Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần Tô Quang Trọng chia sẻ: Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới có đông học sinh bán trú, Phòng Giáo dục đào tạo luôn chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện tốt công tác nuôi dạy học sinh bán trú. Trong đó, các trường chú trọng đảm bảo các bữa ăn của học sinh đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trang bị đầy đủ chăn, gối cho các em, nhất là vào mùa Đông. Chính quyền địa phường cùng với Ngành Giáo dục luôn quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn cho các trường có học sinh bán trú.
Học sinh bán trú tiểu học Nàn Ma bày tỏ rất thích ở lại trường vì có nhiều thời gian học, được ăn ngon hơn, có nhiều bạn bè. Em Hàng Mênh Mông, học sinh lớp 4A3(ở thôn Nàn Lũng cách trường 18 km chia sẻ: Em thích ở trường hơn vì ở đây có nhiều bạn bè và không phải đi xa. Ở đây, em được ăn ngon và được thầy cô quan tâm.
Cô giáo Vũ Kim Chung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nàn Ma cho biết: Trường có 501 học sinh với 21 lớp, trong đó có 148 học sinh bán trú, có một điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ tại các thôn, bản; trong đó điểm trung tâm có học sinh ở bán trú. Công tác nuôi dạy học sinh bán trú được trường quan tâm. Trường luôn cải thiện bữa ăn cho các em, yêu cầu nhà cung cấp thực phẩm phải đảm bảo thực phẩm tươi ngon và thường xuyên thay đổi thực đơn.
Việc tổ chức ăn, ở tập trung tại trường cho học sinh bán trú đã nâng cao tính chuyên cần và ý thức tự học của các em. Số học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng giảm. Bên cạnh đó, học sinh có nhiều thời gian tự học, thầy cô có nhiều thời gian quan tâm, kèm cặp học sinh. Từ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường ngày được nâng lên. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Nàn Ma, năm học 2022-2023 có 8 lớp với tổng số 285 học sinh, trong đó có 124 học sinh ở bán trú. Thầy giáo Trần Phúc Tân, Hiệu trưởng Trường khẳng định: Cùng với công tác dạy học, trường đặc biệt quan tâm tới việc nuôi dạy học sinh bán trú, là một trường thuộc xã vùng cao, học sinh 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, khí hậu vùng cao luôn lạnh hơn so với các trường vùng thấp chính vì thế vào mùa đông trường chuẩn bị đầy đủ chăn, đệm giữ ấm cho các em học sinh. Đối với đơn vị cung ứng thực phẩm, nhà trường yêu cầu mỗi bữa ăn phải đủ 3 món, thường xuyên lấy ý kiến của học sinh để lên thực đơn, trong ngày.
Phòng Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chỉ đạo tới các đơn vị trường có học sinh bán trú thực hiện nghiêm túc công tác giảng dạy, chăm lo giáo dục học sinh. Phòng tích cực chỉ đạo quyết liệt các trường tăng cường rèn kỹ năng sống cho học sinh bán trú. Trong đó, các em được rèn kỹ năng chăn nuôi, tăng gia sản xuất, trồng rau xanh. Các học sinh vùng sâu vùng xa có mô hình sản xuất riêng. Phòng chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc và chi trả chế độ đầy đủ, kịp thời cho học sinh. Mỗi trường thành lập Ban Quản lý bán trú và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cháu.
Theo cô giáo Hồ Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nàn Ma: Năm học 2022 - 2023, trường có 337 học sinh, 15 nhóm lớp học tập tại 5 điểm trường lẻ và 1 điểm chính. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số luôn được trường thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời. Hiện có 307 học sinh của trường được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81 và được hỗ trợ tiền ăn trưa với số tiền 160.000 đồng/trẻ/tháng theo Nghị định 105. Nhờ được hỗ trợ chi phí học tập và quan tâm chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ đã giúp phụ huynh yên tâm gửi con xuống núi học chữ. Từ đó duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần của trường học vùng cao.
Đặc thù địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, các trường học có tỷ lệ học sinh bán trú đông. Huyện chỉ đạo các trường học tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; chăm lo học sinh bán trú, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước tới học sinh bán trú. Đồng thời, các trường học thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, đảm bảo chất lượng các bữa ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm; rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thực hành cho học sinh bán trú. Huyện tập trung nguồn lực từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất chỗ ăn, ở cho học sinh nhằm đảm bảo tốt nhất việc ăn ở sinh hoạt tại trường. Bên cạnh nguồn lực Nhà nước, huyện kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà lớp học khang trang, để các em học sinh thuận lợi học tập