Gọi những mùa sen

Đây kinh thành hào hoa, thanh lịch. Hồn xưa, lối cũ như gió như mây lẩn khuất trong lớp lớp phong rêu. Đất và Trời. Hoa và Người. Hợp rồi Tan.... Sen một thoảng, trăm năm một thoáng… Nhà thơ Bảo Ngọc tự cho mình là người có “duyên nợ” với Sen. Chúng tôi trân trọng giới thiệu một bài tản văn của chị khi Hà Nội đang ở những ngày cuối của mùa sen rộ!

Sau tiếng sấm báo hiệu mùa hạ về là thấp thoáng những búp sen xanh mướt vươn lên từ bùn sâu, đợi nắng hạ nhẩn nha nhóm lửa. Chỉ sau vài trận mưa rào, phía Tây Hoàng thành, cả một vùng Thủy Sứ, Tây hồ giữa những tán lá sen xòe rộng tựa ngàn chiếc ô xanh đã điểm những đóa sen phớt hồng nghiêng nghiêng trong gió…

anh-1jpg-1690459789.jpg

Những bông sen Tây Hồ được hái từ sớm trước bình minh để kịp đến tay người ướp trà và người thưởng sen

Mùa Sen! Ấy là những thương cùng đợi của đất và người được đáp đền sau một năm đằng đẵng trông chờ. Hạ vừa chớm sang, giữa cái nắng oi nồng đến đỏng đảnh, khó chiều, Sen như một món quà tặng ngọt ngào và dịu dàng quá đỗi. Nép mình trong những cánh sen trắng tinh khôi, e ấp sau tấm áo lụa sen mỏng chừng như nắng có thể soi gương là làn hương ngan ngát mà thanh khiết, ngọt đậm mà vẫn phảng phất hơi mát đầm lầy. Chẳng thế mà  bao thi nhân từng mắc nợ với sen để may mắn nhận ra, ấy là một làn hương ngọt ngát đến mê hoặc chỉ riêng tìm thấy ở  Sen.

anh-2jpg-1690459819.jpg

Những bông sen Tây Hồ được hái từ sớm trước bình minh để kịp đến tay người ướp trà và người thưởng sen

Là kẻ tự cho mình chút hữu duyên với kinh thành ngàn năm lưu giữ “hồn thu thảo”, trong tâm tôi, mỗi độ mùa Sen gọi là dấu chân cứ vương vấn phía những dấu sen thơm vùng Thủy Sứ, Tây Hồ. Ở nơi ấy, vùng địa linh phía Tây Hoàng thành xưa, Sen đã từng bước ra từ truyền thuyết để lưu lại làn hương theo tay bao người nối tổ nghiệp ướp trà. Và rồi sau này trong đời sống nhân gian, những tán lá sen gói hương cốm mới cũng làm nên một nét văn hóa đặc biệt sang trọng mà thanh lịch chốn kinh kỳ.

anh-3jpg-1690459837.jpg

Ngắm Sen, thưởng trà là nét thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội

Có một lần, trong cuộc dạo chơi cùng Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, để nghe ông nói về Hà Nội xưa, giáo sư bảo với tôi rằng: Tên làng hoa Ngọc Hà bây giờ được gọi là nương theo tên của một dòng sông. Dòng Sông Ngọc ấy bắt nguồn từ Điện vua ngự, men theo vườn thượng uyển chảy dọc làng hoa, ra tận Hồ Tây. Khi lòng hoàng thành được khai quật, sâu dưới vài tấc đất, đoàn khảo cổ đã tìm thấy những hạt sen hóa thạch làm “nhân chứng” của dòng sông Ngọc…

Lời giáo sư Lê Văn Lan vừa kể khiến tôi thoảng chút giật mình! Có một điều gì đó như vừa níu bước chân tôi. Tôi nhớ đến lời mẹ tôi kể lại, năm ấy, trước khi cha tôi lên đường cùng đoàn quân Nam tiến, mẹ tôi – cô giáo dạy văn đã đạp xe lên làng hoa Ngọc Hà nơi đơn vị bố tôi bảo vệ để tạm biệt chồng. Tôi được hoài thai từ cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy và tên hai cha con tôi là tên được ghép từ làng hoa, từ dòng sông Ngọc thuở ấy.

anh-4jpg-1690459865.jpg

Bông Sen khác bông Quỳ ở chỗ: những cánh hoa Sen thường có màu hồng sáng, bên trong lớp cánh to bên ngoài còn có những cánh nhỏ gọi là cánh lụa sen ôm lấy đài sen có lớp “gạo sen” dày, trắng ngà và thơm ngát

Tôi, một con bé mang mệnh thủy, yêu hoa như yêu từng hơi thở và tự kết cho mình mối duyên nợ với Sen từ vô thức luôn thấy mình thuộc về Hà Nội dù tôi sinh ra và lớn lên ở quê hương Hưng Yên thanh bình.

Hồ Tây mùa Sen, khắp những con đường thơm đằm từ giọt sương đến từng cơn gió. Tôi đã từng đi từ đồng chiêm trũng của đồng bằng Bắc Bộ,  ghé thăm Hồ Tịnh Tâm nơi cố đô Huế ngàn thương cho đến Đồng Tháp Mười chỉ để nhận ra  -  Sen Tây Hồ vẫn riêng một làn hương ngát không trộn lẫn!

Bạn tôi nhiều người bảo rằng thật khó phân biệt được sự khác nhau giữa Quỳ (còn gọi là Sen Quỳ, một loài cùng họ Sen, cánh hoa nhọn và dày, có màu hồng sậm được trồng ở khá nhiều nơi) với bông Sen thật gọi là Sen!

Vậy nên, tôi muốn chỉ giúp bạn tôi sự khác biệt vốn rất đơn giản giữa bông Quỳ và bông Sen giữ làn hương ngát. Những bông sen, đặc biệt là  Sen Tây Hồ thường mỏng hơn có màu hồng nhẹ tươi dần theo phản chiếu của ánh mặt trời. Bên trong những cánh sen hồng tươi ấy còn có một lớp cánh nhỏ ôm gọn lấy đài sen được ví như những tấm áo lụa sen. Phải có những cánh sen nhỏ giữ hương cho những hạt gạo trắng tinh đậu trên những sợi tua vàng óng này, Sen mới được gọi là Sen và mang làn hương vừa thơm ngát, vừa dịu mát. Và cũng bởi “sứ mệnh” của Sen là nuôi hương nên mỗi đài sen chỉ kết được vài hạt mẩy ngọt tươi, béo ngậy. Trong khi cả đài Sen Quỳ rất thưa cánh, không có những cánh nhỏ làm áo lụa ôm lấy đài sen, hoa ít hương và mùi thơm ngai ngái thì kết hạt sai tròn đầy với vị bùi, chát, rắn chắc hơn.

Theo bậc cao niên am tường về âm dương ngũ hành thì mùa Sen dài hay ngắn, giữ đượm hương hay hao hương còn nhờ vào sự vần xoay của vũ trụ. Những năm mưa thuận gió hòa thì mùa Sen cũng nương theo đó mà nối dài và giữ hương thơm ngọt. Còn vào năm trái gió -  các năm Tư thiên Đồng thái tuế - nghĩa là các năm như Tí, Ngọ thuộc đối hỏa thì sen dễ mất hương.

anh-5jpg-1690459918.jpg

Nhà thơ Bảo Ngọc bên đóa sen hồng - Chụp ảnh để lưu dấu những mùa sen cũng là niềm say mê của người Hà Nội

Song, có một điều đặc biệt, dù mùa hạ đến sớm hay muộn, năm nhuận hay năm thường, thì cứ đúng vào ngày Đản sinh Đức Phật - những đóa sen vừa chớm đầu mùa sẽ bừng nở đúng hẹn. Sen vốn được coi là loài hoa thiên quý bởi ngay từ tên gọi đã mang nghĩa Phật tọa hoa. Điểm riêng quý và lạ ở Sen chính là: hoa, lá chỉ cùng một cội chứ không chung một cành. Sen dù ngọt ngào níu quyến nhưng chẳng có loài bướm ong nào dám bay đến đùa phấn mượn hương. Ngay cả lá sen, trong ngũ hành, giống như cái bát được ứng với quẻ chấn cũng là một vị thuốc đặc biệt. Rồi ngó sen (những đọt sen non) đến tua sen, gạo sen, hạt sen, đài sen non... với người theo nghiệp làm thầy cứu sinh, cũng không có phần nào không là một vị thuốc quý. Vậy nên Sen - từ trong truyền thuyết dân gian, đến những nét chạm khắc tinh tế chốn đình chùa, từ đầm lầy bước vào chốn cung đình tôn quý rồi lại trở về giản dị trong đời sống nhân gian - ấy là một vòng tròn linh diệu!

Lần theo dấu cũ, nhớ bậc quân vương từng ngự thuyền rồng từ vườn ngự uyển, men theo dòng sông Ngọc mà thưởng lãm cảnh sen khi mùa sen đương độ. Từ trong huyền ảnh, dòng Sông Ngọc rộng chừng sáu mét, hai bên thấp thoáng những đóa sen vươn đón nắng trời, e ấp tỏa hương. Khi bình minh hé rạng hay lúc chiều buông lấp lánh ánh vàng, Hoàng thượng ngự trên thuyền Rồng, lướt nhẹ giữa luống sen, hai bên các cung nữ nâng tay ngọc kéo thuyền bằng những dải lụa đào. Hồn sen theo gió vương vấn áo bào, vương vấn hồn thị nữ, cả đoàn thuyền nhẹ tênh, phiêu bồng lạc giữa bến mơ…

anh-6jpg-1690459946.jpg

Nhà thơ Bảo Ngọc bên đóa sen hồng - Chụp ảnh để lưu dấu những mùa sen cũng là niềm say mê của người Hà Nội

Hỡi ôi! Trên trời mây trắng, dưới hồ nước trong vắt, sen xòe ô bung nở những búp hồng, giữa trời đất ấy, cảnh người ấy, có họa trăm bức tranh, ngàn câu thơ cũng chưa nguôi vương vấn. Mới hay vì sao người xưa từng buông tiếng thở dài khi đã vãn mùa Sen với tâm trạng tiếc nuối đến ngẩn ngơ: “Sen tàn nghe rốn giọt mưa thu”.  (Nguyên tác câu thơ là: Lưu đắc khô hà thính vũ thanh – Lý Thương Ẩn)

Ô hay! Cái chữ “rốn” cổ nhân chuyển ngữ sao níu quyến đến thế! Người níu mùa Sen, Sen quyến luyến người hay sự quyến luyến của cả đất trời đã gói trong một khoảnh khắc với giọt mưa thu mong manh ấy? Ai mà biết được! Chỉ biết bây giờ, người tri kỷ với Sen cũng rưng rưng mỗi khi cuống sen ngả sang màu sẫm đậm. Nhìn cuống sen ấy thôi đã nghe Sen sắp rời gót về chốn xa và ta lại thêm một năm chờ đợi.

Một năm. Nghe tiếng sấm gọi, Sen sẽ rũ bùn vươn mình trỗi dậy. Rồi giữa độ hương đang ngát, đúng ngày hạ chí, hương sen lại hao dần cho đến khi cuống hoa sậm dần, thu về lá úa. Thời gian vừa là kẻ đồng hành nghiêm khắc vừa là người bạn thật bao dung. Chỉ có Sen là muôn đời vẫn thế. Và làn hương từ phía tây hoàng thành ấy thì vẫn viết vào ký ức của người Hà Nội những làn hương ngát ẩn trong lớp lớp vàng son xưa cũ.