Trong khuôn khổ lễ hội còn có không gian giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Hà Giang (từ ngày 25 - 28/11); giải marathon quốc tế “Chạy trên cung đường Hạnh phúc” tỉnh Hà Giang năm 2022 (diễn ra ngày 9/10); giải đua xe ô tô, mô tô mạo hiểm “Tinh thần Đá” tỉnh Hà Giang (từ ngày 19 - 20/11)...
Để chuẩn bị cho mùa lễ hội, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo chuẩn bị gần 400 ha để trồng hoa tam giác mạch, sao cho hoa nở kéo dài từ cuối tháng 9 đến hết tháng 12; tập trung để hoa nở rộ, đẹp nhất vào đúng tuần tổ chức khai mạc Lễ hội Hoa Tam giác mạch 2022.
Các nơi có diện tích trồng hoa tam giác mạch lớn nhất là huyện Đồng Văn (khoảng 250 ha), trọng điểm dọc QL 4C và cung đường Phố Là, Phố Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Thài Phìn Tủng, Lũng Táo, Ma Lé, Lũng Cú…
Đặc biệt, tại các huyện vùng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cũng tổ chức nhiều hoạt trình diễn, giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc phục vụ người dân và du khách. Huyện Quản Bạ tổ chức Lễ hội dệt lanh xã Lùng Tám, Cán Tỷ và các hoạt động trải nghiệm tham quan hang Lùng Khuý, làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (từ tháng 10 đến tháng 11/2022).
Huyện Mèo Vạc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô (tháng 11/2022). Huyện Đồng Văn tổ chức trưng bày gian hàng sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương; hội thi ẩm thực địa phương tại sân chợ phố cổ Đồng Văn; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc truyền thống... (từ 24 – 27/11).
Không chỉ là loài hoa dùng làm lương thực lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số, tam giác mạch còn mang lại vẻ đẹp thơ mộng, tạo nên nét độc đáo nơi vùng cao núi đá.
Lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu được tổ chức vào năm 2015. Sự kiện diễn ra hàng năm nhằm quảng bá các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Hà Giang, đồng thời kêu gọi đầu tư, thúc đẩy du lịch phát triển.
Truyền thuyết về loài hoa tam giác mạch được người dân bản địa kể lại rằng: Nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, hạt gieo xong, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì, hai nàng bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, người người lấy hạt về ăn. Cho đến khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ mùa sau vẫn chưa tới, cái đói kéo về u ám bản làng, mọi người mới chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng.
Bỗng một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người lần theo mùi hương ấy đến khe núi và ngỡ ngàng khi thấy một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Ăn thử hạt của hoa thấy ngon không kém gì ngô và gạo bèn mang về làm lương thực, khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì cây họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá lại có hình tam giác, vậy là cái tên “tam giác mạch” ra đời.
Thuở ban đầu, tam giác mạch chỉ được sử dụng để làm bánh hoặc trộn với ngô nấu rượu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của loài hoa này có thể đem lại giá trị cho ngành du lịch, tỉnh Hà Giang đã tuyên truyền, vận động bà con người Mông cùng tham gia trồng hoa tam giác mạch.