Là cử nhân Sử học và Cử nhân Luật nên không khó để nhận ra niềm say mê của ông với lịch sử nước nhà. Những nhân vật lịch sử như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc, An Dương Vương, Triệu Việt Vương được ông tìm hiểu khá chi tiết cụ thể. Từ quê quán, gốc tích, dòng dõi gia đình, con đường học vấn, con đường quan lộ. Mối dây liên kết giữa nhân vật lịch sử với các triều đại, được ông khéo léo sâu chuỗi gắn với đương đại.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có sức ảnh hưởng lớn đến cả ba triều đại: Mạc, Lê- Trịnh, Nguyễn. Với tài, tâm và cốt cách của một bậc hiền triết, vai trò của ông được ví như Trình Tuyền Hầu- vị hầu tước khơi dòng triết học nhà họ Trình. Triết lý triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là triết học trong thơ, thơ của sự gợi ý mách bảo về triết lý cuộc sống thế sự. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, dưới sự chỉ đường của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mở cõi nước Việt rộng lớn, trải dài tới mũi Cà Mau. Cũng chính ông đã lập nên vương triều Nguyễn với 9 đời chúa, 13 đời vua. Hay sự hình thành của vương triều Lý có sự góp sức rất lớn của Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc, người có vai trò cùng sư Vạn Hạnh đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua mở ra vương triều Lý- một vương triều rực rỡ huy hoàng trong lịch sử phong kiến Việt Nam hồi thế kỉ XI đầu thế kỉ XIII. Rồi hai nhân vật An Dương Vương, Triệu Việt Vương đều vì sai lầm của bản thân mà khiến vận mệnh đất nước lâm nguy, dân chúng lầm than và hai vị đều phải trả giá vì cái chết.
Đọc "Ứng nghiệm thành đạt", ta còn thấy được ở Quân Yên là một người luôn trân quý những truyền thống văn hóa từ xa xưa: đó là hương ước cổ, là cây gạo, là những phiên chợ nổi trên sông Cửu Long.
Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, theo Quân Yên thì loại trừ những phần hạn chế về lễ giáo phong kiến, thì nhiều nội dung bản hương ước thể hiện trật tự kỉ cương, truyền thống văn hóa, tình làng nghĩa xóm khá đặc sắc ở vùng làng Bắc Bộ. Với Quân Yên, tuy hương ước là cổ nhưng những quy định trong đó đã ăn sâu trong tâm trí người dân từ bao đời nay, có giá trị thực tiễn trong việc vận dụng xây dựng nông thôn mới, phục vụ cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hình ảnh cây gạo trở thành báu vật của làng mà theo ông nó là biểu tượng sống “nhưng lại hay bị lãng quên”. Cho nên Quân Yên luôn cảm thấy “những gốc gạo cổ thụ sần sùi kia luôn trầm mặc, lặng im và đón bao thế hệ dân làng ra đi và trở về”. Mộc miên- tên gọi khác của hoa gạo, nghe thôi đã thấy vọng cổ, xưa cũ. Một loài hoa biểu tượng cho sự chung thủy trong tình yêu, cho nỗi nhớ hoài niệm của con người xa quê. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây gạo vẫn thân quen trầm mặc như vậy. Có khác chăng chỉ là hình ảnh những gốc gạo cổ thụ ấy ngày một ít dần trong chốn làng quê thanh bình. Điều này đã để lại một khoảng trống trong lòng tác giả về sự lo sợ một mai nó không còn nữa. “Mộc miên hoa ơi! Mỗi khi qua cầu biên giới, thấy hoa mộc miên nở, lòng những bồi hồi…” (Hoa mộc miên- nhạc sĩ Huy Du).
Với Quân Yên, “đến Cần Thơ mà không đi chợ nổi Cái Răng thật là sai lầm”. Bởi nó không chỉ là chợ thông thường mà còn là nét văn hóa từ xa xưa của đồng bào miền sông nước. Chợ đông vui, nhộn nhịp, ghe thuyền va chạm nhau liên tục nhưng ít khi thấy xảy ra cãi vã, hình thức buôn bán đơn giản, không cầu kì thể hiện một tinh thần tự quản tập thể, sự tin tưởng giữa bà con buôn bán với nhau khá cao, điều này ngày nay là khá hiếm. Hình ảnh cây bẹo chào hàng tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch- đơn giản quá, chân thật quá như chính con người nơi đây vậy. Cho nên tác giả thấy một sự cấp thiết của các ngánh chức năng để phục hồi, gìn giữ những câu ca vọng cổ đối đáp trên sông nước. Để làm sao kinh tế không những không mất đi mà còn phát triển song hành một nhịp với văn hóa truyền thống. Để rồi một khung cảnh buôn bán trên sông: rao hàng, lời thăm hỏi, lời chào, lời tình tứ được vang lên bằng những câu hò đối đáp, đờn ca tài tử mênh mang sông nước làm ai nghe cũng phải xốn xang “Ơ ầu ơ…”.
Từng là phóng viên chiến trường của TTXVN thời chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, nên chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tinh thần nhiệt huyết, xông pha, không quản ngại thời gian, công sức, tiền bạc để được tận mắt chứng kiến những chứng tích lịch sử, phát hiện tìm tòi những hiện vật văn hóa xưa còn sót lại, để xác minh tính xác thực của những tài lệu đã được ghi chép trong sách vở. Ông không quản ngại đường xá xa xôi, đã đến tận quê hương Hải Phòng, gốc tích của thần sấm Trạng Trình. Rồi lại có chuyến khảo sát thực địa với cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc tại đồi Diệm Xuân để tìm hiểu về ba ngôi mộ cổ có liên quan đến nhà Mạc, liên quan đến vị vua cuối cùng của triều Mạc, cũng như tìm hiểu vấn đề tranh chấp xung quanh liên quan đến ngôi mộ cổ của hai dòng họ Nguyễn gốc Mạc và Nguyễn không gốc Mạc.
Dù từng trải qua cảnh “nộp thuế rừng” trong những cuộc hành quân thời trẻ: sốt rét, gầy yếu, da xanh như tàu lá. Quân Yên vẫn quyết định trở về Mã Đà sau gần 50 năm đất nước giải phóng. Để có thể cảm nhận được một lần nữa hào khí thời trẻ của bao bao lớp người, để được sống lại những trang ký ức hào hùng của dân tộc, để tận mắt trải nghiệm Mã Đà sau ngần ấy năm có sự thay đổi gì, và cũng là nhìn lại nơi mà bao nhiêu thế hệ đồng đội đã nằm xuống vùng đất này, nghĩa trang Mã Đà với những bia mộ không tên.
Trong "Không được lãng quên", Quân Yên cũng tìm đến tận nhà người anh hùng Nguyễn Văn Nhạc, thắp nén hương lên bàn thờ người anh hùng liệt sĩ, lật giở từng trang ghi lại thành tích hoạt động kháng chiến của người anh hùng liệt sĩ. Để rồi ông thuật lại cho chúng ta một cách rõ ràng, chi tiết về công lao to lớn của người anh hùng Nguyễn Văn Nhạc nói riêng, cũng như sự hy sinh hậu thuẫn từ phía gia đình. Khi tìm hiểu nghiên cứu về bản hương ước cổ làng Mỹ Lộc, chính ông là người đa bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để thuê dịch bản Hương ước cổ của làng ông còn lưu giữ được. Tìm ra những giá trị tích cực của bản hương ước, cũng như nhận thấy nhiều vấn đề khi ghi chép lại bản hương ước: cần phải ghi lại cho đúng.
Để giúp người đọc có cái nhìn khách quan về những câu chuyện mình đề cập. Quân Yên đã tìm tòi, nghiên cứu trên rất nhiều tài liệu lịch sử cổ trung đại: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt Nam diễn nghĩa, Bách khoa toàn thư, Việt sử lược…Hay tìm đọc những tài liệu nghiên cứu của các nhà sử học.
Đọc Ứng nghiệm thành đạt, chúng ta còn nhận thấy ở tác giả là một người con của Đảng, thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nên có cái nhìn tiên đoán khách quan về thế sự. Đi sâu vào dân chúng, nhận thấy những kẻ như Lý Tân, Bố nuôi, Quỳ Ráy, Pháo Nổ, con nuôi họ Trần, bố nuôi họ Trần (Thành Đạt); Phụng Thạch Nơ, phụng Tôm, Đào Phó, Hoàng Quân, Đậu Bí (Khó thoát); hay vị Quan mượn của làng Lạc Y (Quan mượn) khó thoát khỏi luật nhân quả. Những kẻ tham quyền, tham của, bất chấp tất cả đạo lý không phải vào tù ra tội thì cũng bị tòa án lương tâm giày vò, bị dân chúng xa lánh, trở nên cô độc, gia đình cũng tan nát.
Ứng nghiệm thành đạt gồm 15 truyện, đề cập đến ở mọi khía cạnh lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội. Quân Yên soi chiếu vào lịch sử trong công cuộc khai phá, xây dựng và giữ gìn đất nước để suy ngẫm về cái gọi là “thành đạt”.
Theo dòng lịch sử, có thể nói Quân Yên vô cùng khâm phục khả năng tiên đoán như thần của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sự ra đời của triều đại Lê- Trịnh, nhà Mạc rút lên Cao Bằng được ba đời, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng- người rất được lòng dân với công lao mở cõi nước nhà. Những luận bàn đường đi nước bước, những triết lý của ông vẫn thấm nhuần trong những trang thơ ông để lại. Cự ngạo đới sơn cách nay 500 năm nhưng những nhận định về Biển Đông thì mới như đang thức thời. Và chính sách của Đảng ta nhấn mạnh vai trò của Biển Đông như một minh chứng cho điều đó “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm hưởng thái bình”.
Trên mặt trận chính trị, ở phương diện của người cầm quyền, người lãnh đạo, bài học từ An Dương Vương, Triệu Việt Vương là minh chứng rõ ràng nhất về trách nhiệm của người đứng đầu với vận mệnh quốc gia. Cần phải gạt bỏ tình riêng, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trên tất cả. Mỗi cấp mỗi ngành hãy làm tròn trách nhiệm trên cương vị của mình thì quốc gia không bao giờ đi đến chỗ diệt vong. Còn những kẻ bòn rút, tham lam, tư lợi cho riêng mình thì sớm muộn cũng bị xã hội loại bỏ.
Ngoài chú trọng về mặt kinh tế, chính trị thì văn hóa chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng nên những con người toàn diện để phục vụ đất nước. Tưởng nhớ, tri ân, lập bàn thờ hương khói đầy đủ với những người có công xây dựng, những người xả thân vì nền độc lập tự do dân tộc. Cần trân trọng những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như Nguyễn Chính, Bùi Văn Dung…đại diện cho giới văn nghệ sĩ đã âm thầm cống hiến trên mặt trận văn hóa tư tưởng của nước nhà. Cần thiết phải bảo tồn những di vật, hiện vật, những biểu tượng mang tính lịch sử, những loại hình văn hóa phi vật thể. Tất cả vì một tương lai thế hệ trẻ sau này: có cái để mà soi chiếu, mà làm động lực để phấn đấu.
Ngôn ngữ chủ yếu trong tập truyện ký là ngôn ngữ chính luận; đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng khi muốn thông báo, thuật lại sự việc, sự kiện. Nhưng khi bàn luận một vấn đề thì lại lập luận rất sắc sảo: Trạng Trình giỏi như thế nào, vì sao hai vị vua chết thảm, những kẻ tham quyền tiền bạc rồi sẽ ra sao… Tuy là người làm báo, nhưng ngôn ngữ vẫn có nhiều khúc khá uyển chuyển. Khi cần thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn thì ngôn từ trở nên trang trọng, tôn nghiêm; khi cần một sự kêu gọi hành động thì lời văn vô cùng thống thiết: “nó phải đươc”, “chúng ta cần”, “chúng ta hãy”, “hãy tự răn mình”… Nhưng khi bàn về những lời thơ ngọt ngào, ý nghĩa, đượm chất trữ tình thì ngôn ngữ cũng tự trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng, thể hiện sự rung động, xúc cảm- khi tác giả cảm nhận về bài thơ Gửi nắng cho em của Bùi Văn Dung.
Tóm lại, qua "Ứng nghiệm thành đạt", tác giả Quân Yên đã giúp cho người đọc nhìn nhận lại trách nhiệm của bản thân trong việc tìm hiểu yêu mến lịch sử nước nhà. Là lời kêu gọi chung tay hành động trong việc gìn giữ văn hóa, lãnh thổ non sông đất nước. Và hơn hết, dải đất hình chữ S này có muôn năm hưởng thái bình hay không tất cả là nhờ vào sự rèn giũa và phát huy không ngừng nghỉ về cả tài lẫn đức của mỗi con dân nước Việt.