Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai - Đại Sư phụ

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương hai

ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY

Đại Sư phụ

 

Hoàng Phu là Đại Sư phụ trên nhiều danh nghĩa. Trước hết, là Chủ tịch Tập đoàn, ông là Đại Sư phụ về mặt hành chính. Tiếp đó, ông là Đại Sư phụ về mặt đấu đá. Tiếp nữa, ông là Đại Sư phụ về mặt ăn chơi truỵ lạc. Câu nói nổi tiếng của ông là: "Ta là Chủ tịch, tức là Nghị viện, các ngươi trong Ban Tổng Giám đốc, tức là Chính phủ. Chính phủ có nghĩa vụ cung cấp tài chính cho Nghị viện. Vì vậy các ngươi phải cung cấp tài chính cho ta!".  Đấy không phải là lời nói đùa, mà là mệnh lệnh thực sự. Mệnh lệnh này tuyệt đối có hiệu lực với Giám đốc Lý Ngồ Ngộ. Cứ mỗi lần từ Nam ra Bắc họp hành là Lý Ngồ Ngộ phải ôm theo một bọc tiền, vừa để lót tay Chủ tịch, vừa để chi phí cho các cuộc ăn chơi cùng với Hoàng Phu. Lý Ngồ Ngộ tính toán, việc làm này thể hiện tinh thần trung thành tuyệt đối của một Giám đốc thành viên với Chủ tịch Tập đoàn, để được Chủ tịch ưu ái. Con mụ Tổng Giám đốc sắp nghỉ rồi, ta đường đường là một Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc một Công ty lớn, lẽ nào không đủ khả năng thay thế?

Nếu nói rằng Sài Gòn là đất ăn chơi hạng nhất Việt Nam, thì đó là điều nhầm lẫn cần được cải chính nhanh chóng. Đất ăn chơi có hạng phải là Thủ đô Hà Nội. Dân Bắc chơi cao cấp hơn. Không xô bồ, không ồn ào, mà lặng lẽ, kín đáo, với chất lượng cao. Cho nên, với Hoàng Phu, các loại bia ôm, cà phê ôm là tầm thường. Phải chơi theo kiểu nhất dạ đế vương mới đã đời. Không cần nhiều, lâu lâu làm một cuộc, đủ thoả mãn mấy tháng trời. Vả lại, tuổi cao rồi, ham hố quá, nhỡ bị phạm phòng thì tiêu đời. Thực ra, đối với Hoàng Phu, ăn chơi không phải là ham muốn bẩm sinh. Xuất thân bần hàn, lão vốn tiết kiệm, thậm chí sống theo kiểu ăn mắm mút dòi đặc nhà quê. Ngay cả khi học ở bên Đức, lão cũng không chơi bời phóng túng mà chỉ lo làm ăn, tích cóp. Riêng cái khoản sinh lý, không phải anh chàng Tèo không có nhu cầu, nhưng thời ấy người ta quản lý chặt lắm, lớ vớ bị mắc tội hủ hoá thì phải về nước, bỏ dở việc học hành, cho nên đành nhịn thèm. Nhưng từ khi lão lên làm Giám đốc, tình hình đã đổi khác. Các cuộc gặp đối tác để bàn chuyện làm ăn thời mở cửa theo mốt mới lấy nhà hàng làm nơi thương thảo, ký hợp đồng thay phòng họp, đã kéo lão lê lết hết nhà hàng này sang nhà hàng khác. Ăn nhậu, nâng cốc, cạn ly, say bí tỉ, rồi ký... Khoản rượu, lão không ham nhưng lại là tay bợm, uống đến đâu tái mặt đi đến đấy, đầu óc tỉnh như sáo. Trong khi đó các đối tác non men, mặt đỏ tưng bừng, say ngất ngưởng, ăn nói lung tung, đâm ra ký bừa. Chính các cuộc ăn nhậu đã khiến cho lão thu được bao nhiêu là lời lãi qua việc ký các hợp đồng béo bở. Ký rồi, các đối tác kéo nhau đi karaôkê, hoặc đi mát xa để cho các em gái nõn nà chăm sóc. Thỉnh thoảng, lũ đàn em lại mời Giám đốc đi thư giãn cao cấp từ A tới Z. Và lại nhậu, lại chơi. Lúc này, cái bản năng tình dục mạnh mẽ tiềm ẩn trong từng tế bào của lão do ông bố hiếp dâm truyền gien cho mới có dịp được giải phóng, bung ra, tung bành té bãi. Cứ thế, Hoàng Phu trở thành tay ăn chơi sành điệu, khác hẳn anh cu Tèo lớ ngớ thuở nào...

Lại nói về thực trạng ăn chơi ở đất Bắc. Các điểm ăn chơi rải ra khắp nơi, mỗi nơi một vẻ. Lên Lương Sơn, Hoà Bình, có thể chơi với sơn nữ chính gốc. Qua Bắc Ninh, có thể chơi với liền chị nguyên bản. Còn ở khu vực Hồ Tây, trong các biệt thự, là bộ sưu tập đủ loại gái đẹp Bắc, Trung, Nam, Kinh, Thượng... Gần đây, các nơi mở ra các khu nghỉ dưỡng cao cấp cỡ bốn, năm sao, gọi là Rì sọt gì đó, vào đó có thể đặt hàng tổng hợp đủ cách ăn chơi. Tuỳ sở thích của mỗi người mà chọn. Hoàng Phu đã quen vào các chốn ăn chơi cỡ bốn năm sao rồi.

Nhớ lại cái lần đầu Lý Ngồ Ngộ đãi mình, Hoàng Phu không nén được tiếng cười. Cái thằng quê một cục. Ai lại dẫn nhau vào quán Karaôkê ở Mai Hắc Đế, thứ hạ đẳng. Nhưng trót vào rồi, Phu tặc lưỡi: thử xem sao! (Giống như ông Vua quen ăn sơn hào hải vị, thử ăn món rau muống chấm tương bần). Mặc dù Nhà nước đã có các quy định chặt chẽ đối với các điểm kinh doanh Karaôkê về độ rộng của phòng, độ mạnh của ánh sáng, độ hạn chế của tiếp viên, nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Còn thực tế, thực tế sinh động hơn nhiều. Cứ là trăm hoa đua nở. Trăm kiểu cách chiều các thượng đế. Cuộc đi này hạn chế chỉ có bốn người: Phu, Ngộ, Đản và Lặng. Lái xe, không bao giờ Hoàng Phu cho bén mảng đến những chốn riêng tư của sếp. Nhiều khi ông ta đi tắc xi. Còn nếu đi xe cơ quan, thì cũng cho tiền và bảo lái xe biến, khi nào gọi hãy quay lại đón. Một đàn bươm bướm hở rốn hở ngực, váy ngắn cũn cỡn ùa vào phòng. Mỗi bướm sà vào lòng một thượng đế. Hai bướm không có chỗ đậu, lặng lẽ bay ra, lát sau trở vào bê theo bia, rượu và đồ nhắm. Khi bướm số một lượn đến, chưa kịp đậu xuống đùi Hoàng Phu thì đã bị lão gạt ra: "Đổi, đổi cho ta. Ta thích bé rốn to hơn!". Lý Ngồ Ngộ vội đẩy bé rốn to sang cho Chủ tịch và đón bé rốn nhỏ vào lòng mình. Hoàng Phu thích các cô gái mây mẩy chứ không thích các cô gái chân dài mình dây. Các cụ bảo "Sờ béo, ngoéo gầy mà!". Vào đây sờ là chính, cho nên gái mập mới hợp khẩu vị. Nói ra sở thích để được chiều theo sở thích là một chuyện, nhưng để ông Chủ tịch thử lòng thuộc cấp mới là chuyện chính. Xem đứa nào nhanh nhẹn chiều ý sếp. Hoá ra thằng Ngộ này ngộ thiệt, ta có chỉ mặt con nào rốn to đâu mà nó biết con này ta thích để đẩy sang cho ta. Hiểu ý sếp thế thì cần được thăng chức. Được rồi, ta sẽ ghi ngươi vào sổ đỏ của ta. Đang nghĩ ngợi mông lung về quyền lực, quên cả em út, thì Hoàng Phu giật thót mình vì tiếng nhạc cất lên hùng tráng quá. Hoá ra máy vi tính chọn bài đã được bật lên. Đây là loại nhạc đỏ. Nhạc đỏ phù hợp với những thượng đế cao tuổi, ưa vọng về quá khứ. Giai điệu của bài Đêm Trường Sơn cất lên hùng tráng... Ôi, nào có ai nghe Đêm Trường Sơn lúc này? Chỉ có đêm Kara... thôi. Lúc này, miệng không làm chức năng hát, chỉ có tay làm chức năng chu du khắp mọi miền cơ thể gái non. Tuy coi rẻ cái trò hạ đẳng này, nhưng khi vào cuộc rồi, Hoàng Phu cũng hăng ra phết. Lão bảo bé rốn to ngồi lên đùi, quay lưng lại để lão ôm cho gọn. Hai tay lão tha hồ bò ngang luồn dọc. Nhìn sang Ngộ, mặc dù là dân ăn chơi có cỡ, lão vẫn suýt kêu to lên vì ngạc nhiên. Ngộ đã lao vào cuộc mây mưa thực sự, ngay trên đi văng, cạnh mọi người... Thế này thì Đại Sư phụ cũng phải bái phục. Đại Sư phụ chơi kiểu khác. Nhưng thôi, hồi sau sẽ biết kiểu chơi của Đại Sư phụ như thế nào. Riêng Đản, gã có vẻ hờ hững. Nhìn qua, thấy Ngộ đang đè nghiến bướm rốn bé xuống đi văng, Đản lại hờ hững nhìn lên màn hình. Hình ảnh hai kẻ quần nhau trên đi văng lúc này không gợi cho Đản điều gì, thì sau này lại hiện lên rõ ràng, đầy kích động...

Cái khoản đấu đá, không ai theo nổi Hoàng Phu. Khổ nhất là Tổng Giám đốc Tuyết Nhung. Điều hành một Tập đoàn lớn, lẽ ra chị có quyền vận dụng mọi biện pháp để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, miễn là đúng đường lối do Ban Lãnh đạo nêu ra. Thế nhưng, Chủ tịch lại tìm mọi cách khoá chân tay chị lại. Bề mặt, lúc nào Chủ tịch cũng vui vẻ, ngọt ngào, nhưng bên trong, ông ta dùng cả một màng lưới để phong toả chị. Ngành chức năng thường sử dụng cộng tác viên gọi là đặc tình, nằm ở các cơ sở kinh tế để nắm tình hình, báo cáo thường xuyên. Còn Hoàng Phu thì lại sử dụng chính cán bộ ở cơ quan Chức năng làm đặc tình cho mình, không phải là để báo cáo tình hình, mà là để họ thường xuyên sang thăm viếng, nắn gân Tổng Giám đốc. Không quý nào là không phải tiếp cán bộ chức năng một vài lần. Mỗi lần tiếp là một lần lục lọi sổ sách, chứng từ, phơi bày quỹ két. Tất nhiên cái khoản phong bì lót tay cho cán bộ chức năng dày mỏng ra sao, Tổng Giám đốc phải tự liệu. Riêng Hoàng Phu, ông ta sử dụng công quỹ nuôi hẳn hệ thống này, dưới danh nghĩa cộng tác viên tiếp thị. Do vậy, mặc dù giầu bản lĩnh, nhưng nhiều khi để được việc, Tổng Giám đốc Tuyết Nhung cũng phải ngọt nhạt với Chủ tịch. Dào ơi, thái độ tỏ ra kính trọng chỉ là cái vu vơ, chứ cái đích thực là khoản phụ cấp hàng tháng để Chủ tịch chi tiêu, chị phải lo đầy đủ. Ấy là chưa kể thỉnh thoảng Chủ tịch lại cho lính đưa lên thanh toán một cái hoá đơn về khoản đãi khách mấy triệu đồng. Thế nhưng, chị vẫn chẳng yên thân. Còn với các Công ty thành viên, Hoàng Phu khoá họ bằng Điều lệ. Điều lệ của Công ty thành viên là do Chủ tịch ký ban hành. Chủ tịch đã ban hành, thì các điều khoản phải trở thành công cụ quản lý của Chủ tịch. Hoàng Phu căm nhất là cái thằng Triệu Hà, Giám đốc Công ty Sa Ba. Đồ Chét nhi a man rợ, lúc nào cũng đòi ly khai. Lại đòi tách ra khỏi Tập đoàn, đòi trực thuộc Bộ à? Đã thế, mi phải nằm trong cũi sắt. Cũi càng hẹp càng tốt. Ta thửa riêng cho mi cái cũi nhỏ. Điều lệ hoạt động của mi, ta soi xét từng chữ từng chữ một. Nhất nhất phải có câu trình Ban Lãnh đạo Tập đoàn, được phép rồi mới thực hiện. Đấy là tinh thần bao quát. Cứ thế mà thực hiện trên mọi phương diện. Đừng có hòng mà nhân danh đổi mới, sáng tạo để xé rào nhé Triệu Hà ơi. Mày quá hỗn rồi đấy, phải trị, trị đến nơi đến chốn. Trị trên cõi trần chưa đủ thì trị thêm bằng cõi âm. Vốn rất mê tín, Hoàng Phu mời ngay thầy phù thuỷ về vẽ bùa, làm hình nhân thế mạng để yểm Triệu Hà. Trên đầu hình nhân được coi là Triệu Hà, Phu cho làm một cái kiếm đâm xuyên qua. Thế này, suốt ngày mi sẽ đâu đầu mà chết. Riêng cái khoản Chi nhánh của mi trong thành phố Hồ Chí Minh, ta cũng với tay xuống. Nó cũng phải chịu sự quản lý của ta. Sai luật à? Luật nào? Luật là do con người làm ra. Ta quy định như vậy, cứ thế mà thực hiện. Tính ta ít nói, không thích bàn cãi. Còn vì sao ư? Bạn đọc đừng sốt ruột, sau này mọi chuyện vỡ ra hết, bạn đọc sẽ hiểu nguyên nhân vì sao ông Chủ tịch Phu lại quan tâm đặc biệt đến một đơn vị bé tí tẹo trong thành phố Hồ Chí Minh như vậy.

Vậy ông Chủ tịch Phu xuất thân thế nào? Cũng là người của thời bao cấp, tại sao ông gớm ghê đến thế? Xin thưa, Hoàng Phu xuất thân từ một gia đình nông dân hẳn hoi. Nông dân là quân chủ lực. Ông thấy mình phải phấn đấu để đóng vai trò chủ lực thực sự trong công cuộc cách mạng. Hồi cải cách ruộng đất, tuy còn nhỏ, ông đã xăng xái chạy theo Đội để làm cốt cán. Cu cậu Tèo thời ấy, tức là ông Phu bây giờ, thích nhất là món gõ kẻng. Keng keng keng keng! Tiếng kẻng vừa lảnh lót vang lên, thì từ các căn nhà mái rạ lụp xụp, những con người rách rưới, bần hàn túa ra, nhanh chóng đến sân đình tập hợp. Những tiếng kẻng sao mà có uy lực lớn như vậy. Nếu thằng Tèo sợ giọng quát của bố như thế nào, thì nông dân cái thôn Đoài này sợ tiếng kẻng như thế. Hồi đó, thằng Tèo đã khao khát được trở thành người có quyền ra lệnh gõ kẻng (phải có người ra lệnh, Tèo mới được gõ kẻng, chứ chẳng phải cứ gõ bừa phứa lúc nào cũng được). Thế là, từ nơi vô thức, cậu bé nông dân láu cá này đã manh nha thèm muốn quyền lực. Sự thèm muốn ấy lớn dần lên theo cơ thể cậu ta, thành nỗi khát khao có ý thức, dẫn dắt mọi hành động của chàng thanh niên Hoàng Phu. Chạy theo Đội, Tèo trở thành cốt cán số một của Đội. Hàng xóm gia đình Tèo có ông Nguyễn Nguyên, khá giả hơn mọi người một chút (có ao cá, vườn cây, có ruộng cho cấy rẽ...) liền bị quy tội địa chủ. Đội hỏi Tèo :

- Lão Nguyên có bóc lột nhà cháu không?

- Bóc lột là thế nào ạ?

- Bóc lột là bắt làm nhiều mà cho hưởng ít, là lấy thóc gạo của nhà cháu...

Thằng Tèo à lên một tiếng. Thế thì ông Nguyên bóc lột nhà nó rồi. Hôm trước, nó thấy vợ ông ta sang nhà nó, đem về một rá gạo đầy. Bóc lột quá đi rồi còn gì (nó không biết là mấy ngày trước, hết gạo, mẹ nó sang vay nhà ông Nguyên nay phải trả). Nó trả lời như đinh đóng cột:

- Nhà ông Nguyên có bóc lột. Bóc lột gạo nhà cháu.

Ông Đội bảo Thư ký Đội ghi ngay lời tố cáo này vào cuốn sổ bìa vàng hoen ố lúc nào cũng nằm trong chiếc sắc cốt đeo bên mình.

- Thế lão Nguyên có hành hạ gia đình cháu không ?

- Hành hạ là gì cơ?

- Là đánh đập, chửi bới ấy.

Thằng Tèo nhớ ngay mấy ngọn roi mà ông Nguyên vụt vào lưng, vào đít nó khi nó lẻn sang vườn nhà ông hái trộm ổi. Nó cũng nhớ như in những lời chửi ngoa ngoắt mà vợ ông Nguyên hay rống lên mỗi khi nó câu trộm cá ở ao nhà bà ta. Nó bảo:

- Cả vợ chồng ông ta đều chửi rủa, hành hạ cháu.

Nó vạch áo, giơ lưng ra trước Ông Đội:

- Bác xem đây, ông ấy hành hạ cháu khiếp lắm!

Nhìn mấy vết hằn trên lưng thằng Tèo, Ông Đội sôi lên lòng căm thù. Ôi, những con người của giai cấp nông dân cùng khổ, họ bị bóc lột đến xương tuỷ, bị hành hạ đến trày da tróc vảy. Ta cũng là một cố nông, không mảnh đất cắm dùi, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bị đè nén không ngóc đầu lên được. Còn bọn địa chủ kia, bọn ngồi mát ăn bát vàng, tao căm thù mày, tao căm thù cả giai cấp địa chủ chúng mày. Với tình thương yêu giai cấp vô bờ bến, Ông Đội hướng dẫn cho thằng Tèo làm cốt cán. Nhiệm vụ của nó là hàng ngày rình mò nhà ông Nguyễn Nguyên, xem ông này ăn gì, nói gì, làm gì, có bộc lộ bản chất giai cấp bóc lột xấu xa không. Thằng Tèo làm nhiệm vụ với niềm hứng khởi lạ kỳ. Gì chứ trèo tường, leo cây, nhòm nhà thì nó quen lắm, thạo lắm. Nó nhớ vanh vách từng chi tiết nhỏ. Nó vốn thông minh khác người. Một trí thông minh vượt trội trời cho (Chắc là trời cho chứ không phải được cha ông truyền lại, vì cha ông nó dốt đặc cán mai. Đấy là do cha thằng Tèo nghĩ. Còn mẹ thằng Tèo thì biết rõ cái trí thông minh của thằng Tèo chính là sản phẩm của cha đẻ đích thực của nó. Chẳng là, trong một lần đi lên chợ huyện, bà được gọi vào bán trứng cho một ông nhà giầu, chủ một hiệu buôn, rồi bị ông ta hãm hiếp ngay tại phòng khách. Sau đó, ông ta trả đủ tiền trứng và cho thêm bà tiền mua được cả tạ thóc. Thấy cũng không mất mát gì, lại không ai biết chuyện, bà không hé răng. Thằng Tèo được hoài thai trong vụ ấy. Bà Tèo còn nhớ như in ông này trạc ngoại tứ tuần, có gương mặt rạng rỡ và đôi mắt sáng long lanh. Lạy trời, xin trời tha tội, cái lần ấy, sau giây phút đầu sợ hãi, bà đã chìm vào một khoái cảm chưa bao giờ có để đạt tới một độ cao tuyệt đỉnh rồi mới từ từ rơi vào một vùng tối mờ ảo của cảm giác xác thịt, như pháo thăng thiên lên hết tầm bắn mới nổ tung hoa cà hoa cải để lại những đốm sáng toả rộng trên nền trời đen kịt trước khi lụi tàn. Có lẽ được thụ thai trong cơn cực khoái đột biến của cả cha lẫn mẹ nên thằng Tèo sáng dạ khác người). Với biết bao tài liệu quý giá do thằng Tèo cung cấp, Ông Đội phấn khởi lắm. Quý nhất là bằng chứng về việc ông Nguyên có người ở. Xưa nay, dân làng vẫn nghĩ cô Lài là con gái ông Nguyên. Nhưng nhờ công rình mò, nghe ngóng của thằng Tèo mà Ông đội phát hiện ra cô Lài chỉ là con nuôi. Con gì nuôi mà người ta không nhằm làm thịt nó. Nuôi người ở, đích thị là bóc lột rồi, bóc lột hạng nặng. Hôm đấu tố, chính thằng Tèo được đứng trước bà con nông dân cùng khổ kể khổ và vạch tội. Một niềm khoái cảm vừa vô thức vừa hữu thức tràn ngập cơ thể thằng bé nông dân rách rưới bẩn thỉu nhưng có gương mặt khôi ngô, đôi mắt sáng long lanh và giọng nói lưu loát. Nó sướng cả mắt khi nhìn lão Nguyên rúm ró người trong nỗi sợ hãi. Nó sướng cả tai khi nghe lão Nguyên lúng búng nhận tội. Nó sướng cả miệng khi được nói những lời bịa đặt đầy tính chân thật - nó tin ngay cả những điều nó bịa là sự thật, nó đã bị chính nó lừa. Chẳng hạn, bị ông Nguyên vụt roi mấy trận là do nó câu trộm cá trong ao, hái trộm ổi trong vườn nhà ông bị bắt quả tang, thì nó tố rằng ông luôn luôn mưu toan bóc lột gia đình nó, cướp cả gạo nhà nó, cho nên nó chống lại áp bức thì bị ông đánh đập. Lúc nói đến những chi tiết đại loại như vậy, nó xúc động đến long lanh nước mắt và rung cả người lên trong mối căm thù giai cấp mà bây giờ nó bắt đầu ý thức được. "Đả đảo! Đả đảo tên địa chủ Nguyễn Nguyên!". Tiếng những người cùng giai cấp của nó hô vang trời, càng kích động nó. Như bị ma ám, thằng Tèo chu du trong một thế giới của địa ngục đấu tố mà nó là kẻ cầm thanh gươm của thần ác trừng trị những con người tội lỗi từ trần thế bị tập trung về đây. Từ đó, thói đấu đá đã nhiễm vào máu Hoàng Phu. Đấu đá đem lại lợi ích cho lão, cũng khoái. Đấu đá đem lại nỗi thống khổ cho người khác, cũng khoái. Mà đấu đá vô bổ, cũng khoái. Cứ đấu đá, tố giác, vạch tội... là khoái. Đấu đá đã trở thành niềm say mê của lão. Trên đời này, có người nghiện ma tuý, khi xài ma tuý thấy cuộc đời bay lên cõi tiên. Có người nghiện rượu, khi nốc rượu thấy đời mình chu du cùng cõi mộng. Có người nghiện đàn bà, khi chơi đàn bà thấy mình lạc vào cõi thiên thai. Còn thằng Tèo, và sau này chính là Chủ tịch Hoàng Phu, thì đấu tố là cơn nghiện truyền kiếp, đem lại cho lão khoái cảm của cả ba loại nghiện nói trên cộng lại. Trở lại chuyện thẳng Tèo lúc bé, sau vụ đấu tố thắng lợi vĩ đại ấy, cả nhà thằng Tèo trở thành lực lượng nông dân nòng cốt, không những được chia ruộng vào loại thượng đẳng điền, mà còn được ưu ái biết bao nhiêu điều trong suốt quá trình sống sau này. Cái thời của chủ nghĩa lý lịch, thì lý lịch trong sạch như thằng Tèo là một đặc ân trời ban. Nó như một tờ giấy thông hành vào đời đầy uy lực, có khả năng mở mọi cánh cửa cho Tèo thung dung đi vào. Cũng từ sự kiện này, một nhận thức về cuộc sống đã nhập ngay vào tiềm thức thằng cu Tèo là hại người cũng nhiều khi làm lợi cho mình.

Ngụp lặn trong cuộc sống đói khổ ở nông thôn, thằng Tèo nhận thức được từ rất sớm rằng cái khổ là do cái dốt, cái nghèo đem lại. Phải vượt qua cái dốt, cái nghèo mới hòng ngẩng mặt nhìn trời. Cho nên nó rất ham học. Ham học cộng với sáng dạ, Tèo học lớp nào lên lớp ấy. Thi đại học đỗ cao, lại là thành phần bần nông, Tèo dễ dàng được chọn đi học nước ngoài. Hồi ấy, chúng ta có cả một phe Xã hội chủ nghĩa làm hậu thuẫn, một chỗ dựa vững chắc cho chúng ta xây dựng đất nước. Đó là nơi giúp chúng ta đào tạo biết bao cán bộ cho Chủ nghĩa xã hội ở quê hương ta, mảnh đất nghèo nàn lạc hậu. Tèo được học ở Cộng hoà dân chủ Đức. Đó là đất nước có nền kinh tế phát triển vào loại nhất phe xã hội chủ nghĩa. Tèo vừa chịu khó học, vừa chịu khó tích cóp, mua bán. Cho nên bên cạnh tấm bằng đỏ tốt nghiệp đại học, Tèo còn có khá nhiều tài sản đem về theo, và đặc biệt hơn là đem theo về biết bao mánh lới làm ăn.