Hà Giang có 38 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang vừa ban hành thông báo về danh sách 38 cơ sở lưu trú được xếp hạng sao trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách lựa chọn các sản phẩm du lịch khi đến với Hà Giang.

Theo thông báo Số 168/TB-SVHTTDL ngày 14/9/2021 của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng, trong đó, gồm: 4 khách sạn 3 sao, 14 khách sạn 2 sao và 20 khách sạn 1 sao.

khac-san-phuong-dong-yen-minh-1631700503.jpg
Khách sạn Phương Đông (thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh) được xếp hạng 3 sao

Các khánh sạn 3 sao tại Hà Giang gồm: Khách sạn Cao Nguyên, Huy Hoàn (TP. Hà Giang); Khách sạn Phương Đông (huyện Yên Minh); Khách sạn Hoa Cương (huyện Đồng Văn).

Các cơ sở lưu trú phải bảo đảm các yêu cầu về: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định, các điều kiện kinh doanh lưu trú, giấy chứng nhận điều kiện an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cam kết bảo vệ môi trường, 100% nhân viên được qua đào tạo nghiệp vụ, có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ theo tiêu chuẩn để được xếp hạng...

khachsanhhuyhoanhotel-1631701242.jpg
Khách sạn Huy Hoàn (TP. Hà Giang)

Việc đánh giá, xếp hạng cơ sở lưu trú xuất phát từ thực tế với mục đích thông báo cho trước cho khách du lịch. Dựa vào bảng xếp hạng này, du khách sẽ có đánh giá dựa trên các tiêu chí cơ bản được kiểm chứng. Cơ sở lưu trú được xếp hạng càng cao, thì chất lượng phục vụ, trang thiết bị tiện nghi, số lượng dịch vụ càng đầy đủ, hoàn hảo, đáp ứng được yêu cầu đa dạng của du khách.

Tỉnh Hà Giang hiện có 79 điểm du lịch đang khai thác, 57 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (28 di tích Quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh). Cùng với sự phát triển của lượng khách du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng đã có sự phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Mạng lưới kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, các dự án đầu tư vào du lịch ngày càng nhiều, hệ thống cơ sở lưu trú tăng nhanh. Hiện nay, toàn tỉnh có 882 cơ sở lưu trú, với 7.165 buồng, phòng. Cùng với đó là các hệ thống homestay với 509 cơ sở; nhà nghỉ 264 cơ sở.

Cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu ăn uống, thưởng thức văn hóa ẩm thực địa phương được chú trọng, với 287 nhà hàng, quán ăn. Ẩm thực Hà Giang có nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc vùng cao được du khách yêu thích. Đặc biệt, cháo Ấu tẩu và mèn mén đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 – 2021); Mật ong Bạc hà và chè Shan tuyết Hoàng Su Phì lọt Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 – 2021)...

Với sự quan tâm của tỉnh, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đi vào hoạt động đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu tham quan du lịch của du khách; khách du lịch đến Hà Giang trong giai đoạn 2017 – 2020 tăng bình quân 14,8%/năm.  Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi trở lại, đón 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019); tạo ra 12.000 việc làm, trong đó có 6.000 việc làm trực tiếp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu năm 2021, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam do hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo các điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch và trình tự đăng ký thẩm định, tái thẩm định loại hạng cơ sở lưu trú du lịch theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo môi trường kinh doanh lưu trú du lịch trong sạch và bình đẳng.

Mục tiêu của tỉnh Hà Giang đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, thu hút 3 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo ra 28.200 việc làm, trong đó, có 14.100 việc làm trực tiếp.

Định hướng đến năm 2030, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là khu du lịch quốc gia; thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 20.600 tỷ đồng, đóng góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp.

Danh sách 38 cơ sở lưu trú được xếp hạng sao: 

sang-sach-1631700750.jpg

danh-sach-1631700769.jpg
danh-sach-3-1631700772.jpg