Giới thiệu về truyện ký “Tình yêu người lính”

Đặng Văn Hương

02/10/2021 15:31

Theo dõi trên

Do dịch bệnh covid -19 nên truyện ký Tình yêu người lính của tác giả Đặng Văn Hương, tuy đã được Nhà xuất bản Thanh Niên in xong nhưng phát hành chậm mất vài tháng, nay (25/9/2021) đã ra mắt, được nhiều độc giả đón nhận. Truyện gồm 8 chương 37 mục, số lượng là 362 trang khổ 13*20 cm, bìa bốn màu trang nhã, có hình ảnh đoàn quân và đôi bạn yêu nhau.

gioi-thieu-ve-2-1633162968.jpg
Bìa của truyện tình yêu người lính

Tình yêu người lính, thể loại là truyện ký, sự kết hợp giữa hồi ký với truyện nhưng hồi ký là nòng cốt, tỷ lệ nội dung chiếm đa phần, còn Truyện là phần "bồi đắp" thêm cho hồi ký tăng thêm sự lãng mạn, sự xúc tích. Đặc biệt là mỗi chương, mục đều có những bài thơ hay, ý nghĩa tăng thêm sự mềm mại của nội dung.

Bối cảnh của truyện được diễn ra trong thời gian từ sau năm 1975 đến 1982, thời kỳ đất nước ta cùng một lúc phải thực hiện hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc và Tây Nam; trong hoàn cảnh bị các nước cấm vận, bao vây, tình hình kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân vô cùng thiếu thốn, khó khăn.

Đọc tên Truyện, không ít độc giả chỉ nghĩ đến tình yêu đôi lứa của những người lính với những cô gái xinh đẹp - quả là không sai! Nhưng nội dung Truyện ký cho thấy: Tình yêu là tình yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu quê hương làng xóm, yêu gia đình, yêu đồng đội và cuối cùng là tình yêu lứa đôi phát triển trong những tình yêu to lớn, giàu tính nhân văn, cao thượng. Truyện ký mang tính Đảng, tính Nhân dân, tính Dân tộc, tính Đại chúng... được thể hiện ngay từ lúc mở đầu truyện.

Trước hết, tính Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam) xuyên suốt trong mọi hoạt động của các đơn vị, cơ quan, dòng họ, gia đình, con người... là luôn luôn có sự lãnh đạo của Đảng và kết quả luôn thành công, rất nhân văn. Toàn bộ 37 mục của Truyện luôn có đảng viên lãnh chỉ đạo từ việc nhỏ của gia đình, dòng họ, chi bộ, đơn vị quân đội, cơ quan trường học. Đại đội trưởng Bình là đảng viên đã chỉ huy đơn vị làm đường, xây chốt, đánh trả bọn bành trướng xâm lược. Đảng viên, bí thư chi bộ như ông Bốn (bản Mù Mây), ông Thành (chi bộ 5, Tứ Mỹ) đến đảng viên Thủy, (văn phòng đảng ủy xã), đảng viên Thắng, (cán bộ tổ chức huyện ủy), đảng viên đang có chức quyền ở trường dạy nghề Vĩnh Phú, đại học Y... nêu cao trách nhiệm của người đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ rất tốt, không tham lam, phiền hà nhân dân, rất liêm chính (đảng viên Thắng nghèo khó đến mức con dâu đẻ ăn cơm trộn chuối xanh, không đủ dầu hỏa thắp đèn). Đảng ta cương quyết kỷ luật nghiêm minh với kẻ xấu, "con sâu" như: Lãm Lặn, Cưỡng, Tý nhân viên văn phòng... biểu hiện kiêu căng, tham lam, vòi vĩnh quà cáp. Sự hy sinh vì Tổ quốc của những người lính: anh Huy, anh Tạo, anh Sửu... và sự mất mát cơ thể con người của Tuấn, của Tuân cùng sự thiệt thòi trên con đường công danh vì phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Trong dòng họ Đặng, đảng viên Tuệ luôn giáo dục mọi người trong gia đình phải học tập, lao động và cống hiến cho Tổ quốc. Ông Bốn, trưởng dòng họ Lò là đảng viên giải quyết việc của gia đình ông Dần rất đúng, hợp lý hợp tình.

Đặc biệt, Tuấn từ người lính, một học sinh giỏi được quân đội, Đảng ta rèn luyện trở thành đảng viên, có lý tưởng yêu nước cao cả, sãn sàng từ bỏ giảng đường đại học để đi học sỹ quan công binh, nguyện cống hiến cả cuộc đời cho quân đội, vì nhân dân quên mình nhưng bị thương phải trở về trường đại học Y Thái Nguyên, trong bất kỳ công việc gì của bản thân, bạn bè, tập thể,... Tuấn luôn thể hiện tính cách mạng, gương mẫu của người đảng viên, vì mọi người, vì tập thể...quên quyền lợi của mình.

Tính Nhân dân, đại chúng được thể hiện thông qua một số nhân vật trong truyện là: bà bán nước, ông Hứa lái đò, hành khách trên tàu, sinh viên trường Y, người dân quê làm ruộng, những người trong gia đình ông Dần, dòng họ Đặng... đến thành phần công chức, bộ đội, y tá, bác sỹ đều mang một phong cách sống tự nhiên, rất lạc quan trong sự nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn và rất tích cực hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị công tác. Lời nói, câu chuyện, bài thơ của họ mang tính nhân dân, đại chúng mộc mạc, giàu tính giáo dục, nhân văn, luôn mong muốn điều tốt lành đến với con người. Điều nổi bật là nhân dân tuy còn nghèo khổ nhưng rất yêu thương giúp đỡ bộ đội - chính là yêu nước vì người lính bảo vệ Tổ quốc.

Tính dân tộc được thể hiện rất rõ nét trong đám cưới của Xuân, trong câu hát, câu nói... bằng tiếng dân tộc, món ăn ngon của dân tộc. Cao quý nhất của tính dân tộc là bảo vệ chủ quyền, độc lập tự do cho Dân tộc Việt Nam bằng bài thơ Nam Quốc sơn hà Nam đế cư không có gì quý hơn độc lập tự do! trong Bảo tàng Việt Bắc.

Tình yêu nổi bật là tình yêu Tổ quốc, mỗi người lính chiến đấu ở biên giới phía Bắc, phía Tây Nam bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, vì yêu đất nước, nhân dân mà sãn sàng hy sinh tất cả. Sau đó là tình yêu đồng đội trong lao động vất vả, trong chiến đấu hy sinh, giúp đỡ nhau tiến bộ (Sửu vi phạm quy định được giúp đỡ tiến bộ thành học viên trường sỹ quan công binh), đồng đội luôn thương yêu giúp đỡ nhau (trong làm đường, trong xây dựng hầm hào và chiến đấu bảo vệ biên giới, trong đời sống thường ngày...) dù là người lính tham gia trong cuộc chiến nào, dù trong các đơn vị khác nhau. Cao cả hơn nữa là Tuấn đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho Lò A Sửu với Xuân, cùng cu Hợi, "giọt máu cuối cùng" của Sửu. Tình yêu đồng đội thể hiện qua tình cảm của Tuấn với Tuân, với An, với Nhinh... Tình yêu của Huyền với Tuân; Xuân với Sửu, sau này với Thu; mối tình thơ mộng của Xuân với Tuấn, Huyền với Tuấn được giải tỏa dần dần, hợp lý hợp tình.

gioi-thieu-ve-1-1633162918.jpg
Tác giả trao tặng truyện ký Tình yêu người lính cho đại tá Đinh Công Vĩnh.

Xuyên suốt qua toàn bộ Truyện là tình yêu của Tuấn với Phương rất bình thường từ tình bạn lúc học phổ thông đến tình yêu của nữ sinh trường Mỏ với người Lính biên giới, trải qua nhiều gập ghềnh, phức tạp của tình cảm con người trong hoàn cảnh phức tạp của cuộc sống. Có nhiều giai đoạn mỏng manh trong mối tình tay ba, éo le dễ đổ vỡ ... Đôi bạn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, chân thành, thẳng thắn, trung thực, tình cảm, chung thủy vượt qua mọi khó khăn, vất vả để có "tình yêu - tri kỷ" mức độ cao nhất của tình yêu lứa đôi. Tình yêu của đôi bạn phát triển trong sự phát triển của từng người về thể chất, tinh thần, trí tuệ và tình yêu toả sáng cho tình yêu lứa đôi khác. Tình yêu của đôi bạn Tuấn với Phương rất tế nhị, giữ gìn, trong sáng và trọn vẹn đến giây phút hạnh phúc của đêm tân hôn.

Bàn về nghệ thuật của truyện này, trước hết là một thể loại truyện ký, kết hợp giữa Hồi ký với Truyện nhưng Hồi ký là nòng cốt, chiếm tỷ lệ lớn nội dung, nghệ thuật nên sự kiện, sự việc là rõ ràng, đủ sức thuyết phục người đọc. Trong Truyện nghệ thuật tả cảnh, tả người, chỉ có một chút vừa phải để làm nổi bật vẻ đẹp của người, của sự việc. Trong truyện ký này, tiếng chim hót, tiếng sáo diều, loa phát thanh được đưa vào hợp lý làm tăng thêm chất lượng của nội dung.Tác giả dùng tiếng chim hót nhiều lần, rất khéo léo, rất tinh tế... trong từng lúc tâm trạng của Tuấn vui, buồn, mệt nhọc... như lời động viên, lời khen. Tiếng loa phát thanh được đưa vào trong khung cảnh đôi bạn đi chơi với nhau, hôn nhau...làm tăng thêm tình yêu của họ.

Truyện ký có số lượng nhân vật "chủ chốt " khiêm nhường: Tuấn, Phương, Xuân, Sửu, Huyền và Tuân, trong đó Tuấn với Phương là nhân vật chính nhưng không có nhân vật nào bị bỏ quên, xuất hiện từ đầu và kết quả cụ thể ở mục sau làm người đọc thoải mái, hầu như không còn băn khoăn về nhân vật nào nữa?! Nhân vật suy tư, nội tâm sâu sắc, sinh động, điển hình là Tuấn, nghĩ đến nhiều phương án, nhiều vấn đề phát sinh, kết quả của từng phương án...

Tính logic, khoa học, chặt chẽ, câu từ... đạt chuẩn, "toán trong văn và văn trong toán". Nghệ thuật lồng ghép tiếng nói, lời khen, chê của nhân vật phụ làm nổi bật lên tính cách, tình hình phức tạp và kết quả đạt được của nhân vật chính, sự việc. Tác giả rất khéo sắp xếp tình tiết, sự việc sao cho kết thúc một mục, lại có vài mâu thuẫn cần phải giải quyết nhưng lại ở mục sau, làm độc giả suy nghĩ, dự đoán, mong đợi tiếp theo sẽ là gì?

Tác giả là người đã có nhiều thời gian công tác, sinh sống ở nhiều vùng miền, nhất là miền núi,...Tác giả đã đọc nhiều sách vở, tài liệu và có kiến thức, năng khiếu về: Toán, Văn thơ, Vật lý, Hội hoạ, Tâm lý học, Văn hóa ẩm thực, Văn hóa dân gian... một chút tiếng Tày, Thái, Anh đã đưa vào tác phẩm rất hay. Tác giả sáng tác và sử dụng... trên 50 đoạn thơ, bài thơ nhiều thể loại: thơ lục bát, thơ tự do, thơ thất ngôn, thơ bút tre.... đưa vào đúng nội dung truyện, thật là nhẹ nhàng, hấp dẫn. Khi viết về đôi nam nữ đi chơi, ngồi chơi trong phòng, trong khuôn viên trường, ở làng quê, đặc biệt là lúc chỉ có hai người trong phòng tắt đèn, đêm tân hôn... thực là rất khó viết, viết thô thiển thì không hay tí nào, viết sơ xài thì không đạt được mong muốn của độc giả?! Tác giả đã viết như thế trong Truyện ký này là khá "điêu luyện, nghệ thuật", độc giả đều hình dung ra được điều gì đã xảy ra. Những mục cuối cùng của truyện, tập trung rất nhiều sự kiện, sự việc trọng tâm, dồn nén của các mối quan hệ giữa các thành viên, đối tượng và kết quả thật là mỹ mãn, có hậu và " chốt lại " những gì đã nêu ở những mục trước.

Theo nhiều ý kiến của độc giả, truyện ký sau khi xuất bản sẽ phát hành rộng rãi cho bạn đọc gần xa, nhất là những Cựu chiến binh, người lính. Hơn nữa nội dung truyện ký có thể xây dựng thành kịch bản phim truyện và có một bộ phim về Người Lính trong thời kỳ hậu chiến tranh chống Mỹ rất ý nghĩa, mang tính giáo dục tốt.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Giới thiệu về truyện ký “Tình yêu người lính”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Hoa Dang

Hoa Dang

09:43 03/10/2021

Các câu chuyện đều ý nghĩa sâu sắc và cảm động!

Đặng Văn Hương

Đặng Văn Hương

19:35 02/10/2021

Xin cảm ơn Báo điện tử VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN Việt Nam!