Hà Nội: Bánh tẻ Phú Nhi ngon nức tiếng

Bánh tẻ còn có tên gọi khác là bánh răng bừa. Bánh tẻ là thứ quà quê, là đặc sản của người dân thôn quê  từ bao đời nay.

Bánh tẻ hay còn được gọi là bánh răng bừa vì bánh được gói có hình răng bừa. Bánh tẻ được làm bằng gạo tẻ xay thành bột rồi ngâm cho nở. Sau đó đem xào thịt ba chỉ băm hoạc có thể thái thành hình con chì, hành củ, mộc nhĩ với mỡ, nêm nếm vừa miệng. Rồi gói các nguyên liệu vào trong lá dong và cho vào nồi luộc.

b01-banh-te-1685871968.jpg

Bánh tẻ hay còn gọi là bánh răng bừa

 

Một số vùng bánh tẻ nổi tiếng, như bánh tẻ làng Chờ (Bắc Ninh), bánh tẻ Phụng Công, Văn Giang (Hưng Yên), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây – Hà Nội). Ở mỗi nơi, bánh tẻ đều có vị đặc trưng riêng. Cắn miếng bánh thơm mùi gạo, béo bùi, đậm đà từ nhân bánh khiến những vị khách khó tính nhất cũng khó lòng chối từ.

Bánh tẻ hiện nay có hai loại là bánh tẻ nhân thịt và bánh tẻ nhân chay. Nếu bạn là một người không thích ăn thịt thì có thể tham khảo bánh tẻ chay. Khác với bánh tẻ nhân thịt, phần nhân của bánh tẻ chay được thay thế bằng mộc nhĩ, nấm hương, và một số loại thịt chay khác. Nhưng hiện nay không phải ở đâu cũng bày bán cả hai loại bánh. Bánh tẻ nhân thịt được làm bày bán rộng rãi hơn.

b02-banh-te-1685872086.jpg

Quỳnh trình làm bánh tẻ công phu

 

Bánh tẻ không chỉ riêng đặc sản vùng nào. Có rất nhiều nơi mở làng nghề bán bánh tẻ như bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây), bánh tẻ Văn Giang (Hưng Yên), bánh tẻ làng Chờ (Bắc Ninh). Mỗi vùng miền đều có một hương vị bánh đặc trưng riêng.

Nhưng trong đó bánh tẻ Phú Nhi – Sơn Tây (Hà Nội) được coi là ngon nức tiếng. Bánh tẻ Phú Nhi không những mộc mạc, giản dị, dân dã mà còn mang hương vị của đất trời, nhưng sâu bên trong đó nó chứa đựng bao tâm tình của người làm bánh, tạo nên thức quà quê xứ Đoài nức tiếng gần xa.

b03-banh-te-1685872128.jpg

Bánh tẻ Phú Nhi được coi là bánh tẻ ngon nức tiếng

 

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, thị xã Sơn Tây từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi. Dù đã tồn tại nhiều năm song nghề làm bánh tẻ tại đây vẫn có chỗ đứng quan trọng và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương. Phú Nhi là một thôn cổ có từ cuối thế kỷ XIX, thuộc huyện Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là làng nổi tiếng với một thứ bánh dân dã ngon nức tiếng. Sự khác biệt của hương vị, gia vị và sự thơm ngon đã làm nên thương hiệu của bánh tẻ Phú Nhi. Ai đã từng lớn lên tại xứ Đoài cũng không khỏi lưu luyến món bánh tẻ dân dã. Ấy thế mới có chuyện người nào có dịp ghé qua đều mua vài chục tới vài trăm cái để ăn đỡ thèm.

Nguồn gốc ra đời của chiếc bánh tẻ Phú Nhi gắn với giai thoại về chuyện tình cảm động của đôi trai gái tên Nguyễn Phú và Hoàng Nhi vẫn được lưu truyền tới tận hôm nay.

Người Phú Nhi gắn bó với chiếc bánh tẻ trắng trong như là duyên nợ. Dù bao vật đổi sao dời, nhưng mọi công đoạn để làm ra tấm bánh truyền thống vẫn như ngày xưa. Bắt đầu là thứ gạo tẻ trắng ngần được người Phú Nhi cẩn thận lựa chọn. Nguyên liệu làm bánh gồm có: Gạo tẻ, thịt ba chỉ, hành khô, mộc nhĩ, lá dong tẻ. Tất cả các nguyên liệu đều được bà con chọn lọc kĩ lưỡng để tạo nên những chiếc bánh tẻ thơm ngon, đặc trưng của bánh tẻ xứ Đoài. Để làm được những chiếc bánh ngon, nguyên liệu quan trọng nhất đó là phải chọn được mẻ gạo tẻ trắng ngần, hạt mẩy. Gạo tẻ cần được ngâm 2 ngày, sau đó đem xay và ngâm tiếp trong 3 ngày. Khi đã đủ thời gian, bột được đem đun lên ở lửa nhỏ và quấy cho tới khi thành hỗn hợp nhuyễn dẻo, có độ dính như keo là được. Nhân bánh cũng được chọn làm từ những miếng thịt lợn tươi ngon được thái nhỏ, sau đó xào cùng mộc nhĩ thái chỉ và hành khô, gia giảm thêm hạt tiêu, nước mắm… thơm phức. Gói bánh cũng cần sự khéo léo để nhân bánh nằm gọn ở giữa, áo bánh dàn đều xung quanh và hình dạng thuôn dài. Từng lượt bánh gói xong được xếp ngay ngắn và đều tăm tắp “trăm cái như một”. Cuối cùng, bánh sẽ được hấp cách thủy khoảng 30 phút để ra thành phẩm.

Bánh ăn ngon nhất là khi vừa mới vớt ra. Bóc vỏ lá xanh, chiếc bánh trắng ngần hiển hiện, mùi thơm nhân thịt tỏa ra như chào mời thực khách. Bánh ăn nóng chấm với nước mắn ngon, thêm chút tiêu thì càng ngon hơn nữa.

Tại thị xã Sơn Tây, trước kia các gia đình chỉ làm số lượng ít bánh tẻ để phụ vụ người thân, họ hàng vào các dịp lễ tết. 3- 4 hộ khác làm bán để phục vụ nhu cầu ăn sáng cho người dân quanh vùng. Đến nay, giao thông thuận lợi hơn, bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây, Hà Nội) trở thành món đặc sản được nhiều người ở các tỉnh trên cả nước biết đến và ưa chuộng, vì thế đã có đến 100 hộ trong làng chuyên sản xuất bánh tẻ với mục đích kinh doanh. Có những gia đình sản xuất trung bình 1.000 - 2.000 chiếc mỗi ngày.Các gia đình làm bánh tẻ lâu năm và coi đây là nghề chính nên thường đầu tư khá nhiều vào thiết bị, vật tư. So với nghề nông nghiệp, làm bánh tẻ vất vả hơn do phải thức khuya, dậy sớm, nhưng cho thu nhập khá hơn mà lại ổn định.

Thời gian cao điểm của việc sản xuất và tiêu thụ bánh tẻ là từ tháng 9 đến tháng 3, đặc biệt dịp sát và sau Tết Nguyên đán. Vào thời điểm đó, có những hộ gia đình làm đến gần 4.000 chiếc bánh tẻ, phải huy động 20 nhân công gói suốt ngày đêm. Món bánh tẻ qua đó cũng được mang đi rất nhiều nơi khắp đất nước.

Bánh tẻ, thứ bánh giản dị mang hương vị của trời, của đất, của tình người, sản phẩm của người nông dân hai sương một nắng. Từ bao đời nay, người làng Phú Nhi vẫn giữ phong tục dùng món bánh tự tay họ làm để làm quà tặng, quà biếu người thân, người xa xứ, như lời nhắn nhủ luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về hương vị truyền thống.