Góc nhỏ chuyện lính

"Cái dáng này khi còn trẻ chắc nhiều cô gái chết mệt". Đại tá Hồng kể lại nhận định của mình khi lần đầu gặp anh ở Ban biên tập báo Quân Đội.

Có cô nào chết mệt mình đâu nhỉ. Cười, rồi day dứt... đúng là anh vẫn tránh nói, góc nhỏ của anh và đồng đội- tuổi thanh xuân nơi chiến trường.

Anh nhớ tới Hoà, cô gái Hà Nội ấy có "chết" mình không nhỉ? Giọng nói nhẹ nhàng, Quân phục gọn ghẽ làm anh hết nhìn thẳng lại nhìn trộm. Mà cô ấy cũng đôi lần cười lại với anh. Còn anh là thương binh nặng, anh có chút mặc cảm. Đó là vào 1974 khi đang an dưỡng ở đoàn 253 Hải dương, thấy chữ anh dễ đọc nên anh và một anh nữa được cử đến Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ ghi chép để chuyển Đảng tịch cho số Đảng viên từ Miền Nam ra của Đoàn. Thời gian khoảng hai tháng, hàng ngày về trạm 66 ngủ nghỉ và được các nữ quân nhân ở đó phục vụ cơm nước, cả giặt giũ nữa. Các cô đều cấp bậc Hạ binh sỹ, còn rất trẻ, trong đó có Hoà.

goc-nho-1646780269.jpg

Không đi được đến cuối cuộc chiến, bị thương đến tàn phế, những tưởng thành gánh nặng của mẹ trong khó khăn chung của đất nước. Anh đã vượt qua phút yếu lòng và giờ lạc quan thấy mình còn được cống hiến. Anh hát như tiếng nói lòng mình yêu thương, "Bạch long vĩ đảo quê hương" hay "Nổi lửa lên em" đúng giọng Opera- được khen thế đấy.

Hôm đó chiều thứ Bảy. Người đồng đội xin về trước để thăm người nhà ở Thường Tín, anh cố làm xong công việc của hai anh em nên về phòng đã chập tối. Bóng điện trong phòng đã đỏ và trên bàn là xuất cơm chờ sẵn. Anh ngân nốt câu hát của "Nổi lửa lên em" rồi quay chào cô với nụ cười cảm kích, thì bất ngờ đèn phụt tắt, vòng tay ôm chặt và đôi môi con gái trên má môi làm anh chết đứng- chừng hai phút. Rồi cũng nhanh như lúc nãy, đèn bật sáng và em đi ra. Nụ cười ngơ ngác, anh ngồi nghĩ mãi vẫn không hiểu phúc mình vừa hưởng. Anh nhớ lúc vào phòng đã thấy Hoà đứng sẵn gần công tắc điện rồi.

Anh không tiến xa hơn với cô vì ngại ngùng thân mình tàn tạ vết thương, ngại đôi chân lệch nói vui như cái compa vậy, nhưng lí do chính là anh phần nào hiểu hành động bột phát của cô gái ấy nhờ một câu chuyện khác, chuyện từ những ngày đầu quân ngũ.

Lớp thanh niên tuổi anh chỉ có một thời thanh niên ngắn ngủi, nhưng cũng đủ lưu dấu ấn trong anh tình yêu với cô bạn cùng lớp, đến độ như cách nói thời bấy giờ: "yêu đến tha dép tha giày". Là cháu một nhà thơ lớn và bạn ấy thực là Nàng Thơ, cái "co" của nàng chắc phải là của nàng Kiều, chẳng biết hồi trẻ anh có được "nhiều cô gái chết mệt" như anh Hồng nói không chứ anh thích phụ nữ đẹp lắm.

Nhưng tình cảm ban đầu ấy mãi không được giãi bày là do anh tự chọn, anh vào Đội vào Đoàn và sau này là kỉ luật Quân đội, giữ quan hệ nam nữ trong sáng là yêu cầu cao nhất.

Ngày mới nhập ngũ anh được biên chế vào khẩu đội Đại liên để huấn luyện, cùng khẩu đội nhiệm vụ tiếp đạn là Thường- quê Quảng Xương, Thanh Hoá. Bạn đầu đời lính bao thân thương kỉ niệm, bài hát ca ngợi tỉnh Thanh mà anh hay nghe bạn hát giờ vẫn thuộc. Khi vào chiến trường thì anh được giữ khẩu trung liên còn Thường giữ khẩu CKC.

Hành quân đến một xã miền tây Vĩnh Linh, bom đạn giày xéo từng ngày, từng giờ. Đồng bào Miền Bắc đã tổ chức cho các cháu nhỏ Quảng Trị ra các huyện phía tây Ngệ An để chăm sóc học tập gọi là K8, K10. Chỉ còn một số em hoàn cảnh đặc biệt chưa đi được cùng hai cô giáo dạy trẻ đón đơn vị anh tại một địa đạo tầng âm. Bên kia sông Bến Hải tiếng gầm gào đạn pháo.

Thường đã dẫn một cô đi đâu đó, cô gái mập mạp và để lại cô gầy cùng anh. Anh cũng hiểu cậu ấy định làm gì, mai là ra trận, nơi bom đạn ấy biết có được trở về? Anh cũng muốn được thực hiện một ước ao, anh quyết định táo bạo... anh kéo cô gái lại gần và bị đẩy ra. Quyết liệt và anh đã thắng, sau vài lần anh đã thơm được vào má và đưa tay vào ngực cô, như ngực đàn ông gầy là cảm giác của anh lúc ấy. Thừa thắng anh thọc tay xuống dưới nghe sự chống cự yếu ớt và tiếng thì thào: "bẩn". Tay anh chạm vào thứ rất ướt, là máu. Cô ấy "tới tháng", anh nhụt chí khiếp sợ.

Còi báo động, Thường chạy về. Trang bị súng đạn đầy đủ ngay đêm ấy đơn vị hành quân. Một đêm vượt sông luồn rừng đầy khổ sở vào chốt gần đồn Cồn Tiên, thị xã Gio An. Đào hầm nằm đó chốt giữ vùng Giải phóng. Và tại đây Thường đã thổ lộ: "Tao đã được biết thế nào là mùi thơm của phụ nữ, rất sung sướng"! Anh thì nhớ lại giây phút "bẽ bàng" của mình, vui cùng bạn nhưng không thấy tiếc. Thật vậy, người lính nơi sống chết nhẹ tựa lông hồng chẳng nghĩ nhiều đâu.

Năm tháng sau Thường không còn nữa. Mảnh đạn pháo đã cướp anh đi. Mộ Thường nơi phía Bắc bờ Bến Hải, và anh tin là mỗi người lính hi sinh đều nhận phần thiệt thòi, che chở cho đồng đội còn sống.

Không chỉ là thân mình đâu họ đã hi sinh bao khát khao tuổi trẻ. Những cô gái chàng trai của một thời.

Bạn ơi, cho tôi nhắc tới anh một lần để thấy giá trị của sự hi sinh. Mong sao thế hệ sau những giấc mơ không bị chôn vùi.

Trái tim người lính