Hà Nội: Làng Chài – Làng nghề truyền thống về đậu phụ

Làng Chài (thôn Võng La, xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội) được biết đến là làng nghề nổi tiếng với truyền thống nghề làm đậu phụ. Người dân gọi đậu nơi đây bằng một cái tên thân thuộc là “đậu phụ Làng Chài”. Đậu làng Chài có hương vị bùi, thơm, béo ngậy khác hẳn với các đậu trong vùng.

Cái tên đậu làng Chài được bắt nguồn từ xưa. Thôn Võng La trướccó tên là “làng Chài” hay còn gọi là “Phao Võng phường” - nghĩa là phường chài lưới bên sông. Tương truyền, thời Vua Hùng, 3 vị thánh có công giúp thần Tản Viên dẹp nạn hồng thủy đi qua thôn và dạy người dân ở đây nghề làm đậu phụ, từ đó cái tên đậu làng Chài.

b01-lang-chai-1685781807.jpg

Cổng Làng Chài.

 

Công việc làm đậu sẽ bắt đầu từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Trung bình mỗi đêm làm việc sẽ sử dụng từ 50 - 60kg đỗ tương để có thể phân phối đủ đến các đại lý, các nhà bán lẻ. Nghề làm đậu này vất vả từ khâu chuẩn bị cho đến khi tạo ra được thành phẩm để đưa đến tay người dùng. Để tạo ra một bìa đậu ngon thì phải chọn được những hạt đỗ tương đều nhau, vỏ mỏng vàng, nhẵn bóng, đem phơi khô ngâm với nước giếng khơivàsau đó đãi sạch vỏ rồi đem xay, phải ngâm với nước giếng khơi và sau đó mang đi xay.

Khi xay,quan trọng nhất là phải cân bằng được lượng nước sao cho phải vừa đủ, và sẽ cho thêm một vài miếng nghệ tươi vào quá trình xay để miếng đậu phụ khi chế biến có màu vàng.Sau khi lọc lấy bã, nước tinh còn lại đem đun sôi, múc ra nồi om, chế thêm nước chua tự nhiên rồi khuấy đều. Quá trình chế nước chua cũng rất quan trong vì nó quyết định chất lượng bìa đậu, nhưng cũng phải phụ thuộc vào thời tiết nóng hay lạnh để pha nước chua, thường một bìa đậu có màu vàng nhạt là ngon. Sau khâu pha chế này, sữa đậu sánh lại, tạo óc đậu hay hoa đậu. Cuối cùng, cho vào khuôn đúc thành những bìa đậu.

b02-lang-chai-1685781904.jpg

Đậu phụ Làng Chài. Ảnh Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội.

 

Theo chị Nguyễn Tuyết Lan, thợ của một cơ sở làm đậu chia sẻ: “Đậu làng Chài xưa nay nổi tiếng với hương vị thơm, béo ngậy, mềm và không gợn so với đậu trong khu vực nên khi làm đậu chúng tôi phải rất cẩn thận vì nếu sản phẩm không tốt sẽ phải làm lại, mà làm lại sẽ mất rất nhiều thời gian và không kịp đưa đến tay các nhà phân phối, ảnh hưởng rất xấu đến cơ sở sản xuất và làng nghề”. Với quy trình khắt khe như vậy nên đậu nơi đây mới thu hút được người dân xung quanh, thập khách tứ phương và đã được UBND TP Hà Nội công nhận là Làng nghề truyền thống Hà Nội vào ngày 5/1/2019.

Nghề làm đậu tại làng Chài xã Võng La đã gắn bó với mảnh đất này hàng trăm năm và đây là chính là nghề đã giúp người dân tăng thêm thu nhập. Đối với nhiều người dân nơi đây thì từ khi sinh đã làng Chài đã có nghề làm đậu, kí ức từ khi còn bé là xem bố mẹ làm nghề,lớn lên thì phụ giúp những công việc đơn giản như ngâm đậu, xay đậu...

Theo trưởng thôn Võng La Nguyễn Thế Tiến: “Nghề làm đậu phụ của thôn chỉ thực sự phát triển trong khoảng 20 năm trở lại đây”. Đậu Làng Chài ngày nay càng phát triển hơn khi đẩy mạnh mô hình làm đậu với quy mô rộng, hợp tác với những doanh nghiệp lớn và hợp tác xã thanh niên Võng La. Người dân từ xưa đến nay xay đậu bằng cối đá, nhưng từ khi hợp tác với hợp tác xã thanh niên Võng La thì đã cải tiến bằng việc sử dụng máy móc như máy xay, máy vắt, máy ép đậu.Từ khi hợp tác thì công việc làm đậu bớt khó và tốn sức hơn, đậu được nhiều người biết đến và được phân phối đến các trường học, khu công nghiệp và phân phối rộng trên địa bàn thành phố. Đậu làng Chài có giá 3.000 đồng một bìa đậu”.

Hiện nay, xã Võng La có gần 30ha đất hoa màu trồng đậu tương và có 3 cơ sở, một công ty sản xuất đậu, bán nguyên liệu đỗ tương cho các hộ làm đậu trong làng, có tới hơn 80% hộ dân sản xuất đậu phụ.