Hà Giang: Phát huy Di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì gắn với phát triển kinh tế du lịch

Tối 16/9, tại SVĐ trung tâm huyện Hoàng Su Phì, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và Khai mạc chương trình du lịch qua những miền di sản ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì năm 2022.

Chương trình du lịch Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì năm 2022 được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Hoàng Su Phì nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung; phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

son-ct-1663344944.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn (ảnh trên) nhấn mạnh, Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới phía tây tỉnh Hà Giang, do nhiều yếu tố về địa lý, văn hóa, nhiều thành phần dân tộc, trong quá trình mưu sinh của mình trải dài hàng ngàn năm lịch sử, nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã sáng tạo và bảo tồn lưu giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang bản sắc riêng biệt, phản ánh rõ nét quá trình đấu tranh khắc nghiệt nhằm chinh phục thiên nhiên để mưu sinh, tồn tại và phát triển của cộng đồng nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì. Đến nay huyện Hoàng Su Phì đã có 9 di tích, di sản được các cấp xếp hạng, gồm 3 di tích cấp tỉnh và 6 di sản cấp quốc gia. Các di tích, di sản văn hóa của huyện Hoàng Su Phì có giá trị, tiềm năng to lớn trong việc khai thác phát triển kinh tế du lịch của địa phương và tỉnh Hà Giang.

Vì vậy, việc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ra quyết định đưa lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao xã Hồ Thầu và lễ cầu mùa dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong huyện mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Hà Giang nói chung cũng như của huyện Hoàng Su Phì trong những năm tới đây.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định phát triển du lịch bền vững là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh trong những năm tới, do đó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị huyện Hoàng Su Phì tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thực hiện tốt các biện pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa đối với các di tích đã được xếp hạng. Làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân nhận thức và tự giác thực hiện đầy đủ việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, di sản. Có kế hoạch khai thác giá trị của các di tích, danh thắng gắn với việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu qua nhiều hình thức khác nhau để phát triển du lịch. Tổ chức tốt chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” Hoàng Su Phì định kỳ hàng năm nhằm thu hút đông đảo du khách đến với địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...

Chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” Hoàng Su Phì được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. Qua 7 mùa tổ chức bằng các hình thức khác nhau (trực tiếp và trực tuyến), đều để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách. Chương trình năm nay diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn và đổi mới, như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ II (cấp huyện), địa điểm tổ chức tại thôn Tả Sử Choóng, xã Tả Sử Choóng; biểu diễn dù lượn “Trên những bậc thang vàng” lần thứ II năm 2022 tại xã Nậm Ty, xã Thông Nguyên; trưng bày sản phẩm và không gian chợ phiên. Ngoài ra, các xã, thị trấn còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm; thời gian tổ chức từ ngày 2/9 đến 30/9/2022.

trao-ghi-nhan-1663344969.jpg
Lãnh đạo xã Hồ Thầu đón nhận Bằng chứng nhận Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 

Đặc biệt tại lễ khai mạc năm nay, huyện Hoàng Su Phì long trọng tổ chức Lễ đón nhận và công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao xã Hồ Thầu và Lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán. Việc được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng giúp địa phương gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, góp phần phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân.

ban-vuong-1663345049.jpg
trình diễn Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao đỏ

Các đại biểu, nhân dân và du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Âm vang của núi”, tái hiện sinh động nét văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì, trong đó có trình diễn Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao đỏ và Lễ Cầu mùa của dân tộc Cờ Lao; tạo ra không gian tham quan, trải nghiệm đặc biệt cho du khách thập phương.

Tất cả các ngành Dao nói chung và người Dao xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì nói riêng đều có tục thờ Bàn Vương. Bàn Vương chính là Bàn Hồ - vị sư tổ của các ngành Dao. Do có công đánh đuổi giặc Cao Vương nên được vua Bình Vương gả con gái là Tam Công chúa, họ sinh hạ được 12 người con gồm 6 trai và 6 gái. Sau đó vua Bình Vương phong Vương cho Bàn Hồ, lấy hiệu là Bàn Vương và ban sắc cho 12 người con của Bàn Vương được mang 12 họ, trong đó họ Bàn được coi như họ đứng đầu. Từ đó tộc người Dao sống hòa thuận, cùng nhau canh tác ruộng nương, săn bắn và khai thác sản vật, phát triển hưng thịnh qua nhiều thế hệ.  Lễ cúng Bàn Vương là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người Dao xã Hồ Thầu. Với quan niệm và cách thức tổ chức nghi lễ hết sức độc đáo, nó hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội Tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng đầy sức mạnh bảo vệ cho họ trong cuộc sống. Đồng thời, nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản tạo nên sức mạnh để tồn tại và phát triển. Ghi nhận những giá trị của lễ thức, lễ cúng Bàn Vương của người Dao xã Hồ Thầu được đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 779/QĐ- QĐ-BVHTTDL ngày 4.4.2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Người Cờ Lao là một trong những dân tộc rất ít người của nước ta, trong đó chủ yếu sinh sống tại xã Túng Sán huyện Hoàng Su Phì. Đây cũng là một trong những dân tộc có vốn văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú, được bảo tồn và gìn giữ qua nhiều thế hệ, trong đó có lễ cầu mùa diễn ra vào đầu tháng 7 âm lịch hàng năm tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng tại thôn Tà Chải xã Túng Sán. 

Nét nổi bật nhất trong lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì đó là thông qua các bài cúng tế ta thấy có một mối liên hệ rất rõ nét về một nhân vật lịch sử Hoàng Vần Thùng với những di tích, những địa danh và những câu truyện kể miệng hiện vẫn còn được lưu truyền trong dân gian. Bên cạnh đó, trong lễ cầu mùa với những vật phẩm là sản phẩm của lao động canh tác nông nghiệp cũng như cách chế biến cùng với các bài cúng với mong muốn cầu mong cho vụ mùa thuận lợi, mưa thuận gió hòa đã thể hiện rõ nét những đặc trưng văn hoá của nền văn minh nông nghiệp lúa nước và canh tác nương rẫy. Mặt khác nếu xét về bản chất cũng như phạm vi không gian và thời gian và cách thức tổ chức buổi lễ thì đây cũng là dịp để cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán huyện Hoàng Su Phì tăng cường tinh thần gắn bó, cố kết cộng đồng trên nền tảng quan niệm về đạo đức của tộc người - một điều tối quan trọng để họ tồn tại trong một xã hội cổ xưa vốn đầy dẫy những bất trắc hiểm hoạ luôn rình dập.

Với những giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo, Lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao đỏ xã Túng Sán huyện Hoàng Su Phì đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 778/ QĐ-BVHTTD ngày 04/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch.