Giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Dịch vụ du lịch xanh đã và đang trở thành một nguyên tắc, một xu thế chung để phát triển du lịch bền vững. Đó là loại hình dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

dulichtamdao-1698376867.jpg

Khu du lịch Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Phát triển dịch vụ du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, còn mang tính tự phát, chưa được quy hoạch một cách bài bản, chi tiết nên việc thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa kêu gọi được các tập đoàn lớn vào đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, lao động trong ngành du lịch chuyên môn còn thấp, những chỉ tiêu đánh giá tác động lên kinh tế, tác động lên phân hệ sinh thái tự nhiên, tác động lên phân hệ xã hội và nhân văn chưa bền vững.
Dưới đây tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản, đồng bộ trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đối với cơ quan nhà nước, đối với doanh nghiệp, với người dân và du khách nhằm góp phần phát triển theo hướng bền vững du lịch tại Vĩnh Phúc trong thời gian tới. 
    1. Đối với Nhà nước và chính quyền địa phương
    1.1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, ban hành cơ chế, chính sách về phát triển dịch vụ du lịch xanh
Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần tham gia trong hoạt động phát triển dịch vụ du lịch xanh như doanh nghiệp, cư dân, đội ngũ cán bộ làm du lịch,…
Xây dựng cơ chế, chính sách trong liên kết chuỗi dịch vụ du lịch xanh, ví dụ như: kết hợp giữa du lịch văn hóa – tâm linh với du lịch cộng đồng, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,…
Ban hành quy định về việc cung ứng các sản phẩm phụ trợ, bao gồm:
+ Dịch vụ ăn uống: sử dụng các vật dụng xanh, thân thiện với môi trường như cốc giấy, túi giấy, bát giấy,…
+ Phương tiện đi lại, di chuyển: sử dụng xe điện, xe đạp,…
    1.2. Tổ chức huy động nguồn lực phục vụ đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch xanh
Cần tổ chức huy động các nguồn lực cần thiết phục vụ đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch xanh, bao gồm:
Nguồn lực về vốn: 
+ Thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch, trong đó có PT DVDLX trên địa bàn toàn tỉnh. 
+ Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau. Tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tư nhân với nhà nước; mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Đồng thời, việc thu hút đầu tư phải đi song hành với cam kết bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, dòng chảy, giữ gìn cây cối lâu năm,..
Nguồn lực về nhân lực: Tổ chức tuyển dụng đội ngũ làm du lịch thông qua các tiêu chí xây dựng trong bài viết, bài phỏng vấn,… để bảo đảm lựa chọn được nhân lực có trình độ, kỹ năng, đam mê trong lĩnh vực du lịch cùng với nhận thức về bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững, hướng tới mỗi thành viên trong đội ngũ làm du lịch đều là đại sứ du lịch của tỉnh.
Nguồn lực về cung ứng sản phẩm đầu vào: Tăng cường sự hợp tác, liên kết của nhiều nguồn cung cấp sản phẩm đầu vào để bảo đảm sự bền vững và cung cấp các giá trị xanh như khách sạn, nhà hàng, đơn vị cung cấp sản phẩm hữu cơ,…
1.3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch
    Có cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn phục vụ tốt yêu cầu công tác.
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch. 
Một số giải pháp đề xuất: 
- Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách đào tạo, bồi dưỡng đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương bảo đảm không trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 - Để thu hút và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch nói riêng và các ngành khác nói chung.
 - Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, có chính sách ưu tiên và lựa chọn những cán bộ có nhiều sáng kiến phát minh, có năng lực đi đào tạo ở các địa phương có ngành du lịch phát triển. 
Hơn nữa, cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dân địa phương về cách làm du lịch, thông thạo tiếng địa phương (nếu có) để mỗi người dân đều là hướng dẫn viên chuyên nghiệp và định hướng du khách các hoạt động trong quá trình sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch xanh trên địa bàn tỉnh.
1.4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về phát triển dịch vụ du lịch xanh
Tăng cường tuyên truyền về các sản phẩm dịch vụ du lịch xanh trên hệ thống thông tin đại chúng: Trước hết là Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, sau đó thông qua các cơ quan báo chí, truyền thống Trung ương như VTV,… để góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch xanh của tỉnh đến công chúng.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về phát triển dịch vụ du lịch xanh để mỗi người dân và mỗi thành viên trong doanh nghiệp đều là đại sứ du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần tạo lập và nâng cao hình ảnh của du lịch Vĩnh Phúc trong cả nước, khu vực và trên thế giới để thu hút du khách và nguồn vốn đầu tư.
Xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin về du lịch Vĩnh Phúc, về tiềm năng và con người Vĩnh Phúc cho khách du lịch. Tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, đặt các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Phúc. 
    1.5. Tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động phát triển dịch vụ du lịch xanh
Tổ chức định kỳ, đột xuất các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh du lịch về việc thực hiện quy định của pháp luật trong kinh doanh khách sạn, nhà hàng và quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong kinh doanh,... nhằm kịp thời phát hiện và xử lý. 
Xây dựng, công khai khung tiêu chí cũng như mức phạt hành chính cụ thể đối với từng hành vi vi phạm trong hoạt động phát triển dịch vụ du lịch xanh. 
Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong xúc tiến, thu hút, kiểm tra, thẩm định, quản lý đầu tư một số dự án và phối hợp quản lý tài nguyên du lịch tự nhiên.
    2. Đối với doanh nghiệp
    Cần xây dựng, cung ứng dịch vụ du lịch phải bảo đảm phù hợp với chiến lược, quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động để nâng cao chất lượng phục vụ.
Tích cực nghiên cứu và đẩy mạnh việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Chủ động, tích cực trong nhận thức và tổ chức việc cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch nhằm tối đa hoá lợi nhuận kết hợp bảo đảm môi trường phát triển ổn định, bền vững.
Chủ động xây dựng liên kết chuỗi dịch vụ du lịch xanh giữa các doanh nghiệp. Cung ứng các sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống bảo vệ môi trường: cốc giấy, bát giấy, túi giấy,… Và đặc biệt, nhà hàng phải cung cấp tháp dinh dưỡng gắn với từng sản phẩm cung cấp.
Cần phải có chính sách ưu đãi về tài chính cho doanh nghiệp, cá nhân có sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế.
Đây chính là sự khuyến khích đối với doanh nghiệp, cá nhân để thúc đẩy họ sáng tạo, đổi mới, tìm ra những sáng kiến phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế; hoặc có trách nhiệm đầy đủ với hoạt động BVMT và gây ONMT. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch mới có thể PTBV, góp phần vào PTBV của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và của cả nước nói chung.
3. Đối với dân cư tại điểm du lịch
    Cộng đồng địa phương Vĩnh Phúc có quyền tham gia, hưởng lợi ích từ hoạt động phát triển bền vững du lịch, có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa của địa phương, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường tại những khu du lịch: Tam Đảo, Thiền viện Trúc Lâm, Đầm Vạc... Thực hiện việc đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ bền vững theo quy hoạch của Vĩnh Phúc về sản phẩm, phương tiện, cơ sở hạ tầng,... và pháp luật quy định của từng loại nhất định. Phát huy thế mạnh của những hiệp hội, làng nghề trong công tác tương hỗ về nghề nghiệp, mở rộng quy mô, xây dựng môi trường kinh doanh của từng loại hình sản phẩm.
Cùng với cơ quan chức năng giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, quản lý di sản, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, văn hóa, bảo vệ phát triển rừng, kinh doanh dịch vụ du lịch, in ấn phẩm, tuyên truyền, quảng cáo... của doanh nghiệp và các đối tượng trên địa bàn.
Thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải, nước thải trước khi đưa ra môi trường; tích cực hưởng ứng và tham gia vào các phong trào làm sạch môi trường tại địa phương.
Hưởng ứng và duy trì cùng với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước
trong việc triển khai chương trình phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái như cung cấp điểm đến, cơ sở lưu trú, thực phẩm, sản phẩm lưu niệm.
    4. Đối với khách du lịch    
    Du khách được cung cấp đầy đủ thông tin trung thực thông qua các phương tiện truyền thông liên quan về địa điểm đến, những đặc điểm sinh thái, thời tiết, giao thông, dân số... Thông qua những thông tin này, du khách tự điều chỉnh hành động và chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi.
Tham gia đóng góp ý kiến sau hành trình tham quan tại điểm du lịch về cách thức phục vụ, cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm du lịch, môi trường, con người, ẩm thực… để các doanh nghiệp và chính quyền địa phương có sự điều chỉnh phù hợp. Thực hiện nội quy những khu du lịch, địa điểm du lịch, cơ sở dịch vụ cung ứng dịch vụ du lịch của Vĩnh Phúc.
Thanh toán những khoản phí theo pháp luật, đúng yêu cầu của nhà cung cấp.