Họ Hà-Tiên Điền ngày nay là một chi của dòng họ Hà làng Tĩnh Thạch huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang (nay là xã Tùng Lộc huyện Can Lộc) đến làm ăn rồi định cư ở làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh cho tới thế hệ Hà Văn Tấn là đời thứ 15.
Hà Văn Tấn sinh năm 1937 trong một gia tộc có truyền thống hiếu học và nhiều người đỗ đạt. Được tiếng là con nhà dòng dõi thi thư nhưng sinh sống trên vùng đất cát bạc màu thuở ấy cả làng đều nghèo khó. Sản nghiệp nhà anh tuy được xếp vào loại trung lưu nhưng phải có thêm nghề phụ là làm nón mới tạm đủ cho cuộc sống đạm bạc “Sáng khoai trưa khoai tối khoai-khoai ba bữa...”
Vốn thông minh sáng dạ ngay từ lúc còn niên thiếu, khi học trường Trung học (cấp 2) Nghi Xuân do nhà giáo Nguỵ Cao Hiền dạy giỗ, rồi những năm học Trường cấp 3 Phan Đình Phùng-Hà Tĩnh được các nhà giáo giỏi như Trần Quốc Nghệ (Hương Sơn) Trần Đình Đàn (Quảng Nam)... tận tình kèm cặp nên Hà Văn Tấn không chỉ ‘'... ham học mà còn biết cách học...'’ để trở thành học sinh giỏi toàn diện qua ba năm đèn sách. Tiếp đó Hà Văn Tấn một mình khăn gói ra Bắc thi đỗ trường Đại học Văn khoa Hà Nội, được xếp vào học khoa Sử Địa, sau Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng một khoá. Kỳ thi tốt nghiệp năm 1957, Hà Văn Tấn đỗ Thủ khoa, được nhà trường giữ lại làm Trợ lý giảng dạy môn Lịch sử khi anh vừa tròn 20 tuổi.
Phấn khởi và có phần tự hào khi được làm giảng viên ở một trường đại học danh tiếng của nước ta thời bấy giờ nhưng đi kèm là nỗi lo “bất cập trình độ” trong quá trình làm việc. Bối cảnh nghiên cứu Lịch sử Việt Nam cổ đại phần lớn chỉ được khái quát từ huyền thoại và các truyện cổ tích, hoạt động Khảo cổ học bước đầu chỉ mới có một số khu di chỉ và hiện vật do các nhà khoa học người Pháp tổ chức khai quật và lưu giữ tại Viễn Đông bác cổ, chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc giảng dạy và học tập bộ môn này một cách có hệ thống. Biết được khó khăn nghề nghiệp và nỗi niềm của Hà Văn Tấn, Giáo sư Đào Duy Anh-một tấm gương sáng về “tự học tự đào tạo” động viên anh:”... Muốn tự học để nâng cao trình độ chỉ có cách là đọc sách, phần lớn là sách ngoại văn, mà muốn đọc sách ngoại văn thì phải nắm vững ngôn ngữ...”
Ở thời điểm đó, vốn liếng chữ Hán Nôm của Hà Văn Tấn cũng kha khá vì được chú là Phó bảng Hà Văn Đại và cha kèm cặp, tiếng Pháp tiếng Anh đã học qua phổ thông nhưng phải bồi dưỡng thêm. Lên đại học, tiếng Nga là môn chính, anh lại tự học tiếng Đức và tiếng Nhật (qua tiếng Nga). Giáo sư Đào Duy Anh còn nhắc nhở: “... Muốn hiểu biết rộng và hiểu sâu Lịch sử, Văn hoá Việt Nam ta thì phải hiểu Lịch sử, Văn hoá Trung Quốc và cả Ấn Độ. Lời khuyên đó lại thúc dục Hà Văn Tấn tìm cách học thêm tiếng Phạn (Sanskrit - chữ Ấn Độ cổ).
Sau mấy năm cần mẫn và kiên trì học tập, Hà Văn Tấn đã tự trang bị cho mình cái vốn liếng 7 ngoại ngữ làm chìa khoá mở rộng cánh cửa tìm hiểu chân trời tri thức kim cổ tây đông và tiếp cận với nền học thuật hiện đại về Khảo cổ học thế giới. Những sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp và trường Đại học Sư phạm Hà Nội được tiếp thu ở người giảng viên trẻ những bài học lịch sử với tư duy mạch lạc, kiến thức rộng và sâu sắc, dễ hiểu và nhớ lâu. Từ kinh nghiệm của bản thân và học hỏi ở nhiều đồng nghiệp, Hà Văn Tấn đã đề xuất và cho ra đời giáo trình bộ môn “Phương pháp luận sử học” và anh là người đầu tiên được nhà trường giao nhiệm vụ Tổ trưởng bộ môn đó.
Bước chân Nhà Khảo cổ học Hà Văn Tấn đã in dấu ở hầu khắp các di chỉ quan trọng trên mọi miền đất nước. Vượt qua những khó khăn phức tạp về địa hình địa mạo, sự khắc nghiệt của thời tiết khí hậu và những thiếu thốn trong sinh hoạt đời sống, anh cùng đồng nghiệp đã cần mẫn và bằng mọi cách tìm ra dấu tích, qua đó xác định niên đại các tầng vỉa văn hoá, văn minh của người Việt cổ. Trong đó ba di chỉ trọng điểm được các nhà khảo cổ học đặc biệt quan tâm là: Đông Sơn (Thanh Hoá, đại diện khu vực phía Bắc, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), đại diện khu vực miền Trung và Óc Eo (An Giang) đại diện khu vực phía Nam... phát hiện nhiều hiện vật như trống đồng, rìu đồng, mộ chum “...mang tính bản địa không có sự du nhập ngoại lai, là ba cái nôi văn minh làm nên Tam giác văn hoá của người Việt trên lãnh thổ nước Việt Nam...”
Tháng 5 năm 1974, mặc dù đang chiến tranh, Hà Văn Tấn, Phó Giáo sư Hoàng Xuân Chinh vẫn cùng đoàn chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Thực tập sinh Đại học Tổng hợp Hà Nội đã về thăm dò thám sát bãi Phôi Phối (dân địa phương gọi là Bãi Cọi) ở xã Xuân Viên huyện Nghi Xuân, di chỉ Rú Dầu ở xã Đức Đồng huyện Đức Thọ, di chỉ Làng Vạc xã Nghĩa Hoà huyện Nghĩa Đàn... khai quật lên nhiều hiện vật thuộc thời kỳ đồ đá như rìu mài, công cụ ghè đẽo để có thêm tư liệu minh chứng cho vùng đất Nghệ Tĩnh từng là nơi sinh sống của người Việt cổ.
Điểm nổi bật của người giảng viên trẻ khi bắt tay vào nghiên cứu khoa học là năng lực tư duy và tiếp cận vấn đề nhanh, có cách nhìn rộng và sâu, lý giải vấn đề một cách thuyết phục. Được Bộ Giáo dục và Lãnh đạo nhà trường khuyến khích ủng hộ, anh đã cùng đồng nghiệp Trần Quốc Vượng nghiên cứu sâu Lịch sử Việt Nam cổ đại để viết chung một số tác phẩm:
- Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam (NXB Giáo dục-1960)
- Vấn đề người Indonesien và loại hình Indonecien trong thời đại nguyên thủy Việt Nam.
- Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
- Sơ yếu Khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam.
Những kết quả bước đầu đã tạo niềm tin để hai giảng viên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo tài liệu biên soạn bộ giáo trình môn “Cơ sở Khảo cổ học” (Đại học Tổng hợp Hà Nội-1975) Đây là một công trình biên soạn công phu, tổng quát các thời kỳ đồ đá, đồ đồng đến đồ sắt... theo từng giai đoạn từ sơ sử, tiền sử... được trang bị cả lý luận sử học và các phương pháp nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.
Với vốn kiến thức rộng, Hà Văn Tấn còn nghiên cứu và viết “Ứng dụng thống kê toán học trong Khảo cổ học“ hoặc “Toán xác suất thống kê áp dụng trong Khảo cổ học” giúp sinh viên và các nhà nghiên cứu đi vào thực tế hoạt động Khảo cổ. Với cương vị Trưởng bộ môn Khảo cổ học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi Viện trưởng Viện Khảo cổ thuộc Ủy ban KHXH, Giáo sư Hà Văn Tấn trong gần nửa thế kỷ qua đã góp công sức và trí tuệ đào tạo cho nước nhà rất nhiều thế hệ người làm Sử học, trong đó có 20 Tiến sỹ chuyên nghành Khảo cổ. Năm 1984, khi mới 43 tuổi, Hà Văn Tấn đã được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư rồi Giáo sư Khảo cổ học. Trên hành trình không mệt mỏi trong môi trường Khoa học xã hội rộng lớn, Giáo sư Hà Văn Tấn là một trong những chuyên gia đầu ngành về Lịch sử, Khảo cổ học và là một nhà khoa học khá uyên bác trong nhiều lĩnh vực khác như: Nhân chủng học, Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Phật giáo học... Ông được mời giảng dạy một số trường Đại học ở Cộng hoà Pháp, Hoa Kỳ... tham gia nhiều hội thảo quốc tế về Khảo cổ, Phật giáo, Lịch sử...
Từ một tác phẩm khảo cứu đầu tay khi mới ra trường là Chú thích và hiệu đính cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi do Cử nhân Hán học Phan Duy Tiếp dịch năm 1960, Giáo sư Đào Duy Anh và các đồng nghiệp đánh giá là rất công phu và nghiêm túc. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc nhận xét: “...Đọc phần hiệu đính và chú thích Dư địa chí của cụ Ức Trai, tôi cứ ngỡ người làm công việc này là một bậc túc Nho, bởi muốn dẫn dụ, hiệu chỉnh đúng điển tích chữ nghĩa trong văn bản phải tham khảo nhiều của Trung Quốc và Việt Nam...”
Năm 1965, một cột kinh Phật bằng tiếng Phạn-Ấn Độ được phát hiện ở Hoa Lư-Ninh Bình, Hà Văn Tấn đã đọc ghi âm, dịch thuật chuyển sang chữ Hán. Sau khi đối chiếu với 16 dị bản, anh đã xác lập cơ sở để khôi phục “Bản kinh Phật đỉnh tôn thắng Balani", góp phần soi sáng những đặc trưng của Phật giáo Việt Nam để hơn 20 năm sau đó, mở rộng việc tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử tôn giáo, Giáo sư Hà Văn Tấn được tín nhiệm làm Chủ biên bộ sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội-1988) và cuốn Chùa Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội (1993).
Mở rộng địa hạt nghiên cứu, Giáo sư Hà Văn Tấn đã cùng một số cộng sự tổ chức điền dã khai thác nhiều nguồn sử liệu để cho ra đời hàng trăm công trình, hàng chục đầu sách phục vụ học tập và nghiên cứu. Trong đó cuốn sách “Theo dấu Văn hoá cổ” gồm 3 phần: Văn hoá Phùng Nguyên và nguồn gốc dân tộc Việt, Người Phùng Nguyên và đối xứng, Gốm Phùng Nguyên đến Trống đồng có độ dày 851 trang đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000. Cũng trong dịp đó, Giáo sư Hà Văn Tấn đón nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân.
Năm 2012, sức khỏe có phần giảm sút nhưng Hà Văn Tấn vẫn cố gắng cho ra đời tập sách “Chữ trên Đá, Chữ trên Đồng-Minh văn và Lịch sử” tập hợp những vấn đề mà ông tâm đắc, nhất là hoạt động của đạo Phật ở nước ta trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Giáo sư Hà Văn Tấn còn công bố nhiều công trình khoa học về Khảo cổ bằng tiếng nước ngoài...
Năm 2017, NGND - Giáo sư Hà Văn Tấn đi qua cái tuổi ‘'bát tuần". Cơn bạo bệnh không cho phép ông tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người và khám phá “đất nước, con người của muôn năm cũ”, làm sáng tỏ hơn cái hồn cốt dân tộc Việt Nam trải qua trường thiên lịch sử. Biết vậy nên trong cuốn sách nhiều người viết về ông, Giáo sư Hà Văn Tấn đã gửi gắm bộc bạch lòng mình:
“... Cổ nhân viết:
Nhìn về trước thấy đâu người cổ
Ngó về sau chẳng có một ai
Mênh mông giữa cõi đất trời
Đau thương dòng lệ tuôn dài cô đơn
Còn tôi, hơn bốn mươi năm qua, tôi đã tìm được dấu vết người xưa và thấy cả một lớp người sau đang hào hứng đi tới... Cũng nên khóc vì hạnh phúc !
Tấm gương sáng về lối sống thanh đạm gắn liền với quá trình “tự đào tạo” và lao động khoa học không mệt mỏi của NGND - Giáo sư Hà Văn Tấn, một trong Tứ trụ đương đại của khoa học Lịch sử Việt Nam vẫn được bạn bè đồng nghiệp cùng nhiều thế hệ học trò ngưỡng mộ.
Đ.N
Tài liệu tham khảo
- Địa chí huyện Nghi Xuân
- Người Nghi Xuân
- Kỷ yếu Đại học Tổng hợp Hà Nội
- Lịch sử Hà Tĩnh
- Từ điển Nhân vật Xứ Nghệ