Gốc cáo trên cổ mộ

 Trịnh Quang Cảnh

21/10/2021 08:05

Theo dõi trên

Gốc cáo nằm cô đơn giữa cánh đồng. Nó không được vinh dự như bao cây cáo (cây gạo) ở làng khác là được trồng ở đầu làng. Rất nhiều người khi nhắc về cây cáo, thường sẽ có cảm xúc thương nhớ làng quê, còn khi nhắc đến cây cáo làng tôi thì lại có cảm xúc hơi sợ, e dè.

chuy-lang-q-1634778296.jpg
Ảnh do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet

Đó là bởi vì cây cáo được mọc lên từ trên mộ cổ. Tất nhiên, mộ cổ làng tôi cũng không quá huyền bí như trong những câu chuyện kinh dị giật gân câu khách. Chỉ là, khi ra đồng, hình ảnh cây cáo lại quá quen thuộc với người nông dân ở làng tôi.

Cây cáo được trồng tự bao giờ thì tôi không biết. Nghe bà tôi kể, ngày bà còn trẻ, cây cáo đã lớn vậy rồi, so với nay thì cũng chẳng thấy thay đổi là bao. Cây cáo thực ra do hai cái cây cổ thụ quấn lại làm một gốc. Có lẽ trước kia chúng được trồng gần nhau, nhưng khi lớn lên, gốc to hơn chúng mới kết dính lại, hoà làm một thành gốc cáo. Cây duối (làng tôi gọi là cây dưới) quanh năm xanh lá, che bóng mát cả một đoạn đường cỏ ngoài đồng, chúng tôi chăn trâu thường vào đó chơi và trú nắng. Cây gạo đến mùa lại thắp lửa bằng những bông hoa tươi thắm, rụng xuống để bọn con gái ra nhặt chơi chơi.

Nghe bà kể, ngày xưa gốc cây cáo có nhiều mèo lắm. Có thể ngày xưa lắm chuột đồng, mèo nhà, mèo hoang thường tụ tập ngoài cổ mộ. Người ta bảo, mèo già thành tinh hoá thành cáo. Đêm đêm, tiếng mèo kêu khuya như tiếng trẻ em khóc. Những bác đi bắt ếch đêm ít khi dám lai vãng đến khu vực gốc cây cáo. Lời đồn từ xưa, không biết có đúng không, ở gốc cáo có... ma. Tôi chưa dám kiểm chứng, nhưng chắc là đúng. Vì gốc cáo mọc lên từ cổ mộ, sau ngày mưa, đất trôi lộ cả một góc tiểu sành, mấy nhà làm ruộng gần lại phải xúc đất đắp lại che. Có người đồn, vào đêm khuya, đặc biệt đêm trăng thanh gió mát, có người con gái tóc đen dài, mặc bộ áo trắng dài ngồi trên cành cây ru con réo rắt. Chúng tôi ngày ấy còn nhỏ, nghe đồn vậy nên dù đi chơi khắp chốn, chẳng bao giờ dám bén mảng ra khu cổ mộ.

Cổ mộ không biết có từ bao giờ. Có người bảo đó là mộ của một vị quan nào đó, có người bảo là mộ của hai cô gái xinh đẹp, lại có người bảo là mộ của người ăn mày cơ nhỡ mà thôi. Có lẽ lâu quá, mộ thành vô chủ nên không còn biết là của ai. Cũng tại xưa kia làng tôi lại có phong tục chôn người chết ngoài góc ruộng. Người nông dân xưa không biết chữ nên chẳng đặt bài vị giống trong phim tàu. Nhiều nhà chôn ngoài đó, mộ bị "trôi", lâu ngày khi quy tập còn bị "lạc mộ" kia mà. Cổ mộ nghe nói cũng rất thiêng, ít người dám xâm phạm. Nghe đồn, ai xâm phạm sẽ bị quả báo. Tôi chỉ là nghe nói, chứ thật ra khi lớn lên, chưa thấy ai dám xâm phạm đến cây cáo ấy.

Bà tôi kể lại, ngày trước có một ông ở làng tôi không tin vào lời đồn mê tín dị đoan. Ông ấy cho rằng, trên đời này chả có ma tà gì cả. Ông bảo ông sẽ chặt cành cáo về làm củi. Nói là làm, vào một buổi trưa hè nắng chang thanh thiên bạch nhật, ông cầm "dao rạ" (dao to, dùng chặt cành lớn) leo hẳn lên cây cáo chặt trụi cành. Ông hân hoan đem xe bò ra chở hết đem về. Không ngờ, sáng hôm sau người nhà phát hiện ra ông đã yên giấc ngủ nghìn thu. Đa số đều tin là ông bị ma "quật", cũng có người bảo chắc ông bị cảm nắng mà thôi. Sau này cũng có một ông cũng làm như thế, nhưng sáng hôm sau người ta không biết ông bỏ nhà đi đâu, tìm mãi, tìm mãi. Sau phát hiện ông đã treo cổ chết ngay tại cành cây vẫn còn dấu vết ông mới chặt bữa trước. Từ đó, không còn ai dám xâm phạm, cây cáo vẫn phát triển nhưng qua thời gian, chẳng thấy nó lớn lên hay lụi đi bao giờ. Thỉnh thoảng, người ta vẫn thắp những nén hương dưới gốc cây, nhưng không có bát hương gì cả.

Khi thành lập thị trấn, phần đồng ruộng có cổ mộ được cắt về thị trấn nhưng không vì thế mà cổ mộ hết linh thiêng. Tôi lớn lên đi học, gia đình dần thoát li khỏi ruộng đồng nên ít quan tâm cây cáo nữa. Sau này, phần ruộng có cây cáo được một nhà dân thầu, trồng cây cảnh và cây ăn quả, cây cáo bị che khuất tầm nhìn. Thế hệ sau cũng ít người biết về "cây cáo". Vừa rồi khu đất đó lại được quy hoạch vào khu đô thị mới của thị trấn, người ta san ủi, phân lô đem đấu giá. Những người gốc tất nhiên chả ai dại gì mà đấu, những tay cò đất mua đi bán lại, người mua mãi tận đẩu đâu không biết nguồn gốc đất. Cũng nghe thiên hạ đồn, muốn thành "đất sạch", chỉ cần thuê máy múc hết đất rồi thay đất khác thì sẽ không sao. Tôi không hiểu về vấn đề đó nên cũng chỉ biết nghe vậy thôi.

Chỉ có điều, cây cáo trên cổ mộ là một phần trong cổ tích làng nay đã mãi mãi đi xa...

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Gốc cáo trên cổ mộ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn