Những câu ca đầu tiên ngân lên trong ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp như nói hộ nỗi lòng, tình cảm của triệu triệu người con đất Việt đối với thủ đô ngàn năm văn hiến.
“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình”
Hà Nội, nỗi nhớ người đi
Nỗi nhớ thương quê hương xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn một thời là thứ tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng của mỗi con người. Đặc biệt hơn, nỗi nhớ đó khi hướng về miền đất mang tên Hà Nội thì lại ẩn chứa nhiều cung bậc cảm xúc và trạng thái khác nhau. Nỗi nhớ Hà Nội kiêu hùng của những năm tháng chiến tranh khói lửa bao trùm nhưng ý chí con người vẫn vươn lên quật cường để giữ vững vùng trời thủ đô. Nỗi nhớ Hà Nội giản dị được đánh thức bởi những tiếng leng keng tàu điện một thuở hay gói tròn trong hương cốm Vòng, trái sấu chín cây. Hà Nội còn vương vấn ai đó nơi những dáng hình một thời hò hẹn… Kỳ lạ thay và cũng rất đỗi tự nhiên, chất phác, mỗi con người đã từng gắn bó với Hà Nội đều có trong mình những miền ký ức rất riêng mà theo năm tháng chẳng thể phai mờ, cứ khiến con người ta khắc khoải khôn nguôi.
Sự xuay vần của thời gian và không gian đã khoác lên Hà Nội những màu áo mới, tinh tươm hơn, hiện đại hơn và cũng đa dạng hơn, song không có nghĩa là xóa nhòa đi những dấu ấn của thời gian đã kinh qua. Cũng bởi vì vậy mà nỗi nhớ Hà Nội theo năm tháng như được bồi tụ thêm và sâu đậm bởi lớp lớp người đến và đi, trở lại và tạm biệt. Ấy là khi Hà Nội không đơn thuần biểu thị tên riêng của thủ đô một nước, không chỉ có ý nghĩa mô tả vị trí địa lý - nơi có dân số lớn thứ hai cả nước và là địa phương thu hút lực lượng lao động lớn khu vực phía bắc,… Hà Nội hiện hữu trong lòng người, những “người đi” không giản đơn nơi hai tiếng “đất ở” như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói tới mà là “tâm hồn”, có khi là tuổi thơ, là tuổi trẻ, là nơi điểm họa thanh xuân ta.
Hà Nội, nỗi nhớ kẻ ở
Dễ thường nỗi nhớ Hà Nội chỉ dành cho những “người đi” luôn đau đáu về nơi này trong quá khứ đã từng trải nghiệm. Nhưng thật kỳ diệu, nỗi nhớ Hà Nội còn hiện hữu cả với những “kẻ ở”, những con người đang hàng ngày hàng giờ gắn bó đời mình với nơi đây, khi chưa xa đã nhớ, đương gần vẫn luyến lưu. Nhớ Hà Nội như cái cách người người nhớ tiếng ghi ta hòa vào dòng người huyên náo mỗi tối thứ bảy một góc phố đi bộ; như kẻ lữ khách nhớ khói hương nghi ngút của bát phở nóng đầu đông; hay bình dị như cách người ta nhớ tiếng rao đêm, nhớ những cô gánh gồng quanh 36 phố phường Hà Nội; thậm chí dữ dội nhưng hiện thực như người bạn của tôi nói rằng nhớ khoảnh khắc tắc đường, người xe đông kẹt những ngã tư, ngã năm của Hà Nội…
Đó là những thời điểm khó khăn và cam go nhất, khi Hà Nội cùng cả nước phải gồng mình chống lại sự lây lan của dịch bệnh covid 19, toàn thành phố phải trải qua không ít những đợt giãn cách xã hội. Dù cuộc sống của người dân ít nhiều có sự xáo trộn và trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình an sinh. Song vượt lên trên tất cả những biểu lộ của cảm xúc cá nhân, tôi vẫn thấy nỗi nhớ Hà Nội bao phủ tất thảy lòng người và cả tôi ở đó. Trong sâu thẳm nỗi nhớ ấy là tâm trạng bồn chồn, lo lắng cho Hà Nội, thậm chí là nỗi đau khi chứng kiến cuộc sống bình yên nơi đây bị tấn công bởi dịch bệnh. Hà Nội tuy giãn cách mà chẳng hề xa cách bởi lòng người luôn hướng về nhau.
Nỗi nhớ Hà Nội đã chuyển hóa thành tình yêu và hành động để người dân đồng lòng và kiên cường với các quyết sách chống dịch của Thành phố. Cứ ngỡ nỗi nhớ nhung là một trạng thái tâm lý, nhưng nhớ Hà Nội có hình hài vạn trạng đó. Những người chiến sĩ áo trắng nhớ Hà Nội mà miệt mài cứu chữa cho người bệnh, thần tốc bao phủ tiêm vắc xin cho người dân thành phố. Nhớ Hà Nội như lực lượng bảo an ngày đêm trực chốt, điều tiết mọi hoạt động. Những tấm lòng thiện nguyện lo cho những mảnh đời yếu thế, và nhiều lắm những con người không ai biết mặt biết tên nhưng họ vẫn hăng say cống hiến sức mình cùng thủ đô vượt khó. Đó đích thị là nỗi nhớ, phải nhớ lắm, yêu lắm và thương lắm thì con người mới có sức mạnh mà hành động quên mình như vậy.
Người dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đều nhớ thương Hà Nội. Không chỉ vậy, chúng ta luôn tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của nhân dân thủ đô và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền thành phố trong cuộc chiến chống dịch còn nhiều thách thức này. Từ những thành tựu đã đạt được cho thấy Hà Nội đang dần kiểm soát tốt tình hình và cuộc sống bình thường mới cũng dần được thiết lập. Cuộc chiến phi nghĩa nào rồi cũng phải kết thúc với thắng lợi thuộc về chính nghĩa. Đối mặt với dịch bệnh cũng tựa như bước vào một cuộc chiến cam go nhưng toàn thể người dân luôn có niềm tin mãnh liệt vào một chiến thắng toàn diện không xa của thủ đô, như chiến thắng hiển hách đã từng lập nên trong ngày lịch sử 10 tháng 10 năm 1954 vậy.
Hà Nội ngày 26/9/2021 - PH