Ngày 4/7/2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 12 đã ra Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND Về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 theo Tờ trình số 206/TTr-UBND ngày 16/6/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Thực hiện Nghị quyết này, ngày 17/8/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4136/QĐ-UBND Về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, đặt tên 52 đường, phố mới và điều chỉnh độ dài 02 tuyến đường, phố, trong đó có phố mang tên Lưu Cơ.
Phố Lưu Cơ thuộc phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, dài 1.160m, rộng 24m (lòng đường 14m, vỉa hè mỗi bên 5m), từ ngã tư giao cắt đường Hoàng Minh Thảo đối diện tòa N01 T3 - Khu đô thị Ngoại giao đoàn đến ngã tư giao cắt đường Xuân Tảo - Phạm Văn Đồng. Đây là con đường trong khu đô thị mới, khi các công trình xây dựng hai bên hoàn thành sẽ là con đường đẹp, kiến trúc và cảnh quan hiện đại.
Thực hiện các nghị quyết và quyết định của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sáng ngày 21/10/2023, Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm trang trọng tổ chức Lễ công bố quyết định và gắn tên bốn phố mới thuộc quận gồm: phố Lưu Cơ, phố Nguyễn Duy Thì, phố Dương Văn An thuộc phường Xuân Tảo; phố Phạm Tiến Duật thuộc phường Cổ Nhuế.
Đồng chí Lê Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, sinh thời cụ Lưu Cơ đã cùng các bậc tiền nhân như Nguyễn Bặc, Lê Hoàn, Đinh Điền, Trịnh Tú, Phạm Hạp... phò tá Đinh Bộ Lĩnh bình định 12 sứ quân, tự xưng đế là Đinh Tiên Hoàng, lập nước Đại Cồ Việt - nhà nước tập quyền độc lập, tự chủ đầu tiên của Việt Nam vào năm 968.
Bên cạnh đó, cụ đã cải tạo thành Đại La từ chầu về phương Bắc trở thành một tòa thành của nước Đại Việt xoay hẳn về Nam, tức là về kinh đô Hoa Lư, cũng là hướng chiến lược phát triển đất nước mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Cụ cũng đã phát triển thành Đại La đủ điều kiện cho vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010. Cụ còn có công huy động sức người sức của của Giao Châu - vùng đất giàu có nhất lúc bấy giờ củng cố cho Kinh đô Hoa Lư và cho vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược năm 981.
Như vậy, Thái sư Lưu Cơ là vị tướng cai quản, tu tạo thành Đại La liên tục trong vòng 40 năm (971 - 1010) qua 3 triều đại, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc dời đô của Lý Thái Tổ từ Hoa Lư về Thăng Long thành công tốt đẹp vào năm 1010. Chính cụ là người đã “trao chìa khóa” thành Đại La cho triều đại mới.
Trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của mình, danh nhân Lưu Cơ đã có những đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc. Tài năng, đức độ của Thái sư đã được người dân Việt Nam các thế hệ ghi nhận, tôn vinh qua hệ thống rất nhiều đền thờ, các gia phả, thần phả...
Nhằm tri ân cuộc đời và công lao to lớn của Thái sư Lưu Cơ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”, diễn ra vào tháng 5/2022 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Hội thảo đã tập trung làm rõ về cuộc đời Thái sư Lưu Cơ và những công lao, đóng góp của ông đối với lịch sử dân tộc, bên cạnh đó là những nghiên cứu về thành Đại La, các di tích, công trình gắn với cuộc đời, tên tuổi của Thái sư Lưu Cơ.Các đại biểu cũng đưa ra những ý kiến tâm huyết, đề xuất những hành động cụ thể để góp phần tôn vinh danh nhân, lan tỏa những giá trị lịch sử dân tộc trong các thế hệ hôm nay và mai sau.
Từ kết quả của Hội thảo, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam đã phối hợp trình các cấp chính quyền thành phố Hà Nội về việc đặt tên đường phố mang tên Lưu Cơ.
Tại buổi lễ, TS Lưu Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam bày tỏ: "Sự kiện này vô cùng ý nghĩa với mốc thời gian trên 1.050 năm về trước Thái sư Lưu Cơ đã cai quản thành Đại La. Thay mặt bà con Lưu tộc Việt Nam tôi xin chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo TP Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, quận Bắc Từ Liêm và phường Xuân Tảo đã có quyết định đặt tên phố Lưu Cơ và chia sẻ niềm vui với bà con họ Lưu Việt Nam cũng như với các gia đình của các danh nhân được mang tên đường, phố tại quận Bắc Từ Liêm lần này".
Thái sư Lưu Cơ sinh ngày 3 tháng Giêng năm 940 ở Tri Hối, châu Đại Hoàng, nay là xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ông là đồng hương, cùng thế hệ của Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Trịnh Tú từ thuở cờ lau tập trận.
Việc đặt tên phố mang tên Thái sư Lưu Cơ cũng như việc đặt tên phố mang tên những danh nhân khác là một việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn tiền nhân, ghi nhớ những gì mà cha ông ta đã dựng xây đất nước. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng, vàng son của dân tộc; nhắc nhở thế hệ hôm nay biết ghi ơn và giữ gìn, phát huy những gì cha ông ta đã để lại…
Nhân dịp này, Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam phối hợp với quận Bắc Từ Liêm và phường Xuân Tảo tổ chức một số hoạt động văn hóa để tôn vinh, tưởng niệm Thái sư Đô hộ phủ, Sĩ sư Lưu Cơ - một danh nhân của dòng họ và cũng là một danh nhân của đất nước thời nhà Đinh.