Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống về gốm sứ ở Việt Nam, nơi đây không chỉ lưu giữ được những nét văn hóa của một làng nghề truyền thống mà còn nổi tiếng về làm gốm sứ hàng đầu ở nước ta. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, Bát Tràng ngày nay còn là điểm du lịch thú vị đối với nhiều du khách muốn tìm hiểu và biết về kỹ nghệ làm gốm sứ lâu đời bậc nhất còn truyền được đến ngày nay.
Làng Bát Tràng, quê tôi xưa có 23 dòng họ, cùng nghề làm gạch làm gốm, lại cùng quê cũ đến quê mới mở lò làm gốm, lập nên làng Bát Tràng. Trải bao biến cố thăng trầm, nay còn 19 dòng họ vẫn giữ nghề, cộng cư tại làng, 4 họ không còn hậu duệ tại quê. Các dòng họ đều có nhà thờ, thờ cụ Tổ, hàng năm đều tổ chức lễ giỗ, con cháu lập nghiệp ở xa quê, nhớ ngày giỗ tổ hồi hương cúng giỗ, gặp lại họ hàng, thăm lại cố hương.
Việc xây dựng nhà thờ, duy trì cùng giỗ hàng năm, là truyền thống đẹp của quê hương tôi.
Hàng năm vào ngày hội làng, các dòng họ tập trung tại nhà thờ tu lễ cúng tổ, tu lễ cúng Thành Hoàng; Trong trang phục ngày hội, khăn áo lượt là, từ các nhà thờ họ, đội lễ gia đình lễ Thánh.
Họ Phạm Ngũ chi là một trong số các dòng họ đa đinh, đến Bát Tràng lập nghiệp sớm. Các dòng họ từ Ninh Bình và Thanh Hóa xưa đến Bạch Thổ Phường sớm nhất là Vương, Lê, Nguyễn, Phạm, Trần, Phùng.
Tại quê mới, làng Bát Tràng ngày nay, các địa danh đều được tiền nhân đặt theo tên xưa trên quê cũ. Đó là Bát Rạn, Bạch Thổ, Bồ Xuyên, Vĩnh Ninh Tràng...Tên làng tôi có lẽ là tên ghép của các địa danh cũ mà thành?
Hàng năm, họ Phạm tổ chức 2 ngày giỗ Tổ vào ngày mồng 3 tháng 3 và ngày mồng 8 tháng 8. Đây không phải là ngày húy của cụ , mà là ngày húy chung đươc chọn, cho 5 đời đầu tiên, khi chưa phân chi. Năm cụ đời đầu được phối thờ tại nhà thờ Đại Tôn. Đến đời thứ 5, phân 5 chi, các chi mới lập nhà thờ riêng thờ Tổ chi của mình. Theo tộc phả họ Phạm thì đó là đời thứ 6.
Cũng giống nhiều họ trong làng, họ Phạm ngũ chi chỉ còn cơ sở thờ tự và duy trì lễ giỗ tại nhà thờ Đại tôn.
Duy trì lễ giỗ hàng năm do trưởng nam cùng Ban khánh tiết ( BKT) dòng họ đảm trách. Ban được chia và thay phiên với nhiệm kỳ 2 năm cử lại một lần.
Năm nay, tháng 3 vì đại dịch Covid, họ phải tổ chức hẹp. Ngày mồng 8 tháng 8, lại giãn cách xã hội, nên lễ giỗ chỉ tổ chức trong đại diện BKT.
Thay mặt BKT, quyền trưởng nam họ Phạm ngũ chi có vài dòng kính cáo với bà con đồng tộc xa quê, cùng các dòng họ có quan hệ thân tộc. Hẹn năm sau, gặp nhau trong ngày giỗ đươc đông vui đầm ấm.