Phát huy thế mạnh đó, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong khai thác các lợi thế về di sản, sinh thái, tăng cường ứng dụng công nghệ để tạo động lực mới cho sự phát triển.
Gia Lâm là nơi có mật độ di tích dày đặc, có nhiều làng nghề nổi tiếng. Trong đó, có các di tích nổi tiếng liên quan đến Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thái hậu Ỷ Lan…hay các làng nghề gốm Bát Tràng, gốm Kim Lan, dát vàng Kiêu Kỵ, thuốc bắc Ninh Hiệp…Cùng với đó, cảnh quan ven sông Hồng, sông Đuống cũng là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, đền Phù Đổng thờ Thánh Gióng, một trong Tứ bất tử của người Việt là Di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với Lễ hội Gióng ở đền Sóc, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Mới đây, hàng loạt tour du lịch tại Phù Đổng được đưa vào hoạt động, như tour du lịch đền Phù Đổng, chùa Kiến Sơ, khu sinh thái Green Park, tour du lịch một ngày khám phá quê hương Thánh Gióng hay một tour tham quan các di tích liên quan đến Thánh Gióng. Ngoài ra, khách còn có thể chọn các tour liên kết giữa di tích Phù Đổng với những di sản khác ở phía Đông và Bắc Hà Nội như Đền thờ Ỷ Lan, chùa Non Nước, Việt phủ Thành Chương…Điều đặc biệt, Phù Đổng cũng khai thác một số trích đoạn trong hội Gióng để biểu diễn phục vụ khách du lịch nếu khách hàng đặt trước.
UBND xã Bát Tràng đã phối hợp với công ty lữ hành xây dựng tour du lịch hành trình “Dấu chân làng cổ”. Tham gia tour này, khách du lịch được khám phá làng cổ Bát Tràng ở chiều sâu, từ trải nghiệm trong những con ngõ quanh co, cho đến ngắm nghệ nhân làm sản phẩm, nghe những câu chuyện quá khứ và thưởng thức những đặc sản ẩm thực Bát Tràng.
Gia Lâm còn có điểm mới là du lịch nông nghiệp ở làng cổ Văn Đức. Tại đây, khách sẽ được tìm hiểu về các loại trái cây, rau và thảo mộc của Việt Nam và cách trồng trọt, chăm sóc; tham gia vào các hoạt động nông nghiệp thực hành như trồng và thu hoạch lúa, cuốc đất và bón phân hay học cách đánh bắt cá từ sông với một loạt các công cụ đánh cá truyền thống…
Theo lãnh đạo huyện Gia Lâm, để phát triển du lịch, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025”. Huyện đã đầu tư tu bổ di tích, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Gia Lâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng những sản phẩm mới, tập trung vào phát triển du lịch văn hóa du lịch xanh. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thông qua việc đầu tư xây dựng ứng dụng và trang website chuyên đề về du lịch Gia Lâm; số hóa du lịch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận thông tin, đặt mua các dịch vụ.
Với những đổi mới tích cực này, Gia Lâm được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân Hà Nội cũng như khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Thủ đô.