Lễ hội trong các chùa ở Việt Nam thường mang đến không khí linh thiêng, trang trọng và tươi vui, là dịp để cộng đồng tập trung cầu nguyện, tôn vinh các đạo lý tốt đẹp, đi kèm với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Lễ hội được tổ chức vào những tháng xuân, thường mang ý nghĩa của sự tái sinh, sự mở đầu mới, và sự tươi vui. Đây là thời điểm quan trọng trong văn hóa Việt Nam, khi mọi người chào đón mùa xuân mới, với hy vọng, niềm vui, và lòng biết ơn. Lễ hội mùa xuân thường diễn ra đầy sắc màu, với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, và ẩm thực đặc trưng.
Mỗi năm, vào ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch, lãnh đạo và nhân dân phường Láng Thượng lại tổ chức lễ hội Chùa Láng với nghi thức trang trọng, kỷ niệm ngày sinh của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Lễ hội truyền thống chùa Láng năm 2024, là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhằm bảo tồn, quảng bá, và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cũng như văn hoá lịch sử nói chung của dân tộc.
Trong sáng nay (15/4), lễ khai mạc đã diễn ra, với sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Quận Đống Đa, Phường Láng Thượng, cùng các cụ cao niên hai giới và nhân dân. Tiếp theo là nghi thức tế lễ, dâng hương và các hoạt động tín ngưỡng truyền thống.
Buổi chiều, từ 14h - 17h, các đoàn đại biểu sẽ dâng hương, dâng lễ. Văn nghệ ngoài trời sẽ được tổ chức phục vụ du khách. Từ 19h - 21h, dẫn “lục cúng” và hát chèo. Theo quan niệm của Phật giáo, “lục cúng” (sáu lần cúng), mỗi lần cúng tương ứng với một trong sáu lễ vật cúng dường: hoa, hương, đèn, trà, quả, và nhạc. Mục đích của “lục cúng” là để cúng dường chư Phật, tưởng nhớ ân sâu hóa độ của Đức Phật và thực hành hạnh phụng sự chúng sanh, truyền bá chánh pháp.
Trước đó, ngày 14/4/2024 (tức mùng 6 tháng 3 âl) đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa của lễ hội như: dâng lễ chùa Tam Huyền, đình Ứng Thiên; nghi thức gióng kiệu; dâng hương Lễ Đức Thánh; văn nghệ ngoài trời; cúng khao thỉnh; bao sái dải phục y Phật cà sa; mặc triều phục Hoàng đế và cúng khai quang.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội (16/4/2024), buổi sáng, vẫn là lễ dâng hương của các đoàn; văn nghệ ngoài trời. Các trò chơi dân gian sẽ diễn ra vào buổi chiều, như: thổi cơm thi, đập niêu, bịt mắt bắt dê, ném vòng cổ vịt, cờ tướng, tổ tôm điếm,... và Bế mạc vào lúc 17h.
Chùa Láng, hay còn được gọi là Chiêu Thiền tự, toạ tại làng Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Tên của chùa có ý nghĩa "Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu; đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền". Tương truyền, chùa được khởi công xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông, để thờ phụ vương và tiền thân của ngài là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa Láng trước đây có tổng cộng 100 gian, được xây dựng theo phong cách kiến trúc nội công ngoại quốc, và hiện vẫn giữ được sự uy nghi, bề thế trong không gian xung quanh.