Hà Giang: Đưa Căng Bắc Mê trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê (Hà Giang) khởi công từ tháng 2/2021 đến nay các hạng mục của dự án công trình được hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; đảm bảo tiến độ và được nghiệm thu theo đúng quy định.
khanh-thanh-1657375384.jpeg

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang cắt băng khánh thành công trình tôn tạo Căng Bắc Mê.

Chiều 9/7, tại thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia Căng Bắc Mê (giai đoạn I). Dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Hà Giang cùng đại diện thân nhân các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại Căng Bắc Mê và đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn.

chu-tich-ha-giang-1657375441.jpeg

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn (ảnh trên), nêu rõ: Căng Bắc Mê nằm trên sườn núi Rồng, bên dòng sông Gâm thuộc xã Yên Cường, là bằng chứng ghi dấu tội ác của thực dân Pháp; là nơi giam cầm nhiều chiến sỹ cách mạng, là một trường học cách mạng với nhiều tấm gương bất khuất về ý chí kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người cộng sản trong nhà tù đế quốc. Trong thời gian từ năm 1939 đến 1942, thực dân Pháp đưa tù chính trị từ các nhà tù Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình lên giam giữ tại Căng Bắc Mê. Lúc đông nhất, số lượng tù chính trị bị giam tại đây lên tới gần 300 người. Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, ngày 21/1/1992, Căng Bắc Mê được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa TT&DL cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia; trở thành “địa chỉ đỏ" trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân.

dai-bieu-tham-quan-1657375467.jpeg

Các đại biểu tham quan Khu trưng bày, giới thiệu về Căng Bắc Mê và công trình bảo tồn, tôn tạo Căng Bắc Mê mới hoàn thành

Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang; tháng 12/2020, tỉnh quyết định đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê, nhằm bảo tồn, gìn giữ tối đa các giá trị vốn có, tính “nguyên gốc”, gắn liền với công tác quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả bền vững di tích. Huyện Bắc Mê thành lập đơn vị quản lý để bảo vệ, chăm sóc và tổ chức các hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thăm quan, du lịch tại khu di tích.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Sở Văn hóa TT&DL, UBND huyện Bắc Mê, đơn vị quản lý di tích và các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền tại khu di tích; tổ chức tốt các hoạt động phục vụ cho công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân; các hoạt động phục vụ khách nghiên cứu, thăm quan, du lịch; đưa khu di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Căng Bắc Mê trở thành một điểm du lịch lịch sử - văn hóa tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, để hệ thống di tích lịch sử - văn hóa Hà Giang tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo, phát huy, thực sự trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển KT – XH bền vững.

Nhân dịp này, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng quà cho 20 hộ gia đình chính sách và khánh thành nhà ở theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo của tỉnh tại huyện Bắc Mê.

Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, với tổng mức đầu tư giai đoạn I trên 20 tỷ đồng; dự án khởi công từ tháng 2/2021.

Sau hơn 1 năm triển khai, các hạng mục của dự án công trình được hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; đảm bảo tiến độ và được nghiệm thu theo đúng quy định, sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng, gồm: Tu bổ tổng thể, mở rộng vùng cảnh quan ra xung quanh để bảo vệ và phát huy giá trị di tích; cải tạo nhà dừng chân, bia tưởng niệm, các trụ bê-tông hàng rào khu vực nhà tạm giam; hệ thống kè đá và gạch 2 bên lối đi chính; đầu tư xây dựng bãi đỗ xe khu vực tiếp giáp với đường tỉnh lộ bên ngoài lối vào di tích; xây dựng mới nhà trưng bày tại khu di tích; cải tạo, chỉnh trang, làm lại đường từ cổng vào đến bậc đá khu nhà giam; xây dựng lại trụ cổng, biển tên di tích, làm lại sơ đồ tham quan khu di tích; vệ sinh toàn bộ bề mặt, loại bỏ rêu mốc xâm thực trên bề mặt tường và nền các công trình di tích gốc khu nhà giam; lắp đặt biển chỉ dẫn, giới thiệu về di tích tại các hạng mục di tích gốc.