Các tuyến đường chính dẫn vào trung tâm thành phố như: Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Láng… hằng ngày thường xuyên ùn tắc nay trở nên vắng vẻ. Bến xe Nước ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình; ga Hà Nội… đông đúc, ồn ào là vậy, giờ cũng vắng lặng. Ùn tắc giao thông tại chốt kiểm soát cầu Phù Đổng (Gia Lâm) và cửa ngõ phía Nam Hà Nội trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội đã được giải quyết thông thoáng.
Thị trường hàng hóa vẫn ổn định
Trong tuần đầu giãn cách xã hội, Hà Nội tăng cường xét nghiệm sớm để phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng. Trung bình một ngày, Hà Nội phát hiện từ 50-60 ca mắc mới, dự kiến sắp tới có thể tăng hơn, vì hiện nay có nhiều trường hợp trong cộng đồng, không có biểu hiện triệu chứng và thành phố đang tăng cường rà soát các trường hợp ho, sốt và đối tượng có nguy cơ cao. Sau quá trình chuẩn bị chu đáo, Hà Nội cũng bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân Thủ đô tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả 3 loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.
Cộng dồn số mắc dương tính với CoVid 19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 cho đến sáng 31/7) là 1.123 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 670 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 453 ca.
Ngay từ ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, được cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 6h ngày 24-7, cho thấy: Cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Hà Nội đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, thực hiện các biện pháp phòng dịch ở mức cấp bách nhất. Mặc dù đầu giờ sáng 24-7, người dân vẫn còn tâm lý mua nhiều hàng hóa hoặc ra đường không lý do, nhưng nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, ý thức người dân đã được nâng cao, tình hình trật tự xã hội, thị trường ổn định. Nhiều chốt phòng dịch đã được dựng khẩn cấp trên các tuyến đường phố chính.
Nhờ việc chủ động chuẩn bị khẩn trương, thị trường hàng hóa tại Hà Nội những ngày giãn cách vẫn ổn định, lượng hàng dự trữ tăng lên gấp ba lần bình thường. Tại một số siêu thị như Hapro, Big C Thăng Long, VinMart, Intimex… lượng người tới mua tăng nhẹ, hàng hóa đa dạng. Người Hà Nội không còn đổ xô tích trữ lương thực, thực phẩm như năm 2020.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, đến giờ phút này, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản theo từng cấp độ của dịch Covid-19 để bảo đảm luôn nắm thế chủ động. Để chuẩn bị cho việc áp dụng Chỉ thị 17/CT-UBND, thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch tiệm cận với các biện pháp được nêu trong Chỉ thị. Các cơ quan thành phố như y tế, công thương, giao thông vận tải, nông nghiệp... đều đã chủ động chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch ở các mức độ khác nhau để giữ thế chủ động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Khi thực hiện giãn cách, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, những người yếu thế nên thành phố đã chuẩn bị kế hoạch cụ thể để bảo đảm tất cả người dân được đáp ứng nhu cầu đời sống tối thiểu. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã, thậm chí ở thôn, tổ dân phố cũng đã có kế hoạch quan tâm, hỗ trợ các trường hợp khó khăn, yếu thế. Thành phố sẽ tiếp tục rà soát để kịp thời giúp đỡ, trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Hà Nội luôn xác định xuyên suốt tư tưởng “Chống dịch như chống giặc”, lấy an toàn sức khỏe của người dân là mục tiêu số 1. Nêu rõ thực tế để chống dịch Covid-19 thành công thì sự đồng thuận và vào cuộc của người dân mang tính quyết định, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan báo chí trung ương và thành phố Hà Nội tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương của thành phố, tích cực tuyên truyền tạo đồng thuận trong nhân dân nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 17/CT-UBND.
Những hạn chế, chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả
Tuy vậy, tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn có chuyển biến tích cực, nhưng số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ. Việc thực hiện Chỉ thị còn có những hạn chế, chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, chưa đúng tinh thần Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ; nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng có địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là, chủ quan; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách... ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Theo các chuyên gia, nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội vẫn rất cao vì hiện nay có đa nguồn lây, đa ổ nhiễm. Nếu mỗi người dân thực hiện tốt trong thời gian giãn cách, Hà Nội sẽ sớm kiểm soát được tình hình.
Trao đổi với phóng viên báo chí, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định mặc dù tình hình dịch ở Hà Nội không phức tạp như TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng qua sàng lọc, vẫn có đa nguồn lây, đa ổ nhiễm nên nguy cơ dịch có thể bùng phát như tại TP.HCM bất cứ lúc nào.
Liên quan đến một ổ dịch mới vừa tấn công vào Bệnh viện Phổi Hà Nội, PGS Nhung cảnh báo về sự nguy hiểm cho các bệnh viện. Theo ông Nhung, dịch xâm nhập bệnh viện có nhiều nguyên nhân, có thể từ nguồn người bệnh đến khám mà khi thực hiện sàng lọc không hết; thứ hai là người nhà của bệnh nhân không tuân thủ nghiêm quy định và bệnh viện quản lý không chặt, việc người nhà bệnh nhân ra vào là nguy cơ đưa dịch từ ngoài vào trong bệnh viện; thứ ba là đối tượng nhân viên y tế có thể bị lây nhiễm từ bên ngoài.
“Các cơ sở y tế cũng phải rút kinh nghiệm ngay lập tức. Đây cũng là lời cảnh báo cho tất cả các bệnh viện, các cơ sở y tế cần triển khai sàng lọc, như mô hình sàng lọc 3 lớp của Bệnh viện Phổi Trung ương”- PGS Nhung nêu rõ.
Ông Nhung cho rằng Hà Nội vẫn có khả năng kiểm soát được tình hình khi thành phố đã áp dụng Chỉ thị 17 dựa trên nguyên tắc của Chỉ thị 16 của Chính phủ hợp lý và kịp thời, qua đó đảm bảo việc phòng, chống sự lây lan của dịch.
Vị chuyên gia này cũng đánh giá cao thành phố đã có những động thái phòng, chống dịch rất sớm. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ thị này phải thật nghiêm túc. Nếu không, Hà Nội sẽ lại rơi vào tình huống như một số tỉnh, thành phố thời gian qua.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam, cùng với sự thay đổi, nguy hiểm của biến chủng Delta, PGS Nguyễn Viết Nhung đánh giá cao TP Hà Nội đã có những biện pháp mạnh trong việc ngăn chặn dịch, trong đó đã yêu cầu những người đi từ vùng dịch về đều phải cách ly.
Ông Nhung cũng cho rằng, để đề phòng tình trạng virus lan rộng, Hà Nội cần thí điểm sớm việc F0, F1 có thể cách ly tại nhà. Điều này là phù hợp để cơ sở y tế, hạ tầng y tế đảm bảo có sự dự trữ, trong trường hợp cần phải chăm sóc y tế thì mới vào bệnh viện.
Theo PGS Nhung, trong thời điểm này, việc thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà rất cần cho Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác, vì thí điểm nghĩa là chúng ta có sự chủ động.
Điều quan trọng là cần theo dõi sức khỏe của F0 không triệu chứng để đáp ứng 2 yêu cầu: không lây sang người khác, theo dõi bảo toàn tính mạng cho chính mình. Nếu theo dõi tốt thì có thể đáp ứng được. Theo thống kê, trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng chiếm khoảng 60%. Con số này nếu vào bệnh viện sẽ quá tải ngay lập tức với hệ thống y tế.
“Bài học rất rõ của Bắc Giang và TP.HCM, Hà Nội không nên để bị lặp lại bằng cách thí điểm, chủ động F0 cách ly tại nhà như thế nào, F0 cách ly tại bệnh viện như thế nào, F1 cách ly tại nhà như thế nào. Tất cả đều cần phải thí điểm và hoàn thiện mô hình để khi cần dùng đến là phải dùng ngay, phải dành thế chủ động thì chúng ta mới chiến thắng được dịch”- PGS Nhung cho biết.
Đồng quan điểm nêu trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng khi thực hiện nghiêm các quy định trong Chỉ thị 17 của thành phố, người dân thủ đô vẫn có thể hy vọng sớm kiểm soát được tình hình. “Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM hay một số địa phương có dịch đều là những bài học đắt giá khi virus lây lan mạnh nhưng giãn cách không nghiêm”-ông Phu nhấn mạnh.
Theo ông Phu, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng hay giãn cách xã hội ngay khi dịch có dấu hiệu lây lan rộng là những việc làm khoa học, quyết liệt để sớm khoanh vùng, dập dịch.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, hiệu quả của Chỉ thị lần này cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đáp ứng, ý thức của người dân. Chúng ta phải làm sao để người dân càng hạn chế ra đường, tiếp xúc, tụ tập đông càng tốt. Khi đó, chúng ta có thể hy vọng Hà Nội có thể sớm dập dịch sau 15 ngày giãn cách.
Những biện pháp cấp bách tiếp theo
Chỉ thị số 05-CT/TU ban hành ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19".nêu rõ 6 nhiệm vụ cấp bách của thành phố tiếp tục thực hiện là:
1. Nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19; xác định rõ đây là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 để bảo vệ an toàn, tính mạng Nhân dân, bảo vệ cuộc sống yên bình và tương lai phát triển của Thủ đô, của đất nước. Toàn hệ thống chính trị xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở cùng vào cuộc một cách thực chất, chủ động, quyết liệt, tập trung cao nhất triển khai đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 177-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.
2. Tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 do cấp ủy các cấp, trực tiếp là Ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành phố về hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình quản lý. Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình, chấn chỉnh toàn diện việc triển khai, tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 177-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố trên địa bàn mình quản lý, bảo đảm thực hiện một cách thực chất, đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ và toàn diện từng nội dung tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thành phố, đặc biệt là tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.
3. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban thường vụ cấp ủy, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/24h và 7 ngày/tuần để kịp thời chỉ đạo giải quyết công việc trong mọi tình huống; gắn quản lý địa bàn với trách nhiệm cá nhân đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ các cấp; bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực; tăng cường các kênh giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và Nhân dân.
4. Các địa phương, đơn vị chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch bệnh như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ” và thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư tự quản tại một số quận, huyện… để nghiên cứu triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố.
5. Các Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1103-QĐ/TU, ngày 4-6-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy; các cấp, các ngành của thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị (từ quận, huyện, thị xã đến tận xã, phường, thị trấn và thôn, làng, tổ dân phố, cơ sở cách ly tập trung,…); giám sát thường xuyên công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trực thuộc và người đứng đầu cấp ủy; coi hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là thước đo uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, làm căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại thi đua... Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình, kỷ luật nghiêm nơi làm chưa tốt; công bố công khai để làm gương.
6. Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố quyết liệt điều hành các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quán triệt “Lời kêu gọi toàn dân quyết tâm, đoàn kết hơn nữa để chiến thắng đại dịch Covid-19” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, tin tưởng nhân dân Thủ đô chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, sớm chiến thắng đại dịch này.