Góc nhìn văn hóa: Tiếc nuối thầy thuốc giỏi phải hầu tòa vì tham sân si

Vũ Xuân Bân

16/04/2023 22:39

Theo dõi trên

TAND TP.Hà Nội ra quyết định, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và 11 đồng phạm về những sai phạm trong đấu thầu từ ngày 17/4, dự kiến kéo dài 5 ngày.

Phiên tòa có 19 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Quang Tuấn có hai luật sư. Ông Tuấn bị viện kiểm sát cáo buộc phạm tội "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo khoản 3 Điều 222 với khung hình phạt 10 – 20 năm tù.

Vụ GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim bị khởi tố từng gây rúng động dư luận. Nhiều người tiếc nuối cho một Thầy thuốc giỏi, “bàn tay vàng” trong làng tim mạch Việt Nam. Hình ảnh của ông Tuấn xuất hiện khắp trên các phương tiện truyền thông  và các mạng xã hội với những dư luận trái chiều.

b1tuan1-1681659172.jpg

Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Nguồn: Internet.

Tiếc nuối  bởi vì  bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn cùng với đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai cách đây chưa lâu còn ướt đẫm mồ hôi để chống dịch CoVid 19 cứu người. Không ai khác, họ ở vị trí tuyến đầu làm việc cật lực để giúp thành phố Hà Nội cùng nhiều địa phương khác, trong đó có cả vùng tâm dịch TPHCM kiềm chế và kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt khi còn là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Tuấn đã cùng với đội ngũ y bác sĩ cứu chữa không ít bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần. Họ nhìn nhận với sự biết ơn và trân trọng. Có ai ngờ!  

Nhưng không ít người không cảm thấy bất ngờ khi từ tháng 5/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chấp thuận đề nghị của Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội, cho rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khỏi danh sách bầu cử ĐBQH khóa XV và nhiều thuộc cấp cũ của ông ở Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã bị khởi tố.

Nhiều người cảm thấy buồn, thấy tiếc bởi ông Tuấn là một trong những chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tim ở Việt Nam. Ông là một bác sĩ giỏi, không chỉ ở tầm quốc gia. Đáng nhẽ, ông chỉ nên dừng ở góc độ một chuyên gia, chứ đừng trở thành "nhà quản lý".dính dáng đến quyền và tiền dễ bị “nhúng chàm”, mất đi một thầy thuốc giỏi.

Hơn ai hết, bác sĩ là người hiểu rõ nhất, bệnh nhân và người nhà của họ khi đối diện với bệnh tật thì khổ sở thế nào. Không chỉ đau đớn về thể chất, lo lắng về tinh thần, họ thậm chí còn khánh kiệt về vật chất. Bởi vậy, việc “thổi” giá thiết bị y tế chính là "đánh" vào đúng túi tiền của người bệnh. Người bệnh bị “móc túi” một cách nhẹ nhàng, êm ái và họ vẫn không quên hàm ơn bác sĩ, vì được cứu sống! Những vị thầy thuốc đó quên mất truyền thống, đạo đức "Lương y như từ mẫu".

Quá trình điều tra vụ án, ông Tuấn đã hợp tác tích cực, chủ động khai báo, nộp hơn 6,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Bây giờ đứng trước tòa  thì chỉ có một lý lẽ duy nhất là ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm và chỉ còn biết tự trách mình bị vướng vào vòng lao lý.

Chỉ vì tham sân si, không ít quan chức của ngành y đang từ “đỉnh cao” rơi xuống “vực sâu” chôn vùi thanh danh, bị lật tẩy những việc làm sai phạm. Đó là nguyên các Thứ trường Bộ Y tế Nguyễn Quốc Cường bị xử phạt 4 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; ông Cao Minh Quang bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, bị xử phạt 30 tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là quá nhẹ chưa đủ mức răn đe, giáo dục chung. Có những vị học hàm, học vị cao như  PGS TS Nguyễn Quốc Anh có nhiều thành tích về y khoa, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị phạt 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên 10 năm tù cùng 5 đồng phạm khác là thuộc cấp cũng đều bị phạt từ 5 đến 6 năm rưỡi tù giam cũng với tội danh nói trên…

Nhìn rộng ra đâu phải chỉ riêng bác sĩ Tuấn. Nhiều tên tuổi từng “này-nọ” một thời, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, tướng lĩnh, sĩ quan, đại biểu Quốc hội, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Giáo sư, tiến sĩ… cuối cùng vẫn vướng vòng lao lý khi sai phạm được chứng minh là do lỗi chủ quan chứ không phải khách quan. Từ cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến… cho đến cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang;  cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung…

Đối với ngành y cho thấy đạo đức của một bộ phận cán bộ trong ngành y “bị lộ” đã suy thoái nghiêm trọng hoặc đã có những “lỗ hổng” trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này? Hành vi vi phạm như thế là lỗi cố ý, những cán bộ này biết rõ hành vi như vậy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện để hưởng lợi từ nỗi sợ hãi, hoang mang của cộng đồng trước dịch bệnh, khiến chúng ta không khỏi đau lòng trước sự trung thực của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ không tự giác, chủ động trước hành vi phạm tội của mình mà luôn viện đủ mọi lý do để thoái thác, thậm chí còn thề thốt dù hai bàn tay đều đã “nhúng chàm”.

Công cuộc chống tham nhũng, làm trong sạch đảng, trong sạch đội ngũ cán bộ chẳng từ một ai. Suốt 2 nhiệm kỳ qua, “lò” chống tham nhũng liên tục đỏ lửa, vậy sao, vẫn có những cán bộ lãnh đạo tiếp tục “nhúng chàm”? Phải chăng, những cám dỗ vật chất, những "viên đạn bọc đường", những kẽ hở của pháp luật như một ma lực mà ở đó, ranh giới giữa tài và đức trở nên mong manh? Bởi vậy, cũng có lý khi nói rằng, vượt qua được ma lực của đồng tiền mới khó.

Chúng ta hãy đợi xem lần này cựu Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội GS TS Nguyễn Quang Tuấn sẽ bị tòa tuyên phạt bao nhiêu năm tù ?

 Ông Nguyễn Quang Tuấn (SN 1967, ở Thanh Oai, Hà Nội). Năm 1994, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội ngành bác sĩ đa khoa, sau đó tiếp tục học bác sĩ nội trú chuyên ngành tim mạch. Năm 1996, ông Tuấn đi tu nghiệp chương trình 2 năm tại Đại học Toulouse, Pháp học về ngành Tim mạch can thiệp, từng giành giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực y tế với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (phương pháp đặt stent)”.

Sau một thời gian công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Năm 2016, ông Tuấn trúng cử Đại biểu Quốc hội. Ông là Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Năm 2017, ông là Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương, thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ.

Ngày 5/3 /2018, ông được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam công nhận đạt chuẩn Chức danh Giáo sư ngành Y năm 2017.

Ngày 18 /3/2020, ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Tháng 5/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chấp thuận đề nghị của Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội, cho rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khỏi danh sách bầu cử ĐBQH khóa XV.

V.X.B

Bạn đang đọc bài viết "Góc nhìn văn hóa: Tiếc nuối thầy thuốc giỏi phải hầu tòa vì tham sân si" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn