Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (Nghị định 38).
Chú thích ảnh Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: PV

 

Các đại biểu đã nghe Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành báo cáo tóm tắt một số nội dung mới, căn bản của Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2022 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Luật Điện ảnh năm 2022 đã kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều và quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009. Trong đó, những điểm mới cơ bản, đáng chú ý của Luật Điện ảnh năm 2022 được ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh như: Luật Điện ảnh mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung thuật ngữ "Công nghiệp điện ảnh", "Phân loại phim", "Phim Việt Nam", "Trường quay" và "Địa điểm chiếu phim công cộng"…; một số quy định về chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; quy định về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; các quy định về sản xuất phim. Một số nội dung khác là: chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam; về phát hành và phổ biến phim; về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…

Ông Vi Kiến Thành cho rằng, hội nghị - hội thảo được tổ chức nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật Điện ảnh, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành các văn bản quy định chi tiết những nội dung được giao trong Luật để xây dựng 1 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh,  4 Thông tư đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất từ 1/1/2023.

Các đại biểu đã lắng nghe các báo cáo và có những ý kiến trao đổi cụ thể, chi tiết nhằm làm rõ những nội dung quy định tại Luật, đảm bảo cho việc triển khai Luật Điện ảnh đi vào đời sống nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, hầu hết các đại biểu cũng ủng hộ tinh thần của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38 về khung giờ hoạt động của các rạp phim, khung giờ chiếu phim dành cho trẻ em, tỉ suất chiếu phim Việt Nam trên các rạp, việc tham gia vào các dự án phim nhà nước đặt hàng...

 Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu bật tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai Luật Điện ảnh, cũng như việc lắng nghe ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về một số quy định chi tiết của Luật và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38.

Các ý kiến của các đại biểu bám sát với thực tế, nhiều đại biểu đã nhiệt tình, thẳng thắn đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn với mong muốn giảm bớt các thủ tục hành chính, các quy định rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu, dễ thực hiện... Các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được ghi nhận và chuyển tới các cơ quan hữu quan. Khi đi vào đời sống, Luật này liên quan rất lớn đến điện ảnh Việt, giới làm phim, những người hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa…