GS Vũ Khiêu: Tấm gương sáng về sự cống hiến không ngừng nghỉ cho văn hóa dân tộc

Sống 105 tuổi đời (1916 - 2021), khi tròn bách niên vẫn khỏe mạnh, anh minh, Giáo sư (GS), Anh hùng Lao động Vũ Khiêu bước vào đội ngũ không nhiều lắm những người xưa nay cực hiếm, với nhiều hy vọng và khát vọng.

giao-su-vu-khieu-qua-doi-o-tuoi-105-2-1719476666.jpeg

Anh hùng lao động, Giáo sư Vũ Khiêu từng được những người bạn ngoại quốc mệnh danh là "Lats Confucian" - nhà Nho cuối cùng của Việt Nam. Ảnh: chinhphu.vn

 

              Ông là điển hình minh chứng cho một chân lý đã có từ bao đời: “Gừng càng già, càng cay”, “tuổi cao chí càng cao”.

        Tuổi cao, nhưng sức làm việc của ông không thua mấy thời trẻ. Trí tuệ ông không giảm độ tinh anh, sắc sảo so với khi trẻ. Ông vẫn hoạt động, hoạt động không hề mệt mỏi, có nhiều đóng góp cho đời.

Cho đến khi được Nhà nước cho nghỉ theo chế độ, GS Vũ Khiêu đã có một gia tài nghiên cứu khoa học đồ sộ, với hơn 70 đầu sách rất có giá trị về lịch sử - triết/mỹ học - văn hóa, như: Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử, Bàn về Văn hiến Việt Nam, Anh hùng và nghệ sĩ…

Điều đó thể hiện sự khổ học và tôi luyện trong thực tiễn đời sống nước nhà, đặc biệt là với sự thông minh thiên bẩm của ông. Ông đã trở thành nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của nước ta, được nhiều học giả trên thế giới biết đến và cộng tác.

Xưa, theo tục của làng xã Việt Nam, 60 tuổi đã được coi là lên lão, được làng/nước mở tiệc yến lão. Cùng với thời gian và sự thay đổi của đời sống xã hội, nhất là khoa học kỹ thuật, công nghệ số, ngày nay, tục này đã thay đổi về độ tuổi. Nếu chẳng may ai đó qua đời vào tuổi 70, thậm chí 75, thì đã bị cho là… chết trẻ. Theo qui định của Nhà nước ta, hiện nay nam giới 60, nữ giới 55 tuổi, được nghỉ hưu. Nghĩa là, họ có quyền nghỉ ngơi để vui vầy cùng con cháu và hưởng những đãi ngộ của Nhà nước và tham gia sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi.

Song, đối với GS Vũ Khiêu, từ khi Nhà nước cho nghỉ chế độ, cũng chính vào thời điểm đó, ông không ngừng gây nên sự sửng sốt, khâm phục ở trí tuệ đặc biệt hiếm có của mình, cống hiến cho đời nhiều công trình văn hóa có giá trị. Ngoài ra, GS Vũ Khiêu còn để lại một gia tài cũng giá trị và đồ sộ không kém là những bài chúc văn, văn tế, câu đối, thơ Đường luật, tiêu biểu như: Chúc văn Tưởng niệm đức Phù Đổng Thiên Vương - một trong Tứ bất tử của thần linh Việt; Văn tế danh nhân văn hóa Nguyễn Quý Tân; Văn tế Đỗ Quang tướng công; Văn tế cụ Hoàng trung Đặng Huy Trứ… Nhiều câu đối tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, danh nhân văn hóa hoặc treo tại một số đền, miếu ở nhiều địa phương trên cả nước (như: Câu đối ở Đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, câu đối tại Đền thờ Hoàng Hoa Thám, câu đối ở Đền Liệt sĩ quận Hồng Bàng, câu đối ở Đền Tưởng niệm Liệt sĩ huyện Bình Giang, câu đối ở Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai), câu đối ở Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh, Nhà lưu niệm đồng chí Trần Đăng Ninh, Nhà thờ  đồng chí Tô Hiệu, câu đối ở Đền Tưởng niệm Liệt sĩ ngành Giáo dục hy sinh tại chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặt tại Nghĩa trang Đồi 86 ở Tây Ninh…

Vào năm 2000 - năm bản lề chuyển giao giữa hai thế kỷ, là năm ghi nhận sức làm việc phi thường của GS Vũ Khiêu. Mặc dù năm đó ở tuổi 85 - 86, ông đã hoàn thành nhiều bài chúc văn, văn bia, câu đối có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị - văn hóa của đất nước, đó là:

- Bài Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ ở Hoa Lư - Ninh Bình (nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, chuẩn bị cho kỷ niệm 1.000 năm Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long). Bài văn bia đề cao sự sáng suốt của Lý Công Uẩn đã chọn địa điểm của Hà Nội hiện nay làm Thủ đô, đánh giá đúng công lao vĩ đại của các triều đại Đinh - Lê đối với việc thống nhất Tổ quốc, bảo vệ độc lập và bước đầu xây dựng trên đất Hoa Lư một tiềm năng kinh tế chính trị - xã hội vững chắc làm cơ sở cho sự vững mạnh trường tồn của nước Đại Cồ Việt. Kết thúc bài văn bia, tác giả dùng những câu hùng tráng để nói lên khí phách của con cháu hôm nay trước sự việc của cha ông thủa  trước:

“Sơn hà Đại Việt, một dải hùng cường

Văn hiến Thăng Long, ngàn thu truyền tụng”.

- Bài Chúc văn tưởng niệm Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (nhân ngày giỗ Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm).

- Văn bia và câu đối tại Đền thờ Liệt sĩ quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

- Bài Văn tế các Vua Hùng: Năm 2000, Đảng và Nhà nước ta quyết định tổ chức Quốc Lễ đầu tiên Giỗ Tổ Hùng Vương cấp quốc gia, tại Đền Hùng, Phú Thọ, do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tế. Bài Văn tế các Vua Hùng là một phần quan trọng của buổi lễ. Ban Tổ chức đã tổ chức viết, nhưng cho đến thời điểm cách ngày lễ 5 ngày mà bài văn tế vẫn chưa ổn. Lúc này, Ban Tổ chức mới nghĩ/nhớ đến… GS Vũ Khiêu.

Công việc “chữa cháy”/chạy maraton với thời gian bắt đầu.

Ngày 5/4/2000, Bộ Văn hóa Thông tin cử cán bộ đến gặp GS Vũ Khiêu, mang thư của Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm đề ngày 3/4/2000 đề nghị GS Vũ Khiêu viết cho bài Chúc văn để đọc tại Quốc lễ. Bức thư có đoạn: “Ban Tổ chức lễ do Bộ Văn hóa Thông tin đứng đầu đã chuẩn bị một bài chúc văn, nhưng chúng tôi chưa yên tâm, vì vậy tôi, Nguyễn Khoa Điềm, thay mặt Bộ Văn hóa Thông tin kính đề nghị Bác giúp cho Bộ Văn hóa Thông tin viết một bài chúc văn đúng với tầm vóc buổi lễ để lại mẫu mực lâu dài. Biết Bác rất bận nhưng mong Bác thông cảm tình cảm chung giúp cho Bộ Văn hóa và cũng là tình cảm lớn với tổ tiên giúp cho ngày lễ được viên mãn”.

Mặc dù thời gian lễ hội chỉ còn có mấy hôm nữa, nhưng trước yêu cầu của Bộ Văn hóa cũng như trách nhiệm của một công dân, GS Vũ Khiêu đã nhận lời và dành 5 ngày và 5 đêm trắng để viết xong bài Chúc văn bảo đảm tính tư tưởng, tính lịch sử và tính nghệ thuật của thể loại. Chúc văn nêu bật được khí phách anh hùng của dân tộc suốt mấy ngàn năm lịch sử theo đúng thể thức nghiêm ngặt biên soạn những bài phú cổ điển. Sáng ngày 10/4/2000, nghĩa là sau đúng 5 hôm, GS Vũ Khiêu đã chuyển tới Bộ Bộ Văn hóa Thông tin bài văn hoàn chỉnh. (Báo Nhân dân sau đó đã đăng toàn văn bản chúc văn này).

Tại buổi Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 năm Canh Thìn (2000) trước ngôi đền thiêng của dân tộc - Đền Hùng, qua giọng đọc của NSND Lê Tiến Thọ, đã vang lên những lời thật xúc động, tự hào:

“Mừng hôm nay:

Trống đồng dội tới,

Núi sông dậy sấm anh hùng!

Trống đồng vang lên,

Trời đất ngút ngàn linh khí!

Toàn dân Giỗ Tổ Hùng Vương

Cả nước vui ngày Quốc lễ

Rộn rã trống chiêng

Tưng bừng cờ xí!”

Trong bài Văn tế Giỗ Tổ Hùng Vương, GS Vũ Khiêu đã mô tả cho chúng ta thấy cái dáng mạo kỳ vĩ, cái chí khí lớn lao của những bậc anh hùng văn hóa, anh hùng lịch sử ấy, bởi có được hình tượng đó, tâm đức đó mới có thể thực hiện được những hành vi vĩ đại như công cuộc tạo dựng và bảo vệ sơn hà, xã tắc này:

“Mẹ từng non cao tỏa sáng nghĩa nhân

Cha vốn biển cả quật cường mưu trí.

… Vẻ vang mười tám vương triều

Rực rỡ trăm đời thịnh trị!”

Trong bức Thư cảm ơn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin gửi GS Vũ Khiêu, viết: “Trân trọng cảm ơn GS đã mang tâm huyết, tài năng, trí tuệ phụng soạn bài Chúc văn Giỗ Tổ Hùng Vương (năm 2000). Bài Chúc văn của GS là một nội dung quan trọng của buổi lễ, do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh làm Chủ lễ. Đây là bài Chúc văn chất lượng tốt, thể hiện được tâm tư, tình cảm của nhân dân cả nước hướng về cội nguồn dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước, thương nòi, đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dư luận đánh giá cao bài Chúc văn do GS phụng soạn”.

Tác phẩm thuộc thể loại phú lần đầu tiên Vũ Khiêu trình làng ấy là bài văn Truy điệu những lương dân chết đói năm 1945, năm ông 30 tuổi.

Và, chỉ 1 năm sau, chàng thanh niên 31 tuổi Vũ Khiêu đã viết bài Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng tháng Tám, để kỷ niệm 1 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Bài văn tế này được Báo Cứu quốc đăng trên số báo ra ngày 8/9/1946, với Lời giới thiệu, có đoạn: “Văn tế là một loại văn cổ ở nước ta, lâu nay không mấy ai chú ý đến nữa. Trước kia loại ấy không phải là đã không từng sản xuất ra những áng kiệt tác. Chúng ta, ai quên được bài văn tế “Trận vong chiến sĩ” của Nguyễn Văn Thành? Bó mình trong một thể văn cũ, khó khăn và cầu kỳ, tác giả vì có cảm xúc thật nên đã tạo nên những lời có thể cảm động được tới chúng ta. Cái đó chứng tỏ rằng với bất cứ hình thức nào, người ta cũng viết nên những áng văn có giá trị được, miễn là trong tâm hồn có một rung động sâu xa và thành thực”.

55 năm sau cái thời khắc chàng thanh niên Vũ Khiêu soạn bài văn tế “Truy điệu những lương dân chết đói” khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, chàng thanh niên Vũ Khiêu nay đã là cây đại thụ của văn hóa nước nhà, và đã ở độ tuổi “xưa nay cực hiếm”, vẫn được Đảng, Nhà nước tin dùng. Đây là niềm tự hào của riêng ông; đồng thời là tấm gương cho các thế hệ mai sau học tập. 

Đạt được độ tin dùng trên, sáng tạo nên những áng văn để đời trên, phải khẳng định GS Vũ Khiêu là người có tài, thực tài.

Một nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận xét: Những thể loại thơ phú, đặc biệt là loại biền phú (dùng phần lớn các câu tứ lục, hầu như toàn văn đối ngẫu, hai câu một cặp hết sức tề chỉnh) là thể loại khó, rất khó viết được chứ chưa nói là viết hay, người viết phải thông thạo Hán - Nôm, phải có tài làm câu đối. Tài ấy, được ông sôi kinh nấu sử về triết học/mỹ học phương Đông, lịch sử, văn hóa dân tộc, từ đó giúp GS Vũ Khiêu có trữ lượng lớn tri thức để ông nắm vững yêu cầu nghiêm nghặt của những thể loại văn học cổ, nắm vững tri thức lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Song, nếu chỉ có tài bẩm sinh, có vốn kiến thức phong phú, uyên bác chưa đủ để viết lên những lời văn chứa chan tinh thần tự hào dân tộc, tình thương yêu, đoàn kết của đồng bào cùng bọc trăm trứng ấy. Điều quan trọng hơn, người viết phải có cảm xúc thực, tấm lòng thực, mong muốn thực, dấn thân thực vào công cuộc đấu tranh để mang lại độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho người dân. Và, còn một điều nữa cũng quan trọng không kém là, bản lĩnh, sự dũng cảm dám đương đầu và vượt qua lời nguyền “khôn văn tế, dại văn bia” của cổ nhân.

Tất cả những điều này ở GS Vũ Khiêu đều là thực, là vàng mười!

Ở tuổi xưa nay cực hiếm, các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học vẫn thấy GS Vũ Khiêu bay ra bay vào Hà Nội - TPHCM; thấy ông lặn lội mãi trời đất phương Nam, khi thì ở Đền thờ Nguyễn Trung Trực, khi thì ở vùng Trương Công Định lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm năm xưa, khi thì ở vùng Rạch Gầm, Xoài Mút - nơi Nguyễn Huệ nhấn chìm hàng vạn chiến thuyền của quân xâm lược nhà Xiêm; khi thấy ông ở tuổi ngoài 99 mà sáng có mặt ở Hòa Bình, chiều tham gia Giỗ Tổ hát Xẩm ở Hà Nội.

Hơn 10 năm trên cương vị là cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc (nay là Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc), thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, GS Vũ Khiêu đã tham gia đầy đủ các hoạt động của Trung tâm và Tạp chí; đặc biệt là tham gia chủ trì các hội thảo khoa học quốc gia do Trung tâm tổ chức ở Bình Định, Quảng Ngãi, Hà Nội… Điều mà người viết bài này cực kỳ kính phục là, ông ngồi đoàn chủ tọa các hội thảo từ sáng đến trưa mà không hề… đứng dậy. Buổi chiều, tổng kết hội thảo, với trí nhớ phi thường, ông không quên một ý kiến nào của những người đọc tham luận hay phát biểu ý kiến. Rất, rất hiếm người được như thế.

Tháng 5/2012, ở độ tuổi 97, GS Vũ Khiêu đã khiến giới nghiên cứu khoa học sửng sốt, kinh ngạc, khi cho ra mắt công trình sách quý “Hồ Chí Minh - Ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” (Nxb Chính trị Quốc gia). Đây là công trình ông đã suy ngẫm, viết trong nhiều năm. Cuốn sách là công trình chuyên khảo, tập hợp những kết quả nghiên cứu công phu trong nhiều năm cũng như những trải nghiệm của GS Vũ Khiêu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là những tư tưởng lớn được coi là điểm nhấn của cuốn sách.

Vào tuổi ấy, GS Vũ Khiêu vẫn miệt mài làm việc, vẫn tiếp tục những đam mê sáng tạo một đời, vẫn đem đến cho đông đảo bạn đọc những tác phẩm tâm huyết của mình. Đó thực là một tấm gương sáng trong về lao động khoa học, về tính tiên phong gương mẫu và trách nhiệm cao cả của một đảng viên trí thức đối với đất nước và dân tộc, đối với Đảng và chủ nghĩa xã hội. Chúng ta thực sự xúc động và kính trọng trước nhiệt tình, tâm huyết và năng lực nghiên cứu của GS Vũ Khiêu.

Với những cống hiến không mệt mỏi cho khoa học trong những công trình rất có giá trị của mình, GS Vũ Khiêu đã được Đảng, Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (năm 1995), được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000).

Cùng với những phần thưởng cao quí ấy, là phần thưởng trời dành cho ông: Một tuổi già hiền minh và đức độ. Để rồi từ đó, những áng văn bất hủ ông để lại cho đời đọc lên âm vang cả đất trời, lay động, đánh thức Cõi Người, tạc vào gỗ đá hòa vào dòng chảy văn hóa ngàn năm của dân tộc!

Ông là một - người - hiền!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lưu bút Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc thọ Giáo sư Vũ Khiêu. Ảnh: Báo Công an Nhân dân