Tham gia buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum; Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Chương trình khai mạc gồm phần lễ và chương trình nghệ thuật. Tiết mục khai từ “Âm vang đại ngàn” có sự tham gia trình diễn cồng chiêng của hơn 1.000 nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên. Số lượng nghệ nhân đạt con số kỷ lục trong một chương trình nghệ thuật từ trước tới nay ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
Màn nghệ thuật khởi đầu đặc sắc, ấn tượng gồm 2 chương với nhiều tiết mục hấp dẫn. Chương I - “Linh thiêng đại ngàn” tái hiện không gian đậm chất sử thi về công cuộc giữ đất, giữ nước, giữ buôn làng, giữ lửa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giữa đại ngàn hùng vĩ. Chương II - “Sức sống đại ngàn” khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng không chỉ vang vọng tại các buôn làng, mà vượt qua khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam và được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, chương trình nghệ thuật như vẽ nên một bức tranh về đại ngàn hùng vĩ, nơi những thanh âm của núi rừng hòa quyện cùng tiếng cồng chiêng vang lên như một bản hòa ca bất tận, tạo nên không gian kết nối, giao hòa giữa thiên nhiên-con người-thần linh, giữa quá khứ-hiện tại-tương lai, nơi thế giới thật và ảo lung linh và huyền thoại của bà con các dân tộc Tây Nguyên được thể hiện qua những giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật; nơi văn hóa cồng chiêng được tôn vinh và khẳng định giá trị trường tồn trong nhịp sống đương đại.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Tuần Văn hóa Du lịch Gia Lai 2023 chính là hoạt động nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện cam kết với UNESCO về hoạt động tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được thế giới ghi danh.
Việc tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch Gia Lai năm 2023 đặc biệt là Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2023 là nhằm tôn vinh giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực; là dịp để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Gia Lai. Đây cũng là cơ hội để hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần xây dựng Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh.
Là sự kiện mở đầu cho Tuần văn hóa Du lịch Gia Lai 2023, festival Văn hóa cồng chiêng diễn ra ngày 11 và 12-11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku. Đây là hoạt động tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng và tinh thần kế thừa, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên-những chủ nhân của di sản thông qua các buổi trình diễn đầy âm thanh và màu sắc của trên 1.000 nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Gia Lai có 17 đoàn đến từ các huyện, thị xã, thành phố với trên 870 nghệ nhân và 140 nghệ nhân của 4 đoàn thuộc các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng.
Tuần Văn hóa Du lịch Gia Lai 2023 diễn ra từ ngày 11 đến 19-11, bao gồm nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa-thể thao-du lịch đặc sắc, hấp dẫn được tổ chức tại TP Pleiku và các huyện Ia Grai, Chư Păh, như: Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá và công bố Bảo vật quốc gia sưu tầm công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê; Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai; giải chạy “Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn”; lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya; hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô tranh cúp A Sanh và liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai…
Tại buổi khai mạc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá và Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với Sưu tập công cụ Sơ kỳ Đá cũ An Khê.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Du lịch Gia Lai 2023 sẽ liên kết nhiều sự kiện hay, hấp dẫn. Tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai diễn ra Triển lãm ảnh, giới thiệu đến công chúng hơn 200 hình ảnh, bảng trích, một số hiện vật, nội dung gồm các di sản được UNESCO vinh danh, di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu, các nhạc cụ độc đáo của các dân tộc tỉnh Gia Lai; những điểm đến được du khách yêu thích.
Với 4 phần được chia theo từng chủ đề, triển lãm đã mang đến cho công chúng cái nhìn toàn cảnh về thiên nhiên, con người Gia Lai; khái quát các nền di sản, di tích của tỉnh. Phần 1 với chủ đề thiên nhiên, con người và di sản văn hóa, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng, “đi du lịch bằng hình ảnh” những danh lam, thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Gia Lai như thác K50, Biển Hồ, hàng thông trăm tuổi, đồi chè xanh mướt… Ở phần 2, 3 của triển lãm, công chúng sẽ có cái nhìn toàn cảnh về hiện vật đồ đá, địa tầng, di vật và kết quả phân tích những mảnh thiên thạch phát hiện tại đây, khẳng định sự tồn tại một cộng đồng cư dân cổ cùng thành tựu văn hóa đầu tiên của loài người từ 800.000 năm trước.
Thông qua triển lãm, tôn vinh, động viên, khích lệ, tăng cường sự đoàn kết trong việc bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên nói riêng, xây dựng một bức tranh văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc gắn liền với các yếu tố hiện đại trong thời kỳ đổi mới của cả nước nói chung.
Cùng ngày, Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai đã khai mạc, với sự tham gia của 220 gian hàng sản phẩm của hơn 130 đơn vị trong và ngoài tỉnh. Hội chợ diễn ra đến ngày 15/11, tại khu vực đường Anh Hùng Núp, thành phố Pleiku.
Hòa cùng niềm vui trong không khí lễ hội, đồng chí Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, hội chợ là cơ hội gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, văn hóa và du lịch của tỉnh, quảng bá giá trị văn hóa, ẩm thực vùng miền, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, đặc biệt là không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Qua đó, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng, đối tác, nhà phân phối, tạo cơ hội để các doanh nghiệp củng cố, khai thác thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Tại hội chợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã không chỉ bày bán, giới thiệu sản phẩm, mà còn giao lưu, giải đáp thắc mắc của du khách, kết nối với các đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ; giao lưu học hỏi kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.Bà Phạm Thị Lệ (du khách đến từ Phú Yên) cho biết, gia đình bà quan tâm những sản phẩm tốt cho sức khỏe từ rừng như: các loại sâm, nấm, trà thảo mộc, các loại hạt như mắc ca, hạt điều.
Tuần Văn hóa Du lịch Gia Lai 2023 là một chuỗi liên kết các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hội gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Góp phần quảng bá giá trị văn hóa, ẩm thực vùng miền, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, đặc biệt là không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, tăng cường sự đoàn kết trong việc bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên nói riêng, xây dựng một bức tranh văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc. Một Gia Lai, Tây Nguyên khởi sắc.