linh (TP.Pleiku, Gia Lai) đang phải tạm dừng thi công để chờ cơ quan chức năng hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng. Dự án dù dài 2,7 Km (từ đường Trường Chinh - Lê Thánh Tôn) nhưng phải thu hồi hơn hơn 39 ha đất của 778 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức; tổng số căn nhà phải giải tỏa là 414 căn.
Dự án đường Nguyễn Văn Linh có 2 hạng mục riêng biệt. Phần đầu tư xây dựng công trình có mức đầu tư 260 tỉ đồng; phần Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh và Khu hạ tầng kỹ thuật tái định cư là 1.900 tỉ đồng (523 lô tái định cư). Tổng kinh phí toàn dự án là hơn 2.160 tỉ đồng, do UBND TP.Pleiku làm chủ đầu tư.
Dự án có ý nghĩa quan trọng khi đáp ứng nhu cầu giao thông, chỉnh trang đô thị và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với quy mô, tầm vóc như vậy nhưng dự án mới thi công được 200m mặt đường (giáp đường Trường Chinh) đã phải tạm dừng. Khó khăn vướng mắc đầu tiên trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Để triển khai thực hiện dự án Đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Pleiku phải thực hiện đền bù đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu dân cư với Quy mô dự án. Diện tích đất dự kiến thu hồi: 397.400 m2 (39,74 ha) của 781 hộ gia đình, cá nhân và 06 tổ chức. Hiện nay thành phố đang tiến hành rà soát, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi thuộc dự án.
Qua niêm yết, tổ chức tuyên truyền, hiện đã có hơn 242 hộ, 2 cá nhân thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Các hộ, cá nhân thuộc dự án đa số đều đề nghị Nhà nước áp dụng đầy đủ các chính sách khi Nhà nước thu hồi đất. Để tạo sự đồng thuận của người dân và bảo đảm đầy đủ các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi thu hồi đất và giá đất tái định cư để người dân cân đối về tiền bồi thường, hỗ trợ với tiền sử dụng đất phải nộp sớm đồng thuận phương án bồi thường, hỗ trợ đảm bảo ổn định cuộc sống, bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Thực hiện Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định 09/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hiện nay các chính sách hỗ trợ khác khi nhà nước thu hồi đất thuộc thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định tại Điều 24, Nghị định 47/2014/NĐ-CP chưa được ban hành để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi.
Để từng bước tháo gỡ vướng mắc trên, UBND thành phố Pleiku đã nhiều lần trình các văn bản về việc đề xuất chính sách hỗ trợ cho các hộ, cá nhân thuộc dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Pleiku trình UBND tỉnh Gia Lai và Sở Tài nguyên & Môi trường.
Đến nay việc khó khăn nhất cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng dự án đồng thuận với chủ trương thu hồi đất, bàn giao mặt bằng để thi công là do giá đất chưa được bổ sung vào bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố và dự án đang cần khoảng 700.000 m3 đất đắp.
Chúng tôi đến trên trục đường dự án đi qua, mặc dù ở trung tâm thành phố nhưng có hàng chục căn nhà cấp 4 xập xệ, xuống cấp, xung quanh đầy cỏ dại trông rất hoang tàn. Đây là những căn nhà trong diện di dời, chờ ngày giải tỏa. Người dân ở đây rất muốn được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm những vướng mắc, nhất là có giá đất ở khu tái định cư hợp lý, để bà con dùng số tiền đền bù để sang làm nhà mới. Dự án treo ngày ngày nào bà con khổ cực ngày đó và họ cũng nóng lòng di dời sang nơi ở mới vì nơi cũ không được nâng cấp, sữa chửa, ẩm thấp, củ nát, nhất là các hộ dân ở trong những con đường hẻm nhỏ đi lại rất khó khăn, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì ngập tràn đất bụi đỏ.
Anh Nguyễn Văn H (sinh năm 1974) trú tại phường Trà Bá, TP.Pleiku cho biết: “Anh đã nhận đất ở khu tái định cư, chờ ngày sang nơi ở mới. Đa số người dân có nhà nằm trên dự án đường Nguyễn Văn Linh đều thống nhất di dời khi các khoản đền bù cũ, mua mới phù hợp. Bởi nơi ở cũ bị treo lâu ngày quá ẩm thấp, nhà cửa tạm bợ lại lo lắng nên cuộc sống luôn nằm trong trạng thái bất an. Hy vọng sang nơi ở mới, xxaay nhà mới bà con con sẽ vui vẻ và đầu tư làm ăn thuận lợi hơn nhiều”.
Bám dân, biết và hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con địa phương, để tháo gỡ khó khăn, khơi thông mạch nguồn “ ý Đảng-lòng dân”, kiên quyết không để cho bà con khổ cực vì “dự án treo”, ngày 20/10/2023, ông Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai ký Nghị quyết về việc bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, trong đó có đường Nguyễn Văn Linh. Theo đó, đoạn từ đường Trường Chinh đến mét thứ 285 đường Nguyễn Văn Linh, bảng giá đất vị trí mặt tiền tuyến đường là 19.040.000 đồng/m2.
Đây là Nghị quyết thông qua bảng giá đất đường phố TP.Pleiku. Với Nghị quyết này, UBND tỉnh Gia Lai sẽ sớm ban hành quyết định, xây dựng hệ số K để vận động, tuyên truyền người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng và sớm nhận đất ở khu tái định cư.
Riêng đoạn còn lại của 2,73 Km khi nào chủ đầu tư dự án (UBND TP.Pleiku) hoàn tất khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng thì lúc đó mới xây dựng giá đất tiếp theo.
Theo UBND TP.Pleiku, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư Khu dân cư DA đường Nguyễn Văn Linh có tổng số tiền 1.900 tỷ đồng (Chi phí bồi thường, hỗ trợ: 1.499 tỷ đồng và chi đầu tư xây dựng hạ tầng: 400,2 tỷ đồng); thời gian thực hiện từ năm 2021-2026. Hiện trên 50% số hộ dân đã thống nhất công tác bồi thường.
Cũng theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.Pleiku: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang được tiến hành rất khẩn trương và phải đảm bảo đúng theo quy định của Nhà nước về thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường.
Trong khi đó, một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tất cả những vướng mắc ở dự án ngàn tỷ này, thành phố đều báo cáo và được UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tháo gỡ.
Biết tin ông Hồ Văn Niên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai ký Nghị quyết về việc bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, trong đó có đường Nguyễn Văn Linh. Theo đó, đoạn từ đường Trường Chinh đến mét thứ 285 đường Nguyễn Văn Linh, bảng giá đất vị trí mặt tiền tuyến đường là 19.040.000 đồng/m2. Gặp chúng tôi, anh Trần Hoài Thanh (39 tuổi, trú tổ 7, phường Trà Bá, TP.Pleiku) chia sẻ, bà con trong khu dự án biết thông tin này mừng lắm, sướng cái bụng quá. Vì một ngày không xa khi các cơ quan chức triển khai thực hiện thì người dân chúng tôi mua được đất mới, giá cả hợp lý. Tiền đền bù dùng để xây nhà mới để “an cư lập nghiệp”.
Hiệu quả từ tham mưu nguồn đất đắp
Ngoài khó khăn về bảng giá đất, giá đất đềm bù khu tái định cư, thì đến nay Dự án ngàn tỷ đường Nguyễn Văn Linh đang gặp khó khi phải cần 700.000 m3 đất đắp. Mà thành phố thì nguồn đất ở đâu có, là bài toán khó mà Ban quản lý Đầu tư xây dựng TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai cần tính toán kỷ để tham mưu cho UBND thành phố làm cơ sở trình lên UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh được chấp thuận.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Nghĩa - Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng (BQL ĐT-XD) TP.Pleiku cho biết, dự án gặp vướng khi thiếu một lượng đất rất lớn để san lấp. Thành phố cần đến 13 mỏ đất để phục vụ các dự án.
Theo ông Nghĩa, đất để đắp vào nền đường Nguyễn Văn Linh, thiếu khoảng 200.000m3; ở khu hạ tầng, lượng đất đắp toàn bộ ở khu giải tỏa cần thêm 500.000m3, tổng 700.000 m3. Cũng theo ông Nghĩa, 13 mỏ đất dự kiến để cấp thủ tục, trước đó Ban này đã chủ động đi tìm, thỏa thuận với người dân có đất, thủ tục cũng đã được Sở Tài nguyên - Môi trường Gia Lai thống nhất đồng ý. Tuy nhiên, vì vướng luật nên mỏ đất chưa thể cấp phép.
Để gỡ vướng cho dự án Nguyễn Văn Linh, BQL ĐT-XD TP.Pleiku đã đàm phán “xin” được 100.000 m3 đất tại mỏ đá Hưng Cường (xã Hnol, huyện Đak Đoa, Gia Lai). Đây là lượng đất tầng phủ, nằm bên trên cách 3m khi khoan xuống lấy đá, BQL này lấy lượng đất này để về đắp vào dự án. “Chúng tôi đã xin hơn 100.000m3, số đất này giải quyết được cơ bản nửa con đường Nguyễn Văn Linh”, ông Nghĩa nói.
Theo lãnh đạo một sở của tỉnh Gia Lai, đất san lấp được đưa vào loại vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường quy định tại Luật Khoáng sản. “Đã là VLXD thì phải quy hoạch mỏ, thực hiện theo Luật Khoáng sản, rồi đấu giá, cấp phép đánh giá tác động môi trường… quy trình mất cả năm trời”, đại diện sở này nói.
Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Gia Lai đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình UBND tỉnh Gia Lai cập nhật các mỏ đất đắp vào quy hoạch sử dụng đất. Gia Lai ở khu vực đồi núi, người dân có nhu cầu cải tạo đất có thể chuyển đất dư thừa đến một vị trí nào đó để san lấp; trường hợp đất phù hợp với mục đích đất san lấp thì chủ đầu tư thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước có thể liên hệ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã để thống nhất vị trí đổ đất.
Đề cập đến vấn đề này, lãnh đạo một sở của Gia Lai bộc bạch, hiện trạng đất sau cải tạo của người dân cũng không bao nhiêu, nhưng đủ kéo dài đến hết năm 2023. Qua năm 2024, quy hoạch sử dụng đất đã có, thì các mỏ đất san lấp dễ dàng phục vụ cho các dự án”.
Như vậy những vướng mắc khó khăn của đường Nguyễn Văn Linh ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã được khơi thông, đang chờ “dòng chảy”. Khi con đường Nguyễn Văn Linh hoàn thiện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần đưa Gia Lai phát triển nhanh, bền vững.