Hà Nội 12 ngày đêm lịch sử: Quân dân miền Bắc “vạch nhiễu tìm thù”

Đại tá, PGS, TS Dương Hồng Anh -Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

17/12/2021 08:56

Theo dõi trên

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, máy bay địch đã bị các đơn vị rađa của ta phát hiện với tỷ lệ rất cao (93% B52, 86% F111) giúp cho bộ đội phòng không và không quân tiêu diệt kẻ thù.

 

 

Tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã huy động đến mức cao nhất tiềm lực quân sự và tiềm lực khoa học kỹ thuật. Một trong những thủ đoạn được Mỹ sử dụng và liên tục cải tiến là dùng các thiết bị tạo nhiễu để chế áp các thiết bị điện tử của ta. Trong cuộc đấu trí này, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật quân sự của ta đã không quản ngại hiểm nguy để nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù” góp phần vào thắng lợi. Thành công  trong cuộc đấu trí này một lần nữa khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc ta.

Năm 1972, mặc dù đã cố gắng đến mức cao nhất nhưng đế quốc Mỹ vẫn không thể ngăn chặn nổi sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ngày 22/10/1972, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Tại Hội nghị Paris, phái đoàn Việt Nam và Mỹ hoàn thành văn bản hiệp định thỏa thuận về ngày ký kết. Nhưng sau đó Mỹ đã lật lọng, tráo trở trong đàm phán. Cuối tháng 11 năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định có khả năng địch đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn.

Lực lượng không quân được Mỹ huy động vào chiến dịch tập kích gồm gần một nửa số máy bay chiến lược B52 (193 trên tổng số 400 chiếc); hơn 1 phần 3 số máy bay chiến thuật (1077/3041 chiếc); một phần tư số tàu sân bay (6/24 chiếc) của toàn nước Mỹ. Ngoài ra, còn có 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số lượng lớn máy bay phục vụ khác.

 Máy bay B52 - một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ, cao tới 12m, dài 49m, sải cánh hơn 56m, nặng trên 200 tấn. Nó có thể mang được 100 quả bom với tổng trọng lượng 30 tấn (gấp khoảng 10 lần máy bay cường kích F4). Một phi vụ B52 có thể hủy diệt cả một vùng rộng lớn. Một tốp 3 chiếc B52 sẽ biến một diện tích 2 km2 thành bình địa. B52 có tầm bay cao tới 20km, ném bom ở độ cao 17km (hiệu quả nhất là ở độ cao 9 đến 11km) nó có thể bay xa 20.000km mà không phải tiếp dầu.

 

Sức mạnh của không quân chiến lược Mỹ không chỉ ở tính chất ồ ạt với số lượng lớn máy bay B52, mà còn ở hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh, tạo thành cái áo giáp điện tử vững chắc, che giấu toàn bộ lực lượng tiến công, biến mỗi chiếc B52 thành một máy bay tàng hình đúng nghĩa. Tướng John C.Mayer - Tư lệnh không quân chiến lược Mỹ từng nói “Chúng ta coi chiến tranh điện tử là con đường sống còn của không lực Hoa Kỳ”. Chính vì vậy, nhiễu điện tử đã trở thành thủ đoạn chủ yếu nhất của địch trong chiến dịch 12 ngày đêm.

Mỗi B52 mang trong mình nó 16 máy phát nhiễu tích cực với dải tần rộng từ 100 đến 10.000 Mhz (mê-ga-héc); 2 máy gây nhiễu tiêu cực, 2 máy thu tần số rađa của đối phương, không kể những rađa dẫn đường rađa phát hiện mục tiêu, rađa ngắm bắn, rađa ngắm ném bom hết sức tinh xảo để làm nhiễu loạn toàn bộ hệ thống thông tin và vô hiệu hóa tất cả các đài rađa của đối phương.

Địch sử dụng nhiều loại nhiễu, cả nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực. Nhiễu tích cực là nhiễu bằng sóng điện tử phát ra từ những chiếc máy bay EA6A, EB66B, EC121 bay ở vòng ngoài cách mục tiêu khoảng 60-100km để gây nhiễu mạnh từ xa gọi là nhiễu ngoài đội hình. Nhiễu tích cực còn được phát đi từ những máy bay F4 F105, A6, A7 và từ bản thân mỗi chiếc B52 bay trong đội hình tiến công tự che giấu đội hình bay gọi là nhiễu trong đội hình.

 

Nhiễu tiêu cực là hàng triệu triệu sợi kim loại màu trắng bạc, cực mỏng, nhẹ như tơ bung ra từ những quả “bom” do các máy bay F4 đến trước và từ bụng của B52 thả xuống. Mỗi quả bom này mang 450 bó nhiễu, mỗi bó bung ra hàng triệu sợi kim loại bay lơ lửng giăng kín bầu trời, tạo thành một hành lang nhiễu dày đặc, tạo ra một bức tường nhiễu khổng lồ cao 5-7km, dày 1-2km, dài 40-70km chắn ngang mọi cánh sóng rađa của ta.

Địch còn thực hiện gây nhiễu giả máy bay B52. Những chiếc máy bay F4 hoặc F111 bay thành từng tốp, cũng bay thăng bằng, tốc độ ổn định ở độ cao khoảng 10km giống như B52. Đặc biệt là 4 chiếc trong từng tốp bay sát gần nhau, cùng phát nhiễu, tạo thành một dải nhiễu to trên màn hiện sóng, khiến các trắc thủ ta tưởng lầm đó là dải nhiễu của B52. Màn hiện sóng của các trắc thủ, của các sĩ quan điều khiển, mỗi khi bị nhiễu điện tử tấn công làm rối loạn hoàn toàn. Nhiễu trắng xóa cả màn hiện sóng, che lấp mọi tín hiệu phản xạ, khiến cho các chiến sĩ ta không thể nhìn thấy tín hiệu mục tiêu. Sáng 16/4/1972, địch cho 60 máy bay chiến thuật bay vào vùng trời Hà Nội, trong đó có nhiều chiếc F4 gây nhiễu giả B52. Bộ đội tên lửa đã phóng lên 30 quả đạn nhưng không chiếc nào rơi.

 

Trước những “thành công bước đầu” đó, các tướng lĩnh Lầu Năm Góc huênh hoang tuyên bố: Bằng kỹ thuật điện tử không lực Hoa kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống rađa của Bắc Việt. Họ khẳng định máy bay B52 là bất khả xâm phạm, B52 chỉ có thể bị rơi do thời tiết hoặc do trục trặc kỹ thuật chứ quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực của bộ đội phòng không và không quân Bắc Việt.

Không đầu hàng trước thủ đoạn gây nhiễu của địch, bộ đội phòng không không quân đã hạ quyết tâm “Vạch nhiễu tìm thù” một quyết tâm xuyên suốt trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại. Quá trình chống nhiễu và thắng nhiễu của bộ đội tên lửa là hành trình gian khổ bắt đầu từ cuối năm 1965, khi không quân Mỹ lần đầu tiên gây nhiễu ngoài đội hình. Tuy nhiên hồi ấy cường độ nhiễu còn nhẹ, các trắc thủ vẫn còn nhìn thấy tín hiệu mục tiêu trên nền nhiễu để diệt máy bay địch bằng cách đánh tối ưu: phương pháp điều khiển “nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu”.

Sang đầu năm 1967, địch tung ra thủ đoạn mới gây nhiễu trong đội hình. Bản thân mỗi máy bay đi trong đội hình tiến công đồng loạt phát nhiễu. Trong hơn nửa năm trời của năm 1967, bộ đội phòng không không quân, nhất là các tiểu đoàn tên lửa SAM2 ngày đêm vật lộn với đạn bom mà bắn mãi vẫn không trúng máy bay địch. Rồi trong gian khó, các chiến sĩ ta đã nghiên cứu vận dụng thành công phương pháp chống thủ đoạn gây nhiễu trong đội hình bằng phương pháp điều khiển “không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu”. Nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu để bắn đã khó, không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu mà vẫn hạ được máy bay địch đúng là khó tin nhưng đó là sự thật. Tính ưu việt của bộ khí tài Liên Xô cùng với trí thông minh của các chiến sĩ Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu ấy. Ngày 11/8/1967, tiểu đoàn 63 hạ tại chỗ một chiếc RF4C bằng phương pháp không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu. Lập tức, một cuộc họp rút kinh nghiệm được tiến hành ngay tại trận địa. Những bài học nóng hổi ấy đã được kịp thời phổ biến rộng rãi và biên soạn thành tài liệu tập huấn về cách đánh mới cho tất cả các kíp chiến đấu trong toàn binh chủng Tên lửa. Máy bay Mỹ lại liên tiếp bị hạ bằng phương pháp không nhìn thấy mục tiêu trong nhiễu.

 

Nhưng ngay sau đó, vào giữa tháng 12 năm 1967, không quân Mỹ lại thay đổi thủ đoạn gây nhiễu làm cho đạn tên lửa ta hễ rời bệ phóng là bị mất điều khiển. Cán bộ các cấp cho đến các cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn ngày đêm mất ăn mất ngủ để tìm cho ra nguyên nhân. Cuối cùng nguyên nhân đạn rơi đã được làm sáng tỏ. Đó là do nhiễu rãnh đạn - thứ nhiễu lợi hại của địch tác động lên rãnh điều khiển đạn của ta. Các biện pháp khắc phục được đề ra và thông qua Bộ Tư lệnh Quân chủng. Tuy nhiên, đây là một công việc khó khăn. Cán bộ nhân viên kỹ thuật của quân chủng phối hợp với nhóm nghiên cứu nhiễu của Viện Kỹ thuật quân sự thuộc Bộ Quốc phòng lại cùng các chuyên gia Liên Xô gấp rút nghiên cứu tìm cách cải tiến các bộ phận trong đài điều khiển và trong quả đạn. Sau nhiều lần thử nghiệm, đài điều khiển đã bắt được tín hiệu của quả đạn. Viên đạn lại ngoan ngoãn vút lên bay vào quỹ đạo tìm đến mục tiêu quật ngã máy bay địch. Một lần nữa ta đã thắng trong cuộc đối đầu kỹ thuật với kỹ thuật, trí tuệ với trí tuệ - một cuộc chiến thầm lặng kín đáo nhưng hết sức quyết liệt.

Bốn năm sau, tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 đối với miền Bắc với vũ khí và phương tiện chiến tranh được cải tiến hiện đại hơn trước rất nhiều. Những thiết bị gây nhiễu thế hệ mới của không quân Mỹ ra đời đã làm cho bộ đội phòng không không quân ta lại một phen lúng túng. Tên lửa phóng lên lại không tìm đúng mục tiêu. Máy bay địch vào ném bom gây tội ác mà không bị trừng trị.

Từ một phát hiện của ống kính nhìn xa đặt trên nóc đài quan sát, ta quan sát thấy quả đạn tên lửa khi bay lên tìm máy bay địch cứ chui vào khe giữa 2 chiếc máy bay, vượt qua mục tiêu rồi vọt thẳng lên cao và tự hủy. Qua phân tích nghiên cứu hiện tượng, chúng ta đã tìm ra nguyên nhân: do địch giãn rộng đội hình bay, kết hợp tăng số lượng và công suất máy gây nhiễu làm lạc hướng quả đạn. Ta lại cải tiến khí tài thêm một bước, đổi mới phương pháp bám sát mục tiêu, kết hợp rađa với kính quang học, nhờ đó đã đạt kết quả: Máy bay Mỹ vào gây tội ác lại tiếp tục bị tiêu diệt.

 

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, máy bay địch đã bị các đơn vị rađa của ta phát hiện với tỷ lệ rất cao (93% B52, 86% F111) giúp cho bộ đội phòng không và không quân tiêu diệt kẻ thù. Kết quả ta đã bắn rơi 81 máy bay địch (trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111). Để có được thành công này, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật quân sự của Việt Nam được sự giúp đỡ của các chuyên gia đã không quản ngại hiểm nguy để nghiên cứu, tìm tòi ra cách đánh hiệu quả. Thắng lợi trong cuộc đối đầu kỹ thuật với kỹ thuật, trí tuệ với trí tuệ trong chiến dịch 12 ngày đêm - trận tác chiến quyết định này, một lần nữa khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội 12 ngày đêm lịch sử: Quân dân miền Bắc “vạch nhiễu tìm thù”" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn