Trải qua 31 năm gắn bó với Dân ca Quan họ, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Hiệp là biểu tượng của lòng đam mê và sự cống hiến quên mình cho di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này. Tiếng hát trong vắt và ngọt ngào bên dòng sông Cầu thôi thúc ông gìn giữ và bảo tồn những gì được coi là tinh hoa nhất của xứ Kinh Bắc.
“Quan họ chọn tôi”
Lớn lên cùng những làn điệu dân ca Kinh Bắc, vào mỗi dịp hội Xuân, ông Hiệp lại cùng những người bạn của mình ra đình làng để được xem Quan họ. Ông chia sẻ, nghe Quan họ, con người ông như trở nên nhẹ nhàng và bay bổng đến lạ, như có gì vừa gắn bó mà lại rất đỗi thân thương, khiến ông say mê mà thuộc lòng từng câu hát.
Năm 1979, chiến tranh biên giới Việt Trung nổ ra, ông cùng những người đồng đội tham gia chiến đấu ở Lạng Sơn với điều kiện sống vô cùng khó khăn. Với giọng điệu ngọt ngào và chất liệu Quan họ sẵn có, ông Hiệp trở thành người lính xung kích trong lĩnh vực văn nghệ của đơn vị, biểu diễn âm nhạc trong quân đội, biến làn điệu Quan họ trở thành món ăn tinh thần, giúp đồng đội quên đi những khó nhọc đang phải trải qua.
Sau kháng chiến, với niềm đam mê mãnh liệt, ông Hiệp tự mình nghiên cứu và sưu tầm các tài liệu về Quan họ. Chưa từng được học qua trường lớp, ông tự mình tìm đến các cựu nghệ nhân Quan họ có tiếng để học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm. Dần dần, ông trở thành giọng ca kỳ cựu có tiếng trong làng Quan họ. Cứ mỗi khi hội hè hay các cuộc thi lớn về Quan họ, cái tên Nguyễn Phú Hiệp luôn là cái tên được khán giả kỳ vọng và mong chờ nhất trong vùng.
Với sứ mệnh bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca Kinh Bắc, năm 1984, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Hiệp đã thành lập Câu lạc bộ Quan họ Thổ Hà với hơn 30 thành viên.
Thuở ban đầu, vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn mà mỗi hội viên khi tham gia câu lạc bộ chỉ cần đóng 1.000 đồng. Để có kinh phí duy trì câu lạc bộ, ông Hiệp đã cùng với anh em nảy ra ý tưởng mời đoàn chiếu phim về làng để bán vé kinh doanh. Với số tiền kiếm được, câu lạc bộ dành hết cho các buổi giao lưu văn nghệ hay những buổi tập cùng nhau. Hiện tại, câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động vào mỗi cuối tuần, thu hút sự tham gia của người dân từ trong làng. Có những cựu thành viên làm ăn xa, mỗi khi về đến làng lại háo hức được đến nhà ông Hiệp để được tham gia vào buổi sinh hoạt Quan họ của làng.
Cái đặc biệt của người nghệ nhân ấy nằm ở chỗ ông chỉ hát Quan họ cổ, Quan họ chay mà không cần sự hỗ trợ của nhạc cụ dân tộc nào. Biến lời ca thành những giai điệu, từng câu chữ nhả ra trọn vẹn, gọn gàng mà da diết thiết tha. Với tình yêu dành cho Quan họ, ông khẳng định: “Chừng nào trái tim tôi còn đập, miệng vẫn còn nói được thì tôi vẫn còn hát Quan họ, đó là điều chắc chắn...”
Từ miền Bắc Việt Nam đến miền Đông Nam nước Pháp
Đầu năm 2012, nghệ nhân Phú Hiệp được chọn là một trong những đại diện di sản Quan họ Bắc sông Cầu nói riêng hay Việt Nam nói chung biểu diễn nhân kỷ niệm 66 năm thành lập Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức tại Paris (Pháp).
Khi đoàn Việt kiều về Việt Nam tìm nghệ sĩ sang Pháp biểu diễn, đã đi hết cả hai tỉnh Bắc Ninh Bắc Giang để tìm ra một giọng ca phù hợp nhưng vẫn chưa thực sự tìm ra một giọng ca ưng ý. Phải đến khi về đến làng Thổ Hà, được nghe tiếng hát của nghệ nhân, mọi người mới thật sự trầm trồ mãn nguyện. GS Trần Quang Hải (con của GS. TS. Âm nhạc Trần Văn Khê) phải thốt lên: “Anh chính là người mà chúng tôi cần tìm.”
Ông Hiệp kể rằng, đây là lần đầu tiên được đi và được biểu diễn ở nước ngoài. Trước chuyến lưu diễn, vì khó khăn về mặt kinh tế mà đã có lúc chuyến đi tưởng chừng như bị huỷ bỏ bởi không chỉ chi phí đi lại mà chi phí ăn uống nghỉ ngơi ở một quốc gia châu Âu cũng vô cùng đắt đỏ. Với tinh thần lạc quan cùng với niềm say mê nghệ thuật, nghĩ đến cơ hội được lan toả vẻ đẹp Quan họ của mình đến với bạn bè quốc tế, ông Hiệp lại vui vẻ động viên anh em cố gắng, cùng nhau vun vén để có thể lên đường.
“Lúc đi thì vất vả như thế, nhưng quá thật, tôi đã có một kỷ niệm xúc động mà có lẽ suốt đời tôi cũng không thể quên”. Nghệ nhân chia sẻ, sau buổi diễn, cả đoàn đang đứng trước Trụ sở UNESCO ở Paris, chuẩn bị nghỉ ngơi để sáng sớm mai bay về Việt Nam thì nhận được bà con kiều bào ở Lyon (cách Paris 500km) vẫn đang chờ đón đoàn về giao lưu biểu diễn. Không nỡ phụ công đợi chờ của họ, đoàn lại tức tốc vượt 500km để tới Lyon. Tại đây, đoàn đã có một buổi diễn giao lưu với bà con, mang tới họ những làn điệu dân ca Kinh Bắc để phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà. “Lúc kết màn rồi khán giả vỗ tay xong chúng tôi đi vào trong nhưng sau đó lại nghe thêm một tràng vỗ tay nồng hậu nữa chúng tôi ra tiếp, cứ thế năm lần như cổ vũ đoàn hát thêm nữa nhưng vì thời gian không cho phép nên đành ngậm ngùi xin lỗi bà con kiều bào”.
Chuyến lưu diễn của anh tại Pháp đã góp phần lan toả những giá trị tốt đẹp của dân ca Quan họ cổ đến với không chỉ bạn bè quốc tế mà còn cộng đồng người Việt tại Pháp. Đồng thời, qua chuyến đi này anh nhận thấy rằng Quan họ cổ không phải là không được lớp trẻ đón nhận mà ngược lại rất hứng thú nhưng do chưa có phương thức lan toả đúng cách. Đây là điều không chỉ nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp mà các nhà nghiên cứu văn hóa khác cũng đang băn khoăn.
“Tôi đến với quan họ là để cống hiến”
Đối với ông Hiệp, đến với Quan họ là cái duyên khó tả. Ông mê Quan họ từ khi còn nhỏ và đến khi tóc đã bạc vẫn một lòng hướng về Quan họ. Đối với ông, mục tiêu phấn đấu trong sự nghiệp theo đuổi nghề này là được cống hiến sức mình cho việc lưu giữ, bảo tồn những gì còn sót lại của Quan họ cổ mà cha ông ta đã tạo dựng từ bao đời. Ngày nay, những thế hệ như nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp vẫn đang giữ gìn bản sắc độc đáo của Quan họ cổ Kinh Bắc.
Mấy chục năm đi hát, trong nhà ông giờ xếp kín những tấm bằng khen, huy chương tại các cuộc thi, các kỳ hội diễn dân ca Quan họ từ Trung ương đến địa phương. Thuở mới vào nghề, ông Hiệp đã đạt Giải A Liên quan Ca nhạc Quan họ các năm 1996, 1997. Với tài năng và những đóng góp của mình cho dân ca Quan họ, năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Năm 2022, một lần nữa ông vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, là danh hiệu cao quý cho nghệ nhân và được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú” vào năm 2023. Đến năm 2024, tư liệu của Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Hiệp được trưng bày tại triển lãm các chuyên đề phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội).
Kết nối truyền thống với thế hệ sau này
"Nói giới trẻ không tiếp nhận văn hóa dân tộc là một sai lầm"! Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Hiệp, người đã dành cả đời gìn giữ và truyền lửa cho Quan họ khẳng định lớp trẻ ngày nay rất thích thú và sẵn sàng tìm hiểu về Quan họ. Tuy nhiên, việc tìm hiểu này chỉ dừng lại ở mức độ tò mò, chứ chưa có nhiều bạn trẻ thực sự đam mê và theo đuổi di sản này.
Một trong những lý do khiến giới trẻ chưa thực sự "mê đắm" Quan họ là do âm nhạc dân gian nói chung, bao gồm cả Quan họ, thường kén khán giả. Việc sân khấu hóa Quan họ để thu hút giới trẻ đôi khi khiến mất đi bản sắc vốn có của loại hình nghệ thuật này.
"Tôi tin tưởng vào tương lai của Quan họ", nghệ nhân khẳng định. "Với sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, Quan họ sẽ tiếp tục vang vọng, tô điểm cho đời sống văn hóa của người Việt". Việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là để lưu giữ lịch sử, mà còn là để nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp những giá trị nhân văn cao đẹp cho thế hệ tương lai.
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Hiệp chính là "kho tàng sống" của âm nhạc dân tộc, là người góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đất nước. Với mong muốn đưa Quan họ tới gần hơn tới các hệ trẻ, ông Hiệp luôn sẵn sang giải đáp mọi thắc mắc của các bạn trẻ có mong muốn tìm hiểu về làn điệu dân ca sông Cầu và đã trở thành “tư liệu sống” vô cùng đáng quý trong các bài nghiên cứu văn hoá Việt Nam của nhiều tác giả đến từ Việt Nam và cả quốc tế.