Mưa vàng giải nhiệt, cứu cây trồng
Mấy tháng trở lại đây, nắng nóng đỉnh điểm diễn ra nhiều nơi như xã Ia Nan, Ia Pnôn của huyện biên giới Đức Cơ, người dân phải đi mua nước về sinh hoạt. Trong lúc khó khăn nhất, Công ty 72 (Binh đoàn 15), đã hỗ trợ cấp nước cho nhân dân thôn Đức Hưng, xã Ia Nan trong cả tháng dài. Điều này đã thắt chặt tình cảm quân-dân, góp phần gìn giữ bình yên ở biên giới.
Được biết, Công ty 72, Binh đoàn 15 là đơn vị kinh tế quốc phòng đứng chân trên địa bàn, công ty có hàng nghìn công nhân là người dân xã Ia Nan, huyện Đức Cơ. Trước tình hình khô hạn nghiêm trọng, ban lãnh đạo công ty đã huy động cán bộ, chiến sĩ mỗi ngày bơm và chở đều đặn 3 xe bồn với tổng dung tích 24m3, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chia sẻ với chúng tôi vè vấn đè này, Thượng tá Hà Trọng Bảo- Giám đốc Công ty 72 cho biết: Năm 2024 là năm hạn hán bất thường so với nhiều năm trước. Nhận thấy người dân địa phương thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nên chúng tôi đề nghị và được cấp trên đồng ý vận chuyển nguồn nước để giúp dân. Hàng ngày xe từ đơn vị, di chuyển hơn 10 -20 km để cung cấp nước sạch cho bà con sinh hoạt. Bà con nơi đây đã sử dụng nước sinh hoạt bằng nguồn nước mà đơn vị cung cấp trong niềm vui, hạnh phúc. Được giúp người dân nhất là bà con dân tộc thiểu số vùng biên huyện Đức Cơ có nước sinh hoạt đầy đủ trong mùa khô hạn chúng tôi thấy mình hạnh phúc hơn. Việc làm của cán bộ, chiến sỹ Công ty 72 đã góp phần tô thắm tình nghĩa quân dân nơi biên giới, tạo thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần gìn giữ bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Ông Vũ Mạnh Định- Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết: Vùng biên giới Đức Cơ ở nơi cao nhất của huyện, nên hầu như năm nào cũng bị thiếu nước vào cao điểm mùa khô. Mặc dì còn những khó khăn nhất định, nhưng nhiều năm qua Công ty 72, Binh đoàn 15 đều hỗ trợ cấp nước cho nhân dân trong cả tháng dài. Điều này đã thắt chặt tình cảm quân-dân, góp phần gìn giữ bình yên ở biên giới Đức Cơ. Chính quyền địa phương đánh giá rất cao những việc làm thiết thực, nghĩa tình của Công ty 72, nhất là việc cấp nước sinh hoạt cho người dân trong đỉnh cao của mùa nắng hạn.
Nắng hạn kéo dài, hàng ngàn ha cây trồng, nhất là cà phê, ruộng lúa thiếu nước trầm trọng. Nhiều suối, hồ trơ cạn vì hạn hán, cuộc sống của bà con khó khăn hơn bao giờ hết. Họ chỉ mong rằng, có một trận mưa lớn, để xoa dịu khí hậu, “cứu” nước sinh hoạt và cây trồng.
Sang đầu tháng 5, trong các ngày ngày 3-5/5, tại TP. Pleiku và nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đã xuất hiện những trận mưa lớn, kèm theo dông. Đây được xem là cơn mưa “quý hơn vàng” trên địa bàn tỉnh, sau nhiều tháng nắng nóng, oi bức.
Sau cơn mưa, ngoại trừ cây sầu riêng, thì các cây trồng khác như Cà phê, Tiêu, Điều, Chanh dây... rũ bỏ bụi bặm để vươn ra đón nhận những hạt mưa đầu mùa. Sức sống đã trở lại trên mỗi nương rẫy, cây trồng.
Nổi buồn của người trồng sầu riêng
Tại xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, trận mưa đầu mùa lớn, kèm theo gió mạnh vào ngày 5/5, đã khiến cho rất nhiều diện tích cây sầu riêng bị bật gốc, gãy cành, rụng quả. Ước tính thiệt hại rất lớn, thậm chí có gia đình dự kiến rụng khoảng 5 tấn với giá trị khoảng nửa tỷ đồng.
Có mặt tại vườn sầu riêng của nhà ông Nguyễn Văn Quả (trú tại xã Ia Blang, trồng sầu riêng ở xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê), sự đượm buồn xuất hiện trên mỗi khuôn mặt của những người đi kiểm tra thực tế. Một vườn sầu riêng tươi tốt, trĩu quả lại có nhiều cây bị gãy đổ, quả nằm la liệt. Đây cũng là một trong những hộ gia đình, được xác định là thiệt hại lớn nhất trên địa bàn huyện Chư Sê trong trận mưa lớn ngày 5/5.
“Hiện gia đình tôi đang có 350 cây sầu riêng (trồng năm thứ 6, chuẩn bị bước sang năm thu hoạch chính), bất ngờ gặp cơn mưa lớn kèm gió lốc làm 8 cây đã bị gãy, đổ hoàn toàn. Rất nhiều cây khác quả rụng nhiều, nằm la liệt dưới gốc. Dự kiến khoảng 5 tấn quả bị rụng, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng”, ông Quả nói trong buồn bã.
Còn gia đình ông Nguyễn Tấn Lục (thôn 4 xã Ia Hlốp), có khoảng 40 cây sầu riêng, trận mưa đầu mùa kèm theo gió lốc gây rụng khoảng 200kg quả. Ông cho biết, từ trước đến nay, chưa bao giờ thời tiết phức tạp như năm này, rất mong bà con nhân dân sẽ nhận được hỗ trợ từ chính quyền các cấp.
Ông Nguyễn Dũng (cùng thôn với ông Lục), cho biết gia đình có 2ha sầu riêng với khoảng 400 cây, trong đó 200 cây đang ở giai đoạn cho thu hoạch. “Gia đình đã lường trước sự việc khi biết sẽ có cơn mưa lớn xuất hiện đầu mùa nên đã gia cố lại cành cây, buộc quả. Vì không có người làm nên mới gia cố được ít nên khi mưa to kèm gió lốc không chỉ làm rụng quả mà nhiều cành sầu riêng bị rạn, gãy”.
Theo các nông dân có kinh nghiệm trồng sầu riêng lâu nay, thời tiết trên địa bàn Gia Lai thời gian qua rất khốc liệt, nắng nóng kéo dài, nên khi có trận mưa to, gió lớn, dù bà con đã có sự chuẩn bị từ trước nhưng cũng không tránh khỏi thiệt hại.
Cáp Hoàng Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp cho biết, toàn xã có khoảng 42 ha sầu riêng. Trận mưa giông kèm theo gió lốc đã khiến một số diện tích sầu riêng trên địa bàn xã bị rụng quả, gãy cành. Sau khi đi kiểm tra, UBND xác định có gần 3 ha sầu riêng của người dân bị thiệt hại.
Xã đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện Chư Sê để có hướng hỗ trợ kịp thời cho người dân trồng sầu riêng. Bên cạnh đó, để tránh thiệt hại cho vườn sầu riêng trong những trận mưa giông tiếp theo, bà con cần neo thân cành, cột chắc trái sầu riêng vào cành một cách cẩn thận hơn.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Chư Sê- Gia Lai, trận mưa ngày 5/5 khiến 9 căn nhà trên địa bàn huyện bị tốc mái; 2,75ha sầu riêng bị ảnh hưởng. Dự kiến thiệt hại ban đầu khoảng 550 triệu đồng.