GS.TS Võ Sở Vọng - Từ một cậu bé mồ côi trở thành nhà khoa học nổi tiếng thế giới

(Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 91 năm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1931 – 2021); xin trân trọng giới thiệu một tấm gương thầm lặng về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh: Nhà khoa học Võ Sở Vọng và tác phẩm hồi ký bằng thơ “Lục Bát cuộc đời” (Nhà xuất bản Thanh niên, 2021, Đặng Vương Hưng giới thiệu).

Truyền hình kỹ thuật số VTC10 vừa ghi hình thực hiện một chương trình đặc biệt trong chuyên mục “Đường đến thành công” và phát sóng hôm nay, 7/1/2023).

d1haq1-1673053896.jpg
d2ha2-1673054042.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp: VTC10 ghi hình tại trường quay ở Lạc Trung và Thư phòng Lục Bát.

 

Đó là một tập hồi ký độc đáo, được thể hiện bằng 4952 câu Lục bát – một thể loại đã từ lâu được mặc nhiên xem như “Quốc thi” của Việt Nam. Nhưng giá trị của tác phẩm này không phải ở chuyện văn chương nghệ thuật, mà chính là cuộc đời tác giả: Ông là con trai của một trong những nhà lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh: cụ Võ Hợp (1894 – 1956). Từ một vùng quê nghèo Đức Thọ (Hà Tĩnh), mồ côi cha từ nhỏ, cậu học sinh Võ Sở Vọng, bằng sự thông minh và nghị lực phi thường, đã phấn đấu trở thành một Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý có tên tuổi trên thế giới (với hơn 60 công trình được công bố chủ yếu ở nước ngoài). Có học hàm và học vị cao, nhưng ông lại khiêm tốn tự giới thiệu mình là Nhà Khoa học và thường dùng danh xưng này trong giao tiếp giống như nhiều Nhà khoa học trên thế giới. Ông sử dụng thành thạo tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Nga. Năm 2002, Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Cambridge tại Vương quốc Anh đã vinh danh ông là một trong 2.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế kỷ 20!

Con trai một nhà lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và một trang buồn của lịch sử.

Trong một xác nhận của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, đề ngày 27/3/2013, có đóng dấu và chữ ký của Giám đốc Nguyễn Xuân Thuỷ, cho biết: Căn cứ vào những tài liệu lưu trữ trong kho, đồng chí Võ Hợp (bí danh Cựu Hợp, Khoan, Hoan, Toan...) sinh 1894, nguyên quán: làng Lạng Quang, Du Đồng, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1931, khi đang là Đảng viên Cộng sản chi bộ La Sơn bị địch bắt và kết án 13 năm tù khổ sai (Bản án số 172, ngày 13/10/1931 của Toà án Nam Triều tỉnh Hà Tĩnh). Ông được trả tự do vào ngày Quốc khánh nước Pháp, 14/7/1938. Sau khi được tự do, ông lại tiếp tục hoạt động chống Pháp. Năm 1941, Võ Hợp bị địch bắt lần thứ 2, rồi bị đưa đi tập trung an trí tại Trại Ly Hy – Thừa Thiên Huế (Quyết định số 3335, ngày 17/11/1941 của Khâm sứ Trung Kỳ).

Trước đó, ngày 10/9/1997, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã có Quyết định số 320 QĐ/TU công nhận: Đồng chí Võ Hợp sinh năm 1900, tham gia Cách mạng từ 1929, vào Đảng năm 1930. Chức vụ trước lúc qua đời (1956) là cán bộ Khu, công tác cải cách tại Quảng Bình. Là cán bộ hoạt động Cách mạng trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, đã hoạt động Cách mạng những năm 1930 – 1945, có 9 năm bị địch bắt và tù đày, được hưởng chính sách ưu đãi cán bộ Cách mạng hoạt động trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 theo Điều 6, Nghị định 28-CP, ngày 29/4/1995 của Chính phủ.

Trước đó, ngày 10/9/1997, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã có Quyết định số 320 QĐ/TU công nhận: Đồng chí Võ Hợp sinh năm 1900, tham gia Cách mạng từ 1929, vào Đảng năm 1930. Chức vụ trước lúc qua đời (1956) là cán bộ Khu, công tác cải cách tại Quảng Bình. Là cán bộ hoạt động Cách mạng trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, đã hoạt động Cách mạng những năm 1930 – 1945, có 9 năm bị địch bắt và tù đày, được hưởng chính sách ưu đãi cán bộ Cách mạng hoạt động trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 theo Điều 6, Nghị định 28-CP, ngày 29/4/1995 của Chính phủ.

Còn theo lời kể của nhà khoa học Võ Sở Vọng thì cụ Võ Hợp cha ông được sinh ra trong một gia đình khá giả, được học cả chữ Tây và chữ Tàu. Là người có học, lại có điều kiện giao du, chàng thanh niên Võ Hợp sớm nhận ra sự thống khổ của dân mất nước, không chịu áp bức thống trị của thực dân. Vì thế khi các phong trào yêu nước như Phản đế, Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội... ra đời, Võ Hợp đã tham gia tích cực.

Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Đông dương được thành lập, Võ Hợp đã trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Đức Thọ. Và cũng là một trong những người lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh ở huyện Đức Thọ. Trong thời kỳ đó, ba lần ông được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện. (Lịch sử Huyện Đảng bộ Đức Thọ, NXB Chính trị Quốc gia, 1978, trang 290).

Năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ - Tỉnh bị đàn áp, Võ Hợp bị bắt và bị Tòa đại hình của Pháp kết án tử hình. Nhưng nhờ sự đấu tranh của nhân dân và lực lượng tiến bộ, mức án của ông được giảm xuống khổ sai chung thân, bị tịch thu toàn bộ tài sản. Chúng đã đóng đồn ngay tại ngôi nhà tịch thu của gia đình ông, đó chính là đồn Lạng Quang, một trong 2 đồn binh Pháp ở Đức Thọ sau thoái trào.

Nhờ chính sách tiến bộ của Mặt trận Bình dân Pháp trả tự do cho tù chính trị ở các nước thuộc địa, Võ Hợp đã được tự do, ra khỏi nhà tù Buôn Ma Thuật vào năm 1938. Khác với nhiều người cùng bị bắt và cùng được trả tự do đã trở về quê hương bản quán an phận với cuộc sống người dân bình thường, Võ Hợp lại tiếp tục hoạt động. Tháng 11/1941, ông bị Pháp bắt lại và bị đi đày Buôn Ma thuột lần thứ hai. Tháng 3/1945, tổ chức Đảng trong nhà tù Buôn Ma Thuật đã bố trí cho một số tù chính trị vượt ngục thành công. Thoát khỏi ngục, ông tham gia phong trào Du kích Ba Tơ một thời gian, trước khi trở về Đức Thọ tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.

Cách mạng thành công, tổ chức phân công Võ Hợp nhiều nhiệm vụ quan trọng tại địa phương. Ông từng là Trưởng Công an Đức Thọ, được cử đi chỉ huy dẹp loạn cuộc chống phá của bọn phản động ở Đèo Ngang. Thời gian sau, ông được cử phụ trách Nông trường Nghĩa Đàn - Bà Triệu của Ban Tài mậu Khu 4, chuyên làm kinh tế. Trong giai đoạn kháng chiến khó khăn, đất nước cần muối, Võ Hợp được chọn điều về lãnh đạo diêm dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh…

Khi cuộc “Cách mạng ruộng đất” diễn ra, Võ Hợp lại được cử đi học một lớp cấp tốc về cải cách ruộng đất. Kết thúc lớp học được cử làm Đoàn phó Đoàn Cải cách ruộng đất tỉnh Quảng Bình… Đó cũng chính là công việc cuối cùng và định mệnh của đời ông! Cuối năm 1955, khi Nghệ Tĩnh đã hoàn thành cải cách ruộng đất, chuyển sang “Chỉnh đốn tổ chức”. Tuy mới thí điểm nhưng do phương pháp tiến hành đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Như ở Hà Tĩnh hầu như toàn bộ đảng viên đã bị Pháp và chính quyền Nam triều kết án tù đày; sau Cách mạng tháng Tám thành công đã tích cực tham gia và giữ nhiều vai trò chủ chốt trong kháng chiến chống Pháp, nhưng xuất thân gia đình tương đối khá giả đều bị xử lý. Nhiều cán bộ thoái hóa lợi dụng “Chỉnh đốn tổ chức” để trục lợi cá nhân, thanh trừng những người đi trước! Võ Hợp và nhiều đồng chí cùng hoạt động Cách mạng, cùng bị thực dân Pháp kìm kẹp trong lao tù... đã bị quy là “phản Đảng” và bị xử tội chết! Ngày rằm tháng giêng, năm Bính Thân - 26/2/1956, ông và một số đồng chí của mình cùng phải ra đi trong oan ức, cay đắng, tủi nhục... chấm hết cuộc đời hoạt động sôi nổi, của một đảng viên Cộng sản trung kiên!

Chỉ sau một thời gian ngắn, những sai lầm nghiêm trọng của những người thực hiện Chỉnh đốn tổ chức ở Nghệ An - Hà Tĩnh được phát hiện. Trung ương chỉ đạo lập tức dừng lại, tiến hành sửa sai. Trong phim “Hồ Chí Minh chân dung một con người”, ta thấy có hình ảnh Bác Hồ đã lấy khăn lau nước mắt khi biết những hậu quả đau lòng: Nhiều đảng viên trung kiên bị hãm hại. Nhiều tổ chức Đảng, cơ sở đã đóng góp lớn cho cuộc kháng chiến thành công bị xóa tên…

Chưa đầy hai tháng sau ngày mất, trực tiếp cán bộ do Trung ương cử về đã minh oan cho đồng chí Võ Hợp. Bấy giờ Võ Sở Vọng còn ở tuổi vị thành niên được Trung ương cấp học bổng ăn học. Tuy sớm được minh oan và sau đó, năm 1997, đồng chí Võ Hợp đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập. Nhưng cái chết bi tráng của ông và nhiều Đảng viên Cộng sản trong thời kỳ đó, mãi là một trang buồn trong một giai đoạn của lịch sử của dân tộc.

Cậu bé mồ côi trở thành Nhà khoa học có tên tuổi nổi tiếng thế giới.

Võ Sở Vọng được sinh ra ngay ngày cha bị Pháp đày đi Buôn Ma Thuột lần thứ hai. Mới mười ba tuổi đã mồ côi cha. Là con trai út trong gia đình 5 chị em, những cú sốc đầu đời đã rèn luyện cho cậu bé sở hữu “10 hoa tay tròn trịa” có tính tự lập cao. Cậu đã tự lo liệu chuyện học hành từ nhỏ, tự thi lên cấp II trong một cuộc cạnh tranh quyết liệt: mấy trăm học sinh lớp 4 của 6 xã vùng Thượng Đức chỉ chọn 50 vào học lớp 5!

Ngay từ những năm học cấp 2, khi tình cờ thấy một số tác phẩm của nhóm “Tự lực Văn đoàn” bạn bè cho mượn, Võ Sở Vọng đã say mê đọc sách suốt đêm và mơ ước trở thành nhà văn. Ngày ấy cậu đã viết một tập bản thảo “Tự truyện” dài mấy trăm trang giấy! Một lần, được anh trai đưa ra Hà Nội khám bệnh ở phòng khám tư, thấy ông “Đốc-tơ” được mọi người trân trọng và oai lắm, cậu bé lại mơ ước sau này sẽ trở thành Bác sĩ. Nhưng có lẽ “cú hích” quan trọng nhất với Võ Sở Vọng là năm cuối cấp, trường cấp III Phan Đình Phùng được đón Nhà khoa học hạt nhân Nguyễn Đình Tứ, bấy giờ đang làm việc tại Viện liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Dubna đến thăm. Thần tượng Nguyễn Đình Tứ đã khiến cậu học trò vùng quê nghèo quyết tâm học các môn toán lý thật giỏi để phấn đấu được như thế.

Và ngày ấy, không ai ngờ được là mấy chục năm sau, Võ Sở Vọng còn làm được nhiều hơn cả những gì mà cậu mơ ước: Trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình, ông đã chủ trì thành công 5 Đề tài Nghiên cứu cấp Nhà nước về Khoa học cơ bản. Ông đã công bố trên 60 công trình nghiên cứu (chú yếu ở nước ngoài); Đặc biệt trong đó công trình nghiên cứu cấu trúc thực của đơn thể Calomel Hg2Cl2 là một đóng góp thiết thực và hiệu quả cho Khoa học và Công nghệ Vật liệu thế giới. Võ Sở Vọng đã được học tập, đọc bài giảng chuyên đề và làm việc ở nhiều Trường Đại học, Phòng Thí nghiệm lớn ở các nước như Đức, Liên Xô, Italya, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Và không phải ngẫu nhiên mà năm 2000, Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Cambridge, Vương quốc Anh đã vinh danh ông là một trong 2.000 nhà khoa học xuất sắc của thế kỷ 20!

Có thể nói “Lục bát cuộc đời” đã ghi lại tương đối đầy đủ “đường đi, nước bước” của một người làm khoa học, từ lúc chào đời tại một làng quê hẻo lánh trong hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt cho đến ngày rời Phòng Thí nghiệm. Cuộc đời đó không bằng phẳng như nhiều người nghĩ, mà trải qua “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Theo phong cách khoa học, người viết muốn “có đầu có đuôi”, “nói có sách, mách có chứng”...

Để giới thiệu chính xác, trung thực những công việc cụ thể của một người làm thực nghiệm trong nghiên cứu vật liệu khoa học (scientific materials), “Lục bát cuộc đời” sử dụng nhiều từ chuyên môn, một số kiến thức khoa học chuyên sâu... Tuy người viết đã cố gắng giải thích nhưng chắc chắn không thể làm thỏa mãn được nhiều bạn đọc không cùng chuyên ngành. Đặc biệt người “ngoại đạo”, không tránh khỏi những “phản ứng tự nhiên” khi gặp một từ, một khái niệm xa lạ! Thêm vào đó, trong cuộc mưu sinh, kiếm sống tại nhiều miền ngoài chữ S liên hệ đến nhiều người, nhiều địa điểm nước ngoài... Để diễn tả, thuật lại chính xác, lô-gic khi chuyển tải các yếu tố đó vào những câu thơ thuần Việt, không tránh khỏi vài gò ép vần điệu của Lục bát.

Vậy mục đích của “Lục bát cuộc đời” là gì? Võ Sở Vọng đã tâm sự: Mong các vị hiểu và thông cảm với những khó khăn của người làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã cố gắng để diễn tả lại cả cuộc đời bằng những vần thơ mộc mạc, chân thành chỉ với một mục đích gửi lại cho các thế hệ sau một kỷ vật. Hy vọng những sự kiện, những câu chuyện thực trong “Lục bát cuộc đời” cung cấp được một lượng thông tin ít nhiều có ích cho hậu thế, để họ có thể bổ sung những hiểu biết về giai đoạn lịch sử có nhiều kỳ tích của dân tộc nhưng cũng không thiếu những chuyện “nghịch đời trái đạo” làm cản trở sự phát triển chung.

Sự kiện lịch sử bao giờ cũng tồn tại khách quan. Nhưng người viết Sử có thể vì “chỗ đứng, vì góc nhìn...” nhiều lúc phản ánh không đầy đủ, không chính xác. Họ không giúp ích, ngược lại có trường hợp còn gây tranh cãi cho cộng đồng! Người viết “Lục bát cuộc đời” hi vọng bằng thể thơ dễ nhớ, muốn lưu lại những sự kiện, mà thế hệ sau có thể cho là “chuyện cổ tích”. Tác giả hy vọng đến một ngày nào đó có người viết sử có tâm, có tầm... nhận ra, khai thác được giá trị của những sự kiện sống động, tình tiết chân thực... giúp cộng đồng hiểu đúng thời cuộc, rút ra những bài học về nhân quả, về nhân tình thế thái, về quan hệ con người với con người, con người với thiên nhiên... trong cuộc đời ngắn ngủi.

Đánh giá về “Lục bát cuộc đời”, GS.TSKH Đào Khắc An, một đồng nghiệp đã làm việc cùng tác giả trên 30 năm đã viết: “Tác phẩm này không những để lại cho tác giả các kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời, mà còn để lại cho các nhà làm chuyên môn khoa học công nghệ xem xét suy ngẫm rút ra các bài học bổ ích trong cuộc sống, cũng để lại cho các nhà Quản lý, Lãnh đạo suy nghĩ xem xét, rút ra các bài học về định hướng nghiên cứu phát triển Khoa học công nghệ cho đất nước sao cho thích hợp, biết chọn đúng những người tài, sử dụng, động viên khuyến khích họ mang hết sức mình phục vụ cho tổ quốc đất nước”.

GS.TSKH Võ Sở Vọng gửi thư cho Nhà thơ Đặng Vương Hưng nhờ giúp đỡ việc xuất bản tác phẩm “Lục Bát cuộc đời”:

Kính gửi Nhà thơ Đặng Vương Hưng - Chủ tịch CLB “Trái tim người lính Việt Nam”; Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, người đã khởi xướng và trực tiếp tổ chức Ngày hội Lục Bát hàng chục năm nay!

Để ông khỏi bất ngờ tôi xin tự giới thiệu: Tôi là một người nghiên cứu Vật lý. Khi có cảm hứng có làm nhiều loại thơ, trong đó có khoảng bốn năm chục bài Thơ Lục Bát. Và đặc biệt có tập “Hồi ký cuộc đời”từ ngày cất tiếng khóc chào đời, đến lúc rời Phòng Thí nghiệm được thể hiện trong 4952 câu thơ Lục bát.

Tôi đã bỏ công hơn 10 năm để cho ra đời tập Hồi ký: Cuộc đời- Mơ ước- Sự nghiệp. Theo yêu cầu của Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam đề nghị tôi viết bằng văn xuôi. Nhưng tôi muốn “làm khác người” một chút: Viết bằng Lục bát!

Sau nhiều lần tự in, và lấy ý kiến nhiều tầng lớp, sữa đi chữa lại đến nay cảm thấy tạm hài lòng. Trước khi “trình làng” tôi rất muốn xin ý kiến của ông, với tư cách là một chuyên gia của một thể thơ vừa hay, vừa dễ và... vừa khó: Lục Bát.

Tôi rất muốn có địa chỉ của ông, tôi có thể chuyển tới ông 4952 câu thơ lục bát của một người làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên viết về nghề nghiệp của mình trong một giai đoạn khá đặc biệt của lịch sử dân tộc, để nhưng người “ngoại đạo” biết về nghiệp của những người làm khoa học thật.

Mặc dù bản thân đã đọc đi, sửa lại đến vài ba chục lần. Một số người quen thân (kể cả thầy dạy văn thời cấp III, hiện là giáo sư tại Đại học Sư phạm Hà Nội) đọc và cho ý kiến, nhưng khi in, đóng xén xong, đọc lại vẫn thấy có nhiều từ và cả một vài câu muốn chỉnh sửa, bởi tôi muốn cho nó hoàn thiện hơn (theo cảm nhận của một người làm Vật lý) trước khi tới tay các ông. Để khi cầm nó, nếu có gặp các ông chỉ gặp phải “hạt cát” không phải gặp những “hạt sỏi hay cục đá”!

Qua tập Hồi ký thơ này các ông sẽ biết đầy đủ lý lịch khoa học của tôi. Từ trước tới nay tôi đã có trên 60 công trình khoa học (chủ yếu công bố ở nước ngoài). Khi xong công trình nào tôi có thể tự đánh giá được ngay và tất nhiên sau đó được đồng nghiệp quốc tế đánh giá. Vì thế tôi có thể đi “làm thuê” từ Phòng Thí nghiệm lớn này đến Phòng Thí nghiệm lớn khác của nhiều nước.

Nhưng đây là lần đầu tiên tôi cố gắng hoàn thiện một công trình trong lĩnh vực tôi không có một chút kinh nghiệm. Tôi “liều lĩnh”nhảy vào một công việc mà nói như Gíao sư Văn học Nguyễn Thái Hòa - Thầy dạy Văn đồng thời Chủ nhiệm lớp tôi năm 1960 là “Cậu đã làm một việc mà từ cổ chí kim chưa thấy trong Văn học: Viết hồi ký bằng thơ Lục bát”!

Đúng, tôi muốn làm một cái gì đó hơi khác người một tý, kể về 68 năm chuyện đời, chuyện nghề... rối rắm, phức tạp bằng 4952 câu Lục bát - Quốc thơ của Việt Nam - loại thơ dễ thuộc, dễ nhớ nếu như người đọc có sự quan tâm.

Dù có rất nhiều bạn bè và học trò làm nghề xuất bản và phảt hành sách sẵn sàng giúp đỡ, nhưng tôi đã quyết định tìm đến Nhà thơ Đặng Vương Hưng, vì biết ông từng khởi xướng và trực tiếp tổ chức cuộc thi sáng tác Lục Bát mang tên “Tổ quốc và Đạo pháp (2012 - 2018” do Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo và Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn giám khảo, rất thành công. Ông cũng là người sáng lập và điều hành Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam hiện nay. Với tôi, ông là một chuyên gia trong lĩnh vực này”!

Vậy là, vào một ngày đẹp trời cuối xuân Tân Sửu, theo lời hẹn trước Nhà khoa học Võ Sở Vọng đã tìm đến Cà phê Lục Bát. Chúng tôi đã ngồi với nhau cả một buổi sáng tại Thư phòng và trò chuyện cởi mở. Chúng tôi đã ghi hình lại một phần cuộc trò chuyện và công bố trên Diễn đàn “Trái tim Người lính” của mạng xã hội facebook. Sau đó, tôi đã đọc và viết Lời tựa cho tập sách và chuyển đến Nhà xuất bản Thanh Niên xin cấp phép ấn hành.

Và tác phẩm “Lục Bát cuộc đời” dày 304 trang, khổ sách 16x24cm, đã ra mắt bạn đọc đúng dịp hết sức có ý nghĩa: Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 90 năm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1931 – 2021) như một nén tâm nhang để tưởng nhớ những người đã thầm lặng hi sinh và cống hiến cuộc đời mình cho quê hương đất nước.

Đ.V.H

____

Vào lúc 21:30 tối nay, 7/1/2023, mời bạn xem chương trình “Đường đến thành công” trên Truyền hình kỹ thuật số VCT10: Từ một cậu bé mồ côi trở thành Nhà khoa học vật lý nổi tiếng thế giới.

Trái tim người lính