Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai - Cuộc đời vẫn đẹp sao

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương hai

ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY

Cuộc đời vẫn đẹp sao

Trực và Minh đều rất thích bài hát Cuộc đời vẫn đẹp sao. Bài hát này, giống như kinh nhật tụng của Trực thời kháng chiến chống Mỹ, hồi đang chiến đấu ở chiến trường B. Khi bom cầy đạn xới, khi đói lả, khi run rẩy trong cơn sốt rét, anh lại nghĩ đến tinh thần lạc quan của bài hát này mà tăng nghị lực chiến đấu. Dân tộc Việt Nam chúng ta thật tuyệt vời, trong hoàn cảnh nào cũng lạc quan, tin ở tương lai tốt đẹp. Vậy thì, cuộc đấu tranh ngày hôm nay, lẽ nào ta không có tinh thần lạc quan của những ngày hôm qua vẻ vang đó?

Nhìn vào công cuộc đổi mới chung của đất nước, Trực vững tin vào tương lai sán lạn của dân tộc. Rồi sẽ có những đổi thay lớn hơn nữa, cơ bản hơn nữa đưa dân tộc ta, đất nước ta lên hàng tiên tiến trên thế giới. Nhưng nhìn vào thực trạng Tập đoàn, anh thấy chưa được yên tâm. Những gì tốt đẹp thời bao cấp, Tập đoàn này ít phát huy được. Nhưng, những gì tồi tệ nhất của thời bao cấp, thì nơi này lại giữ gìn và phát huy thái quá. Đó là thói vô trách nhiệm - làm chủ tập thể biến thành tập thể làm chủ, có nghĩa là không ai làm chủ. Là thói trì trệ, bảo thủ, không dám thay đổi, không dám vươn lên; vừa bung ra một tý đã sợ đổ vỡ. Là thói ỷ lại, ỳ thần xác, không năng động, thiếu nhiệt tình trong kinh doanh, trong đó tính ỷ lại Nhà nước, trông chờ vào những chế độ ưu đãi là đáng phê phán nhất. Về đây nhận nhiệm vụ vài năm, anh đã nhiều lần phát biểu ý kiến của mình trong lãnh đạo về căn bệnh trầm kha đó, cảnh báo về những nguy cơ sẽ gặp phải nếu vẫn ngựa theo đường cũ, đồng thời đã nêu lên phương hướng chiến lược để đưa Tập đoàn vươn lên xứng đáng với tầm của một Tập đoàn Nhà nước, nhưng không tạo được chuyển biến là bao. Không ai phản đối anh. Nhưng bộ máy điều hành không vận hành kịp và chuẩn xác theo yêu cầu của người cầm lái. Anh tiếc nhất là đã bỏ qua mất cơ hội thúc gót vào mông những kẻ bảo thủ trì trệ hồi anh mới ra Tập đoàn. Hồi ấy, anh cùng Tổng Giám đốc Ngộ đều thấy rằng kinh doanh như kiểu hiện nay sẽ tụt lùi. Phải thay đổi cung cách. Muốn vậy, phải thay đổi cả về cơ chế quản lý và hình thức tổ chức. Vốn thân quen Phan Huyền Lê, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hoá Nam Phương, cảm phục lối làm ăn mới mẻ và hiệu quả của cô gái này, anh mời Lê hợp tác. Lê đã cổ phần hoá Công ty của mình từ mấy năm rồi. Trực hỏi Lê sau cổ phần hoá hoạt động thế nào, Lê hồ hởi nói về những tiến bộ của nó. Hỏi kinh nghiệm cổ phần hoá ra sao, Lê bảo Nhà nước càng chiếm giữ ít vốn càng tốt. Nếu cổ phần hoá một trăm phần trăm thì tốt nhất. Mặc dù chỉ là một Công ty thuộc Quận nhưng tầm hoạt động của Nam Phương lại mang tính quốc gia. Đóng đô ở thành phố Hồ Chí Minh, Nam Phương đã toả rộng hoạt động ra toàn quốc, có cửa hàng kinh doanh ở hàng chục tỉnh, thành phố lớn. Nay, có cơ hội cắm cơ sở ở Thủ đô, Lê mừng lắm. Hai bên đề ra phương thức hợp tác như sau: Dành hẳn tầng hai của khu nhà sáu tầng của Tập đoàn cho tổ chức liên doanh hoạt động. Tổ chức này là một Trung tâm, hạch toán độc lập, nhân viên được tuyển chọn từ số nhân viên hiện nay của Tập đoàn, nhưng sau ba tháng hoạt động, nếu ai yếu kém sẽ bị sa thải hoặc thuyên chuyển. Trực mong từng ngày từng đêm thực hiện ý tưởng liên kết ấy. Anh hiểu rằng, mô hình hoạt động mới đi vào vận hành sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Tập đoàn, lợi ích về kinh tế đã đành, nhưng quan trọng hơn là lợi ích về tinh thần, tư tưởng, tạo sức bật mới cho toàn Tập đoàn. Với lối quản lý thoáng mà chặt, gắn quyền lợi người lao động vào hiệu quả kinh doanh, anh tin chắc mô hình mới này sẽ đạt doanh số, doanh thu và lợi nhuận cao hơn; người lao động cũng sẽ có thu nhập cao hơn. Từ hình mẫu mới ấy, cơ quan có thực tế để các đơn vị còn lại so sánh và phải tìm biện pháp tự đổi mới. Anh đem vấn đề này ra bàn trong Ban Lãnh đạo và được tán thành một trăm phần trăm. Thế nhưng, Ban Giám đốc không triển khai được Nghị quyết này. Anh chị em lao động níu lấy Tổng Giám đốc, đề nghị chưa thực hiện mô hình mới mà hãy để cho anh chị em tự đổi mới một thời gian, xem sao đã. Thế là cơ hội đổi mới ở đầu não Tập đoàn bị trôi qua như làn nước chảy xiết. Tổng Giám đốc thì sa vào những việc vụn vặt sự vụ, không triển khai được phương hướng chiến lược đưa cơ quan tiến kịp bước tiến chung của xã hội. Trực hiểu rằng, dẫu tài thánh, cũng không thể tạo được tốc độ tên lửa cho một đoàn tầu hoả máy hơi nước cũ rích. Đành phải kiên trì tăng tốc từng chút một. Nhưng cũng cần tạo một thế mới, xoay đổi cục diện. Nhà nước đã chỉ ra cách tạo thế ấy rồi, đó là đổi mới doanh nghiệp, mà ở Tập đoàn anh, vận dụng cụ thể chủ yếu là cổ phần hoá. Qua cổ phần hoá, sẽ thấy rõ thực trạng Công ty, sẽ có biện pháp và tạo được xung lực để làm xoay chuyển tình hình. Người lao động sẽ gắn bó hơn với Công ty cổ phần, vì chính họ là cổ đông, họ có quyền lợi và trách nhiệm cụ thể hơn trong Công ty. Người lãnh đạo cũng sẽ bị quần chúng kiểm soát nghiêm ngặt hơn, phải giỏi giang hơn, có trách nhiệm hơn. Trực chỉ đạo toàn Tập đoàn tập trung cho công tác cổ phần hoá, cho dù đang phải chống đỡ với những luồng dư luận bất lợi do một số tờ báo bịa đặt ra, cho dù đang phải tiếp các cơ quan Chức năng để giải quyết "vụ án" do chính nội bộ dựng nên, cho dù phải thay đổi ngay phương thức kinh doanh một vài mặt hàng mang tính chiến lược, xưa nay từng được Nhà nước bảo hộ, gần như là được độc quyền kinh doanh.

Lý Ngồ Ngộ khoe rằng suốt mấy tối qua, tối nào cũng phải đọc các tài liệu về cổ phần hoá. Phó Tổng Giám đốc Bùi Bình tủm tỉm cười mà bình rằng đọc thì đọc, chứ với cái đầu đất, chắc đâu đã nắm được gì, vận dụng được gì. Minh cũng cắm đầu vào hàng chồng hồ sơ của các doanh nghiệp thành viên và hàng chồng tài liệu hướng dẫn cổ phần hoá. Là Phó Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn, nhưng thực chất chị làm thay toàn bộ công việc của Trưởng ban. Bởi Trưởng ban Lý Ngồ Ngộ cái gì cũng không biết, nhất là những gì gay cấn, phải đương đầu với các luồng dư luận, có nguy cơ làm suy giảm uy tín. Việc này, cả Tập đoàn biết và cả Bộ cũng hay. Một hôm, lên Bộ, vào Ban đổi mới doanh nghiệp chơi, nghe một chuyên viên khen: "Anh Ngộ có chị Minh giúp việc thì yên tâm quá đi rồi. Việc cổ phần hoá, chị ấy làm bay bay, chúng em cũng nể. Bộ còn không tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp trực thuộc Bộ nhanh, chắc bằng Tập đoàn!". Nghe người ta khen cấp dưới, nếu có bản lĩnh và thực lực, người lãnh đạo phải lấy làm mừng. Nhưng vốn thiếu năng lực, hay đố kỵ, Lý Ngồ Ngộ đổi mừng thành giận, thành lo. Thế này thì nguy to. Bà này muốn lấn át mình chăng. Đến lúc nào bà ta sẽ tiếm quyền mình, sẽ lật đổ mình. Ngộ nhớ lại hồi mới ra làm Tổng Giám đốc mà uất Minh đến tức ngực. Hồi ấy, muốn đánh tháo khoản hàng hoá tồn kho của Công ty Miền Nam thời mình làm Giám đốc, Ngộ lệnh cho cấp dưới chở ra Tổng Công ty cả xe tải lớn hàng hoá trị giá trên một tỷ đồng, chủ yếu là sách về mỹ thuật của Trung Quốc, ra nhập kho Tổng Công ty. Nghe anh chị em nhân viên kho xì xầm, Minh tìm hiểu và phát hiện ra mánh lới của Ngộ. Chị báo cáo cơ quan, cho nên Ngộ đành hậm hực cho chuyển gần hết số hàng ấy trở lại miền Nam. Đúng rồi, con mụ này muốn tiếm quyền, lật đổ thật rồi! Càng ngẫm càng thấy lo và căm. Mặt Ngộ vốn nhiều thịt, càng dầy ra, bì bì, xì xị. Riêng Minh, chẳng để ý đến lời khen hay tiếng chê, cứ ào ào lao vào việc. Việc ra cơ quan Chức năng Khu khai báo, cũng ra, ra bất cứ lúc nào họ cần, kệ cho họ quần thảo cả ngày đến tối mịt. Rồi lại về lao vào đống hồ sơ cổ phần hoá. Rồi lại lao đi địa phương kiểm tra tình hình thực tế.

Một hôm, Minh nói với Trực:

- Anh ơi, anh xem thế nào phải cứu thằng Quảng Ngãi với. Nó nguy đến nơi rồi!

Minh xồn xồn lo cho Quảng Ngãi, bởi vì Công ty Tri thức của tỉnh này đang có nguy cơ bị nhập vào Công ty khác. Như thế, mặt hàng đặc thù của ngành Văn hiến cũng có nguy cơ bị xoá khỏi danh sách kinh doanh. Công ty Tri thức Quảng Ngãi xin trở thành thành viên của Tập đoàn Tri thức nhưng chưa được, thì tỉnh đã có quyết định sáp nhập vào Công ty Kinh tế. Trực bảo Minh bố trí đoàn đi công tác vào Quảng Nam, Quảng Ngãi luôn thể, để anh kiểm tra tình hình thực tế hai nơi này. Theo Tổng Giám đốc Lý Ngồ Ngộ báo cáo, thì Công ty Quảng Nam ngon lành, có thể kết nạp ngay, còn Công ty Quảng Ngãi thì xập xệ, không thể kết nạp được.

Trời mùa hè, miền Trung nắng như đổ lửa. Giám đốc Quảng Nam tiếp đoàn tại trụ sở. Đây là ngôi nhà hai tầng dùng làm trụ sở kiêm cửa hàng, nằm ngay mặt phố lớn, nhưng trông tồi tàn, nhếch nhác đến thảm thương. Chiếc quạt trần lở sơn lóc chóc như bị cóc gặm chạy long lên sòng sọc, càng xua hơi nóng từ trần nhà xuống, cứ hầm hập, hầm hập. Minh cùng cô kế toán vào phòng bên trong làm việc với kế toán của Công ty để xem xét tình hình tài chính. Trong khi đó, Giám đốc Bình đưa Trực dạo sang Trung tâm Văn hoá. Anh là con người mềm mại, vui vẻ và đáng mến. Anh bảo Trực: "Anh em ta cứ vào coi đội văn nghệ của Trung tâm tập dợt, lát nữa đi ăn cơm rồi nghe anh chị em báo cáo luôn thể". Vào Trung tâm, Bình ôm ghita, hát tặng luôn Chủ tịch Trực hai ca khúc về đất Quảng. Mặt anh tươi như hoa, mồ hôi rơi lã chã, hát quên cả trời đang dội lửa xuống. Quay về Công ty, Trực được Minh kéo ra một chỗ thầm thì: "Anh ơi, hỏng rồi. Công ty này có mà chôn, mất hết vốn rồi, lại nợ hơn một tỷ đồng. Có mà chôn!".

Ở Quảng Ngãi, tiếp đoàn công tác của Tập đoàn là bộ máy lãnh đạo Công ty gồm cả Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng. Giám đốc Ban người tầm thước, tác phong chậm chạp, ăn nói lề rề, báo cáo toàn bộ tình hình hoạt động của Công ty, nghe không rõ ràng gì hết. Trực yêu cầu Kế toán trưởng báo cáo bổ sung.  Kế toán trưởng Yến là một thiếu phụ da trắng, mặt thanh tú, mũi dọc dừa, giọng nói ngọt ngào. Chị đưa ra những bảng biểu, con số để chứng minh cho những nhận định của Giám đốc. Chị bổ sung tình hình - thực chất là tóm tắt lại toàn bộ hoạt động của Công ty - bằng giọng nói êm ái, ý tứ sáng sủa, rành rẽ. Nhìn cơ ngơi khang trang, xem cung cách làm việc của bộ sậu này, Trực thấy có cảm tình. Hỏi rõ hơn, anh biết rằng tuy Công ty làm ăn luôn luôn có lãi, nộp các khoản ngân sách đầy đủ, nhưng nhìn vào con số tuyệt đối thì quá bé nhỏ, không bõ bèn gì so với các Công ty kinh tế trong tỉnh, cho nên tỉnh muốn dẹp. Chiều tối hôm ấy, sau khi đã đối chiếu sổ sách, kiểm tra kho tàng, cửa hàng, Minh báo cáo với Trực: "Ổn lắm anh ạ. Ta phải cứu bằng được thằng này". Trực cũng rất muốn kết nạp Quảng Ngãi làm thành viên, vì anh biết rằng, có thêm thành viên là có thêm thị trường, có thêm ảnh hưởng tại địa phương. Giám đốc Ban chỉ đạo quân nấu nướng, đãi khách ngay tại trụ sở Công ty. Có món đặc sản là cá bống sông Trà, anh chị em làm mấy món ăn khá ngon, nào là chiên ròn, nào là kho tẩm mật ong, nào là canh chua... Giám đốc Ban không biết uống nước có chất men, cho nên bàn tiệc chỉ có nước dừa. Thật là hợp ý Chủ tịch Trực. Nhưng cung cách này, không thể hợp với phong cách của Lý Ngồ Ngộ, một Tổng Giám đốc ăn nhậu thành thần. Vui câu chuyện, Ban Kể:

- Em cũng chịu khó ra Hà Nội lo cho Công ty lắm. Em đến nhà anh Phong, Phó Ban Đổi mới doanh nghiệp của Nhà nước, ngồi nói chuyện với anh ấy gần ba giờ đồng hồ, tới gần nửa đêm lận.

Trực thân tình:

- Thế thì cậu làm phiền người ta rồi, có khi lại hỏng việc đấy. Từ nay nhớ nhé, ra Hà Nội, đến nhà nào thăm hỏi (trừ người nhà hoặc bạn thật thân), chỉ được phép ngồi chuyện trò vài ba chục phút là cùng, rồi rút. Có chuyện gì cần nói, phải nói thẳng ra, đừng con cà con kê. Người Hà Nội quý thời gian lắm, không thích tiếp khách lâu. Cậu ở lỳ nhà người ta như thế, người ta kiên trì tiếp cậu, là nể cậu từ miền Nam ra đấy.

Ban nắm tay Trực:

- Vậy hả? Em cứ tưởng ngồi lâu là quý người ta. Thôi, em xin cảm ơn anh. Em xin rút kinh nghiệm.

Về nhà nghỉ, Minh cứ cười rũ ra về tay Giám đốc quá ư thật thà này. Nhưng Minh lại khen:

- Tay này chân thật, quản lý minh bạch. Chỉ tội hơi khù khờ trong giao tiếp và không biết ăn nhậu. Nhưng nhờ cô Kế toán trưởng quá giỏi cho nên Giám đốc có thêm sức mạnh quản lý.

Trực dặn Ban cứ tiến hành làm hồ sơ theo hướng cổ phần hoá, để khi trở thành thành viên Tập đoàn là tiến hành cổ phần hoá được ngay, tiết kiệm thời gian, tranh thủ lấy cái 41 cho anh chị em. Hôm sau, đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Uỷ ban Tỉnh, đạt được thoả thuận, rồi phóng ra Đà Nẵng ngay để về Hà Nội gấp. Công việc vô cùng khẩn trương, thúc giục mọi người mau mau chóng chóng về giải quyết.

Ôm mấy chồng hồ sơ ra Hà Nội, chạy nháo chạy nhào cả ngày cả tối đến Bộ, đến Chính phủ, Minh cứu được Quảng Ngãi thật. Một cú lội ngược dòng thực sự. Chẳng bao lâu sau, một lễ kết nạp trang trọng được tổ chức tại Quảng Ngãi để từ đó Công ty Tri thức Quảng Ngãi chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn Tri thức.

 Trực vẫn khuyên Minh là làm việc phải khoa học, phải biết nhận việc và biết loại bỏ việc chứ không phải việc gì cũng ôm vào thân. Trước tình hình báo Việc Làm đăng liên tục đến hơn chục bài bôi nhọ Minh, Trực tìm cách hạn chế cho Minh xuất đầu lộ diện ở những loại công việc phức tạp. Tình hình cổ phần hoá tiến triển tốt như vậy, nhưng không phải là không có những khúc mắc. Không hiểu từ nguồn thông tin nào, phóng viên báo Việc Làm sục đến để tìm hiểu việc Công ty Đại Hoạ thay đổi chủ trương về tỷ lệ cổ phần, từ việc Nhà nước nắm giữ hai mươi phần trăm lên năm mốt phần trăm. Việc không có gì phức tạp, nhưng Trực không muốn Minh lại phơi mặt ra với báo chí. Anh chỉ thị cho Minh tuyệt đối không phát ngôn gì về vấn đề Công ty Đại Hoạ. Việc ấy, anh giao cho Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp Lý Ngồ Ngộ. Anh này ấp úng hứa với Trực sẽ tiếp và trả lời báo chí. Nhưng đến khi phóng viên báo Việc Làm đến, thì không tìm đâu ra Lý Ngồ Ngộ. Vớ được Minh ở bên thang máy, cậu phóng viên đòi phỏng vấn tại chỗ. Minh vội gọi điện thoại hỏi anh Trực: "Em tiếp họ nhé, không phải là tay Khánh Đô đâu". Trực nghiêm giọng: "Em nói ngay với họ em không có quyền phát ngôn, đợi Tổng Giám đốc về rồi hãy hay. Em cáo lui ngay vì phải lên Bộ họp gấp!". Hai phóng viên phải ra về. Rồi họ cũng không tìm Ngộ nữa, mọi việc đã qua vì tiến độ cổ phần hoá Công ty Đại Hoạ nhanh quá, lại êm ái. Sang cái việc Công ty Hoa Thanh thì phức tạp hơn. Họp lãnh đạo, Trực yêu cầu Lý Ngồ Ngộ đặc trách vấn đề cổ phần hoá Hoa Thanh. Lần này thì Ngộ nhanh nhảu nhận lời. Thái độ ấy của Ngộ, có nguyên nhân sâu xa của nó. Ấy là việc Giám đốc Tiến trót vô lễ với Phó Tổng Ngộ như ta đã biết ở trên. Sự việc trôi qua đến dăm bảy năm rồi mà Tổng Ngộ còn nhớ, nhớ như in, và hay kể lại với mọi người bằng cái giọng hằn học. Đến khi xảy ra kiện cáo ở Hoa Thanh, Ngộ rất muốn nhân đà này trừng phạt Giám đốc Tiến. Hồi ấy, Ban Lãnh đạo Tập đoàn, sau khi cử hai đoàn về kiểm tra, đã đưa ra chủ trương: để đảm bảo cho Công ty yên ổn, chỉ khiển trách Tiến, còn cho nghỉ chờ chế độ đối với Phó Giám đốc và Trưởng cửa hàng - hai người này vừa có biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ, vừa vi phạm những quy định của Nhà nước. Phó Giám đốc thì biển thủ công quỹ, tuy số tiền không lớn, còn Trưởng cửa hàng lại sử dụng bằng cấp bất hợp pháp. Ngộ gặp riêng Trực nhiều lần, đề xuất biện pháp hốt cả ổ, cho toàn bộ Ban Giám đốc rớt chức. Trực không tán thành, bởi vì làm như vậy tình hình sẽ rối thêm. Tiến có khuyết điểm, nhưng không tới mức phải kỷ luật nặng, càng không đến mức bị buộc rời ghế Giám đốc. Ban Lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo: lấy phiếu tín nhiệm Ban Giám đốc Hoa Thanh, ai được trên sáu mươi phần trăm phiếu tín nhiệm thì tiếp tục giữ vị trí, ai dưới mức đó, thì rời chức. Kết quả, Tiến được trên tám mươi phần trăm, Phó Giám đốc Tấn chỉ được trên hai mươi phần trăm số phiếu tín nhiệm. Bước một, tạm chấp nhận kết quả này, để Tiến tiếp tục làm Giám đốc, Tấn xin nghỉ chế độ 41. Nhưng, Trực biết rằng đó mới chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp cơ bản hơn, sẽ là cổ phần hoá. Lúc ấy, quần chúng sẽ định đoạt số phận của Tiến. Lúc ấy, Tập đoàn sẽ chọn phương thức dân chủ nhất để quần chúng tự lựa chọn người lãnh đạo của mình. Ý kiến chỉ đạo ấy đã được thực hiện một phần, bây giờ là lúc thực hiện nốt phần cuối. Trong lúc công việc đang tiến triển thì Trực nhận được thư phản ánh của quần chúng Công ty Hoa Thanh về việc Giám đốc Tiến thực hiện sai hướng dẫn về bán cổ phần. Anh yêu cầu Ngộ đi kiểm tra. Ngộ vâng dạ nhưng không đi, mà yêu cầu Tiến gửi báo cáo lên. Ngộ quăng hồ sơ cho Minh, yêu cầu Minh phân tích, cho ý kiến. Minh giật mình vì Tiến làm sai thật rồi, những ý kiến thắc mắc của quần chúng là có cơ sở. Ngộ lại yêu cầu Minh thảo sẵn văn bản trả lời đơn thư cho Ngộ ký, xác định mức độ sai phạm của việc bán cổ phiếu. Ban Lãnh đạo Tập đoàn ra Nghị quyết: sai thì phải sửa, yêu cầu Ngộ vào họp toàn bộ cổ đông để phổ biến tinh thần chỉ đạo của Tập đoàn và nghe ý kiến của quần chúng. Mọi người tưởng rằng, lần này Ngộ sẽ ra roi, Tiến sẽ không còn đường thoát. Thế nhưng, cuộc đời không đơn giản như vậy. Tiến đã kịp sửa chữa lỗi lầm từ tháng ba vừa qua, khi Tập đoàn tổ chức Hội nghị tổng kết và Hội nghị khách hàng tại thành phố Hồ Chí Minh. Tiến đã đến thăm nhà Tổng Giám đốc, đem theo chút quà thể hiện tình cảm của Giám đốc đơn vị thành viên với cấp trên. Ngộ hoan hỷ ra mặt. Nhất là khi Tiến cúi rạp mình, hai tay dâng phong bì lên vị Tổng oai như cóc tía, ngay trước mặt bà Tổng phu nhân. Thế này thì Tổng Giám đốc tha cho Giám đốc, nhớ đấy, phải luôn luôn biết tôn trọng cấp trên. Lần này, Tổng Giám đốc Lý Ngồ Ngộ đi xuống Hoa Thanh thật, nhưng không phải để yêu cầu Công ty tổ chức bán lại cổ phần, mà là yêu cầu cứ thực hiện đại hội đồng cổ đông. Thế là, lại dấy lên đợt kiện cáo mà đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Trong chuyến đi ấy, Trực dặn Minh không được tham gia. Nhưng anh không điều hành trực tiếp các Phó Tổng, cho nên đó chỉ là ý kiến khuyên bảo. Người có quyền điều hành Phó Tổng là Tổng Giám đốc, lại yêu cầu Minh cùng đi. Ngộ rất sợ phải đối mặt với quần chúng, cần có người tháp tùng để lấy họ làm lá chắn. Nhớ lời anh Trực dặn không được tham gia vào bất kỳ việc gì có liên quan đến vấn đề Hoa Thanh, Minh một mực từ chối. Nhưng Ngộ đã ra lệnh cho Minh phải đi cùng mình vào Hoa Thanh. Khi họp, Minh cũng ngồi im, chỉ quan sát. Nhưng đến khi Ngộ lên giải thích sai quy định của Nhà nước thì chị lại bị máu nhiệt tình nổi lên. Chị lên diễn đàn, không bác bỏ những ý kiến của Ngộ, nhưng đưa ra những văn bản, giải thích chúng, nêu bật những điều quy định bị vi phạm. Ngộ bặm môi ngồi nhìn lên diễn đàn. Chỉ một tuần sau, Chủ tịch Trực nhận được một lá đơn nặc danh từ Hoa Thanh gửi ra, tố cáo chị Minh đã phát ngôn bừa bãi, chống lại Tổng Giám đốc. Việc Minh đi Hoa Thanh, Trực không biết. Nay, nhận đơn này, Trực lấy làm ngạc nhiên. Anh gọi Minh xuống hỏi sự tình. Rồi anh nghiêm giọng:

- Anh lường trước các việc đều đúng, em phải nghe anh. Phải tránh bớt các va chạm không cần thiết lúc này. Nếu em không có mặt ở Hoa Thanh, thì làm gì mà nên chuyện phiền hà đến em như thế này!

Trầm tư một lúc, Trực căn dặn tiếp:

- Mà em cũng cần thận trọng hơn trong việc ký tá các văn bản, nhất là những văn bản liên quan đến tài chính. Đừng mất cảnh giác, bốc đồng ký bừa, có khi bị gài bẫy, khốn đốn có ngày. Thời buổi bây giờ... khó lắm em ạ!

’Minh ngây người ra một lúc, rồi tâm sự:

- Em rất nhớ lời anh, nhưng khi vào việc, lại bị cuốn hút, không cưỡng lại được. Mà tay Lý Ngồ Ngộ này khôn lắm, toàn đùn đẩy cho em những việc phiền toái. Có nhiều việc Tổng Giám đốc đã quyết rồi nhưng lại bắt em ký giấy chỉ đạo cấp dưới thực hiện, chứ anh ta không ký anh ạ!

Minh mở cửa định bước ra, nghĩ thế nào lại đóng cửa, quay lại, ngồi vào ghế. Chị bảo :

  • Em muốn báo cáo thêm với anh một việc.
  • Em cứ nói đi! – Trực ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Minh.

Minh nói chậm rãi :

- Gần đây, anh Ngộ lấy lý do là cần quản lý tập trung, đã huỷ bỏ biện pháp khoán mà chúng ta đang thực hiện khá tốt. Bao nhiêu quyền kinh doanh, anh Ngộ tập trung hết về phòng Kinh doanh, các bộ phận khác không được phép khai thác hàng hoá nữa. Thế là ngựa đã quay về đường cũ.

Trực trầm hẳn xuống. Anh hỏi Minh :

- Anh cũng nghe nói chị Bông không chịu hợp tác chặt chẽ với chị Thương, tức là phòng Kinh doanh không phối hợp với phòng Sản xuất để nắm bắt thị trường, tiêu thụ hàng hoá do chính Tập đoàn sản xuất ra, trái với tinh thần chỉ đạo của Ban Lãnh đạo Tập đoàn. Việc này thế nào ?

- Đúng đấy anh ạ. Em có nhắc anh Ngộ là phải thực hiện Nghị quyết của Ban Lãnh đạo Tập đoàn cho phép phòng Sản xuất được tự tiêu thụ một nửa sản phẩm do mình làm ra, nhưng anh Ngộ nói rằng cứ từ từ. Nay, với quy định mới do anh ta tự đặt ra, chắc là sự phối hợp sẽ không thể trở thành hiện thực được.

- Thôi, em cứ về làm việc đi. Anh sẽ trao đổi trực tiếp với Ngộ việc này.

Qua cổ phần hoá, Tập đoàn lại nổi lên một đơn vị yếu kém, có nguy cơ bị phá sản hoặc giải thể. Đó chính là Công ty Miền Nam mà trước kia, Lý Ngồ Ngộ làm Giám đốc. Thực ra, trước kia đã có những đơn thư tố cáo Ngộ việc này việc nọ, trong đó chỉ ra rằng Công ty làm láo báo cáo hay, luôn luôn treo các khoản chi để hạch toán lãi, lấy thành tích. Có người còn gửi kèm theo đơn một tập bản cóppy những hoá đơn thanh toán tiền nhậu nhẹt của Giám đốc, có ngày tại một nhà hàng mà ăn nhậu tới tám lần. Tuy vậy, toàn là đơn thư nặc danh, chẳng ai xem xét cả. Trong khi đó, Lý Ngồ Ngộ biết biến báo số liệu, làm đẹp báo cáo, cho nên Công ty luôn luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lý Ngồ Ngộ luôn luôn là Chiến sĩ thi đua! Bệnh báo cáo láo, dối trá hình như không còn bị coi là bệnh nữa, mà người ta chung sống hoà bình với nó. Đã hình thành trong hệ thống Nhà nước ta, từ các cơ quan hành chính tới các doanh nghiệp, thứ văn hoá lạ lùng, đó là văn hoá nói dối. Trên dối dưới và dưới dối trên. Dân dối quan và quan dối dân. Chúng ta cùng dối nhau. Ở Công ty Miền Nam này, thì nói dối đã khiến cho hình ảnh của Công ty và Giám đốc sáng trưng như ngôi sao giữa bầu trời doanh nghiệp. Tới khi Ngộ bàn giao chức Giám đốc cho Đoàn Trương, đã thấy có những khoản hàng tồn đọng, nợ khó đòi, nợ mất khả năng thanh toán đáng lo. Nhưng cậy là cấp trên, Lý Ngồ Ngộ lấn át Đoàn Trương, yêu cầu Trương khẩn trương tiếp nhận, không nên cặn kẽ quá. Trương đành nhắm mắt ký nhận bàn giao trên sổ sách, chứ chẳng dám kiểm kê hàng hoá trên thực tế. Nay, cổ phần hoá, không thể lơ mơ, đại khái được. Trực bay vào thành phố Hồ Chí Minh, phổ biến chủ trương cổ phần hoá, ý kiến chỉ đạo của Ban Lãnh đạo đối với Công ty. Anh nhấn mạnh rằng phải tiến hành các bước thủ tục vừa khẩn trương vừa thận trọng, chính xác. Phải trung thực trong kiểm kê hàng hoá, tiền nong để dựng nên bức tranh chân thực về tình hình tài chính của Công ty. Các khoản hàng tồn đọng, khó tiêu thụ phải được phân loại rõ ràng theo từng thời gian, qua đó mà quy trách nhiệm cho cá nhân. Các khoản nợ cần thu phải có xác nhận của người đang nợ. Các khoản nợ cần trả phải có chứng từ. Cứ làm chính xác số liệu, rồi căn cứ vào thực trạng sẽ tiến hành sắp xếp lại doanh nghiệp theo thực tế. Minh bay ra bay vào vài chuyến, về hốt hoảng báo với Trực: "Anh ơi, thế này thì Công ty Miền Nam tan đến nơi rồi. Vốn không những không còn, mà lại âm mới chết chứ. Nợ phải thu và nợ phải trả cân đối lại, ta còn âm tới hai tỷ đồng, đó là chưa kể khoản nợ treo tiền nhà trên 6 tỷ đồng! Mà cái khoản nợ trên 8 tỷ đồng phải đòi, biết đâu đấy chẳng là những con số ma, vì có đối chiếu, xác nhận được công nợ đâu! ". Minh nói bằng cái giọng đau đớn, lo lắng như nói về việc nhà mình sắp bị nước cuốn đến nơi. Trực bảo: "Tình hình thế nào, ta làm hồ sơ trung thực như thế. Cấm biến báo để giấu khuyết điểm!". Hay tin này, tức giận và hốt hoảng thực sự. Phải dẹp ngay ngọn lửa đang bùng lên có nguy cơ thiêu cháy sự nghiệp của ta. Phải biến báo con số cho ổn để tiến hành cổ phần hoá được. Rồi đây, cổ đông sẽ gánh hậu quả, đâu phải là ta gánh. Một mặt, Ngộ gặp Minh răn đe: "Tôi nghe anh em trong thành phố nói rằng chị muốn đánh tôi cho nên chỉ đạo bới móc Công ty Miền Nam. Tôi biết thực trạng trong đó, làm gì đến nỗi như chị nói!". Minh uất quá, nhưng nhớ lời anh Trực dặn không được manh động gây mất đoàn kết, chị lại nín nhịn. Trong khi đó, Lý Ngồ Ngộ mở một chiến dịch rải phong bì vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo cỡ lớn và cỡ vừa, mà trọng tâm là những cán bộ có liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, nhân sự, tiền tệ. Biết sếp Tổ chức và sếp Thanh tra vừa bắt đầu chuyến công tác vào miền Nam, Ngộ liền lấy vé máy bay, bay theo gấp. Cái võ mua chuộc, Ngộ thuộc hạng siêu đẳng. Trên đường ra sân bay, ngồi trên xe, cái mặt đầy những thịt của Ngộ xệ ra, thỉnh thoảng lại giần giật khiến đôi lông mày rậm mà ngắn củn của anh ta cũng giật theo. Ấy là lúc Ngộ tập trung suy nghĩ cao độ. Anh ta vạch ra một kế hoạch đơn giản và chắc thắng để chinh phục hai vị quan này. Vốn là đệ tử của môn phái tôn thờ nhục dục, Ngộ thường đưa vào kế hoạch của mình những từ tiền, gái, nhậu. Ngộ tin rằng, lần này cũng thế, cứ xoay quanh ba cái từ ấy mà hành xử, chắc chắn sẽ chinh phục được hai sếp một cách dễ dàng. Sếp Tổ chức là một con người không còn trẻ trung nữa nhưng rất sung sức, phong độ và nghe nói cũng rất ham hố, một con người mềm như bún và luồn như nước, chui cửa nào cũng lọt. Còn quan Thanh tra là một kẻ đầy chất lính tẩy, phàm ăn, ăn lộ liễu. Ngộ cũng biết rằng hai sếp này vừa lên quan, đã đầu tư vào cái ghế ấy khá nhiều, bây giờ phải nhanh nhanh thu hồi vốn. Kiểu gì cũng chiều được hết, miễn là đỡ ta đến cùng. Ngộ tự hạ quyết tâm...

Sau chuyến đi miền Nam đột xuất ấy, về Tổng Công ty, Lý Ngồ Ngộ gặp Trực xung phong vào chỉ đạo xắp xếp lại Công ty Miền Nam. Trực đồng ý. Minh toang toáng lên: "Tại sao anh lại để cho anh ấy vào chỉ đạo đổi mới chính cái doanh nghiệp mà anh ấy dẫn dắt đi tới sụp đổ. Nhỡ anh ấy biến báo số liệu, biến báo tình hình thì sao?". Trực cười: "Em lại bị cái bệnh quá nhiệt tình rồi đấy. Đừng quá lo lắng như vậy, cũng đừng đa nghi quá. Ta còn có cả một tập thể người lao động đang đòi hỏi đổi mới, còn có Kiểm toán Nhà nước nữa kia mà...". Anh dặn Minh liên hệ chặt chẽ với đội Kiểm toán đang làm việc tại Công ty Miền Nam, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Tập đoàn là phải làm việc khách quan, trung thực, tình hình thế nào, hồ sơ thế ấy.

Ngộ lại bay nhào vào miền Nam theo đoàn Kiểm toán.

Tình hình mất mát hàng hoá tại chính Tập đoàn khiến Trực vô cùng lo lắng. Nghe Minh báo cáo bên kho Hai Bà mất tới trên hai trăm triệu tiền hàng, Trực hỏi lý do, Ngộ bảo là do anh em thiếu tinh thần trách nhiệm và có thể là trong nội bộ có người lấy cắp. Trực dành một buổi sáng để đi thăm các kho, trong đó làm việc với Trưởng kho tại Kho Hai Bà. Nhìn những căn nhà cấp bốn lụp xụp, mốc meo mà Trực thấy đau lòng. Đây là mảnh đất kim cương, nằm chính giữa trung tâm Thủ đô mà để sập sệ thế này, làm sao chịu cho nổi. Tập đoàn không có vốn đầu tư, đã kêu gọi một số đối tác. Khốn nỗi, với con mắt nhỏ hẹp và thói quen làm ăn bao cấp, không biết mình biết người, Tổng Giám đốc cứ nêu lên những đòi hỏi quá mức, khiến cho đối tác nào cũng lắc đầu. Giá đất đòi tính theo giá mua bán trên thị trường tự do. Lại đòi hỏi đối tác phải giải phóng toàn bộ vài chục hộ dân đang cư trú trong đó. Rồi lại đòi hỏi chỗ di chuyển cho các cửa hàng, xưởng máy… Nếu thế này, đối tác thà đi mua đứt quyền sử dụng đất ở nơi nào đó, liên doanh liên kết làm gì cho phiền hà. Có mấy cán bộ thạo tin nói rằng đó chỉ là chiêu hoãn binh của Lý Ngồ Ngộ. Đây là mảnh đất kim cương, ai muốn vào, phải có cái gì chứ. Vậy mà Chủ tịch Trực, trong khi làm việc với đối tác, chả thèm đoái hoài gì đến quyền lợi riêng của Lãnh đạo bên A. Không những thế, ông ta còn oang oang lên rằng chúng tôi chỉ cần công trình xứng đáng, không cần quyền lợi riêng tư. Thế thì hẻo quá. Ngộ muốn hoãn binh, chờ thời cơ đánh lẻ kiếm vé vào cửa mà đối tác sẽ phải trao riêng cho mình. Cái vé ấy phải trị giá tiền tỷ. Thời cơ chưa đến, cho nên Ngộ cứ nêu vống lên những yêu cầu mà đối tác không thể đáp ứng được để gạt họ ra. Bởi vậy, bây giờ vẫn tênh hênh ra đó những căn nhà cấp bốn mái tôn hoen rỉ, dột nát. Năm ngoái, qua một cơn mưa lớn của cơn bão số sáu, nước mưa dột xuống hỏng bao nhiêu là hàng hoá, trị giá vài trăm triệu đồng.

Tiếp Trực là Trưởng Kho Hoè, một cán bộ người gầy gầy, đeo kính cận. Phòng làm việc chật và bí như hũ nút, nóng hầm hập nhưng tường lại mốc từng mảng. Nhìn tình cảnh tang thương này, Trực cũng tự trách mình đã không kiên quyết dẫn dắt để thực hiện nhanh chóng ý đồ liên doanh đầu tư lớn vào mảnh đất này. Nghe anh em trong Bộ đồn rằng Trực là người thẳng thắn, ưa nói thẳng, nhìn thẳng, nghe thẳng và làm thẳng, rồi qua thực tế, thấy nhận định ấy là chính xác, Hoè có một niềm tin tuyệt đối vào người đứng đầu cơ quan mình. Hoè nói một mạch:

- Không nói, anh cũng rõ, Kho đứng vị trí thứ hai sau Bảo vệ kể từ dưới tính lên. Cho nên, Kho không được Ban Giám đốc quan tâm. Phương tiện làm việc ở đây là hai cái bút bi và hai cuốn sổ ghi chép. Hết. Người thì ít, có mười lăm anh em mà phải toả ra quản lý sáu cái kho lớn cách xa nhau hàng chục cây số. Chúng em cũng biết anh sốt ruột về chuyện mất mát hàng hoá, anh chủ trương phải kiêm kê, kiểm tra, quy trách nhiệm rõ ràng. Chủ trương ấy, chúng em thấy là đúng đắn và chúng em chấp hành. Nhưng anh có biết không, cả chục năm trôi qua, đây là lần đầu tiên tiến hành kiểm tra đối chiếu giữa sổ sách và hàng hoá, còn thì toàn là xem xét đại khái. Đã vậy, bây giờ anh Ngộ lại chỉ thị cứ xắn hai năm ra mà tính. Vậy thì dựa trên trên cơ sở nào để tính tài sản trong kho theo cái mốc sổ sách từ năm hai nghìn lẻ ba? Ai đã kiểm kê vào giai đoạn hai nghìn lẻ ba để lấy đó làm mốc. Chính vì vậy, anh chị em ở Kho bảo Tổng Giám đốc xây nhà trên cát. Cũng vì dựa trên số liệu lu lơ như vậy nên mới lòi ra con số mất mát hàng hoá trị giá hơn hai trăm triệu đồng. Nếu lấy cắp được số hàng hoá ấy trong hai năm, thì không thể làm theo kiểu ăn cắp vặt nay một thứ, mai vài món, mà phải chở bằng ô tô, nghe vô lý lắm. Em tin rằng kho có mất, nhưng cũng chỉ quanh quẩn chục triệu đồng. Thế thôi. Còn con số trên hai trăm triệu đồng là con số ảo. Số hàng thực có thể mất ở khâu khác, cũng có thể nằm ở đâu đó mà ta chưa biết.

Trực hỏi Hoè:

- Cơ quan mình đã sử dụng mạng máy tính, sao cậu lại bảo phương tiện chỉ có hai cái bút bi cùng hai cuốn sổ?

Hoè đưa Trực sang nơi giao nhận hàng, đúng là trên bàn chỉ có hai cái bút bi và hai cuốn sổ. Vậy mà phải theo dõi lượng hàng hoá ra vào hai chiều tới hơn hai trăm tỷ đồng mỗi năm, làm sao cho chính xác được. Hoè than rằng Kho đã năm lần bảy lượt đề nghị Tổng Giám đốc trang bị máy tính nhưng vẫn chưa được.

Nhân dịp sang kho, Trực bảo Hoè:

- Hôm nay mình rảnh rỗi. Mình muốn nghe những lời tâm sự của cậu, như một người bạn.

Trực không xa lạ gì với Hoè bởi cậu ta thường giúp anh trong công tác Đảng uỷ. Con người này giầu tâm huyết nhưng có một vẻ khắc khổ và cuộc đời luôn luôn không gặp may. Tại cái số hay sao ấy. Cậu ta thường bảo vậy. Bạn cùng trang lứa, có người đã lên đến Uỷ viên Trung ương, xoàng xoàng cũng Tổng Giám đốc, Cục Vụ Viện gì đó. Còn Hoè, năm lăm tuổi đời, ba lăm năm công tác, ba chục tuổi đảng, mà cứ lẹt đẹt hết phòng này sang kho nọ ở cái Tập đoàn này. Trực đánh giá Hoè là một cán bộ có năng lực, có tâm huyết và thẳng thắn. Có lẽ chính do hiểu đời lại thẳng tính cho nên đời Hoè mới dẫm chân tại chỗ như vậy. Mới về Tập đoàn này một thời gian, lại không có trách nhiệm quản lý cán bộ cấp dưới, cho nên tuy mến Hoè, muốn nâng đỡ anh, nhưng Trực cũng chưa tìm được cách thức giúp đỡ anh này một cách hiệu quả. Làm thủ kho, chẳng bổng lộc gì, chằn chặn đồng lương, nay muốn mua cho con cái xe Wave Tầu cũng khó. Lại khổ đủ đường. Nhất là vào dịp cuối năm, Tập đoàn xuất loại hàng đặc biệt phục vụ Tết, thì anh chị em làm ở kho càng căng thẳng. Kho dưới Chùa Hàn, nơi chứa hàng lớn nhất, lại không có chỗ đỗ xe. Thấy xe ra vào tấp nập, hàng hoá luân chuyển ầm ầm, tưởng rằng đây là miếng mồi béo bở, biết bao nhiêu cơ quan công quyền chạy vào hỏi thăm, nào là Công an hai phường, Uỷ ban hai phường (nằm giáp hai phường cho nên cái gì cũng bị hai nơi hỏi thăm), Cảnh sát cơ động, Giao thông công chính, thậm chí Tổ trưởng dân phố… hết tốp này đến nhóm nọ vào bẻ hành bẻ tỏi. Không có phong bì mà đưa, rát mặt quá, nhưng cũng cứ phải trần mặt ra mà chịu gió bụi cuộc đời. Hoè tâm sự tiếp:

- Có thể khẳng định với anh rằng việc kiểm kê không chính xác đâu. Muốn chính xác, ít ra là phải kiểm kê năm năm, vì trước đó không ai kiểm kê cả.

Trực hỏi Hoè :

- Mình nghe nói có chuyện làm ăn tư túi ở Tập đoàn, cậu có thông tin gì không ?

Hoè tháo cặp kính cận dày cộp xuống, dùng khăn lau qua, rồi lại đeo lên mắt, trả lời thẳng thắn :

- Chuyện có thật đấy anh ạ. Anh em ở đây cũng xì xầm với nhau về việc chị Bông, Trưởng phòng Kinh doanh, thường liên kết với anh Ngộ và các nhà buôn tư nhân để thực hiện phương thức kinh doanh riêng!

Thấy Trực chăm chú lắng nghe, Hoè nói tiếp :

- Cách thức này đơn giản thôi. Nhóm Ngộ – Bông và mấy Đại gia tự đầu tư làm ra hàng hoá, rồi dùng tiền Tập đoàn mua toàn bộ số hàng hoá đó, đem về nhập kho. Thế là họ có đầu ra hoàn hảo, lúc nào cũng thắng. Còn hàng hoá đó có được thị trường tiêu thụ không, họ không cần quan tâm.

Hoè chỉ tay về căn nhà kho :

- Chốc nữa anh vào mà xem, nhiều mặt hàng nhập vào kho rồi là nằm chết cứng. Vốn đọng có lẽ đến mấy chục tỷ đồng rồi chứ không ít!

 Hoè cười chua chát :

- Nói vậy thôi, chứ chúng em không có bằng chứng, cho nên không thể báo cáo chính thức với Lãnh đạo Tập đoàn được! Nhân thể, em xin tâm sự thật với anh những điều em nghĩ và nhiều người nghĩ như sau: Thời anh Huỳnh, đã đánh thức được người lao động khỏi giấc ngủ bao cấp để biết đến thị trường. Thời chị Nhung, đã xây dựng được toà nhà Tập đoàn. Còn thời anh Ngộ? Anh ơi, anh muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, thời anh Ngộ, là thời phá Công ty Miền Nam và gián tiếp góp phần phá Công ty Nghệ An. Không cẩn thận, thời anh Ngộ sẽ phá luôn cả Tập đoàn rồi phá xuống đến các Công ty thành viên.

Hoè phân tích một loạt tình hình chứng minh cho sự yếu kém trong điều hành của Ngộ cùng những ngón làm ăn riêng lợi của anh ta và nói:

- Em vừa đọc một bài báo nói về mười tật xấu của "sếp" kém năng lực, sao mà đúng với Tổng Giám đốc ở đây thế.

Không đợi Trực tỏ thái độ, Hoè nói một mạch:

- Sếp kém tài kém đức thường có mười tật xấu là: Đố kỵ. Bảo thủ. Không có lập trường. Nịnh và thích được nịnh. Thích oai. Hay hứa nhưng không hay thực hiện. Thích ăn. Mê tín. Tham quyền cố vị. Cơ quan nào mà có vị sếp như thế thì sẽ trì trệ, rối tung rối bét...

Nhìn thẳng vào mắt Trực, Hoè nói như kết luận:

- Con người cá nhân chủ nghĩa đó mà còn điều hành Tập đoàn thì con đường phát triển còn mờ mịt. Không, chẳng mờ mịt đâu, mà là tụt dốc, là tan nát.

Thấy Trực vẫn chăm chú lắng nghe với thái độ trân trọng, Hoè tiếp luôn:

- Em nói thực điều này, anh thông cảm. Anh em trong cơ quan đang nói rằng Lãnh đạo thiếu công bằng. Tại sao anh em nhân viên làm mất hàng, dù chỉ là một đồng một cắc, cũng phải đền, trong khi ấy Tổng Giám đốc làm thâm hụt hàng chục tỷ đồng của Nhà nước lại vẫn nhởn nhơ? Nếu thế, thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực có đi tới thành công được hay không?

Trời đất ơi, Hoè nói điều này hệt như Trí, Dương và Thương, Trưởng phòng sản xuất, đã nói với Trực cách đây hai hôm. Vậy, đây là nhận xét mang tính phổ biến trong quần chúng, cần phải được quan tâm đặc biệt. Trực giật mình vì những thông tin do Hoè cung cấp. Nhất là thông tin về việc loại hàng hoá đặc biệt nhiều khi được chạy thẳng từ nơi sản xuất tới khách buôn mà không qua kho, không vào sổ sách, lợi nhuận chạy thẳng vào túi mấy kẻ có quyền điều hành trực tiếp đợt kinh doanh loại hàng đặc biệt vào dịp cuối năm. Hoặc thông tin về việc Tổng Giám đốc tổ chức làm hàng riêng, rồi đưa vào "gửi" ở doanh nghiệp tư nhân, sau đó lại dùng tiền cơ quan mua bằng hết, không cần biết có tiêu thụ được hay không. Anh chị em tinh thật. Trực cũng có những thông tin tương tự, nhưng chưa biết xử lý ra sao. Những điều mà anh em nói và Trực cảm thấy, đều có thể là chính xác, nhưng đều không có bằng chứng. Nếu không khéo, đưa ra những vấn đề còn non, không đến nơi đến chốn, thì sẽ rối tung nội bộ lên mà không giải quyết được việc gì, lại trở thành hành động gây ra mất đoàn kết. Đó là chưa kể Ngộ có những ô dù che chắn, ngầm có, bán công khai có,  gây biết bao trở ngại cho cuộc đấu tranh nội bộ ở Tập đoàn. Trong cuộc sống phức tạp hôm nay, có những người thường nhầm lẫn hoặc cố tình đánh lận giữa mất đoàn kết với đấu tranh chống tiêu cực; nếu không tiến hành đấu tranh một cách chắc chắn và thận trọng, có khi người tích cực lại bị quy cho là kẻ gây rối nội bộ. Trực hỏi Hoè:

- Vậy, thời gian tới cần làm gì?

- Phải thay đổi mô hình tổ chức của chính Tập đoàn.

Trực hỏi thêm Hoè:

  • Nếu mô hình thay đổi rồi mà bộ máy Giám đốc vẫn như cũ thì sao?
  • Anh cứ tin tưởng ở anh chị em. Ai lại chịu cảnh bình mới rượu cũ cơ chứ. Mọi người đang chờ thời cơ để phát huy tinh thần làm chủ của mình, không ai dại gì bầu cho kẻ phá hoại đó. Không tin, anh cứ đi tham khảo ý kiến các trưởng đơn vị trong Tập đoàn, sẽ thấy ý kiến của em là ý kiến của đại đa số cán bộ cốt cán ở đây.

Trước thái độ chân thành và kiên quyết của Hoè, Trực càng củng cố quyết tâm sẽ tiến hành thay đổi mô hình, phương thức hoạt động của chính Tập đoàn. Nhưng để đi đến điểm mốc ấy, trước hết phải cổ phần hoá xong các đơn vị thành viên. Đây là việc làm cần tập trung, khẩn trương và quyết liệt. Công ty Nghệ An, có thể xem xét điều chỉnh để cho thực hiện cổ phần hoá. Công ty Miền Nam, cần rà soát lại số liệu, tình hình, nếu phải tuyên bố phá sản cũng đành lòng.

Xong việc thì đã trưa, Trực ghé lên phòng riêng của Ngộ. Ngộ vừa đi nhậu ở đâu về, mặt đỏ tưng bừng. Nghe Trực nói qua về chuyện kho tàng, Ngộ làu bàu:

- Vậy hả, em đâu có biết gì.

Lại đâu có biết gì! Tay này ăn nhậu tối ngày, say sưa bí tỉ. Năm ngoái, riêng tiền tiếp khách đã ngốn của Tập đoàn trên ba trăm triệu đồng! Tính ra, bình quân mỗi tháng Tổng Giám đốc chi cho tiếp khách tới hơn ba chục triệu đồng. Để tiện cho việc thanh toán, lấy hoá đơn, Tổng Giám đốc sai in cho mình giấy ghi mã số thuế (loại giấy bé bằng một phần ba tấm danh thiếp) lúc nào cũng để một xấp trong ví, nhậu nhẹt xong chỉ việc rút ra đưa cho nhân viên nhà hàng một tấm, khỏi phải nhớ những con số và ký hiệu lằng nhằng mà hoá đơn đỏ lại ghi rõ được mã số thuế của Tập đoàn. Nghe anh chị em xì xào nhiều quá, Trực cho kiểm tra sổ sách, thấy đúng như vậy. Anh đã yêu cầu giảm chi phí quản lý, cho nên năm nay những khoản đãi đằng thù tạc đã bớt hẳn, nhưng Tổng Giám đốc vẫn chưa thoát khỏi cái thói bê tha. Trực từng nghe anh em bảo vệ kháo nhau rằng nhiều đêm thứ bẩy, Ngộ tự lái xe cơ quan đi ăn nhậu tận đẩu tận đâu mãi tới một, hai giờ sáng mới về, vừa cất xe, bước ra khỏi ga ra đã nôn thốc nôn tháo, hơi rượu phả ra nồng nặc.

Buồn bã, Trực bước ra khỏi phòng Ngộ rồi đi ngang sân, hướng tới chiếc cầu thang lộ thiên của dãy nhà này. Chân bước đi mà lòng Trực nặng trĩu những suy tư. Nghĩ mà đau. Tập đoàn này có cả một hệ thống tổ chức lớn, toả rộng khắp nước, lại có cơ sở vật chất đàng hoàng, thế mà dưới sự điều hành của tay Tổng Giám đốc này, nó không những không phát triển, mà còn lụn bại dần. Hệ thống doanh nghiệp của Nhà nước ta suy yếu cũng bởi những kẻ nắm tiền, nắm quyền điều hành mà ngu dốt và tham lam, hoang đàng như tay Ngộ này đây. Nhưng, may thay, trong đất nước này, không phải chỉ có loại ăn bám, phá hoại, mà còn có nhiều người lao động miệt mài, cần kiệm liêm chính vì sự phát triển của cộng đồng. Trực liên tưởng đến một con người mà anh có quan hệ mật thiết và hết sức quý trọng. Đó là Giáo sư Vũ Hoàng. Được Nhà nước cho nghỉ hưu ở tuổi sáu mươi lăm, Giáo sư tự nhận thấy còn sức, còn trí, muốn tiếp tục cống hiến. Nhưng ông không bám lấy chức vụ kiểu như nhiều vị quan tham quyền cố vị. Cầm sổ hưu đàng hoàng rồi, ông đứng ra thành lập hẳn một Trung tâm hoạt động trên lĩnh vực xã hội. Ông quy tụ rất nhiều trí thức có danh tiếng của đất nước trong tổ chức của mình, cùng họ đem hết trí, lực, tâm ra xây dựng sự nghiệp. Từ số không, Trung tâm tạo được chỗ đứng trong xã hội, rồi cứ lớn dần lên với những hoạt động bảo vệ và phát huy truyền thống của dân tộc. Những công trình nghiên cứu, những cuộc hội thảo, những đề án tham mưu cho Nhà nước phát triển sự nghiệp xã hội, những tác phẩm viết về truyền thống của dân tộc được xuất bản ngày một nhiều, có chất lượng cao, gây được tiếng vang lớn không những trong nước mà còn ra cả thế giới. Với tấm lòng nhân hậu, ông chỉ đạo Trung tâm tổ chức những hoạt động thiết thực chăm lo cho những trí thức cao tuổi, từ việc kỷ niệm ngày sinh, thăm hỏi lúc ốm đau, tới việc biên soạn, xuất bản những công trình nghiên cứu của các vị này thành sách, rồi đề nghị Nhà nước tôn vinh công lao của các vị. Chỉ qua sáu năm hoạt động, Trung tâm Văn hiến của giáo sư Vũ Hoàng đã có số thành viên lên tới gần một trăm người, trong đó có cả những trí thức nổi tiếng người Việt sống ở nước ngoài, có cả cơ quan ngôn luận, có cả đơn vị làm nghiên cứu, làm nghệ thuật, làm kinh tế, đóng góp biết bao công sức vun đắp cho công cuộc đổi mới mà không sử dụng chút ngân quỹ nào của Nhà nước. Lạ kỳ nhất, là với sức hút mãnh liệt của mình, Trung tâm đã quy tụ được cả một số doanh nghiệp tư nhân làm thành viên tự nguyện. Một thành viên tích cực, cũng là nhà bảo trợ tài chính cho Trung tâm Văn hiến là Nhà sách Nghĩa Thành. Ông chủ trẻ của Nhà sách này cũng là một tấm gương sáng của mẫu người công dân. Biết bao tờ báo đã đăng bài ca ngợi sự nỗ lực vươn lên vì chính bản thân và vì cộng đồng của doanh nhân trẻ ấy. Trực nhớ như in bài viết trên tạp chí Văn hiến về ông chủ Tân Thành này, mà nội dung có thể tóm tắt như sau: 15 năm trước, người chủ của Doanh nghiệp sách "khổng lồ" này, nhà tỷ phú sách hôm nay, chỉ là một sinh viên nghèo ra trường không xin nổi việc làm. Vậy mà bây giờ, Doanh nghiệp này đã có 20 nhà sách ở thành phố hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội, Đồng Nai, Tiền Giang và Quảng Ngãi với đầy đủ tiện nghi, có lượng hàng hoá phong phú, cung cách phục vụ tận tuỵ, với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng và gần 2.500 cán bộ nhân viên, phát hành hàng chục triệu bản sách mỗi năm, trở thành một trong những Doanh nghiệp sách có quy mô lớn nhất đất nước. Vốn ham đọc sách, mê sách từ nhỏ, nhưng ít tiền, những năm học đại học, thường la cà tại các hàng sách cũ trên vỉa hè thành phố, Thành thấy bán sách cũ là một nghề ít vốn, lợi nhuận cao, lại được đọc sách không mất tiền, anh quyết định tạm mưu sinh bằng nghề bán sách cũ, nhưng không phải trên vỉa hè mà trên một chiếc xe đẩy lưu động. Ít lâu sau, tích luỹ được ít vốn, Thành "định đô" - thuê một ki ốt sách nhỏ trên đường An Dương Vương, ngay trước cổng trường Đại học Sư phạm. Cử nhân Tân Thành không ngờ cái nghề bán sách bất đắc dĩ, tưởng chỉ để sống qua cơn bĩ cực, lại trở thành cái nghề trọn đời anh theo đuổi và đưa anh đến với những thành công to lớn trong đời. Kiếm tiền bằng chính trí tuệ, mồ hôi của mình, nhưng Tân Thành không chỉ lo cho cuộc sống của bản thân, gia đình, mà còn rộng mở tấm lòng chăm lo cho những người nghèo, đóng góp vào các công trình văn hoá phục vụ cộng đồng. Tân Thành tham gia hoạt động và bảo trợ tài chính cho Trung tâm Văn hiến, một phần do lòng yêu truyền thống văn hoá dân tộc, một phần vì anh yêu mến và cảm phục Giáo sư Vũ Hoàng. Cuộc đời trớ trêu như vậy đấy. Người còn sức, có tâm, có trí, có đức thì về nghỉ hưu. Kẻ bất tài, vô lương tâm lại nghễu nghện ở cương vị lãnh đạo cả một tập đoàn kinh tế lớn. Giáo sư từng nhiều lần phàn nàn rằng, có nhiều cuộc hội thảo về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, có hàng chục nhà khoa học từ bốn phương trời Á, Âu, Phi, Mỹ về tham gia, nhưng chẳng có một vị lãnh đạo nào của ta tới dự. Trong khi đó, chỉ một buổi mừng công của một doanh nghiệp thường thường bậc trung, hay một lễ động thổ của một Công ty cỡ vừa, hoặc một buổi chung kết thi hoa hậu... lại có tới hai, ba vị lãnh đạo tới huấn thị hoặc cầm xẻng xúc đất tượng trưng ra lệnh khởi công, hoặc lên sân khấu trao giải cao nhất. Giáo sư nhiều lần thốt lên giữa các cuộc hội thảo rằng lối hành xử ấy nếu không được điều chỉnh, thì cái nguyên lý văn hoá là động lực, là mục tiêu của sự phát triển cũng chỉ là câu khẩu hiệu suông mà thôi! Trực rất tâm đắc với những điều mà giáo sư Vũ Hoàng day dứt. Chính anh đã từng chứng kiến không ít vị lãnh đạo khi nhận được giấy mời tới dự một buổi trình diễn nghệ thuật dân tộc hoặc hội thảo về văn hoá dân gian thì cáo bận không tới, nhưng lại có khối thời gian dành cho các cuộc đánh gôn, đánh ten nít, hoặc ngồi trong các cuộc nhậu thâu đêm với mấy đại gia. Thời bao cấp, quan hệ giữa người lãnh đạo cấp cao và người dân vừa có sự gián cách, vừa có sự gần gũi. Gián cách ở chỗ, từng cá nhân khó mà tiếp cận với lãnh đạo, càng khó làm thân, chèo kéo vào các quan hệ riêng tư. Gần gũi ở chỗ, các vị lãnh đạo thường đi công tác xuống cơ sở, lắng nghe ý kiến dân theo hệ thống chính thống. Chính vì vậy, thông tin ít hơn bây giờ, nhưng cũng ít bị nhiễu loạn. Còn bây giờ, sự gián cách giảm đi rất nhiều. Có những doanh nhân này, cán bộ kia muốn lợi dụng lãnh đạo để gây uy tín cho mình, thì có thể tìm cách tiếp cận ông VIP này bà VIP nọ không mấy khó khăn. Thậm chí còn chèo kéo được các vị vào các cuộc ăn nhậu ở những nhà hàng sang trọng nữa. Rồi chụp ảnh chung. Rồi viết thư tay hoặc gọi điện thoại giới thiệu... Từ đó, nguồn thông tin đến với các vị lãnh đạo phong phú hơn, nhưng khá phức tạp, trong đó có nhiều loại thông tin bất lợi cho công tác lãnh đạo, quản lý. Ấy là chưa kể, nhiều khi vô tình các vị trở thành lá chắn cho kẻ làm ăn tiêu cực, phi pháp. Lý Ngồ Ngộ chỉ là một tiểu nhân, nhưng cũng kéo được khối cán bộ cấp này cấp nọ vào các cuộc nhậu ở các nhà hàng sang trọng để anh ta cầu xin, chạy chọt (sau đó thể nào cũng lấy hoá đơn đỏ để về thanh toán với Tài vụ Tập đoàn). Nghĩ mà buồn, mà lo. Nhưng rồi ngẫm qua ngẫm lại, Trực lại thấy loé lên những tia hy vọng. Công cuộc đổi mới với chủ trương xã hội hoá đã tạo điều kiện để những người có tâm, có đức, có tài dù ở vị trí nào trong xã hội cũng có thể đóng góp sức mình cho đất nước. Giàn lãnh đạo mới của đất nước đã có những hành động quyết liệt thực sự chống tiêu cực, tham nhũng. Do vậy, Trực tin rằng những kẻ bất tài, vô đạo không sớm thì muộn sẽ bị truất khỏi vị thế mà họ đang chiếm giữ.

 Đang miên man với dòng suy tư thì Trực nghe một tiếng gọi thân thiết:

- Anh Trực ơi, vào uống nước đã!

Ngoái về phía tiếng gọi, Trực thấy Giao đang đứng ở cửa phòng làm việc vẫy gọi mình. Nhìn vẻ mặt chân thành tươi cười dưới bộ tóc dài loà xoà đầy chất nghệ sĩ của Giao, Trực thấy như có một làn gió mát xua đi cái ngột ngạt trong lòng mình. Không rào đón, Giao mời:

- Trưa rồi, anh vào phòng em uống nước, rồi em mời anh ăn cơm. Chúng em mới mở dịch vụ ẩm thực, anh thẩm định xem sao.

Tuy mới quen và ít có dịp làm việc với Giao, nhưng Trực có niềm tin ở con người này. Do vậy, cũng không khách sáo, Trực bảo:

- Ừ, mình sẽ ăn cơm với bạn. Nhưng dẫn mình đi thăm khu vực này, xem Dự án tiến triển ra sao?

Giao dẫn ngay Trực vào căn phòng bên cạnh phòng làm việc của mình. Căn phòng vẫn giữ nguyên hình dáng của kiến trúc Pháp cổ nhưng được bài trí phù hợp với một phòng trưng bày hiện vật về dân tộc học do Giao sưu tầm. Nhìn những bức tượng nhà mồ Tây Nguyên, những chiếc cối giã gạo cổ xưa, những bộ y phục đủ loại của đồng bào các dân tộc thiểu số được sắp đặt một cách nghệ thuật trong phòng, Trực thầm cảm phục tính khoa học và tình yêu truyền thống dân tộc của anh chàng Giám đốc có tư chất nghệ sĩ này. Giao bảo rằng anh sẽ sử dụng căn phòng này giới thiệu những nét đặc sắc trong truyền thống văn hoá của cả năm mươi tư dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Giao đã bàn bạc, thống nhất hợp tác với một số Bảo tàng, một số nhà sưu tầm tư nhân để có đủ lực tổ chức thường xưyên những đợt trưng bầy chuyên đề cùng một số hoạt động văn hoá nghệ thuật nhỏ gọn nhưng chất lượng cao phục vụ khách nước ngoài. Trực cảm thấy ấm lòng khi đi bên cạnh Giao và chiêm ngưỡng những thành quả bước đầu mà Giao và Minh đã cùng anh chị em đạt được trong quá trình thực hiện Dự án hợp tác với Tập đoàn, mặc dù phải trải qua bao nhiêu cam go, phải đối phó với những chiêu thức chọc ngoáy, xúi bẩy chống phá của Lê Đản và Hoàng Phu. Một làn gió nhè nhẹ thổi đến đem theo hương thơm ngan ngát của hoa Hoàng lan càng làm cho Trực thêm hưng phấn. Quanh cây Hoàng lan cổ thụ này, Giao đã tạo nên một khu phục vụ ẩm thực nho nhỏ nhưng sạch sẽ và có dáng dấp cổ xưa, khiến thực khách vào đây phải giữ một thái độ lịch lãm, nhỏ nhẹ. Hai anh em ngồi trong căn phòng lớn ở tầng một. Căn phòng này được bài trí theo kiểu đa năng, vừa có thể tổ chức ăn uống, vừa có thể dùng làm nơi trình diễn nghệ thuật. Nơi này đã bắt đầu diễn ra những buổi giới thiệu nghệ thuật truyền thống dân tộc như chèo, dân ca, tuồng... vào ba tối trong tuần, thu hút khá đông khách, trong đó phần nhiều là khách ngoại quốc. Bên cạnh đó, rạp chiếu phim mini kỹ thuật số chất lượng cao chuyên chiếu các phim kinh điển của thế giới do ông Giơri quản lý cũng thường xuyên hoạt động, trở thành điểm sinh hoạt văn hoá quen thuộc của các nhân viên sứ quán và khách du lịch ngoại quốc. Mấy việc làm bình dị ấy như những cánh chim báo tin vui rằng nơi này đang trở thành một điểm sáng văn hoá, một không gian văn hoá thực sự. Trong bữa cơm, Giao đột ngột chuyển chủ đề câu chuyện. Anh khoe mình là một hoạ sĩ nghiệp dư, nhưng suốt năm năm sống bên Liên Xô thời đi học đã dùng bút vẽ làm nghề kiếm sống chứ không đi đánh hàng như phần đông sinh viên Việt Nam thời đó. Giao kể rằng nơi Giao học có rất nhiều dân Ápganítxtăng thường xuyên qua lại. Nhận thấy các thiếu nữ theo đạo Hồi này rất thích được vẽ chân dung nhưng lại không được các hoạ sĩ địa phương phục vụ, Giao liền tổ chức dịch vụ này. Khá kỳ công, vì theo phong tục, phụ nữ Hồi giáo không mở mạng che mặt ở nơi công cộng, cho nên phải tổ chức những điểm dịch vụ kín đáo mời chị em vào. Không ngờ, nét vẽ của tay hoạ sĩ vườn này lại có hồn đến mức làm ngất ngây biết bao thiếu nữ xứ lạ. Thế là tiếng lành đồn xa, người ta cứ tìm đến nhờ Giao vẽ, làm mãi không hết việc và nhờ thế, anh có khoản thu không nhỏ. Giao chỉ vào các cây cột lớn trong căn phòng khá rộng rãi này và nói:

- Các hoạ tiết trang trí trên các cây cột này đều do em tự tay vẽ.

Quả thật, đó là những nét vẽ có hồn. Giao đã vận dụng các hình tượng mỹ thuật dân gian để tạo nên dáng vẻ vừa thâm nghiêm cổ kính, vừa mềm mại tươi mát cho những cây cột của căn phòng. Trực càng thấy cảm mến anh chàng hoạ sĩ nghiệp dư rất có nghề này ở hoa tay và tâm hồn tinh tế, và nhất là ở những ý tưởng làm ăn độc đáo. Có lẽ, chính do tư chất ham sáng tạo, biết tìm ra những hướng đi riêng, đột kích vào những lĩnh vực bất ngờ nhất để xây dựng sự nghiệp rồi chăm chắm đầu tư, miệt mài lao động, mà Giao luôn luôn đi đầu trong những hoạt động mới mẻ để đưa đơn vị đi từ thành công này đến thành công khác. Lĩnh vực bán đấu giá ở nước ta vừa xưa cũ vừa mới mẻ. Xưa cũ là vì từ thời Pháp thuộc đã có hoạt động đấu xảo. Còn mới mẻ là bởi trong cuộc sống hôm nay, hoạt động ấy đã bị lãng quên. Giao đã đánh thức trí nhớ của xã hội về một hoạt động cổ xưa, làm mới nó bằng phương thức đấu giá hiện đại, đi vào lĩnh vực nóng của xã hội, đó là đấu giá tài sản của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, những tài sản cầm cố... rồi tiến tới đấu giá những tác phẩm nghệ thuật, qua đó xác định chính xác giá trị đích thực của nó. Nhờ thế, Giao đã thắng lợi, không những tạo ra việc làm, thu nhập cho đơn vị, mà còn làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Trực hiểu rằng, trong Dự án liên doanh với Tập đoàn Tri thức, Giao đã mạnh dạn đầu tư vào chiều sâu văn hoá, trước mắt chắc chắn phải chịu lỗ, nhưng lâu dài, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt - kinh tế, xã hội, văn hoá. Buổi trưa ngắn ngủi với Giao giải thoát Trực khỏi cơn bức bí vừa nhiễm phải sau khi nói chuyện với Lý Ngồ Ngộ, đồng thời khẳng định trong anh tất yếu thắng lợi của Dự án liên doanh khu vực Hoàng Lan. Trực càng thấy ấm lòng hơn khi nghĩ tới việc Giao đã giữ lời hứa với anh hồi mới bước vào thực hiện Dự án: Giao đã tuyển lại tám nhân viên của Công ty Hân Hoan, nay số anh chị em này đã quen với công việc mới, có thu nhập nhiều hơn hẳn trước đây.

*

*   *

Nhìn vào thành quả của Tập đoàn trong đó có công sức của mình, Minh vui quên cả nhọc nhằn và bớt cả giận dữ đối với những phiền phức do "vụ án" và những sự cố của quá trình cổ phần hoá đem lại. Công ty Kỹ thuật đại hội cổ đông xong rồi, ổn lắm. Công ty của Đại Hoạ sĩ lếu tếu tưởng gay go, cũng đã êm, không những vậy còn trúng ngay hai dự án lớn cỡ quốc gia, dự kiến bước một đã lên tới gần trăm tỷ đồng. Rồi Quảng Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Nam Hà... tất cả đều xuôi chèo mát mái. Hay ho nhất là cái thằng Quảng Ngãi, vừa thoát hiểm bị sáp nhập, vừa trở thành thành viên của Tập đoàn, đã làm xong hồ sơ cổ phần hoá. Minh thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi các Công ty cổ phần xem hoạt động theo cơ chế mới có gì mới không. Kể ra, chị cũng biết rằng mình làm như thế là hơi nôn nóng. Một tổ chức kinh tế mới, muốn kiểm chứng thành bại, phải xem xét nó vận hành trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng thấy anh chị em báo cáo trước tiên là bộ máy đã gọn nhẹ nhờ cái 41, Tập đoàn giải quyết triệt để quá, người đáng xếp vào dôi dư được xếp vào hết và đã về cả, nhận tiền chế độ cứ tươi như hoa, bây giờ mọi người bắt đầu làm ăn có trách nhiệm hơn, có tính toán hơn, kinh doanh cũng ổn, là Minh đã thấy như có thêm một liều thuốc tăng lực giúp chị vượt qua trăm đận thác ghềnh. Còn tại Tập đoàn, phần xuất nhập khẩu cũng có những tiến bộ vượt bậc. Hôm ấy, đang ngập đầu trong đống sổ sách của Công ty Miền Nam thì Minh giật mình bởi tiếng gọi to của Thuỳ, cô cán bộ phòng xuất nhập khẩu:

- Chị Minh ơi, thắng lợi rồi!

Cửa bật mở và Thuỳ ào vào, cười nói bô lô ba la. Cô gái này nhiệt tình có thừa, trách nhiệm có thừa, yêu công việc quên cả giờ giấc.

- Chị ơi, thắng lợi rồi!

Thuỳ không ngồi vào ghế mà cứ đứng cười cười nói nói. Minh phải giả vờ nghiêm giọng:

- Chững chạc nào. Nói rõ xem thắng lợi thế nào?

- Chị ơi, bên Pháp đã đồng ý cho ta sản xuất hai sản phẩm của họ để cung cấp cho toàn khu vực Đông Nam Á!

Minh lặng người đi vì sung sướng. Được phân công trực tiếp chỉ đạo hoạt động của khâu xuất nhập khẩu, Minh đã cùng anh chị em Phòng này tổ chức các hoạt động vừa nền nếp vừa năng động. Chính vì Lý Ngồ Ngộ không quan tâm đến khu vực xuất nhập khẩu cho nên Minh được chủ động hơn, đỡ bị níu cẳng hơn. Anh chị em Phòng này, từ Trưởng, Phó phòng đến các nhân viên bình thường, đều có nhiệt tình, trách nhiệm, đã đồng tâm nhất trí với Minh đẩy mạnh hoạt động lên. Khâu nhập khẩu có tiến bộ rõ. Hoạt động tiếp thị được làm khá bài bản, từ tổ chức triển lãm, tuyên truyền trên báo chí, tới việc cử người đến các cơ quan, đoàn thể chào hàng, đã tạo ra khá nhiều khách hàng chiến lược, tiêu thụ hàng thường xuyên với số lượng cao và ổn định. Đã chấm dứt tình trạng ngồi câu cá tại cửa hàng Tập đoàn, chỉ trông chờ vào khách đến mua lẻ. Doanh số tăng, lượng hàng tiêu thụ tăng, càng tăng uy tín với các đối tác. Chính vì vậy, đã có những đối tác ở Pháp, Trung Quốc đồng ý thực hiện phương thức chọn Tập đoàn làm đại lý độc quyền của họ ở Việt Nam. Tiến tới một bước, Minh thương thảo và nay đã được chấp nhận sản xuất hàng của đối tác Pháp để xuất khẩu trong khu vực.

Nhìn đồng hồ, đã gần một giờ trưa, Minh hỏi Thùy:

- Ăn gì chưa em?

Thuỳ vẫn cười vô tư:

- Em ngồi trong mạng từ sáng tới giờ, chưa ăn gì chị ạ! Vui quá!

- Vậy chị em ta ra hàng bún chả Hàm Long nhé, chị đãi em!

Hai chị em kéo nhau đi. Minh bảo Thuỳ:

- Chuyến này, ta phải làm thật tốt hai mặt hàng của Pháp. Chất lượng phải cao, lấy uy tín là chính, lợi nhuận vừa thôi!

Qua những đòn tấn công của báo Việc Làm, Tập đoàn bỗng trở thành một điểm ngắm của giới báo chí. Trực chủ trương thực hiện thật tốt trách nhiệm thông tin cho báo chí, không vì một tờ báo làm xấu mà nghi ngại các tờ báo khác. Quả thực, trong làng báo, những phóng viên như Khánh Đô tuy không ít nhưng cũng chỉ là thiểu số, còn đông đảo anh chị em hành nghề với trách nhiệm và lương tâm. Nhiều phóng viên khi đến Tập đoàn thì hăm hở chuẩn bị phóng bút, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ tình hình, lại hiền lành quay về. Họ không viết bài nhằm hạ gục Tập đoàn như dự kiến, nhưng cũng không viết bài động viên hay thanh minh giúp. Trong giới báo chí chúng ta, có một quan niệm không chuẩn xác lắm nhưng lại khá phổ biến là báo chí ai lại phê phán lẫn nhau. Riêng có một cậu phóng viên trẻ là Hoài Linh thì sau buổi làm việc đầu tiên mấy hôm đã quay lại gặp Trực. Cậu ta nói với Trực:

- Bác ạ, với trách nhiệm của người làm báo, cháu thấy phải lên tiếng đấu tranh lại với những kẻ đang gây rối ở chỗ bác. Bác hãy cung cấp thông tin về Lê Đản, Nguyễn Tuấn Lặng để cháu vạch mặt họ trên báo chí.

Trực ôn tồn:

- Cảm ơn phóng viên đã có lòng với chúng tôi. Nhưng, cũng không nên làm theo kiểu của họ bôi nhọ lẫn nhau. Họ cũng là cấp dưới của tôi, tôi phải trị bệnh cứu người.

Hoài Linh vẫn chưa thôi nhiệt tinh:

- Phải thế nào chứ, chẳng lẽ bác cứ để bị bôi xấu mãi à?

Vẫn cái giọng điềm đạm nhưng có chút hứng khởi, Trực bảo Linh:

- Tập đoàn đang tiến hành cổ phần hoá khá tốt. Hay là phóng viên khai thác tài liệu, viết cho một bài về tình hình này.

- Xong ngay, còn gì hay nữa, bác cứ bảo cho cháu viết.

- À, mà còn Khách sạn Bạch Liên nữa. Ở đó tình hình đã ổn định, người lao động có việc làm, có thu nhập kha khá, lại được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, phấn khởi lắm. Đó cũng là đề tài có thể tuyên truyền được đấy.

Hoài Linh mừng rỡ:

- Thế thì nhất rồi bác ạ. Cháu sẽ rủ mấy thằng cùng cạ làm ở mấy tờ báo khác đến tìm hiểu và đồng loạt tung bài về cổ phần hoá, về ổn định và phát triển Bạch Liên sau vụ mại dâm, về đợt phục vụ chính trị trên phạm vi toàn quốc của Tập đoàn, bác thấy được chứ?

Hoài Linh bắt tay Trực và nói, giọng sôi nổi:

- Cháu hứa với bác là sau đợt tuyên truyền hội chợ này, Tập đoàn bác sẽ lên hương trong dư luận... À, bác đưa cho cháu tấm ảnh chân dung của bác để cháu đăng kèm bài nhé!

Trực mở ngăn kéo, lấy ra mấy tấm ảnh về đợt Thanh niên Tập đoàn phục vụ đồng bào miền núi do anh chụp hồi giữa năm, đưa cho Hoài Linh và nói vui:

- Mình có phải hoa hậu, người mẫu đâu, đăng ảnh lên cho ma nhìn à. Cậu đưa tấm ảnh hoạt động phục vụ bà con miền núi này lên, bổ ích hơn!

Hoài Linh vừa cầm ảnh vừa lẩm nhẩm:

- Ông này khác với ông Ngộ quá. Ông Ngộ lúc nào cũng yêu cầu đăng ảnh chân dung của mình hoặc ảnh ông ta chụp chung với lãnh đạo cấp cao kèm với các bài viết về Tập đoàn, đăng ảnh càng to, càng ở vị trí trang trọng càng tốt.

Tuổi trẻ có cái mạnh của họ, khi đã xác định được hướng đi đúng và đã hạ quyết tâm, thì họ làm được những điều bổ ích. Chỉ ba ngày sau, trên năm tờ báo lớn ở Thủ đô, đã có tin, ảnh và bài về những đổi mới ở Tập đoàn Tri thức. Các tờ báo điện tử liền tung lại các bài và ảnh này lên mạng, chung với những bài của phóng viên đại bịp Khánh Đô báo Việc Làm. Hầm bà làng, thông tin trái chiều. Thời buổi tự do thông tin. Thời buổi bùng nổ thông tin. Thời buổi quyền được thông tin được phát huy cao độ. Cho nên người ta cần được xem những thông tin trái chiều, và người ta phải biết tự chọn lấy thông tin nào đáng tin thì tin, đáng ngờ thì bỏ ngoài tai ngoài mắt ngoài đầu. Đọc các bài báo viết về Tập đoàn Tri thức, Trực lại nhớ thời trai trẻ trong nghề báo của mình. Hồi ấy, phóng viên nào cũng được giáo dục kỹ rằng chân thật là bản chất của báo chí, viết gì, viết về ai, cho dù đó là kẻ thù, cũng phải viết đúng sự thật. Trực đã có cả một thời hoạt động báo chí sôi nổi và luôn luôn trung thực. Khi Trực vừa mới ra trường, về nhận công tác ở Việt Nam Thông tấn xã, thì giặc Mỹ đưa máy bay vào đánh Hà Nội và bị bắn rơi mấy chiếc phản lực. Hôm ấy, chúng ta tổ chức đưa phi công Mỹ bị bắt diễu qua một số phố phường để hạ uy thế không lực Hoa Kỳ. Trực và nhóm phóng viên trẻ được phân công toả đi theo dõi diễn biến này, với quy ước sau một giờ phải quay về Tổng xã giao phần viết của mình cho nhà báo cự phách Dương Trường viết thành bài tổng hợp. Tới Bờ Hồ, khi chiếc ô tô tải chở mấy thằng phi công Mỹ đi đến đoạn ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài, Trực quan sát thấy giữa đám đông nhộn nhạo có một người đàn ông hăng hái khác thường. Ông ta chạy theo sát xe, tay vung lên, miệng hô khẩu hiệu. Trực liền bám sát người đàn ông này. Khi xe ra khỏi khu vực đông người, bắt đầu tăng tốc, thì người đàn ông cũng chạy theo. Dép tuột, ông vứt cả dép mà chạy. Trực cũng chạy theo ông để khai thác tài liệu. Hoá ra, ông này là một cán bộ miền Nam tập kết, chịu cảnh ly tán gia đình trên chục năm rồi, không một tin tức về người thân. Vừa quan sát khung cảnh xung quanh, vừa hỏi chuyện kỹ người đàn ông này, Trực đã viết được một đoạn ghi nhanh sinh động. Nhà báo Dương Trường đọc lướt rồi bảo với Trực:

- Cậu viết hấp dẫn lắm. Tôi tin đây là những chi tiết chân thực. Cái chân thực của tài liệu sẽ làm cho tin trở nên có hồn, có sức chinh phục người đọc.

Đoạn ghi nhanh của Trực trở thành một phần quan trọng và sinh động nhất trong bài phóng sự của Thông tấn xã do nhà báo Dương Trường chủ biên. Đến bây giờ, Trực còn nhớ như in cái không khí sôi động hôm đó, lớp phóng viên trẻ toả đi các phố rồi về hí hoáy viết, sau đó nộp cho bậc thầy Dương Trường mà tay run run, lòng hồi hộp, không rõ phần viết của mình có đóng góp được gì cho bài viết chung không. Trời hôm ấy nóng như thiêu như đốt, thời ấy lại chưa có máy lạnh, chỉ có cái quạt trần quay vù vù, nhà báo Dương Trường mặc độc có một cái quần đùi, quấn trên đầu cái khăn trắng thấm đầy nước để hạ nhiệt, cúi sát bàn viết dí đôi mắt cận thị nặng với đôi kính dày cộp vào sát trang giấy mà viết, mồ hôi ròng ròng chạy dài trên tấm lưng còng gầy guộc của ông. Sáng hôm sau, các báo, đài đều sử dụng bài phóng sự này. Trực lại nhớ hồi về làm phóng viên thường trú ở Hải Dương. Hôm ấy, Trực đến huyện Tứ Kỳ công tác. Đang mắc màn chuẩn bị đi ngủ cùng phòng với anh Đức Vân, Bí thư Huyện Uỷ, thì nghe đài truyền thanh báo tin Hải Dương bắn rơi máy bay, bắt sống giặc lái Mỹ ở Kinh Môn. Trực vội cuốn màn lại, chào tạm biệt Bí thư Huyện uỷ rồi lên xe đạp phóng về thị xã. Bí thư Huyện uỷ ái ngại nhìn Trực, bắt tay rất chặt và nói chân thành: "Chúc đồng chí thành công". Trực phóng xe đạp giữa đêm tối, khi đi qua khu ngoại vi thị trấn thì bị một đàn chó đuổi theo rầm rập, sủa váng trời. Ngay trong đêm ấy, Trực đã lên Kinh Môn, gặp cán bộ, nhân dân địa phương lấy tài liệu và viết xong bài ghi nhanh về sự kiện quân và dân Kinh Môn bắn rơi máy bay, bắt sống giặc lái. Sáng, quay trở lại thị xã để điện bài về cho Tổng xã thì gặp Trình Tư, phóng viên báo Hải Dương. Trình Tư đã chuẩn bị lên khuôn báo bài viết của mình về sự kiện này. Khi đọc bài của Trực, Trình Tư nói chân thật:

- Mình ngồi nhà gọi điện thoại đi mấy nơi lấy tư liệu, viết khác cậu quá. Chắc bài của mình không chân thật. Cậu cho mình đăng bài của cậu trên báo Hải Dương thay bài của mình nhé!

Thời ấy, nhà báo làm nghề vô tư, vì sự nghiệp, không quan tâm dến danh nghĩa, bản quyền, cho nên họ trao đổi thông tin với nhau một cách hồn nhiên, thoải mái. Trực lại nhớ tới kỷ niệm với Văn Trọng khi cùng nhau làm tờ báo cho Thị uỷ Quy Nhơn vào năm một nghìn chín trăm bẩy mươi hai với mục đích rõ ràng là hỗ trợ cuộc đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng, đẩy mạnh cuộc tấn công và nổi dậy giành quyền làm chủ theo tinh thần chỉ đạo của Thị Uỷ Quy Nhơn. Những bài báo được viết từ chính thực tiễn đấu tranh của đồng bào Quy Nhơn, tính chân thực rất cao, được đồng bào đón nhận với tình cảm nồng thắm. Nhớ đến Văn Trọng, Trực thấy bừng lên trong tâm tưởng ngọn lửa rừng rực của cuộc sống sôi động thời kháng chiến. Nhớ nhất là lần hai anh em vừa chuẩn bị xong một số báo, chuẩn bị in thì bị đội một trận bom B52 của Mỹ, toàn bộ bát chữ đã lên khuôn bị bom thổi bay tung toé. Tạnh bom, hai người lại cùng anh em xưởng in hí hoáy sắp chữ, lên khuôn báo. Bây giờ, chàng thanh niên mảnh khảnh đội viên đội Tuyên truyền Bình Định hồi ấy đã trở thành ông Giám đốc đầy bản lĩnh, một kịch tác gia nổi tiếng, với mái tóc quăn dày và phong thái tự tin, hơi ngang ngang mà có người bảo là hâm hâm. Cứ ra Hà Nội là Văn Trọng lại cùng Trực bù khú, đàm đạo chuyện nhân tình thế thái. Văn Trọng đang dồn tâm huyết cho vở kịch lịch sử Hồ Quý Ly mà theo anh nói, là muốn đi vào bản chất của lịch sử, trả lại sự công bằng cho một danh nhân của đất nước... Văn Trọng bảo rằng dù là viết kịch, tức là hw cấu thông qua trí tưởng tượng, cần mở rộng bầu trời sáng tạo cho riêng mình, nhưng vẫn phải tôn trọng sự thật; sáng tạo không có nghĩa là bịa đặt, bóp méo hoặc bôi đen hiện thực.

Trực cũng có một kỷ niệm không hay về nghề. Đó là vào năm một nghìn chính trăm bẩy hai, khi anh đang làm việc tại Thông tấn xã Giải phóng chiến trường K5. Nhận được tin từ Quảng Ngãi, Trực nhanh chóng biên tập, chuyển ra Hà Nội qua hệ thống têlêtíp. Ngay tối hôm đó, đài Tiếng nói Việt Nam phát tin: "Lính nguỵ ở Quảng Ngãi chôn sống bẩy trẻ em". Các báo đều đăng lại tin này. Bà Nguyễn Thị Bình đang cầm đầu phái đoàn Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại hội nghị Pari chuyển tin này thành tài liệu đấu tranh với địch. Thấy cả nước và thế giới sôi lên với thông tin đưa ra từ K5, Trực cẩn thận đọc lại bản thảo. Thôi chết rồi, trong bản phóng viên viết từ Quảng Ngãi gửi về, ghi rõ hàng tít: "Trung đoàn số một nguỵ quân chôn sống bẩy em nhỏ ở Sơn Tịnh để tra tấn". Vậy mà khi tin được xử lý, không rõ vì nguyên nhân nào, đã mất ba từ cuối cùng để tra tấn. Chỉ ba từ thôi, nhưng đã làm thay đổi hẳn bản chất sự việc. Trực không ngần ngại báo cáo với lãnh đạo về sai sót trong khâu biên tập của mình, đồng thời đề xuất cách xử lý là cho viết một bài điều tra về vụ này. Hai ngày sau, bài điều tra đã được gửi ra Hà Nội, trong đó có chi tiết ghi rõ: Lính nguỵ thuộc Trung đoàn số một tại Quảng Ngãi chôn sống bẩy em thiếu nhi Sơn Tịnh tới cổ để tra tấn. Sau năm tiếng đồng hồ, trước sự đấu tranh phản đối của đồng bào, chúng mới moi đất đưa các em lên. Thế là thông tin được cải chính một cách gián tiếp nhưng rành mạch. Những kỷ niệm vui buồn về nghề sống dậy trong ký ức càng làm cho Trực băn khoăn với hoạt động báo chí thời thị trường nhộn nhạo này. Suy đi nghĩ lại, Trực nhận ra sự giống nhau và khác nhau có tính chất cơ bản của hai lớp nhà báo. Sự giống nhau là: cả hai lớp người đều là công dân nước Việt, đều là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, đều hành nghề theo tôn chỉ mục đích của báo chí cách mạng. Sự khác nhau là: Lớp nhà báo thời chiến tranh vệ quốc hoạt động nghiệp vụ trong môi trường thuần khiết của lý tưởng cách mạng, đối với họ, nghề báo vô cùng thiêng liêng, họ có trách nhiệm rất cao với nghề, với từng bài viết, dòng tin của mình. Còn bây giờ, môi trường ấy đã bị pha tạp bởi cơ chế thị trường, cho nên bên cạnh tính thiêng liêng, thìntính thực dụng đã len vào nghề báo, làm tha hoá không ít nhà báo.

Đọc báo, Minh hồ hởi nói với Trực: Phải thế chứ, mình làm bao nhiêu điều tốt mà chả lẽ không được một dòng nào trên báo. Chị chưa kịp vui thì đã gặp chuyện lo. Hình như câu nói các cụ truyền lại đang vận vào Minh: hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Thời gian này, Minh chịu nhiều tai hoạ quá. Cái hoạ lớn nhất là "vụ án" do Đản và Đại Sư phụ Hoàng Phu dàn dựng, đang lên hồi cao trào. Đồng thời là hai cái hoạ giáng xuống hai gia đình thông gia. Ông cụ anh Giáp bị đột quỵ. Bà cụ chị Minh bị ngộ độc thức ăn. Một người đàn ông cứng cỏi, gặp hoàn cảnh này cũng phải kêu trời và có khi sụm xuống, không gượng dậy được nữa. Huống chi một người phụ nữ vốn được coi là chân yếu tay mềm! Trực thấy ái ngại cho Minh vô cùng trước những éo le mà cuộc đời chị gặp phải. Trời cũng không công bằng, sao lại nỡ giáng tai hoạ xuống đầu những người sống nhiệt thành, vì đại nghĩa như Minh. Trực cũng ngàn lần cảm phục bộ thần kinh thép khiến Minh không phát điên và sức khoẻ trời cho khiến chị không đổ quỵ. Anh bảo Minh cứ tạm nghỉ một thời gian để lo việc gia đình. Chị phải tạm nghỉ thật. Đảo lên Phú Thọ thăm bố chồng, cùng gia đình chồng đưa cụ vào viện, tới khi cụ hồi tỉnh rồi, lại trở về với công việc. Ít lâu sau, lại ghé về quê Vĩnh Phúc lo cấp cứu mẹ bị ngộ độc thức ăn. Khi cụ vừa hồi sức, chị lại vội vã về với công việc. Có lẽ trời chỉ thử lòng chị chứ không phải ra roi trừng phạt, các tai ương chỉ tạt ngang cuộc đời chị, rồi lại bay đi như làn gió thoảng. Ông cụ bố chồng chị được cấp cứu kịp thời, đã hồi phục sức khoẻ, đang về nhà để con cháu phụng dưỡng. Bà cụ thân sinh ra chị được rửa ruột đúng lúc, chỉ sau một ngày nằm viện đã về nhà. Thằng Bạch sau khi dùng thuốc do Minh đem từ Trung Quốc về cũng bớt bệnh, lâu rồi không bị lên cơn co giật. Minh lại hì hụi với công việc. Việc nhà ở quê, trăm sự trông cậy vào các anh chị, những người nông dân hiền lành, nhân hậu và cần cù, tận tâm. Minh vẫn hát vang bài ca Cuộc đời vẫn đẹp sao.