Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, 5 tuyến phố được đặt tên là niềm vinh dự tự hào của địa phương gồm:
Tuyến phố mang tên Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn (1931-2011), Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển Nông thôn Việt Nam.
Tuyến phố mang tên Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thượng tướng Đào Đình Luyện (1929-1999), nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 6, 7, Đại biểu Quốc hội khóa 7, 9.
Tuyến phố mang tên danh nhân Đào Hinh (1894-1955) - một chiến sỹ cách mạng kiên trung, người con của quê hương Cự Khối - Long Biên kiên cường, bất khuất, nguyên Ủy viên thường trực giám sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tuyến phố mang tên danh nhân Vũ Đình Tụng (1895-1972), nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh, vinh dự nhiều lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương các loại.
Tuyến phố thứ 5 mang tên Liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Đông Trung (1948-1977), phi công Trung đoàn không quân 923, Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đây là 5 tuyến phố mới nằm trong tổng số 41 tuyến đường, phố mới được đặt tên theo Quyết định số 287/QĐ-UBND ngày 11/01/2023 của UBND TP Hà Nội.
“Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với cán bộ và nhân dân quận Long Biên; thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các danh nhân, các anh hùng dân tộc đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bà Đinh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, Long Biên là quận nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, với tốc độ đô thị hóa nhanh, sau 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, hạ tầng kỹ thuật đô thị của quận đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại; mạng lưới giao thông đô thị ngày càng phát triển, đáp ứng quy mô, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nhanh của quận.
PGS.TS Đào Thế Anh chia sẻ với báo chí về niềm vui khi trong gia đình có ông nội là Giáo sư Đào Duy Anh và cha là Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Đào Thế Tuấn được đặt tên phố tại Thủ đô Hà Nội.
“Đây thực sự là niềm xúc động, vinh dự, tự hào không chỉ riêng của các gia đình, dòng tộc chúng tôi, mà còn của cả quê hương, cơ quan đơn vị mà ông cha chúng tôi từng gắn bó. Đây cũng là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp bước các thế hệ đi trước, đồng thời giáo dục cho các thế hệ con cháu tấm gương về sự mẫu mực, sự cống hiến, hy sinh cao cả của cha ông cho mục tiêu độc lập dân tộc, thái bình, hạnh phúc của đất nước ta ngày hôm nay...”, PGS.TS Đào Thế Anh chia sẻ.
Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã nêu lại tiểu sử của Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Đào Thế Tuấn cùng 4 danh nhân khác được đặt tên phố và những đóng góp của họ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong đó nhấn mạnh, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn (1931 - 2011) là một nhà khoa học nông nghiệp uyên bác, suốt đời tận tụy cống hiến vì nền khoa học nông nghiệp Việt Nam, vì nông dân và nông thôn Việt Nam. Ông là cây đại thụ của khoa học Việt Nam, là Viện sĩ hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên xô, nhà nghiên cứu nông nghiệp lỗi lạc, người viện trưởng tài ba. Suốt cuộc đời mình, ông đã đưa ra xuất bản trên 200 bài báo, 20 đầu sách tiếng Việt, 1 sách tiếng Nga, 33 sách, báo, tạp chí tiếng Anh, 58 báo, tạp chí sách tiếng Pháp.
Những nghiên cứu của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là một trong những cơ sở để giúp Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở nước ta nhiều thập kỷ qua như: Khoán 10; Kinh tế tập thể; Chính sách Tam Nông: Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn; Phát triển nông thôn mới; Nông nghiệp sinh thái; Phát triển Du lịch và Làng nghề; Dân tộc và miền núi; Giảm nghèo bền vững; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất nông sản hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường và hướng xuất khẩu...
Với những công lao đóng góp của mình Giáo sư đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Công trạng Nông nghiệp của nước Cộng hoà Pháp. Danh hiệu anh hùng Lao Động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Việc các tuyến đường, phố được mang tên các danh nhân, anh hùng dân tộc không chỉ góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao dịch hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội mà còn góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Được biết, đây cũng là 5 công trình tiêu biểu hướng tới chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023); 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2023) và 20 năm Ngày thành lập quận Long Biên (06/11/2003-06/11/2023).